Đọc xong cuốn Lá nằm trong lá của Nguyễn Nhật Ánh, tôi không khỏi bồi hồi. Ai cũng có tuổi thơ với vô vàn kỷ niệm nhưng theo tháng năm trưởng thành ký ức ấy dần dần mờ phai, rơi rụng, phải đợi có những trang văn của một nhà văn “chuyên viết cho tuổi học trò” (thực ra là viết cho tất cả những ai từng là học trò) đánh thức.
Còn riêng Nguyễn Nhật Ánh, ký ức tuổi thơ dường như là thứ “của kho vô tận”, ông lấy ra dùng trong bao nhiêu truyện, từ Mắt biếc, Hạ đỏ, Còn chút gì để nhớ, Thiên thần nhỏ của tôi, Đảo mộng mơ, Kính vạn hoa… và bây giờ là Lá nằm trong lá vẫn thấy dồi dào.
Tuy nhiên, nếu bảo Nguyễn Nhật Ánh chỉ khai thác những chi tiết thời học trò của chính mình, ở làng quê của mình để sáng tác, thì cũng không chính xác. Ông là cây bút rất chịu khó cập nhật những thay đổi của học trò thành phố, thể hiện trong Kính vạn hoa, Chuyện xứ Langbiang…
Nguyễn Nhật Ánh có một cô con gái, có thể chính từ việc chơi cùng con, trò chuyện, chăm sóc, quan sát cuộc sống, sinh hoạt, việc học hành của con mà ông không bị “tụt hậu” so với đời sống đối tượng độc giả mà ông hướng đến. Cô cũng chính là độc giả đầu tiên của cha. Nhà văn cho biết, hồi còn nhỏ, con gái ông mỗi lần đi học về lại chạy thẳng lên phòng ông, hỏi: “Ba ơi, ba viết tới đâu rồi?” và đòi đọc bằng được phần tiếp theo của câu chuyện ông đang viết.
“Tiêu Tương Dạ Vũ” đại hiệp
Ngoài khả năng viết truyện, làm thơ, Nguyễn Nhật Ánh còn là một cây bút bình luận bóng đá sắc sảo.
Những ai yêu thích trái bóng tròn, yêu thế giới võ hiệp Kim Dung hẳn không thể không ngả mũ thán phục những bài bình luận bóng đá với bút danh Chu Đình Ngạn mà Nguyễn Nhật Ánh đã tập hợp trong tập Xem bóng đá luận giang hồ. Sự kết hợp, so sánh hài hước, khéo léo, tài tình giữa việc phân tích, bình luận các trận đấu, đấu pháp, xu hướng bóng đá bên trời Tây với các câu chuyện, nhân vật, bang phái… trong tiểu thuyết võ hiệp Á Đông đã khiến các bài viết của ông trở nên độc đáo, đặc sắc và rất hấp dẫn.
Thế nhưng có điều ít ai biết là không chỉ mê truyện kiếm hiệp, Nguyễn Nhật Ánh từng có lúc khoác áo tơi, cầm gậy trúc, gia nhập môn phái Cái Bang, học đủ các tuyệt kỹ võ công của môn phái, tung hoành trong thiên hạ để rồi cũng nếm trải mùi “giang hồ hiểm ác”.
“Chú Ánh” mà cũng chơi game ư? Chắc không ít fan nhí của “chú Ánh” sẽ kinh ngạc thốt lên.
Phải, “chú Ánh” từng chơi game, và truyện dài kỳ Kẻ thần bí hấp dẫn trong bộ truyện Kính vạn hoa chính là kết quả chuyến ngao du của “chú Ánh” trong thế giới Võ lâm truyền kỳ vài năm trước. Truyện kể về một chú bé mê game, được sự giúp đỡ của bạn bè đã dần dần trở về với việc học hành và nhịp sống bình thường. Tác phẩm - viết về game nhưng không kỳ thị, cũng không cổ súy game - được đăng tải liên tục trên báo Thanh Niên đúng vào lúc trò chơi trực tuyến Võ lâm truyền kỳ đang cực thịnh, thu hút số lượng lớn độc giả.
Những ai chơi ở server Hằng Sơn thời kỳ đầu hẳn vẫn còn nhớ nhân vật Cái Bang có tên Tiêu Tương Dạ Vũ - lấy tên từ khúc nhạc của Mạc Đại tiên sinh trong Tiếu ngạo giang hồ. Chàng vui vẻ đi luyện công, làm các nhiệm vụ trong game, tham gia các trận đánh của bang hội, trò chuyện với các hảo hữu… Nguyễn Nhật Ánh đấy! Nếu nói rằng nhà văn thường “đi thực tế” để sáng tác, thì chơi game cũng có thể coi là cách Nguyễn Nhật Ánh “đi thực tế”.
