Sinh năm 1972 tại Quảng Nam, Trần Quế Sơn là một trong số không nhiều những nhạc sĩ thành công và thành danh từ khá sớm.
Nhạc của Trần Quế Sơn được đánh giá cao vì có “giai điệu trữ tình, lãng mạn; chủ đề mới lạ; ca từ đạt được nhiều “đức” trong thơ văn; nội dung tác phẩm thể hiện tâm hồn thuần khiết, hồn nhiên của người nhận biết mình”. Ngoài ra, Trần Quế Sơn còn là một nhạc sĩ hòa âm, phối khí có tài, diễn tấu được nhiều loại nhạc cụ, từng là tổng đạo diễn của một số chương trình đại nhạc hội có tầm vóc.
Các ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca như “Tre Việt Nam”, “Khi một mình”, “Tình quê”, “Cõng mẹ đi chơi”, “Yêu cái mặn mà”, “Em gái quê mình”… của anh đều được công chúng và giới phê bình âm nhạc tán thưởng.
Đúng vào giai đoạn sự nghiệp đang mở ra nhiều cơ hội thành công nhất, Trần Quế Sơn lại giã từ TP HCM, chọn Đà Nẵng làm đất dụng võ để sáng tác và hoạt động âm nhạc. Sơn bảo, anh chỉ thích nơi tĩnh lặng, khi buồn thì ôm đàn ngồi hát nghêu ngao một mình với sao khuya và sóng vỗ. Anh không thích những chốn bon chen, náo nhiệt.
Mang theo những băn khoăn với đời sống âm nhạc Việt Nam hiện đại, nhạc sĩ Trần Quế Sơn đã chia sẻ những tâm sự về cuộc sống và âm nhạc.
PV: Chào nhạc sĩ Trần Quế Sơn. Sau giải Nhì “Bài hát Việt Nam” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng thưởng (năm 2004) và những thứ hạng cao liên tục được bầu chọn trên Làn Sóng Xanh, anh hầu như biến mất khỏi TP HCM. Trốn phố xá về quê tiếp tục "Cõng mẹ đi chơi" à?
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn (cười): Sơn có trốn đâu. Có lẽ TP HCM ồn ào, náo nhiệt quá, Sơn thấy mình không phù hợp. Năm 2010 Sơn đã phổ từ ý thơ, cảm thơ Bùi Giáng một seri 14 ca khúc. Sơn thích lắm, năm nay sẽ tung ra.
Âm nhạc tác động đến cách sống. Trong cả phần "sống" lẫn phần "nhạc", Sơn đều không thích ồn ào.
PV: Dường như Trần Quế Sơn vừa nêu ra cả một mệnh đề lớn lao. Anh có thể nói cụ thể hơn không?
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn: Để tôi kể cho anh nghe vài chuyện. Sáu năm trước ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam, hàng xóm nhà tôi có em Ph, 20 tuổi. Vào một đêm trăng, em hẹn gặp người yêu. Chờ vài tiếng đồng hồ vẫn không thấy chàng đến, em buồn bã nằm nghe nhạc suốt đêm, toàn những bài nhạc trẻ yêu đương ủy mị, than thở, thất tình. Gần sáng em đã... tự vẫn bằng dây gàu nơi cánh cửa sau!
Cách đây hơn 10 năm, khi tôi học tại Nhạc viện TP HCM, tôi có cho em Tr, 18 tuổi, em ruột của nhà báo Lê Công Sơn (báo Thanh Niên) ở trọ phòng tôi một năm. Em là trai quê vào Sài Gòn. Sau một năm chịu ảnh hưởng bởi những đĩa nhạc tôi nghe, em đã thưởng thức được nhạc giao hưởng, và ca khúc em nghe thì chắc chắn không bao giờ có loại nhạc kém chất lượng nghệ thuật.
Có một danh nhân thế giới đã nói: "Đi ngang qua một ngôi nhà, chỉ cần nghe tiếng nhạc vọng ra là loại nhạc gì thì chúng ta cũng biết được tầm nhận thức về văn hóa nghệ thuật, về cuộc sống của người đang sống trong ngôi nhà đó".
