.

Đường Lê Lợi: Nét yên bình giữa lòng Đà Nẵng

.

ĐNĐT - Không ồn ào như Hoàng Diệu hay hoa lệ như Bạch Đằng, đường Lê Lợi như một cô gái giản dị, khiêm nhường nhưng ẩn sau đó là một chút duyên thầm, nhẹ nhàng mà sâu lắng.

Đường Lê Lợi rợp bóng cây
Đường Lê Lợi rợp bóng cây

Một thoáng cà phê

Đường Lê Lợi nép mình bên những rặng cây rợp bóng mát. Ít xe cộ và không nhiều khói bụi, đi dạo dưới con đường này, bạn có thể để tâm hồn thư thái ngắm nhìn cảnh vật, nghe tiếng nhạc du dương từ các quán cà phê ven đường.

Dù chỉ là đoạn đường khá ngắn, dài 1.190m, rộng 8m, nối đường Đống Đa đến đường Phan Châu Trinh theo hướng bắc - nam nhưng đường có hơn chục quán cà phê nho nhỏ nằm nép mình hai bên đường, cũng lặng lẽ như chính con đường. Đáng chú ý nhất có lẽ là những quán cà phê với đủ thể loại: cà phê cóc, văn phòng, cao cấp... Và đặc biệt ấn tượng bởi những quán cà phê nhỏ xinh nhưng được bày biện, trang trí tỉ mẫn, đầy phong cách từ bảng hiệu, mặt tiền đến nội thất, ghế ngồi...

Cà phê Nắng với khá nhiều món ăn vặt được các bạn trẻ khoái khẩu. Cà phê Cá Heo, Hạt… nhã nhặn nằm liền kề nhau như điểm thêm chút duyên cho con đường, đón những bước chân đủng đỉnh, chậm rãi vào quán chủ yếu để ngắm đường, để gặp gỡ, tâm tình. Rất dễ dàng bắt gặp trong mỗi quán chỉ dăm ba người khách thong thả chờ những giọt cà phê rơi tí tách, trên tay cầm tờ báo và trao đổi với nhau dăm ba câu chuyện.

Sẽ thật thiếu sót nếu đi qua đường Lê Lợi mà không ghé quán cà phê Long nằm ở ngã tư đường Quang Trung và Lê Lợi. Có thể nói, hiếm có quán nào đông khách như cà phê Long. Người ta đến đây không chỉ để uống cà phê mà còn để được hòa mình vào cái không khí ấm áp giữa chốn đông người, để cảm cái nhịp cuộc sống đang trôi qua mà tiếc nuối. Hay đơn giản hơn chỉ là để thấy lòng thư thái bước vào một ngày mới, xóa tan cái Tôi cô đơn luôn thường trực ở giữa biết bao khuôn mặt người, để yêu hơn thành phố biển xinh đẹp.

Tôi gặp ở đó nhiều người đủ mọi ngành nghề từ đạp xích lô, chạy xe thồ, viên chức, sinh viên... Mỗi người một tâm trạng, một nỗi niềm. Nho nhỏ, xinh xinh với những bàn gỗ, ghế gỗ, giản dị mà cuốn hút. Đông khách nhưng không ồn ào, bởi vậy, đoạn đường Lê Lợi tại đây cũng không vì thế mà bị vỡ mất cái duyên của mình.

“Thấy bóng áo dài bay trên đường phố”…

Chỉ kéo dài khoảng hơn 1 km (từ ngã ba đường Lý Thường Kiệt, Trần Quý Cáp đến Phan Đình Phùng), nhưng có thể nói đường Lê Lợi là một trong những con đường hội tụ khá đầy đủ và tập trung của nhịp sống Đà thành.

Nằm ở đoạn gần tiếp giáp với Lê Duẩn, Trường THPT Phan Châu Trinh mang trong mình bề dày truyền thống vốn có. Chiều chiều, cứ vào giờ tan tầm, một đoạn đường Lê Lợi lại rộn rã hơn như một cô gái vốn ít nói khẽ nhoẻn miệng cười bởi những bóng áo dài dịu dàng thướt tha trong giờ tan trường.

Dường như, cái bóng áo dài thướt tha ấy đã hiện diện trong tâm thức không ít những chàng trai Đà thành xưa và nay. Ký ức ấy trải qua nhiều thế hệ, để rồi mỗi lần quay về lại ngắm, lại nhớ. “Em tan trường về. Đường mưa nho nhỏ… Ôm nghiêng tập vở, tóc dài, tà áo vờn bay…” (Ngày xưa hoàng thị).

Cùng với những bóng áo dài thân thương, ngày mới ở đây có thể được bắt đầu bằng sự cần mẫn của những công nhân vệ sinh môi trường với màu áo xanh quen thuộc, bằng sự rộn ràng của hàng trăm lượt xe cộ của người đi làm, hay cô cậu học sinh, sinh viên vội vàng đến lớp, những cuốc xích lô, những gánh hàng rong bắt đầu ngày làm việc mới... Trong khi đó, hàng quán với đủ thứ nhu yếu phẩm, thức ăn, đồ uống cũng “thức dậy” tự bao giờ để sẵn sàng cho một ngày mới đầy hứng khởi.

Đường Lê Lợi
Đường Lê Lợi những năm đầu sau giải phóng

Điều đặc biệt là dù sáng sớm, bất kỳ giờ nào trong ngày, kể cả giờ tan tầm thì nhịp sống ở con đường này vẫn thế, tuyệt nhiên không tồn tại nơi đây sự ồn ả, xô bồ, ngột ngạt quá mức. Nét yên bình, thanh lịch kể cả sự thi vị là một trong những điều khiến ai đã từng đến, ở lại rồi ra đi từ con đường này đều không dễ nguôi quên.

Ông Đặng Thúc (61 tuổi, trú ở đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê), làm nghề sửa khóa tại vỉa hè đường Lê Lợi (đoạn giao với đường Quang Trung) đã 32 năm nay nói rằng, mỗi ngày phải dậy sớm đến đây để làm nghề. Đặc biệt, những ngày mưa gió kể có không ít vất vả và cũng không phải ông không thể mở hàng tại đường Trần Cao Vân, ngay nhà cho tiện nhưng chính nét yên bình của con đường này đã giữ bước chân mưu sinh của ông hơn 30 năm nay. “Bận nào đau ốm, phải nghĩ liền mấy ngày ở nhà, cứ thấy nhớ nhớ cái ngã tư này, con đường này”, ông Thúc thật thà nói.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (38 tuổi, người Nam Định vào Đà Nẵng mưu sinh nhiều năm nay), chủ một quầy tạp hóa tại đường Lê Lợi cũng cho biết, việc buôn bán ở con đường một chiều này không quá đông đúc nhưng đủ đem lại thu nhập ổn định cho gia đình chị. Chị có thể “vừa làm vừa thở” nên không có ý định di chuyển mặt bằng dù chị có điều kiện kinh doanh ở những mặt bằng nhộn nhịp hơn.

Có lẽ, nét duyên của con đường đã giữ lại những gì thuộc về nó, và chính điều đó lại làm nên cái riêng của con đường mà ai đã qua rồi sẽ còn trở lại.

                                                                   Phương Trà - Thanh Tân

;
.
.
.
.
.