.

Cô gái đưa bánh xèo, bún mắm ra thế giới

.

Không chỉ giới thiệu món ăn Đà Nẵng với bạn bè năm châu qua website ẩm thực song ngữ Anh - Việt, cô gái 26 tuổi Lê Hạ Uyên còn mở Food tour - du lịch ẩm thực độc đáo.

Hạ Uyên trên tờ Weekend Weekly  - Ảnh: Thanh Trần.
Hạ Uyên trên tờ Weekend Weekly - Ảnh: Thanh Trần.

Hạ Uyên là cựu sinh viên hai trường nước ngoài ĐH Châu Á - Thái Bình Dương (Nhật Bản) và ĐH Quốc gia Úc, chuyên ngành quản trị kinh doanh. Bốn năm học ở Nhật và một năm ở Úc, cô nhận được câu hỏi từ những người bạn ngoại quốc: “Nếu về Đà Nẵng quê bạn, chúng tôi sẽ ăn món gì?”.

Uyên gõ tìm trên mạng, thời điểm cách đây 5 năm, hầu như không có một trang tiếng Anh nào viết về ẩm thực Đà Nẵng. Vậy là ý tưởng về một website giới thiệu tất cả món ngon quê hương hình thành trong đầu.

Đầu tiên Uyên lục lại thực đơn món ngon của Đà Nẵng, rồi tỉ mỉ viết về nguồn gốc, ý nghĩa của từng món, ăn ở đâu, ăn như thế nào bằng song ngữ Anh - Việt.

Hạ Uyên chia sẻ: “Trước hết mình phải làm cho họ hiểu về nguồn gốc, giá trị từng món ăn. Bởi vậy, không chỉ vận dụng vốn từ vựng mình có mà còn phải tham khảo thêm nhiều trang ẩm thực, học thêm nhiều từ ngữ về chuyên ngành này để bài viết đầy đủ, hấp dẫn”.

Cuối cùng, trang ẩm thực của Uyên cũng ra đời vào cuối năm 2009 với tên danangcuisine.com, thu hút hàng ngàn lượt xem và bình luận tích cực của du khách trong và ngoài nước.

Có động lực, cô du học sinh càng say mê, mỗi ngày sau giờ lên lớp, Uyên lại vùi đầu viết, dịch và nhờ cả người thân ở nhà đi chụp ảnh gửi sang làm hình minh họa. Sau 5 năm, Uyên đã hoàn thành khóa học, trở về Việt Nam và vẫn duy trì trang web của mình.

Cả trăm món ăn Đà Nẵng được cập nhật với hình ảnh chân thực, giới thiệu và hướng dẫn kỹ càng. Uyên còn cùng chị gái quay lại clip về cách chế biến từng món để du khách thấy ẩm thực Đà Nẵng kỳ công và phong phú như thế nào.

Cũng nhờ Uyên, tờ Weekend Weekly (Hồng Kông) đã có bài viết sinh động về du lịch và ẩm thực Đà Nẵng dài đến 20 trang. Trong đó, tờ báo dành riêng 2 trang phỏng vấn Uyên. Hay tờ New York Time, cũng lấy Uyên làm nhân vật xuyên suốt trong câu chuyện ẩm thực Đà Nẵng ở bài viết In Da Nang, Vietnam, Looking to the Future.

Uyên hào hứng: “Ngày mở web, mình chỉ mong nó như là một cuốn sổ tay để du khách có thể tìm kiếm món ăn cho tiện lợi, không ngờ bây giờ, mít trộn, ốc hút, bún mắm… dân dã quê mình lại bước ra thế giới một cách tự nhiên và tự hào đến vậy”.

Food tour giới thiệu bản sắc quê nhà

Nhiều khách nước ngoài khi đến Việt Nam, Đà Nẵng đã liên hệ để gặp cho bằng được Summer Le (nickname của Uyên), và nhờ cô dẫn đi… ăn. Họ chỉ muốn đi cùng người đáng tin cậy và am hiểu về Đà Nẵng.

Đáp ứng nhu cầu đó, Uyên mở Food tour - du lịch ẩm thực và làm hướng dẫn viên rong ruổi cùng khách nước ngoài đến từng hẻm hóc thưởng thức ẩm thực. Mỗi tour kéo dài 2-4 giờ, với các thực đơn có sẵn, cũng có thể linh động khi khách yêu cầu thêm hoặc bớt món.

Điểm đến không phải là những nhà hàng sang trọng, cũng không phải những quán vỉa hè để đảm bảo vệ sinh, mà là những quán ngon bình dân có uy tín nhiều năm như bánh xèo bà Dưỡng, bún mắm bà Xuân, chè Xuân Trang… với giá cả hợp lý. Khi ăn, Uyên giới thiệu cho họ món ăn xuất xứ từ đâu, ăn sao cho “đúng bài” nên khách nước ngoài rất thích thú.

Cũng từ món ăn, Uyên dẫn họ đi vào những bản sắc riêng của người Đà Nẵng, kể cho họ nghe những thăng trầm biến cố mà Đà Nẵng đã kinh qua và giới thiệu những đổi thay từng ngày ở mảnh đất này. “Làm chút gì đó cho quê hương, không chỉ là đóng góp, mà còn khẳng định tuổi trẻ của mình không hề vô nghĩa”, Uyên chia sẻ.

TPO

;
.
.
.
.
.