PV: Phải chăng, với tư cách nhạc sĩ, anh đang băn khoăn về trình độ thưởng thức âm nhạc của số đông công chúng hiện tại?
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn: Đúng, tôi băn khoăn và tôi hoài nghi. "Cầm kỳ thi họa", người xưa đặt âm nhạc đứng trước những bộ môn nghệ thuật khác cũng đủ cho thấy tầm quan trọng nhất của âm nhạc với cuộc sống con người.
Đi phiêu diêu nhiều nơi, tiếp xúc nhiều, nhất là với giới trẻ, tôi thấy công chúng "thích nghe nhạc" thì rất nhiều nhưng "biết nghe nhạc" thật sự thì còn quá ít. Công chúng trẻ có quá ít kinh nghiệm để chọn nhạc mà nghe trong thời điểm quá nhiều… nhạc dở, nhạc rác như hiện nay.
PV: Vậy theo anh thế nào là nhạc hay, nhạc sạch?
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn: Diễn đạt bằng thuật ngữ của người lý luận âm nhạc chuyên nghiệp e hơi phức tạp, tôi sẽ nói bằng ngôn ngữ đại chúng để ai cũng hiểu.
Trước tiên nhạc hay phải là loại nhạc làm người nghe xúc động, đưa cảm giác buồn hoặc vui đến với bạn, lôi cuốn bạn. Với người nhạy cảm và có nhiều kiến thức về âm nhạc, cảm xúc đến mạnh ngay khi nghe lần đầu tiên. Thông thường với nhạc hay thì bạn phải nghe đôi ba lần mới đạt cảm xúc cao và nhận biết nhiều về tác phẩm âm nhạc đó.
Khi bạn có cảm xúc, đạt được sự nhận biết về tác phẩm âm nhạc, khoảnh khắc thiền trong bạn sẽ đến, "thượng đế" sẽ xuất hiện trong bạn, tạo cho bạn một khoảnh khắc hưng phấn, dạt dào và thuần khiết trong tâm hồn.
Thứ hai, nhạc hay phải là nhạc mà nhạc sĩ viết ra bằng sự thành thật của cảm xúc, nhạc sĩ không dùng thanh âm để lừa dối cảm xúc của mình và của người nghe. Thuở nhỏ có vài ca khúc tôi yêu, đến khi tôi có cơ duyên tiếp xúc nhiều với người sáng tạo ra nó, tôi thấy cách nghĩ, cách sống của họ không đúng với ngôn ngữ họ nói trong tác phẩm, tôi mới biết mình và vô số công chúng bị người đó lừa dối. Sự tô vẽ chỉ đem lại cảm giác thất vọng.
Thứ ba, nhạc hay phải là loại nhạc có sáng tạo. Nếu tác phẩm có sau nghe giống nhiều tác phẩm có trước thì tác phẩm đó kém sáng tạo. Có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với người sáng tác âm nhạc và tiếp xúc với hàng nghìn tác phẩm âm nhạc, tôi thấy nhiều nhạc sĩ bây giờ đạo nhạc, cứ nghe tác phẩm người khác rồi mô phỏng cho khác đi một chút là dàn dựng thu âm rồi tung băng đĩa ra thị trường. Việc này đã trở nên khá phổ biến, tạo nên một nền âm nhạc nhiều tác phẩm kém chất lượng như hiện nay.
Thứ tư, nhạc hay là nhạc chứa đựng những nội dung phản ánh giá trị cuộc sống, hướng người nghe đến sự thánh thiện trong tâm hồn; giúp người nghe nhận thức được cái gì nên yêu và không nên yêu, việc gì nên làm và không nên làm.
Những tác phẩm âm nhạc này làm cho ta ngộ được sự hiện diện của bản thể, của cái ngã trong dòng chảy cuộc sống, trong cuộc tồn lưu lịch sử; giúp cho ta có thể chất với sức khỏe tốt, không bệnh tật; tâm hồn ta bát ngát, mênh mông.
