ĐNĐT - Nếu đường Bạch Đằng ghi khắc lòng người bởi những nhịp cầu độc đáo nối đôi bờ sông Hàn thì con đường song song - Trần Phú - lại níu hồn người bởi những điều thi vị rất riêng, lặng lẽ lẩn khuất trong từng thước đất.
Hàng cây xanh phủ bóng mát là hình ảnh tạo ấn tượng khó phai cho những ai đi trên “cung đường xanh” - Trần Phú. Ảnh: TRỌNG HUY |
Cung đường hoài niệm
Tôi không biết vì sao cách đây hơn 20 năm, dù nhà mình ở quận Thanh Khê - Đà Nẵng, nhưng mỗi lần nhắc đến khu vực trung tâm thành phố thì mọi người trong xóm đều dùng từ “xuống Đà Nẵng”. Vậy không lẽ nhà mình không thuộc Đà Nẵng sao? Chắc đường sá hồi đó đi lại không thuận tiện với vô kể ổ gà, ổ voi. Tôi còn nhớ, nhà mình ở trên một con đường cụt dẫn đến điểm cuối là bãi rác thành phố (sau này bãi rác được di dời đến khu vực quận Liên Chiểu). Vì vậy, có lẽ cách gọi “xuống Đà Nẵng” xuất phát từ tất cả những xa xôi và cách biệt đó.
Tôi kể những điều dài dòng này để muốn nói rằng, bởi thế, mỗi lần có dịp được người lớn chở “xuống Đà Nẵng”, với tôi là một chuyến đi thú vị khiến tôi sướng rơn. Đến mãi sau này, tôi cũng không thể quên cái cảm giác được ngồi sau xe ba để xuống phố. Đường dưới phố sạch và rộng hơn đường xóm tôi. Hẳn nhiên rồi ! Nhưng trong đó, có một con đường tôi thấy đẹp đến mức đã đặt tên cho nó là “thiên đường”.
Thời điểm đó, tôi không biết mình được chở qua con đường gì. Chỉ nhớ, đường thẳng tắp, lề rất thoáng và được che phủ bởi hai hàng cây dài tít tắp. Những gốc cây to ụ, lực lưỡng chạy song song hai bên khiến tôi có cảm giác con đường này hiền lắm, không giống sự ồn ào ở những nơi khác tôi đã được chở qua. Đặc biệt, từng tán lá đan vào nhau khiến con đường như được lợp bằng mái lá khổng lồ, mát rượi.
Mỗi lần qua con đường này, tôi cứ thế ngước cổ lên ngắm mái lá cho thỏa thích, rồi thầm ước xóm mình cũng rợp mát như thế để đám con nít tha hồ chạy ra đường mà không cần đội mũ. Tôi còn ước, cả thành phố, cả… trái đất chỗ nào cũng giống “thiên đường” này thì hay biết mấy!
Cứ thế, những lần “xuống Đà Nẵng”, tôi chỉ mong được lướt qua “thiên đường” để ngắm và hít hà cái sự mát lành. Vẫn không biết con đường mang tên gì, nhưng sâu thẳm ký ức của mình, tôi chỉ nhớ về con đường đẹp đẽ đó.
Rồi những giấc mơ cũng dần trở thành kỷ niệm một thời đã qua. Cho đến khi tôi, con bé ngày nào trở thành một người lớn và hằng ngày vội vã phóng xe đến nơi làm việc, chứ không còn thong dong nhìn trời ngắm nắng. Có lẽ do chăm chăm đi cho nhanh và đầu óc cũng miên man với những chuyện không thuộc… thiên nhiên, nên tôi cứ ngỡ “thiên đường” ngày nào chỉ là những gì được nhìn qua lăng kính tưởng tượng của một đứa con nít.
Nhưng có những buổi sáng không quá hối hả, tôi chầm chậm đến cơ quan, vừa đi vừa ngó nghiêng, ngó dọc những hàng cây, viên gạch lát đường. Bỗng dưng lúc ấy, tôi lại bắt gặp những giọt nắng, kẽ lá, gốc cây xù xì như hồi thơ bé. Mọi thứ không thể thật hơn cứ hiển hiện trước mắt tôi. Cảnh tượng như những gì tôi đã từng mơ hóa ra lại nằm chính ở con đường đưa tôi đến cơ quan mỗi ngày - đường Trần Phú.
