.

Bạch Đằng - cung đường bình yên trong náo nhiệt

.

ĐNĐT - Là nơi giao nhau giữa náo nhiệt mà bình yên, giữa tấp nập, vội vã mà thong dong, Bạch Đằng vì thế mà trở thành cung đường đặc biệt của Đà Nẵng.

Hàng cây mang lại màu xanh dịu mát cho đường Bạch Đằng (Ảnh TIỂU YẾN).
Màu xanh dịu mát đường Bạch Đằng. Ảnh TIỂU YẾN

Mỗi ngày, đường Bạch Đằng đón nhận một số lượng xe lưu thông không nhỏ. Nhưng, dường như cái tấp nập, vội vã ấy không làm mất đi nét duyên của con đường . Để rồi, chỉ cách một hàng cây về phía bờ sông, Bạch Đằng giữ lại nguyên vẹn sự trong lành, yên ả, hồn nhiên cho người dân thành phố.

Nơi nhịp sống căng tràn

Con đường bắt đầu nhịp sống đặc biệt của mình từ 2 giờ chiều, khi người lớn tuổi gặp nhau quanh những quân cờ tướng. Cờ tướng tại đây được gọi là cờ làng, bởi mỗi ván vẫn chỉ có 2 người chơi chính nhưng “cả làng” vây quanh. Ai cũng có quyền bàn luận, tham mưu chỉ nước, thậm chí đưa tay vẽ nước ảo ngay trên ván cờ để rồi niềm vui trước một nước cờ hay, một lời nói hài hước… được chia đều cho tất cả. Không hơn thua, không tranh cãi, không hên xui, không may rủi, cái rộn ràng và trí tuệ của “cờ làng” lôi kéo không chỉ người lớn tuổi mà cả những học trò đến để kết nối với “người dưng” bằng nụ cười.

Ông Trần Công Tế (trú phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), 80 tuổi vẫn ngày ngày có mặt tại làng cờ, đúc kết: “Muốn biết sức hút của cờ tướng, cứ lại đường Bạch Đằng”. Đến đây rồi, cả người chơi giỏi lẫn người chưa biết cách chơi đều không ít lần vô thức mà bật cười thành tiếng giữa những người xa lạ bởi nước cờ lật ngược tình thế hay lời nói hóm hỉnh.

Không chỉ dành cho người chơi cờ, vỉa hè Bạch Đằng còn là nơi để dạo mát và trò chuyện. Chuyện vui buồn; chuyện trên trời, dưới đất; chuyện thời sự trong nước, quốc tế; chuyện thật, chuyện bịa hòa cùng tiếng cười nói tạo nên khung cảnh yên bình lãng mạn giữa lòng thành phố, át đi cái ồn ào, náo nhiệt đang phả lên từ lòng đường.

Bạch Đằng được những người lớn tuổi ví là "trại dưỡng lão vui vẻ" là "liều thuốc bổ tuổi già". Bởi tại đây, họ tìm được những người cùng thời, cùng sở thích và cùng với những với tay không còn nhanh nhẹn nhue như thời trẻ trung nữa, nhưng họ đủ nhẫn nại để lắng nghe nhau, đủ sâu sắc để hiểu nhau. Qua cuộc trò chuyện mà quen thân nhau, tự họ mang lại niềm vui cho nhau và cùng im lặng lo lắng khi một ai đó vắng mặt trên đường nhiều ngày liên tiếp. Câu chuyện của người ở lại khi đó là câu nói bỏ lửng: “Hi vọng chỉ là đau nằm viện…”.

Không khí thoáng đãng, không gian rộng mở về hướng sông, khoảnh khắc lúc chiều tà, mặt trời về núi với mây phủ đỉnh Sơn Trà là hình ảnh lặp đi lặp lại mỗi ngày nhưng luôn tạo nên cảm xúc đặc biệt cho những ai đã qua bên kia dốc cuộc đời. Ngày lại ngày, đường Bạch Đằng ban tặng họ những món quà vô giá là khoảng thời gian tự chiêm nghiệm cho mỗi người, không gian dạo mát và kết bạn. Để rồi, khi được hỏi về nỗi lo, người tản bộ lớn tuổi nơi đây gặp nhau ở một câu trả lời chung: “Sợ nhất trời mưa không thể gặp đường, gặp bạn…”.

So sánh Bạch Đằng với trại dưỡng lão vui vẻ không đồng nghĩa đường chỉ dành cho người lớn tuổi. Đường không hề “già lão” mà ngược lại, đây là một trong những cung đường hiện đại, trẻ trung nhất thành phố. Chỉ duy nhất tại Bạch Đằng, ta bắt gặp những quán bar, quán cà phê mà khách đến đa phần là người nước ngoài. Chỉ một chai bia trong suốt buổi tối, họ vừa trò chuyện bên chiếc ghế, chiếc bàn chân cao đặc trưng của cà phê phương Tây, vừa thưởng thức vẻ đẹp về đêm của dòng sông Hàn -  nơi in bóng những cây cầu nhiều màu sắc.

