.

Đường Hải Phòng: Cung đường kết nối yêu thương

.

ĐNĐT - Nếu ai đã từng đến Đà Nẵng bằng tàu hỏa, chắc hẳn sẽ không thể không biết đến con đường Hải Phòng. Nằm ở trung tâm thành phố, điểm đầu nối với đường Nguyễn Chí Thanh, điểm cuối giáp đường Điện Biên Phủ, đường Hải Phòng gắn bó thân thương với du khách thập phương đến Đà Nẵng hay những người con xứ Quảng trở về sau mỗi chuyến đi xa.

Những mảng xanh trên đường Hải Phòng
Những mảng xanh trên đường Hải Phòng

"Se duyên" Hải Phòng - Đà Nẵng

Phong trào kết nghĩa Bắc - Nam giữa các tỉnh, thành phố miền Bắc với các địa phương miền Nam ra đời trong thời kỳ chiến tranh. Tác dụng thiết thực của phong trào này là động viên dân, quân miền Bắc thi đua sản xuất và chiến đấu bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam theo tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, học tập và cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân, dân miền Nam thi đua giết giặc, lập công giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Cũng từ phong trào này, năm 1960, hai thành phố Hải Phòng và Đà Nẵng đã kết nghĩa tình thâm và câu nói “Hải Phòng - Đà Nẵng nặng lòng tình nghĩa” ra đời từ đó.

Đường Hải Phòng - đoạn giao nhau với đường Lê Lợi
Đường Hải Phòng - đoạn giao nhau với đường Lê Lợi

Hải Phòng là thành phố lớn thứ hai toàn miền Bắc chỉ sau Hà Nội và là một thành phố cảng ven biển nổi tiếng có từ thời Pháp thuộc cho đến nay. Đà Nẵng trước năm 1975 là thành phố lớn thứ hai toàn miền Nam (tính từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam) dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa chỉ sau Sài Gòn, đồng thời cũng là một thành phố cảng nổi tiếng ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hải Phòng đã giúp đỡ, hỗ trợ cả sức người lẫn sức của cho chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải Phòng đã hai lần cử gần 700 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 399 Bạch Đằng 1 Thủy Nguyên (sau này là Tiểu đoàn Hải Đà) vào chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng chiến đấu.

Năm 1963, chính quyền thành phố Hải Phòng chính thức dùng tên gọi Đà Nẵng để đặt tên cho một con phố trong khu vực nội ô thành phố: phố Đà Nẵng. Trên chính con phố này, ngôi trường cấp III và sau này là Trường THPT Thái Phiên cũng được xây dựng (Thái Phiên vốn là tên của một chí sĩ yêu nước thời chống Pháp ở Đà Nẵng). Ngày 29-3-1975, Đà Nẵng hoàn toàn được giải phóng. Sau năm 1975, chính quyền mới của thành phố Đà Nẵng đã quyết định đổi tên đường Nguyễn Hoàng (cũ) thành đường Hải Phòng cho đến nay. Đây cũng là một trong những tuyến đường chính ở khu vực trung tâm Đà Nẵng.

Đường Hải Phòng nối dài bắt đầu từ đoạn giao nhau với đường Nguyễn Chí Thanh và kết thúc là đoạn giao với đường Điện Biên Phủ. Đường Hải Phòng có chiều dài 1.720m, rộng 9m. Theo thời gian, con phố này trở thành biểu tượng cho sự gắn bó thân thương, cho tình đoàn kết keo sơn giữa hai thành phố cảng lớn của cả nước: Đà Nẵng - Hải Phòng.

Mang yêu thương xích lại gần nhau

Nói đến đường Hải Phòng không thể không nhắc đến Ga Đà Nẵng. Được xây dựng và khánh thành năm 1902 theo kiến trúc thống nhất từ Bắc chí Nam, từ khi thành lập đến nay, Ga Đà Nẵng được sửa chữa và xây dựng nhiều lần nên không còn dấu vết kiến trúc xưa. Song, đổi lại, giờ đây khi đến Đà Nẵng, người dân và du khách lại được ngắm nhìn chiếc đầu máy xe lửa “độc đáo” lưu dấu lịch sử tọa lạc ngay giữa sân ga.

Ga Đà Nẵng như một chứng nhân lịch sử tọa lạc trên đường Hải Phòng.
Ga Đà Nẵng như một chứng nhân lịch sử tọa lạc trên đường Hải Phòng.

