ĐNĐT - Hôm rồi, chị Hiệp, một người bà con vừa từ Đà Nẵng về Mỹ sau kỳ nghỉ Tết mời tôi tới nhà dự bữa tiệc đầu năm ở Tulsa, bang Oklahoma. Nói tiệc cho “oai”, chứ thật ra, chỉ là bữa cơm gia đình với hơn chục người thân quen, cũng là dân Đà Nẵng cả.
Hương vị "Quảng nôm" trong những món ăn được chế biến trên đất Mỹ |
Bữa tiệc của người vừa trở về từ bên kia bán cầu mới tuyệt vời làm sao: rặt những món “Quảng nôm”, nào bún mắm, mỳ Quảng, bún bò, mà đặc biệt nhất là sứa trộn. Trước sự trầm trồ của bà con, chủ nhân mới thủng thẳng khoe: “Tui gói đông lạnh theo cả chục kg sứa, để dành ăn mấy tháng”. Nói chẳng ngoa, những món hiếm như sứa, chỉ được mang ra chiêu đãi trong những dịp đặc biệt như vậy. Nói tới đồ hải sản mới nhớ, không ngoài chị Hiệp, những người Đà Nẵng vốn quen ăn con cá, con tôm tươi roi rói như mới vừa vớt lên từ đại dương, khi nào có dịp về Việt Nam, đều cố mang sang thật nhiều cá. Họ gói ghém, chằng buộc khéo léo để khỏi rầy rà ở những trạm hải quan. Người này chuyền tai người kia để bày cho nhau cách đóng thùng sao cho lọt “cửa”.
Mà đồ tươi thôi vẫn chưa hả lòng, dân Quảng còn chẳng quản gian nan để mang đi thật nhiều mắm. Nào mắm cái, mắm Nam Ô, mắm ruốc… Đành rằng ở Mỹ, hầu như mọi thứ đều có sẵn trong các chợ Việt Nam, thậm chí, có nhiều loại còn ghi xuất xứ “Đà Nẵng, Việt Nam”, nhưng những Việt kiều luôn canh cánh nỗi nhớ quê hương luôn cho rằng: “Mắm ở Đà Nẵng là nhất”. Bởi vậy, có người đi lần đầu, chưa kinh nghiệm, bị hải quan Mỹ tuýt còi vì mùi “thơm” mùi mẫn của mắm, vẫn quyết dặn lòng “chuyến sau sẽ cẩn thận hơn”. Và hẳn nhiên, không có món quà nào quý cho bằng những hũ mắm dậy mùi, đặc quánh hương vị “Quảng nôm” được đặt mua ở chợ Hàn, chợ Cồn, hoặc do chính bà con của người đó gởi mang theo.
Cũng vì tình quê man mác đó, nên dù ở Mỹ mấy chục năm, có người khi bàn về chuyện ăn uống, vẫn một mực: “Cái chi ở Đà Nẵng cũng ngon hơn”. Nói vậy, mới bị người khác “cự”: “Bà ở Mỹ mà cái chi cũng Đà Nẵng. Chỉ cần cất công tới mấy nhà hàng Việt Nam là có cả mấy chục món, tha hồ lựa. Muốn món Huế, món Quảng, món Nam, món chi cũng không thiếu”. Người kia mới phân bua, ờ thì…, đành là ở Oklahoma này không thiếu gì, nhưng bánh lọc, bánh bèo, bún, cháo, kể cả bánh mỳ ở Đà Nẵng cũng ăn đứt ở đây. “Đến nước mắm chan họ pha cũng ngon. Trái ớt xanh cũng ngon. Chỗ ngồi mát mát, đông đông, người này kẻ kia ồn ồn chút cũng vui nữa. Mỹ sao sánh bằng”. Hóa ra, cái lý của người đó, rốt cùng cũng là vì tình quê. Tình quê đong đầy nên mấy chục năm vẫn thương cái nắng cái gió, cái ồn ào tươi trong chảy chan chứa trong từng món ăn dân dã, chứ chưa hẳn là bên này kém bên kia. Mà, nói tới tình quê, thì ai nấy im hơi, đành chịu thua: Đúng là ở Việt Nam, món ăn ngon hơn thiệt!
Những món ăn Quảng nôm như xôi, bánh ướt, bún bò, bò tái…đầy ắp trong các nhà hàng Việt Nam tại Mỹ, vẫn không làm cho người Quảng bớt nỗi nhớ quê hương |
Chỉ vì thiếu cái không khí ấm áp quê nhà, ở Mỹ, ăn gì cũng không mấy ngon. Sau Tết, nhiều bạn bè ở Việt Nam lên facebook tới tấp hỏi thăm: “Tết vui không? Có bánh chưng, bánh tét ko?”. Sau Tết Việt Nam gần cả tháng, bánh chưng, bánh tét vẫn còn nằm lăn lóc trong tủ đông, vì chẳng mấy khi được “đụng” tới. Trong khi ở Việt Nam, bà con hí hửng với Tết nên facebook cứ ồn ào, chộn rộn suốt; bên này, người Đà Nẵng xa quê nóng cả người mà đành… ngậm ngùi. Mong lắm, mong trở về Hàn phố để hít gió trùng khơi, cầm dĩa bánh ướt, tô mì Quảng thơm ngon đậm đà. Ở Mỹ, người ta vẫn mang cho nhau bánh tét, bánh chưng như một phong tục không thể thiếu, nhưng chẳng mấy ai có thời gian ngồi thưởng thức miếng bánh chiên giòn như đầu năm nào ở quê nhà, với chút dưa hành, củ kiệu.
Tết Việt Nam là ngày làm việc của Mỹ, vẫn phải cong lưng lên chạy. Mà… chạy, một phần cũng vì để quên Tết đi, cho đỡ rối lòng vì nhớ. Người Việt ở Mỹ có thể sắm sửa được nhiều thứ, nhưng chỉ thiếu…Tết là thứ quan trọng nhất. Không sắm sửa, không về quê hương, người Việt làm giàu cho các hãng điện thoại bằng những cuộc gọi đường dài bất tận, chỉ để hỏi thử: “Tết ở bên đó ra sao” mà thôi.
HẰNG VANG