Nha sĩ người Mỹ, ông Arthur Labelle (sống trong căn hộ ở tòa nhà Indochina) chia sẻ, một trong những lý do khiến ông quyết định dừng chân và làm việc lâu dài tại Đà Nẵng là con đường Bạch Đằng. Bởi tại đây, ông nhận thấy “hạnh phúc thật sự”. Hạnh phúc không phải cho ông mà hạnh phúc ông cảm nhận được từ mắt cười của những cặp tình nhân, của những gia đình nhỏ dạo bước bên nhau - điều thường thấy trên đường Bạch Đằng.

Cũng là cười, nhưng cười giữa bộn bề lo toan tại công sở, cười rộn rã bên ly bia, chén rượu trong quán nhậu hay cười giữa bí bách 4 bức tường làm sao có thể so sánh với  “nụ cười hạnh phúc thực sự” khi quây quần, sảng khoái, không lo nghĩ giữa xanh mát cây cối và không gian nghệ thuật với những tác phẩm điêu khắc tinh xảo. Dường như, được thoải mái nô đùa trên vỉa hè Bạch Đằng rộng rãi đã khiến nụ cười của các em bé trở nên tinh khiết và trong trẻo hơn. Ngắm nhìn con tại không gian rộng mở trong lành dường như cũng khiến nụ cười của những bậc làm cha, làm mẹ lấp lánh nét rạng rỡ, ấm áp hơn.

Đối với người yêu nhau, có lẽ, với họ con đường nào cũng đẹp. Tuy nhiên, làn gió mang hơi nước sông Hàn với ánh đèn vàng dịu nhẹ là đặc điểm “độc quyền” chỉ có ở Bạch Đằng. Chỉ nơi đây mới gợi lên được cái lãng mạn sông nước và cảm giác yên bình giữa phố phường đông đúc, và vì vậy, Bạch Đằng thêm đặc biệt trong lòng người yêu nhau. Những câu chuyện bất tận, không đầu không cuối, gắn liền với kỷ niệm vui buồn được chia sẻ cho nhau. Đường Bạch Đằng trở thành chứng nhân chúc phúc cho những mối tình viên mãn, đường thấu hiểu và chia sẻ cho những mối tình không thành.

Cứ như thế, đường Bạch Đằng bao dung, hiền hòa ôm vào lòng mình tất cả những bộn bề, tấp nập của cuộc sống, những tâm sự lúc hoàng hôn đổ bóng, niềm vui trí tuệ bên bàn cờ, hạnh phúc tròn đầy của những gia đình nhỏ hay khoảnh khắc buồn vui, mặn nồng của những người yêu nhau. Không nề hà, không kén chọn, đường lắng nghe và thấu hiểu tâm sự của mọi lứa tuổi. Lặng lẽ và kiên trì, đường tô thêm sắc màu vào bức tranh cuộc sống văn hóa của người dân Đà Nẵng mà không phải nơi đâu cũng có được.

Mê hoặc du khách

Với những người đang sống, học tập và làm việc tại Đà Nẵng, đường Bạch Đằng còn bình yên, quyến rũ thì với người khách phương xa như nhà báo Huỳnh Quốc Hoàng, Tổng Biên tập Báo Cần Thơ, cung đường này còn đẹp đẽ, hấp dẫn bội phần. Chúng tôi nhớ lần cơ quan phân công dẫn đoàn nhà báo Cần Thơ đi tham quan các địa chỉ du lịch, văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhìn anh chị háo hức chờ đêm xuống ra bờ sông Hàn để nhìn thấy vẻ lung linh, huyền ảo của “những cây cầu kỷ lục”, mà vui.

Đêm ấy, từ góc đường Bạch Đằng giáp chân cầu Rồng, nhà báo Huỳnh Quốc Hoàng cùng đồng nghiệp ngồi ngắm nhìn nhịp sống bình yên trong hối hả của phố đêm Bạch Đằng bằng ánh mắt tươi vui cùng nụ cười luôn thường trực. Ông bảo, cung đường Bạch Đằng góp phần tạo nên một thành phố Đà Nẵng hài hòa, quyến rũ. Mỗi ngày trôi qua, nó như “ban công thành phố” đầy hoa cùng không khí trong lành ôm lấy những tòa nhà, thân thiện và gần gũi, hối hả mà an nhiên. Theo ông, nếu đến thăm Đà Nẵng mà không dạo bước trên phố Bạch Đằng về đêm, sẽ là thiếu sót cho những ai yêu cái đẹp của phố phường.

