.

Đường Ngô Quyền - kết nối hành trình ra biển lớn

.

ĐNĐT - Đường Ngô Quyền chạy dọc theo chiều dài địa bàn quận Sơn Trà, gần như song song với con sông Hàn uốn lượn.

Đường Ngô Quyền thênh thang, thoáng rộng, là tuyến đường huyết mạch hướng về cảng Tiên Sa
Đường Ngô Quyền thênh thang, thoáng rộng, là tuyến đường huyết mạch hướng về cảng Tiên Sa

Dù không hề mang những dấu ấn đặc trưng về kiến trúc, ẩm thực, dịch vụ..., thế nhưng với đặc điểm là tuyến đường vận tải huyết mạch hướng về cảng Tiên Sa, lại được thiết kế thêm hai làn đường gom dân sinh, đường Ngô Quyền là hình ảnh hiện hữu thuyết phục nhất về nhịp sống vốn có của thành phố: vừa nhộn nhịp, xô bồ lại an toàn, chậm rãi.

Quay ngược thời gian, đường Ngô Quyền thời Pháp thuộc như một lát cắt giữa trảng cát mênh mông nắng gió, kéo dài từ khu vực bán đảo Sơn Trà lên tới Ngũ Hành Sơn. Lịch sử ghi lại, thời đó đường có tên là đường Cây Thông vì tuyến đường được phủ bóng mát bởi hai hàng thông cổ thụ, dài tít tắp. Đến năm 1964, để đánh dấu ngày tướng lĩnh Sài Gòn đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam, con đường được đổi tên thành đường Cách mạng 1-11-1963, có chiều dài trên 10 cây số, điểm đầu giáp đường Nguyễn Phan Vinh và điểm cuối giáp đường Hồ Xuân Hương.

Từ năm 1994, cùng với công cuộc chỉnh trang đô thị, mở rộng các tuyến đường giao thông huyết mạch nhằm phát triển kinh tế, chính quyền thành phố đã quyết định cắt đường Ngô Quyền, từ đoạn Nguyễn Văn Thoại đến Hồ Xuân Hương (dài 4,7km) đặt tên là đường Ngũ Hành Sơn. Hiện nay, đường Ngô Quyền dài hơn 6 km, chiều rộng 48m, bắt đầu từ ngã ba đường Nguyễn Văn Thoại - Ngũ Hành Sơn nối dài mạch vận tải đến giáp đường Yết Kiêu, hướng về cảng Tiên Sa.

Việc mở rộng đường Ngô Quyền có mục đích chính là phục vụ cho giao thương của cảng Tiên Sa - cảng nước sâu đóng vai trò là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung Việt Nam. Hàng hóa xuất nhập thông qua cảng, theo Quốc lộ 1A để đến các tỉnh phía Bắc, phía Nam và theo Quốc lộ 14B để đến các tỉnh Tây nguyên và các nước bạn Lào, Campuchia, Thái Lan. Nói rộng ra, tuyến đường Ngô Quyền nối với đường Yết Kiêu là điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối, thông thương các nước Đông Dương với khu vực và thế giới thông qua cảng Tiên Sa.

Đối với người dân sống và mưu sinh hai bên đường Ngô Quyền, hình ảnh những đoàn xe đi và đến cảng Tiên Sa nối đuôi nhau bon bon trên đường, ánh đèn chớp lòa rọi sáng một quãng dài luôn trở nên thân thuộc trong tiềm thức của mỗi người. Chị Nga, một người bán quán ăn đêm ngay ngã ba đường Ngô Quyền - Nguyễn Công Trứ, bộc bạch rằng, những chuyến xe xuôi ngược lúc tàn canh, khi bóng đêm như đặc quánh lại vì trống vắng luôn cho họ cảm giác được gặp gỡ, hội tụ. Nó giúp bà cụ bán trứng lộn đêm, chị lao công hay anh dân phòng cảm thấy như hơi thở thành phố vẫn tiếp diễn, xung quanh mình luôn có bạn đồng hành.

