.

Đường Trần Cao Vân: Bình dị mà thân thuộc

.

ĐNĐT - Người dân sinh sống ở quận Thanh Khê, đặc biệt là dọc tuyến đường Trần Cao Vân, đều cho rằng, bên cạnh đường Điện Biên Phủ, đường Trần Cao Vân là huyết mạch giao thông nhộn nhịp nhất quận. Mỗi lần qua lại con đường này, dấu ấn về những “lộ danh”: “phố xe đạp”, “phố cầm đồ”, “phố gia sư”, hay “khu Tam tòa”... luôn tạo cho người qua đường cảm giác bình dị, thân thuộc.

Từ con đường cho đến người dân sống hai bên ven đường TCV đang thay da đổi thịt từng ngày theo nhịp sống của thành phố
Đường Trần Cao Vân và cuộc sống người dân trên tuyến phố này đã và đang thay da đổi thịt từng ngày theo nhịp sống của thành phố

Đường Trần Cao Vân khởi đầu từ ngã tư giao lộ Ông Ích Khiêm cắt điểm cuối đường Quang Trung, kéo dài đến giáp đường Dũng Sĩ Thanh Khê. Bà Nguyễn Thị Cự ở phường Tam Thuận, có nhà giáp mặt tiền đường, cho biết bà sinh sống ở đây non nửa thế kỷ. Đường Trần Cao Vân có tự lâu đời, ngày trước chỉ là con đường đất, đá sỏi rộng 5m, nhưng vẫn là huyết mạch chính nối các phường liên quận Thanh Khê. Mật độ giao thông ở đường này dày đặc.

Những năm đầu 2000, đường Nguyễn Tất Thành được xây dựng, đã giảm đáng kể lưu lượng giao thông qua lại đường Trần Cao Vân. Dẫu vậy, nhiều người vẫn có tâm lý “quen đường” Trần Cao Vân hơn là đi đường biển lộng gió. Thế mới biết, con đường sinh ra là để đi, nhưng mỗi con đường đều mang theo một kỷ niệm, một tình cảm riêng cho ai đó từng qua về trên nó.

Cách đây gần 20 năm, đường Trần Cao Vân được cải tạo, nâng cấp, mở rộng như bây giờ, cũng là chặng đường “đổi mới” của người dân dọc tuyến đường này. Cuộc sống những người dân nơi đây đã thay da, đổi thịt. Họ tiếp cận kinh tế thị trường, mở rộng kinh doanh, buôn bán đa ngành nghề để phát triển kinh tế. Đường Trần Cao Vân trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Đầu đường Trần Cao Vân có rất nhiều cửa hàng kinh doanh xe đạp, vì thế, người dân vẫn quen gọi là “phố xe đạp”, lâu dần trở thành một “lộ danh” của con đường này. Bây giờ, tại “phố xe đạp” có đủ loại, đủ nhãn hiệu: từ xe đạp cũ, xe đạp gia công đến xe mới ngoại nhập. Đi qua nhiều con đường có các cửa hàng xe đạp (Hùng Vương ở Hải Châu và Tôn Đức Thắng ở Liên Chiểu), nhưng không hiểu sao, “phố xe đạp” Trần Cao Vân vẫn tấp nập hơn hẳn.

Nhộn nhịp phố xe đạp
Những cửa hàng bán xe đạp nằm san sát nhau trên đường Trần Cao Vân

Bên cạnh "lộ danh" “phố xe đạp”, đường Trần Cao Vân còn là điểm đến tấp nập của giới cầm đồ. Dọc tuyến đường từ điểm đầu giáp đường Quang Trung đến điểm cuối giáp đường Dũng Sĩ Thanh Khê, rất nhiều tiệm cầm đồ lớn nhỏ hoạt động. Ở đây, bạn có thể cầm một chiếc máy ảnh kỹ thuật số cũ kỹ, chiếc điện thoại mấy trăm nghìn đến các vật dụng có giá trị lớn như xe gắn máy, máy tính xách tay…