Nét thi vị rất riêng
Con đường trong mơ của tôi, tức đường Trần Phú ngày nay, từng có tên là đại lộ Độc Lập. Người Pháp xây dựng con đường này từ năm 1902 và chia thành hai đoạn với những cái tên rất Pháp: Rue Jules Ferry (đoạn từ Đống Đa đến chợ Hàn) và đoạn còn lại là Avenue du Musée.
Đất nước thống nhất, hai đoạn đường được nối lại với nhau, lấy tên người Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam - một nhà cách mạng lớn qua đời ở độ tuổi còn rất trẻ (27 tuổi), cùng câu nói bất hủ trước lúc ra đi: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Giờ đây, đường Trần Phú trở thành nơi giao thoa của những giá trị cổ xưa và hiện đại. Lang thang đường Trần Phú, bạn có thể ngắm nhìn những công trình mang nét kiến trúc Pháp còn lưu giữ gần như nguyên vẹn.
Đó là Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng (trước đây là Trung tâm Văn hóa Pháp) rợp bóng cây cổ thụ, nằm tĩnh lặng trên mô đất cao. Đó là trụ sở HĐND và UBND TP. Đà Nẵng (trước đây là trụ sở Công ty Shell và Tòa Thị chính thời Pháp thuộc) in đậm phong cách kiến trúc phương Tây.
Trên con đường này, kiến trúc Pháp còn được lưu giữ đặc sắc nơi nhà thờ 91 tuổi - Nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng, tọa lạc tại địa chỉ 156 Trần Phú. Người dân xứ biển vẫn thân thương gọi nơi đây là Nhà thờ Con Gà bởi biểu tượng con gà cheo leo trên nóc nhà thờ, ở vị trí cột thu lôi. Nhà thờ Con Gà thu hút ánh nhìn bởi nét kiến trúc Cothique với những đường nét cao vút, mái vòm lồng lộng, những vòng cửa quả trám, những hoa văn được trạm trổ tinh tế.
Trung tâm Hành chính thành phố tọa lạc trên đường Trần Phú. Ảnh: TRỌNG HUY |
Trải qua bao gió sương thời gian, những nơi chốn ấy vẫn giữ vẹn nguyên “cái hồn” của lịch sử cổ xưa và trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch đến Đà Thành. Chấm phá giữa không gian kiến trúc cổ kính ấy là nét hiện đại của tòa nhà Trung tâm Hành chính Đà Nẵng cao 36 tầng (gồm 34 tầng nổi và 2 tầng hầm). Tạo hình chiếc thuyền kết hợp mái hình cánh buồm đang vươn khơi ở phần đế và ngọn hải đăng dẫn đường phía trên, Trung tâm Hành chính Đà Nẵng đã trở thành biểu tượng mới, mang khát vọng vươn xa của phố biển.
Không chỉ làm say lòng người bằng “thị giác”, đường Trần Phú còn quyến rũ du khách bằng cả “vị giác” và “khướu giác”. Nổi bật nhất phải kể đến chợ Hàn, một trong những chợ truyền thống lâu đời nhất của Đà Nẵng. Đến chợ Hàn, bên cạnh hương chợ đặc trưng, bạn còn được “chào đón” bằng mùi mắm đủ loại hòa quyện, thơm nồng. Mắm ở đây vô cùng đa dạng, được xem là đặc sản địa phương.
Từ mắm dưa, mắm cà, mắm cá cơm, mắm cá thu đến mắm ruốc, mắm nêm… đều đậm đà dư vị phố biển. Ngoài mắm, mực rim, cá rim cũng là những món ăn được nhiều người yêu thích. Bên cạnh đó, bạn còn có thể tìm thấy tất cả những món ăn đặc sản của Đà Nẵng tại chợ Hàn như: bánh bột lọc, bánh nậm, bánh bèo, bánh phu thê, bánh tráng dừa, kẹo mè xửng…
Với việc mở rộng thành phố, chỉnh trang đô thị khiến Đà Nẵng ngày càng hiếm những con đường rợp bóng cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc như đường Trần Phú. May mà con đường này dù dần trở nên hiện đại với rất nhiều công trình mọc lên như biểu tượng của sự phát triển thành phố, nhưng những hàng cây già nơi đây vẫn không vì thế mà bị bứng rễ, nhổ gốc. Theo thời gian, những bóng cây lâu năm làm nên linh hồn, dáng dấp con đường vẫn được giữ nguyên vẹn, kết nối hài hòa với không gian kiến trúc đặc sắc, tạo thành bức tranh sống động cho “thiên đường” - Trần Phú.
THU HOA - TRÂM ANH