Người thương binh suốt 20 năm thiện nguyện giúp đời

.

ĐNO - Hơn 20 năm qua, người thương binh Nguyễn Tiến Dân (72 tuổi, ở quận Thanh Khê) không còn nhớ mình đã đi bao nhiêu chuyến, chỉ biết là đã đến với nhiều học sinh nghèo miền Trung. Những món quà là những quyển sách vở, đồ dùng học tập, chiếc áo ấm mùa đông hay chiếc xe đạp… được ông chuyển đến tận tay từng em đã trở thành động lực giúp các em vượt qua khó khăn, tiếp tục đến trường.

Ông Nguyễn Tiến Dân (bìa phải) trao quà cho gia đình khó khăn ở quận Thanh Khê. Ảnh: MỸ VÂN
Ông Nguyễn Tiến Dân (bìa phải) trao quà cho một gia đình khó khăn ở quận Thanh Khê. 

Sau 8 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, hòa bình lập lại, ông Nguyễn Tiến Dân trở về cuộc sống đời thường với vết thương trên thân thể (thương binh hạng ¾). Dẫu sức khoẻ yếu, ông vẫn tham gia công tác tại nhiều đơn vị từ Liên hiệp Đường sắt khu vực 2 đến phóng viên thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại miền Trung, Đại diện Báo Cựu chiến binh… và ở vị trí nào cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trong ông vẫn đau đáu lời một người đồng đội căn dặn trước lúc hy sinh rằng nếu sau này còn sống hãy giúp học sinh nghèo, đừng để các em không biết chữ… Vậy là, nỗi trăn trở đó đã biến thành hành động, trở thành động lực để người thương binh già rong ruổi khắp mọi nơi trên dải đất miền Trung giúp học trò nghèo.

Ban đầu, khi chưa có kinh phí, ông đến các nhà hàng thu gom vỏ lon, chai về bán để mua bút, vở tặng trò nghèo. Đồng thời dùng hết số tiền trợ cấp thương binh của mình và một phần tiền lương hưu để làm từ thiện.

Tiếng lành đồn xa, biết được việc làm ý nghĩa của ông, những mạnh thường quân tự động tìm đến, chung tay với ông để giúp các em. Nhiều người tin và chuyển tiền cho ông làm từ thiện là bởi ông luôn minh bạch trong các khoản tiền vận động, quyên góp, đưa tiền, hàng đến các địa chỉ thực sự cần hỗ trợ. Ông cũng đã dành 1 năm tiền thương binh của mình để ủng hộ xây dựng Bệnh xá Đặng Thùy Trâm (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi).

Thế nhưng, ít ai biết rằng, căn nhà nhỏ ông đang ở cũng đã xuống cấp, rằng cuộc sống của người thương binh cũng chẳng dư dả gì. 

Tính nhẩm, ông đã trao hàng trăm suất quà đến trẻ em nghèo với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, đem đến cho các em những bữa cơm có cá, có thịt. Ông bảo, nhìn những nụ cười vui của các em khi nhận quà, ông cảm thấy tan biến hết mệt nhọc.

Ngoài việc hỗ trợ học sinh nghèo, ông còn tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ nhằm giúp các họ đi tìm hài cốt người thân và đã có trường hợp được ông hỗ trợ tìm thấy mộ liệt sĩ.

Ông bảo, cả đời cống hiến cho cách mạng, may mắn được sống và trở về nên cuộc sống đối với ông thật đáng quý. Và ông đã làm thủ tục tự nguyện hiến xác cho y học sau khi ông qua đời để sự sống của ông lại được tiếp nối trên thân thể của người khác.

Với những việc làm ấy, ông vinh dự được Thành ủy Đà Nẵng tặng 2 bằng khen, được Trung ương Hội Cựu chiến binh tặng bằng khen vì những đóng góp cho cộng đồng.

Tháng 7 - tháng tri ân người có công, nhớ lại di nguyện của đồng đội, người thương binh già lại tiếp tục trên hành trình thiện nguyện, đóng góp cho cuộc đời bằng những việc làm có ý nghĩa, tiếp tục giúp đỡ học trò nghèo với mong muốn các em có tương lai tươi sáng, trở thành người có ích.

P.T

;
;
.
.
.
.
.