Mỗi người khách đến Đà Nẵng du lịch hay công tác đều có một cách nhìn, cách cảm riêng khi dạo bước trên con phố Bạch Đằng. Với người này, đường Bạch Đằng quyến rũ về đêm - lúc những cây cầu khoe sắc, nhưng với người kia, Bạch Đằng lại hấp dẫn khi chiều về hay mỗi sớm mai lên. Phóng viên Đình Nhi, Báo Ninh Thuận trong chuyến công tác Đà Nẵng vào cuối tháng 5 khi trở về đã mang theo một “kho ảnh” đẹp chụp cung đường Bạch Đằng vào buổi sáng sớm. Anh cho biết khi vừa đặt chân đến Bạch Đằng, anh bị mê hoặc bởi sự bình yên bên bờ sông Hàn này, đến nỗi hôm sau, trời chưa kịp sáng, Đình Nhi đã vác chân máy ra ngồi trên ghế đá đường Bạch Đằng chờ mặt trời lên để chụp hình ảnh cư dân thành phố đáng sống tập thể dục bên bờ sông.

Vài năm trở lại đây, người dân thành phố Đà Nẵng chứng kiến con đường Bạch Đằng luôn nhộn nhịp về đêm. Ở đó, họ có thể nhìn thấy ánh đèn từ 6 cây cầu hiện đại bắc qua sông Hàn là Thuận Phước, Sông Hàn, cầu Rồng, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Tuyên Sơn khiến quãng sông dài chảy trong lòng thành phố trở thành “dòng sông ánh sáng” lung linh, rực rỡ, đa sắc màu. Ngoài ra, điều hấp dẫn du khách và người dân thành phố ở tuyến đường Bạch Đằng còn là sự đan xen giữa quá khứ - hiện đại, giữa hối hả - bình yên qua sự hiện diện của những tòa nhà cao tầng, hiện đại cùng những công trình kiến trúc Pháp sang trọng, lịch lãm như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Thư viện Khoa học tổng hợp, tòa nhà HĐND và UBND thành phố…

Nằm ở vị trí được xem là đẹp nhất của thành phố Đà Nẵng, như một lẽ tự nhiên, đường Bạch Đằng trở thành địa chỉ tìm đến của nhiều du khách. Người ta đến đây, để tận mắt nhìn ngắm những điều thuộc về Đà Nẵng - thành phố đáng sống. Tất cả mọi cảm xúc, mọi ý nghĩ khi đứng trên đường Bạch Đằng đều giản đơn, hiền hòa như chính con người và mảnh đất Đà Nẵng. Có lẽ vì thế mà rất nhiều nhà báo, nhà thơ đã có bài viết ca ngợi vẻ đẹp cùng chiều dài lịch sử, văn hóa của con đường này. Bạch Đằng cũng chính là con đường mà người Đà Nẵng mỗi khi đón khách phương xa thường đưa bạn đến ngồi, thưởng thức ly cà phê thơm và nhìn ngắm nhịp đời bình yên trong náo nhiệt.

Đường Bạch Đằng nằm dọc bờ tây sông Hàn, dài 2.550m, rộng 9m, nối từ đường 2 tháng 9 đến đường 3 tháng 2. Thời Pháp thuộc, đường mang tên Quai Courbet (Quai: bến tàu, bến thuyền ven sông. Courbet: tên của một đô đốc Pháp). Từ năm 1955 được đổi tên thành Bạch Đằng.

Ngay từ khi mới thành lập, Quai Courbet tập trung khá nhiều tàu buôn lớn cập bến sông Hàn cùng trụ sở văn phòng Chi nhánh SOCONY; trụ sở và kho hàng của Denis Frères, Descours et Cabaud, SARIC, Compagnie Franco-Asiatique des Pétroles, SICA;  Khách sạn Morin Frères; Đông Dương Ngân hàng và trụ sở LUCIA (L’Union Commerciale Indochinoise et Africaine - Liên hiệp Thương mại Đông Dương và Phi Châu) được lập năm 1904 - nay là tòa nhà Indochina Riverside.

Khu vực chợ Hàn thời thuộc Pháp tập trung nhiều cơ sở kinh doanh của người Hoa, Ấn kiều và một số người Việt giàu có. Gần đó từng là Hiệu sách Việt Quảng nổi tiếng một thời do nhà yêu nước Lê Văn Hiến phụ trách. Tháng 6 năm 1940, hiệu sách bị đóng cửa sau khi thực dân Pháp khám xét vì nghi ngờ có liên quan đến phong trào phát hành sách báo cách mạng đến tay người dân.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, đường Bạch Đằng nhiều lần được chính quyền thành phố cải tạo, Ga Chợ Hàn buộc phải tháo dỡ để nâng cấp, mở rộng đường. Đầu thế kỷ XXI, bộ mặt Bạch Đằng hoàn toàn thay đổi khi đường được mở sát ra bờ sông, chỉ giữ lại toàn bộ cây xanh có từ thời thuộc Pháp, tạo nên mảng xanh tươi tốt như ngày nay.

MAI TRANG - TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.