Cuối cùng, nhạc hay là loại nhạc mà người nhạc sĩ sáng tác với kỹ thuật rất cao nghe như không hề có kỹ thuật. Sự vận hành của giai điệu và ca từ tuôn chảy rất tự nhiên; hình thức âm nhạc, hòa âm dù có mới lạ đến đâu người nghe cũng có cảm giác hợp lý, không bị vướng, bị mắc kẹt về cảm giác âm thanh. Loại nhạc này tựa như một bài văn, một thi phẩm hay, đầy đủ các phẩm chất: bình dị, tinh xác, hàm xúc, sáng sủa, tế nhị...
PV: Thế còn nhạc dở…?
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn: Nhạc dở là loại nhạc không có được phần lớn các yếu tố tôi nói ở phần nhạc hay; là loại nhạc mà hiện nay đang chiếm lĩnh khoảng… 90% trên thị trường và các phương tiện nghe nhạc ở Việt Nam.
PV: Nhận xét này có cực đoan và bi quan quá không?
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn: Tôi nghĩ là không. Các yếu tố "hot", "thịnh hành", "thời thượng", được công chúng trẻ vồ vập ở nhạc Việt hiện tại đều thể hiện ở phần lời mà nhiều lúc ý tứ, ngữ nghĩa đều rất nhảm nhí. Trong khi đó, một đất nước có mặt bằng dân trí âm nhạc khá là đất nước mà nhạc không lời thịnh hơn nhạc có lời.
PV: Tôi đồng ý với anh. Nhưng làm sao công chúng, nhất là giới trẻ có thể nhận biết đâu là nhạc hay, đâu là nhạc dở? Chưa bàn đến thói quen, khuynh hướng, phong trào…, vấn đề là không phải ai cũng có điều kiện để được giáo dục đầy đủ về kiến thức âm nhạc.
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn: Trong thực trạng âm nhạc không lời chưa phát triển mạnh của nước ta hiện nay, tôi chỉ bàn đến việc sáng tạo và thưởng thức của mảng nhạc Việt có lời.
Có hai loại: bài hát dân gian và ca khúc do nhạc sĩ sáng tác.
Bài hát dân gian: là những bài hát do người xưa ứng tác và lưu truyền trong dân gian, bạn không biết được tác giả; đó là các làn điệu dân ca, điệu lý, điệu hát ru, hát đối đáp, điệu hò, vè... Đây là kho tàng bài hát cực hay và quí báu của dân tộc, nó mang bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc, tác dụng của nó đến kinh nghiệm sống là cực kỳ vĩ đại. Sở dĩ nó cực hay là vì khi có một người ứng tác và hát thì nó bắt đầu lưu truyền trong dân gian, khi lưu truyền nó được những người hát sau sáng tạo thêm cho đến khi không thể sáng tạo hay hơn.
Dân tộc nào cũng có hệ thống bài hát dân gian, một bộ phận cấu thành văn hóa dân gian (folklore). Tôi đã nghe bài hát dân gian của nhiều nước, tôi thấy rằng dân tộc ta là một trong những dân tộc có kho tàng bài hát dân gian phong phú đa dạng, sâu sắc và độc đáo nhất.
Ca khúc do nhạc sĩ sáng tác: là những bài hát chúng ta biết tác giả của nó. Ở nước ta, công chúng ở độ tuổi 30 trở lên phần lớn ai cũng nhận biết chúng ta có một nền tân nhạc hay. Nhưng ở độ tuổi từ ba mươi trở xuống thì phần lớn công chúng đang bị trở ngại trong việc nghe nhạc, đang bị áp đặt phải nghe nhạc dở bởi các phương tiện nghe nhạc như Internet, điện thoại, băng đĩa, phát thanh, truyền hình...
PV: Là một nhạc sĩ đã có những thành công nhất định, anh có giải pháp nào cho vấn đề nhạc hay - nhạc dở này không?
