.

Đường Ông Ích Khiêm - nhộn nhịp phố thương mại

.

ĐNĐT -  Khởi điểm từ bãi biển Thanh Bình, cắt ngang nhiều tuyến đường chính chạy hướng Đông - Tây và kết thúc tại ngã sáu - nơi gặp gỡ của nhiều tuyến đường nổi tiếng Nguyễn Văn Linh, Triệu Nữ Vương, Hoàng Diệu, đường Ông Ích Khiêm là một sự trải lòng của phố xá qua bao thăng trầm của lịch sử phát triển thành phố.

Đường Ông Ích Khiêm được biết đến như một phố thương mại sầm uất, và là nơi tọa lạc của chợ Cồn - một trong những chợ truyền thống nổi tiếng của Đà Nẵng.
Điểm đầu đường Ông Ích Khiêm tiếp giáp đường Nguyễn Tất Thành, nhìn ra biển Thanh Bình,

 Điểm nhấn chợ Cồn

Ngược dòng lịch sử, đường Ông Ích Khiêm là một trong những tuyến đường ra đời từ rất sớm, lúc thực dân Pháp bắt đầu công cuộc thiết kế nhượng địa Đà Nẵng từ những năm đầu thế kỷ 20. Khi đó, Đà Nẵng bắt đầu hình thành dáng dấp của một đô thị hiện đại cùng hàng loạt con đường được đầu tư xây dựng.

Sau khi trục đường chính đầu tiên là Quai Courbet (đường Bạch Đằng ngày nay) được hình thành, các con đường hoặc song song, hoặc cắt ngang đường Quai Courbet lần lượt được mở ra, trong đó có đường Rue Sabiella chạy từ ngã tư Hùng Vương - Ông Ích Khiêm đến bãi biển Thanh Bình, tức đường Ông Ích Khiêm bây giờ. Ngày nay, đường Ông Ích Khiêm kéo dài thêm đoạn từ ngã tư Hùng Vương đến ngã sáu, đoạn giao đường Nguyễn Văn Linh...

Đường Ông Ích Khiêm được biết đến như một phố thương mại sầm uất, và là nơi tọa lạc của chợ Cồn - một trong những chợ truyền thống nổi tiếng của Đà Nẵng.
Đường Ông Ích Khiêm được biết đến như một phố thương mại sầm uất và là nơi tọa lạc của chợ Cồn - một trong những chợ truyền thống nổi tiếng của Đà Nẵng.

Điểm nhấn đáng nhớ nhất trên cung đường Ông Ích Khiêm là chợ Cồn - trước đây được biết đến với cái tên “Trung tâm thương nghiệp Đà Nẵng”. Bây giờ, người ta ít nhắc tới từ “Trung tâm thương nghiệp Đà Nẵng” nhưng ngày trước, trung tâm này - chợ Cồn ngày nay - vốn là trái tim ngành thương mại thành phố. Và tất nhiên, đường Ông Ích Khiêm là "động mạch chủ" nối liền những huyết mạch quan trọng trong thành phố, rồi tỏa đi khắp nơi nuôi dưỡng nhịp sống đô thành.

Sau những thăng trầm của lịch sử, chợ Cồn được trả lại đúng tên gọi của nó từ lúc hình thành và phát triển. Từ ngày siêu thị Big C nằm đối diện được xây dựng, có nhiều người lo ngại “cái chết từ từ” của chợ Cồn. Nhưng giá trị truyền thống, nét văn hóa thương mại trong xu thế mới ở chợ Cồn được nâng lên tầm mới.

Giờ đây, chợ Cồn là điểm đến của không chỉ người dân thành phố, mà của hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước khi muốn mua đặc sản Đà Nẵng mang về làm quà. Nơi đây cũng là thiên đường những món ăn vặt cho giới trẻ; là điểm mua bán đủ các loại hàng hóa gia dụng, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân thành phố. Thực tế cho thấy, chợ Cồn ngày càng đông đúc, tấp nập và là một phần không thể thiếu trong nhịp sống phố thị ở Đà Nẵng.

Phố thương mại sầm uất

h
Đường Ông Ích Khiêm có nhiều cửa hàng buôn bán đồ gỗ với các sản phẩm làm từ gỗ công nghiệp, gỗ tự nhiên

Ngày này, bên cạnh các chợ, siêu thị dọc theo hai bên đường, người ta còn nhớ đến đường Ông Ích Khiêm như là “phố đồ gỗ”. Hàng chục cửa hàng đồ gỗ trưng bày đủ các loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách gần xa. Đến “phố đồ gỗ Ông Ích Khiêm”, người mua có thể dễ dàng tìm cho mình sản phẩm gia dụng bằng gỗ vừa ý, hợp túi tiền. Đi qua đường Ông Ích Khiêm đoạn từ giao lộ Hùng Vương - Ông Ích Khiêm thẳng ra đến đường Nguyễn Văn Linh, cảnh mua bán, vận chuyển hàng gỗ tấp nập càng cho thấy sức sống mạnh mẽ của tuyến phố đầy chất thương mại này.

Ngồi bán trầu ở góc phố nơi giao nhau giữa đường Ông Ích Khiêm và đường Hải Phòng hơn 30 năm nay, cụ bà Võ Thị Đàn (quê gốc ở Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã ngoài 85 tuổi tâm sự: “Khu vực đường Ông Ích Khiêm thời đầu năm 1975 còn thưa thớt nhà cửa. Về phía biển Thanh Bình còn rậm rạp cây thông (dương liễu), chưa đông đúc và đô hội như bây giờ. Sau bao nhiêu năm, tôi vẫn thấy con đường này không thay đổi nhiều, ngoại trừ cuộc sống và phố xá chạy dọc theo hai bên đường ngày thêm tấp nập, đông đúc”.

Một góc đường Ông Ích Khiêm
Một góc đường Ông Ích Khiêm rợp bóng cây

Điều đặc biệt, đường Ông Ích Khiêm có lẽ là một trong những con đường hiếm hoi trong nội thành hội tụ đủ sắc màu của phố thị từ lúc sơ khai cho đến ngày nay. Trên tuyến phố này, có nhà thờ Tin lành, có chợ Cồn tấp nập người mua kẻ bán, Trung tâm thương mại Parson khang trang, hiện đại, hay những ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng như: chùa Pháp Lâm, chùa Bát Nhã…

Gạt mọi ồn ào của phố xá, gạt mọi lo toan cuộc sống mưu sinh để tựa lòng vào tiếng chuông giáo đường mỗi sáng, chiều về, mỗi cuối tuần từ nhà thờ Tin Lành ở điểm giao với đường Hải Phòng (nếu bạn là tín đồ Thiên chúa) hay tiếng chuông chùa từ chùa Pháp Lâm, chùa Bát Nhã gần cuối đường Ông Ích Khiêm (nếu bạn là một Phật tử), bạn sẽ thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng sau những gánh nặng đời thường.

Cùng với sự tĩnh lặng tâm linh ấy, đường Ông Ích Khiêm vẫn luôn mang đến cho cuộc sống những sắc màu đa dạng và khi nhắc đến, ai cũng sẽ nghĩ ngay về một con phố thương mại sầm uất, tấp nập, lúc nào cũng tất bật cảnh mua bán và nhộn nhịp người qua lại. Sức sống của tuyến đường này phản ánh phần nào sự phát triển, trưởng thành của Đà Nẵng trong hàng chục năm qua, để rồi, ai đến Đà Nẵng cũng đều muốn ghé thăm, để được cảm nhận nhịp sống Đà thành, cảm nhận hồn phố căng tràn nơi con đường trung tâm phố thị.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.