.

Đường Cách mạng tháng 8: Dấu ấn dịch chuyển vùng ven thị

.

ĐNĐT - Trong kí ức bé thơ của tôi, đó chỉ là một con đường đất đỏ, nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo đầy cỏ đá, lúc nào bụi cũng tung mờ mịt đến khó chịu; những ngôi nhà bé xíu hai bên đường luôn phải giấu mình sau lớp bụi đất dày nhem nhuốc… Ấy vậy mà hôm nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ vùng đất phía Nam của thành phố, con đường đã có những bước chuyển mình đến ngỡ ngàng.

Con đường quê xưa kia, giờ đã mọc lên nhiều nhà cao tầng
Con đường quê xưa kia giờ đã mọc lên nhiều nhà cao tầng

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta, mở ra bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít.

Để ghi dấu mốc son lịch sử vĩ đại, có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc, nhiều địa phương trên cả nước đã lấy sự kiện này đặt tên cho những con đường huyết mạch của mình.

Tại thành phố Đà Nẵng, con đường mang tên Cách mạng tháng Tám (CMT8) là tuyến AH (đường xuyên Á, đoạn cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây) kéo dài khoảng 3 km, bắt đầu từ điểm cuối đường 2-9, từ ngã 3 cây xăng đường Núi Thành đến ngã tư Hòa Cầm, đi qua hai phường Hòa Thọ Đông và Khuê Trung của quận Cẩm Lệ.

Trong kí ức của nhiều người cao tuổi sinh sống ở đây, con đường từ thuở ban sơ vốn là một vùng đồng ruộng, bao quanh là bàu nước, người qua lại thưa thớt. Mùa mưa nước dâng lên, người dân không thể canh tác hay làm ăn thuận lợi. Đêm tối đen như mực chứ chưa có bóng đèn cao áp sáng trưng như bây giờ.

Từ trước khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, con đường vẫn như cô gái quê, bình dị vì chưa được khoác chiếc áo lộng lẫy như hiện tại.

Phố xá thênh thang, nối vùng Hòa Xuân và trung tâm thành phố bằng những cây cầu hiện đại
Phố xá thênh thang, nối vùng Hòa Xuân và trung tâm thành phố bằng những cây cầu hiện đại

Chỉ vài năm sau khi huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ chia tách, những vạt đất trống mặt tiền trên tuyến đường CMT8 hình thành nên những công trình quan trọng phục vụ cho sự phát triển thành phố như siêu thị Metro Cash and Cary, tòa nhà Bộ Công thương, trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Đà Nẵng, bệnh viên Đa khoa Tâm Trí, khách sạn Cham-pa…

Con đường nay đã được trải nhựa khang trang, rộng rãi với 2 làn xe ô tô, nhà cửa hai bên mọc lên san sát, hiện đại và hoa lệ không hề kém cạnh con đường lớn nào ở phố. Các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh phục vụ nhu cầu người dân Đà Nẵng và khách du lịch cũng thi nhau mọc lên, đem đến một diện mạo mới cho vùng đất phía Nam của thành phố – năng động và nhộn nhịp.

Góc phố nhộn nhịp
Góc phố nhộn nhịp...

Cột mốc góp phần đáng kể trong việc khoác áo mới cho con đường phải kể đến là khi thành phố xây dựng trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế tọa lạc trên một diện tích lớn. Kể từ đó, con đường trở nên náo nhiệt hơn, lưu lượng người luân chuyển tăng lên, nhất là mỗi mùa hội chợ…

Nhắc đến con đường này không thể không nói đến Di tích Chămpa ở Khuê Trung. Đây là khu di tích lịch sử văn hóa có diện tích trên 4.000m2 nằm giữa khu vực dân cư có cảnh quan thoáng đãng và uy nghiêm.

Khu này gồm có: Nghĩa trủng Hòa Vang, phế tích Tháp Hóa Quê (còn gọi là Hóa Khuê), giếng cổ Chăm, nhà thờ Tiền hiền Chư phái Tộc và Miếu Bà. Các di tích này được bố trí gần nhau tạo thành quần thể di tích gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triền của vùng đất Hóa Khuê xưa (nay thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ).

Nơi đây đươc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Quốc gia năm 1998. Cách trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Đà Nẵng khoảng 100m, người dân và du khách rẽ phải vào đường Nguyễn Phong Sắc chừng 50m là đến ngay khu di tích.

Nhưng không thiếu những khoảng xanh
... nhưng không thiếu những mảng xanh

Đi dọc chiều dài con đường mới thấy hết “trục xương sống” làm điểm tựa quan trọng cho những con đường ngã tư vắt ngang qua thân. Không nói quá khi xem đường CMT8 là cây đòn gánh, nối liền trung tâm thành phố với vùng Hòa Xuân vốn cách biệt khi chưa có những cây cầu bắc ngang qua. Dấu ấn những cây cầu của Đà Nẵng trên con đường này là cầu Hòa Xuân và cầu Nguyễn Tri Phương.

Dù có những đoạn ồn ã xô bồ như vòng xoay CMT8 – Nguyễn Hữu Thọ, hay ngã tư CMT8 – Ông Ích Đường thì con đường vẫn có những khoảng lặng thanh bình. Đó là những vườn cây xanh um, được trồng tại điểm đầu và cuối đường CMT8, đóng vai trò như màng lọc không khí cho thành phố.

Càng xuôi về phía cầu vượt Hòa Cầm dẫn lên tuyến QL 14B, con đường càng đông đúc xe cộ trên tuyến giao thông quan trọng nối liền thành phố Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam thông qua vành đai phía Nam ngược ra phía biển.

Vùng đô thị phía Nam giờ đây đang định hình, tạo dáng cảnh quan, kiến trúc hài hòa trên vùng đất rộng lớn… Cứ như thế, đường CMT8 lặng lẽ dịch chuyển, từ mộc mạc, thô sơ đến ồn ã, hiện đại như ngày nay. Nó như một dấu gạch nối lịch sử từ quá khứ đến tương lai, để nhắc nhở con cháu hôm nay về công lao hy sinh của cha ông và trách nhiệm với đất nước hôm nay.

Bài và ảnh: Duyên Anh – Linh Anh
 

;
.
.
.
.
.