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn: Lớp nhạc sĩ trẻ chúng tôi đã chờ đợi các cơ quan, tổ chức phụ trách đầu ra của tác phẩm âm nhạc nhiều năm nay, nhưng chúng tôi chưa thấy nhiều giải pháp cụ thể thực hiện tốt việc phổ biến mạnh mẽ nhạc hay, bài trừ nhạc dở. Đây là điều mà cả Hội Nhạc sĩ Việt Nam chúng tôi đều cảm thấy trăn trở và lo lắng cho việc nghe nhạc của công chúng trẻ Việt Nam. Chúng tôi chỉ là tổ chức nghề nghiệp, không có quyền để thực hiện các giải pháp trên.
PV: Nghĩa là công chúng vẫn cứ phải tự "bơi"? Không có giải pháp, bao giờ trình độ âm nhạc của chúng ta mới khá lên được?
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn: Trong khi chờ đợi Nhà nước có những giải pháp cụ thể để nhạc hay ngày càng nhiều và có cơ hội phổ biến rộng rãi, đồng thời kiên quyết thực hiện bài trừ sạch nhạc dở, nhạc "rác" như hiện nay, tôi nghĩ việc "lọc" nhạc cho công chúng trẻ cần có sự góp sức của các bậc làm cha, làm mẹ. Các bậc phụ huynh nên quan tâm thường xuyên đến việc giáo dục âm nhạc cho con mình. Nếu cha mẹ ít có kiến thức về âm nhạc thì có thể gửi con em tham gia các lớp, khóa bồi dưỡng, hướng dẫn kiến thức âm nhạc, để cho những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp tư vấn hoặc giảng dạy. Việc làm này không hề khó và cũng ít tốn kém.
Thứ hai, cha mẹ hãy góp ý kinh nghiệm chọn nhạc hay cho con nghe. Phải tìm hiểu thật kỹ con mình đang nghe loại nhạc gì để đi đến phân tích nhạc hay, dở thật rõ ràng cho con hiểu.
PV: Nếu chỉ tác động bằng kinh nghiệm, chắc gì giới trẻ đã chịu nghe?
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn: Nếu con em vẫn kiên quyết đòi nghe nhạc dở vì... thích thế, thì cùng với việc thực hiện hai việc trên, phụ huynh cũng không nên "cưỡng bức". Cứ để chúng nghe thật nhiều nhạc dở, sau đó giới thiệu cho chúng "nghe thử" nhạc hay rồi phân tích chỗ hay, so sánh, tranh luận hai loại nhạc một cách dân chủ với con em. Tôi tin phần lớn các bạn trẻ ắt hẳn sẽ nhận ra và chán nhạc dở ngay.
PV: Vậy bằng kinh nghiệm, nhạc sĩ Trần Quế Sơn sẽ giới thiệu cho công chúng trẻ nghe những nhạc gì?
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn: Bạn trẻ từ 7 - 20 tuổi nên tìm nghe những bài hát dân gian của Việt Nam và của thế giới. Nhạc của các tác giả trong nước, tôi nghĩ nên nghe những ca khúc của các nhạc sĩ: Văn Cao, Văn Phụng, Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Đặng Thế Phong, Trúc Phương, Đoàn Chuẩn, Thanh Tùng, Phó Đức Phương, Hoàng Hiệp, Tôn Thất Lập, Phạm Minh Tuấn, Nguyễn Cường, Đuynh Trầm Ca, Lê Trọng Nguyễn, Từ Huy, Kim Tuấn, Đức Trí, Đỗ Bảo, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Đức Trung, Trần Tiến, Quốc Dũng, Vy Nhật Tảo, Lư Nhất Vũ v.v...
Nếu trình độ, kiến thức âm nhạc khá hơn, bạn có thể nghe nhạc không lời của các nhạc sĩ hòa âm phối khí và chỉ huy tài hoa như Paul Mariat chẳng hạn, hay nhạc thính phòng giao hưởng...
Chỉ cần bạn nhận biết được khoảng 50% giá trị âm nhạc với khoảng vài trăm tác phẩm của các tác giả nói trên, tôi tin rằng âm nhạc sẽ tác động tốt đến bạn để bạn có cách sống sáng suốt, hồn nhiên.
Các bậc làm cha mẹ hãy trắc nghiệm việc nghe nhạc của con em mình thử xem?
PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Theo ANTG