Ngoài ra, đường Trần Cao Vân còn được biết đến với tên gọi “phố gia sư”. Rất nhiều sinh viên các trường đại học xem tuyến đường này là điểm đến tìm việc làm dạy thêm ở các trung tâm gia sư, trong khi đó, học sinh lại chọn nơi này để tìm thầy dạy thêm tại gia…

Đặc biệt, nhắc đến đường Trần Cao Vân, rất nhiều người gợi nhớ "khu giáo xứ Tam Tòa". Bởi trên con phố này tọa lạc Nhà thờ Tam tòa với dấu ấn đặc biệt, ăn sâu vào đời sống văn hóa của người dân địa phương. Mỗi mùa Noel, những chiều cuối tuần, nơi đây vọng tiếng chuông nhà thờ điểm hành lễ. Nhà thờ Tam Tòa là tên thường gọi của người dân thành phố, nhưng tên chính là Giáo xứ Tam Tòa thuộc Giáo hạt Đà Nẵng, thành lập từ năm 1954, đại tu năm 1976 và xây lại mới hoàn toàn từ năm 2012.

Những năm qua, dù đường Điện Biên Phủ được nâng cấp, mở rộng, khang trang hơn nhiều lần; đường Nguyễn Tất Thành thênh thang gió lộng, nhưng vẫn không thể làm mờ đi dấu ấn đặc biệt của đường Trần Cao Vân trong lòng người dân thành phố nói chung, người Thanh Khê nói riêng. Đi trên đường Trần Cao Vân, khi qua ngã tư giao đường Lê Độ nối đường Tôn Thất Đạm, bạn sẽ nghe tiếng chuông vang vọng thanh bình của ngôi chùa Thạch Quang, hay đến ngã tư đường Hà Huy Tập nối đường Hà Khê, sẽ là trụ sở Quận ủy, UBND quận Thanh Khê. Giữa hai đoạn đường này là Bệnh viện Bình dân, tọa lạc tại 376 Trần Cao Vân, một bệnh viên tư đầu tiên của Đà Nẵng, được thành lập từ năm 1996 khi Đà Nẵng - Quảng Nam còn chưa chia tách.

Và thật chưa đầy đủ nếu đi qua đường Trần Cao Vân mà không nhắc đến ngôi trường THPT Thái Phiên nằm gần cuối tuyến đường. Đây là ngôi trường cấp 3 lâu đời ở Đà Nẵng, là cái nôi sản sinh ra nhiều thế hệ học sinh tài năng của thành phố. Trường được thành lập từ năm 1963, trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, trường đã góp phần không nhỏ cho ngành Giáo dục thành phố đi lên. Bên cạnh đó, dọc đường Trần Cao Vân còn có trụ sở 3 phường (Thanh Khê Đông, Xuân Hà, Tam Thuận - quận Thanh Khê) và nhiều cơ quan, đơn vị cũng chọn đường Trần Cao Vân làm điểm đóng chân.

Đường Trần Cao Vân cũng là điểm đến có nhiều quán ăn hấp dẫn, bình dân cho những người đam mê ẩm thực. Khi bạn đã thực sự “no nê” với đường Trần Cao Vân, chỉ mấy bước tản bộ, bạn đã thấy biển, chạm chân trên bờ cát trải dài để hưởng làn gió biển mặn mòi, nống thấm trong làn nước trong xanh.

Tất cả những nét bình dị và thân thuộc của đường Trần Cao Vân khiến con phố này trở nên gần gũi với người dân thành phố. Không hào nhoáng, sang trọng, không quá hiện đại, rộng lớn nhưng nơi đây phảng phất dấu ấn cuộc sống đời thường của người dân Đà thành, khiến cho ai đi qua, ai đã và đang sinh sống nơi đây đều cảm và yêu cái hồn mà con phố rất đỗi thân thương này tạo nên sau bao nhiêu năm hình thành và phát triển.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.