Trên bảng tên trước đầu máy xe lửa in rõ dòng chữ “Tại khu hỏa xa Đà Nẵng: Tháng 3-1940, Chi bộ Đảng Đề-Pô xe lửa được thành lập. 7 giờ ngày 26-8-1945, cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên cột cờ Đề-Pô. Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946 cùng với tiểu đoàn 18 thuộc trung đoàn 96, lực lượng tự vệ và công nhân hỏa xa bằng vũ khí tự chế tạo đã dũng cảm đánh trả quyết liệt giặc Pháp xâm lược, mở đầu cho cuộc kháng chiến oanh liệt của nhân dân TP. Đà Nẵng”. Bảng tên đó dường như đã khắc họa rõ nét sự anh dũng, hy sinh và lòng chiến đấu quả cảm của mảnh đất, con người anh hùng nơi này.

Ga Đà Nẵng trên cung đường Hải Phòng là một trong những địa chỉ lưu lại rất sâu đậm trong ký ức của bao thế hệ. Ra Bắc, vào Nam, với những chuyến tàu ngược xuôi, con đường này đón biết bao khách thập phương, đưa tiễn hàng triệu người đi xa và là chốn về của những người con đất Quảng.

Cùng với Ga Đà Nẵng, đường Hải Phòng còn được biết đến với hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng. Những nơi này hằng ngày tiếp nhận hàng ngàn bệnh nhân đến khám và chữa bệnh với đội ngũ y bác sĩ luôn phục vụ bệnh nhân nhiệt tình, chu đáo. Gần các bệnh viện là những phòng mạch tư nhân, những cơ sở y tế tư chuyên xét nghiệm, siêu âm... hỗ trợ bệnh nhân những lúc cấp thiết.

Có thể thấy, sự gặp nhau giữa những con người cùng cảnh ngộ từ Bắc vào Nam trên những chuyến tàu hay trong những buồng bệnh nhân đã mang tình người, mang yêu thương xích lại gần nhau hơn.

Bệnh viện C Đà Nẵng tọa lạc trên đường Hải Phòng
Bệnh viện C Đà Nẵng tọa lạc trên đường Hải Phòng

Đường Hải Phòng tuy không rộng lớn nhưng lần nào cũng vậy, du khách đến Đà Nẵng thường tìm đến đây để thưởng thức hương vị những món Quảng trứ danh. Thật lạ, những quán ăn dọc đường Hải Phòng tuy nhỏ nhưng quán nào cũng đông nghịt khách, trong đó phải kể đến quán Mì quảng 1A. Quán ăn này đã có từ lâu, truyền từ đời này sang đời khác, và theo nhân viên làm ở quán thì tuy số nhà nay đã khác nhưng chủ quán vẫn giữ tên quán 1A như một thương hiệu để khi đến đường Hải Phòng, du khách sẽ ghé qua và thưởng thức tô mì đậm chất Quảng. Tiếp đến, phía đối diện nối dài liên tiếp 3-4 quán cơm gà sát nhau, lên nữa là những quán cà phê cóc, quán ăn vặt, các hàng bánh canh, bún, hoành thánh… mang đậm hương vị Quảng.

Trên con phố này, du khách còn có thể bắt gặp kiến trúc tôn giáo độc đáo: Hội thánh truyền giáo Cao Đài. Hội Thánh truyền giáo Cao Đài có kiến trúc như tòa thánh Tây Ninh nhưng nhỏ hơn. Tòa thánh có 3 cửa, các chức sắc đi cửa giữa, hai bên có hai cửa nhỏ dành cho nam, nữ đi riêng. Trang thánh thất có mô hình Tam đài lập pháp: Bát Quái Đài, Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài. Trên bàn thờ có tranh lão Tử, Phật Thích ca, Chúa Jesus và thánh Mohamet gặp nhau ở thế giới đại đồng.

Một điều nữa khi nói đến con đường Hải Phòng là sự đổi thay ở đoạn cuối con đường từ khi siêu thị Nguyễn Kim ra đời. Đưa vào hoạt động từ năm 2011, Trung tâm Điện máy - Kỹ thuật số Nguyễn Kim với 6 nhóm hàng phổ biến: điện tử, điện lạnh, gia dụng, viễn thông, tin học, giải trí đã tạo thuận tiện cho khách hàng đến đây mua sắm. Ngay gần đấy là những quán ăn, những quầy kinh doanh nhỏ nằm san sát nhau, cho thấy sự sôi động trong cuộc sống thường nhật trên con phố này.

Đoạn cuối của đường Hải Phòng - nơi giáp với đường Điện Biên Phủ
Đoạn cuối của đường Hải Phòng - nơi giáp với đường Điện Biên Phủ

Đường Hải Phòng - tự bao đời vẫn vậy, vẫn nép mình dưới những hàng cây xanh mát che bóng cho những lữ khách thập phương mỗi lần đến và rời xa Đà Nẵng. Trong hối hả, vội vàng ngược xuôi của những người từ muôn phương đổ về ấy, đường Hải Phòng với những bình dị, chân chất vẫn lưu luyến chân người, để rồi thêm một chút nhớ, một chút yêu, một chút hoài niệm chẳng thể nào quên…

Bài, ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.