Tòa nhà Azura sừng sững và trung tâm phức hợp Vincom đang được xây dựng trên đường Ngô Quyền.
Tòa nhà Azura sừng sững và trung tâm phức hợp Vincom đang được xây dựng trên đường Ngô Quyền.

Trong những năm gần đây, hòa vào nhịp độ phát triển chung của thành phố, đường Ngô Quyền tiếp tục tạo những dấu ấn mới với hàng loạt dự án, quần thể kiến trúc liên tiếp mọc lên. Ngay tại bùng binh giao với cầu Sông Hàn, khu căn hộ cao cấp Azura là hiện thân của phong cách sống hiện đại, đẳng cấp. Với vị trí khá đẹp, từ Azura có thể phóng xa tầm quan sát toàn thành phố, tận mắt chứng kiến những vẻ đẹp về thiên nhiên, kiến trúc cũng như sự đổi thay liên tục, nhanh chóng đến không ngờ của thành phố bên sông Hàn.

Mới đây, cũng ngay cạnh tòa nhà Azura, một tập đoàn có tiềm lực đang ngày đêm xây dựng khu thương mại phức hợp. Trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành địa điểm giải trí, mua sắm, ẩm thực phong phú, hấp dẫn, phục vụ nhu cầu người dân địa phương và du khách thập phương. Ngược lên phía trên, khách sạn Mường Thanh mới đi vào hoạt động trong vài năm trở lại đây cũng sớm thể hiện đẳng cấp khi cung cấp các gói dịch vụ lưu trú đáp ứng nhu cầu mọi tầng lớp. Con đường Ngô Quyền vì vậy cũng sớm đọng lại trong ký ức của du khách bốn phương dù chỉ mới ghé thăm Đà Nẵng một hai lần.

Mang sứ mệnh khá đặc biệt trong hoạt động vận tải, tuy nhiên đường Ngô Quyền không vì thế mà ảnh hưởng đến nhịp sống bình dị, chậm rãi vốn có của người dân hai bên đường. Trước áp lực của những chuyến xe siêu trọng dễ có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, hệ thống đường gom dân sinh chạy dọc hai bên đường này đã trở thành giải pháp an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Chua Man Quang-điểm tựa tôn giáo của ngư dân Thọ Quang nằm uy nghiêm trên đường Ngô Quyền
Chùa Mân Quang (phường Mân Thái) nằm uy nghiêm trên đường Ngô Quyền, mang lại cảm giác bình an, tĩnh tại cho con phố vốn nhộn nhịp với những chuyến xe chở hàng hóa ra vào cảng Tiên Sa.

Người dân vẫn sinh hoạt, giải trí ngay những cửa hàng ăn uống, cà phê, mua sắm bình dân mọc san sát bên đường mà quên đi từng đoàn xe nặng nề chuyển bánh, vội vã nối đuôi nhau cho chuyến hàng kịp xuôi ra biển lớn. Những cửa hiệu chuyên kinh doanh đồ gỗ nội thất như Ngô Văn Đeo, Sáu Hương, Thủy Minh… thỏa sức khách vào chọn lựa, mua sắm.

Việc kinh doanh, buôn bán khởi sắc của nhiều hộ dân trên đường Ngô Quyền đã cho thấy tiềm năng kinh tế bên cạnh thế mạnh giao thông của con đường huyết mạch này. Nhắc đến đường Ngô Quyền, chắc hẳn sẽ còn nhiều điều để nói bởi càng ngày nó càng khẳng định vai trò không thể thiếu đối với vùng đất Đà thành đang chuyển mình một cách mạnh mẽ và không ngừng mở rộng cách tay chào đón những làn sóng đầu tư, tham quan ồ ạt từ khắp nơi đổ xô về.

PHAN CHUNG - QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.