.

Con đường của hoài niệm

.

Con đường nhỏ, không có quá nhiều xe cộ đông đúc nhưng Trần Kế Xương vẫn được mọi người nhớ đến không chỉ là con đường có những quán bún mắm đặc trưng nằm san sát nhau ở kiệt 23 mà còn là sự bình yên, hoài niệm.

Một góc đường Trần Kế Xương.
Một góc đường Trần Kế Xương.

Một thời tắm mưa, đá banh

Trong trí nhớ của những người đã sống lâu trên con đường này, ký ức đường Trần Kế Xương trong họ là một cuộc sống bình yên và sâu lắng với những kỷ niệm không thể nào quên. Hồi đó, con đường này là con đường đất nằm lọt thỏm trong khu dân cư. Cả tuyến đường chỉ tầm chục ngôi nhà; mỗi nhà rất rộng, được thiết kế theo kiểu nhà vườn, có sân và những rặng cây xanh mát. Vì vậy, con đường rất vắng, cứ mỗi trận mưa, bọn con nít lại thi nhau ùa ra đường tắm mưa. Những ngày nắng, chiều tà, bà dẫn cháu ra hóng mát, chuyện trò, đám trẻ con trong xóm lại lôi banh ra đá…

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng, dân số ngày càng đông. Có một vài hộ dân trên tuyến đường này vì nghèo quá nên bán để lấy tiền đến nơi khác sinh sống, nhường lại nơi này cho những hàng quán sầm uất mọc lên. Chỉ tay lên đoạn đường Trần Kế Xương giao với đường Triệu Nữ Vương, bà chủ quán cà phê 24 vẫn nhớ như in: Nơi đó khi xưa bán đồ bành, đồ viện trợ của Mỹ, sau dần bán đủ thứ đồ để phục vụ yêu cầu người dân và du khách. Đó hầu như là khu buôn bán lâu nhất còn lại ở khu vực này. Còn lại hàng quán cũng chỉ mới mọc lên tầm 10 năm nay.

Cô bán hàng áo quần trạc tuổi 40,  nói hóm hỉnh, khi xưa đây là con đường “chết”, giờ thì “sống” rồi. Sở dĩ cô chủ tiệm áo quần nói vậy là bởi khi xưa đoạn đường này cây cối um tùm, người dân buôn bán thưa thớt, giờ thì con đường sầm uất hơn hẳn nên ai cũng muốn dọn về đây làm ăn buôn bán. “Sống đâu quen đó, ngay như tôi, gia đình không phải ở trên tuyến đường này nhưng gần 20 năm thuê mặt bằng bán áo quần tại đây, có ngày đông khách, có ngày vắng, nhưng chưa hề có ý định chuyển đi”, cô tâm sự. Cô bán hàng còn nói, người cũ hầu như đi ở chỗ khác rồi, chỗ này toàn nggười mới đến mua nhà làm ăn buôn bán. Xưa, các hàng áo quần ở đây chủ yếu bán hàng bành (mua từng bành của Mỹ về bán lại), nhưng giờ đây, hàng áo quần bành đi vào trong chợ là chủ yếu, ở đây, chủ yếu nhập hàng Sài Gòn về buôn bán.

Chiều xuống, khi trời còn chưa tắt nắng, khu phố ấm thực đã đông nghịt xe.
Chiều xuống, khi trời còn chưa tắt nắng, khu phố ấm thực đã đông nghịt xe.

Nổi tiếng với phố bún mắm, hàng xe đạp

Có lẽ rất thiếu sót nếu như nói về con đường này mà không nói đến khu “bún mắm”- món dân dã, quen thuộc mà ai đã ăn một lần là nhớ mãi. Nó nổi tiếng đến mức mà khi nhắc tên đường “bún mắm” thôi là ai cũng biết ngay đó là đường Trần Kế Xương.

Từ đường Trần Kế Xương, rẽ vào kiệt 23, người dân và du khách sẽ cảm thấy “choáng ngợp” bởi lẽ có quá nhiều quán bún mắm nằm san sát nhau. Nhưng theo những người “sành” ăn ở đây thì các quán này, quán nào cũng ngon và có vị đặc trưng. Những người buôn bán tại đây, cho biết, trước đây, trong kiệt toàn là dân nghèo. Ban đầu, có 1 hộ ra mở quán bún mắm - là thức ăn rẻ tiền phục vụ người dân nơi đây. Nhưng sau này, thấy khách ăn ngày một đông, các quán khác thi nhau mọc lênvà hình thành khu phố bún mắm sôi động như hiện nay. Khu phố mở cửa từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối nhưng đông nhất vẫn là tầm buổi chiều tối.

Bún mắm từ lâu đã trở nên rất quen thuộc, gần gũi với người dân Đà Nẵng. Bún mắm ở Đà Nẵng, hầu như có mặt ở khắp mọi nơi nhưng ở con đường này vẫn được coi là “kinh đô”. Thật vậy, chỉ khi vừa rẽ xe vào kiệt này, những cánh tay và tiếng chào mời đã đồng loạt cất lên. Quán nào cũng thân thiện, nhiệt tình và đồ ăn thì thỏa mãn thực khách. Theo các chủ quán tại đây thì bún mắm Đà Nẵng có đặc trưng riêng là được chế biến công phu từ loại mắm cá cơm ngon nổi tiếng ở đất này. Và chính điều đó làm nên vị ngon và khác biệt mà du khách đã ăn một lần là muốn ăn thêm lần nữa.

Bún mắm là món ăn nổi tiếng hầu như ai cũng biết và phải ghé ăn khi đi đến con đường này.
Bún mắm là món ăn nổi tiếng hầu như ai cũng biết và phải ghé ăn khi đi đến con đường này.

Ngoài bún mắm, đường Trần Kế Xương còn được biết đến là tuyến đường chuyên bán phụ tùng xe đạp và đồ điện gia dụng. Theo lời kể của những người sống tại đây thì khi xưa những hàng xe đạp này được bày bán trong những căn lều nhỏ che lên quanh chợ trời. Sau này, khu chợ trời giải tỏa, họ vào chuyển vào bán ở mặt tiền của chính gia đình mình. Và giờ đây, mỗi khi đi qua con đường nhỏ này, ai cũng sẽ bắt gặp những hàng xe đạp san sát nhau. Những cửa hàng không lớn, khang trang nhưng hàng nào cũng gần giống hàng nào, đều không muốn mở rộng ra mà bán trong những căn nhà nhỏ cấp 4 xưa cũ, như muốn níu lại chút hoài niệm của dòng thời gian đã qua.

Đường Trần Kế Xương - con đường mang tên nhà thơ được xếp hàng đầu trong văn học trào phúng Việt Nam, có chiều dài 200m, rộng 7m, nối từ đường Ngô Gia Tự đến đường Triệu Nữ Vương (quận Hải Châu). Thời Pháp, đường này có tên là Rue de France, đầu năm 1956 được đổi thành đường Trần Kế Xương. Tuy trải qua nhiều thay đổi, nhưng con đường vẫn giữ được nét bình dị và sâu lắng với những kỷ niệm không thể nào quên trong lòng người đã và đang từng sinh sống nơi đây.

Bài và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.