Ông đã chơi game như một game thủ thực sự, hiểu họ thực sự, chứ không phải chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” cho biết mùi. Bởi thế, khi nhà phát hành Vinagame cần đến một chuyên gia “gỡ rối tơ lòng” cho các anh hùng giai nhân chốn giang hồ, họ đã nhờ đến Nguyễn Nhật Ánh. Ông trở thành một “anh Bồ Câu” của chốn võ lâm với biệt hiệu Tiếu Ngạo Thư Sinh - những câu trả lời hài hước kết hợp những trải nghiệm thực tế trong game khiến người chơi thích thú.
Mộng ảo, tình chân
Đằng sau những hoạt động như một gamer bình thường, Nguyễn Nhật Ánh lại khám phá game với sự mơ mộng của một hiệp khách lãng tử.
Tiêu Tương Dạ Vũ đầu quân vào bang hội Đoạn Tình. Hễ ai vào bang đều có quyền chọn cho mình một biệt hiệu, biệt hiệu này sẽ nằm cạnh tên bang và xuất hiện trên đầu nhân vật. Ở thời kỳ đầu, gamer thường chọn cho mình những biệt hiệu rất “khủng bố”như Vô Đối, Trùm, Đại Ca… Nguyễn Nhật Ánh thì chọn biệt hiệu lả lướt: Lưu Hương với mục đích khi xuất hiện cạnh tên bang, trên đầu nhân vật sẽ là “Đoạn Tình Lưu Hương” (tình thì dứt nhưng hương vẫn còn). Không rõ vì các vị “trưởng lão” của bang không hiểu hay cố ý chơi khăm Tiêu Tương Dạ Vũ đại hiệp mà viết thành “Đoạn Tình Lư Hương” khiến chàng lãng tử vừa buồn cười vừa tức anh ách.
Vó ngựa của Tiêu Tương Dạ Vũ đã rong ruổi khắp các thành thị, thôn trấn, thảo nguyên bao la… chàng cũng đã tham gia các trận chiến ác liệt cùng bang hội. Nhưng “càng đi sâu vào chốn gươm đao, mộng tranh bá đồ vương trong lòng ngày càng phai nhạt”.
Người ta bắt gặp Tiêu Tương Dạ Vũ hay trở về miền quê trong game - nơi nhân vật của chàng được sinh ra và lớn lên, trò chuyện cùng những người bạn thuở bé, thả chân trần chạy lăng quăng giữa đám hươu, nhím, heo trắng… hiền lành. Dường như đó cũng là một làng quê thứ hai, tuổi thơ thứ hai của Nguyễn Nhật Ánh, dù không hề hiện hữu trong đời thực, ông vẫn dành cho nó đầy yêu thương trìu mến.
Khi truyện dài Kẻ thần bí kết thúc cũng là lúc Nguyễn Nhật Ánh rửa tay gác… gậy, kết thúc một chuyến phiêu lưu qua thế giới ảo. Thế giới ảo, nhưng ông vẫn dành những dòng thật chân thành khi nói về thế giới ấy: “Mộng là mộng ảo nhưng tình là tình chân”- ông viết cho cuộc thi Võ lâm giai thoại mà ông làm giám khảo.
“Trên thế giới, người ta đã tạo ra không gian ảo để các nhà du hành tập thích ứng với những chuyến thám hiểm trong vũ trụ, những cuộc phẫu thuật ảo để các bác sĩ làm quen với độ chính xác của đường kéo mũi dao thì ở đây, thế giới ảo của những va chạm trong giang hồ cũng có thể giúp người chơi khám phá, điều chỉnh và làm giàu những cảm xúc thật ngoài đời”.
Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Từ 1973 Nguyễn Nhật Ánh chuyển vào sống tại Sài Gòn, theo học ngành sư phạm. Ông đã từng đi Thanh niên xung phong, dạy học, làm công tác Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh. Từ 1986 đến nay ông là phóng viên nhật báo Sài Gòn Giải Phóng, lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải Phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, Nguyễn Nhật Ánh còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông. Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lãnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995). Năm 1998 ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải cho nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng. Tác phẩm mới nhất của ông vừa được NXB Trẻ ấn hành vào năm 2008 có tên Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, tác phẩm này được báo Người Lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008. Đoạt giải thưởng văn học ASEAN năm 2010 |
Một thế giới/SGGP