.

 

 
 

Dựa theo châu bộ (là loại văn bản về ruộng đất do các chức sắc, lý dịch của làng lập theo lệnh vua) còn lưu giữ tại các đình làng, có thể thấy nghề đánh bắt thủy sản của ngư dân Đà Nẵng đã được hình thành từ lâu đời, từ khi những di dân từ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh trên bước đường Nam tiến đã vào đây lập làng, làm ăn sinh sống. 

Tại vùng đất mới, người Việt đã gặp gỡ người Chăm (dân bản địa), một dân tộc vốn có truyền thống hành nghề đi biển và trong quá trình chung sống, giữa họ có sự tiếp biến, giao lưu văn hóa lẫn nhau. 

 

Dần dần, những di dân người Việt ở các làng ven biển đã học hỏi kinh nghiệm làm biển của cư dân bản địa rồi tích góp những kinh nghiệm làm nghề cho riêng mình. Tín ngưỡng thờ cá Ông và các lăng tồn tại ven biển Đà Nẵng và lễ hội cầu ngư duy trì qua nhiều thế hệ là bằng chứng rõ nét về nguồn gốc nghề biển của ngư dân Đà Nẵng.

Ngày nay, nghề biển không chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành kinh tế của thành phố như trước. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương phát triển mạnh về nghề biển như: Thanh Khê Đông, Xuân Hà (quận Thanh Khê); An Hải Bắc, Nại Hiên Đông, Thọ Quang (quận Sơn Trà). Họ đánh bắt chủ yếu dưới hai hình thức đi khơi và đi lộng.

 

Đi lộng là đánh bắt gần bờ, thời gian thường bắt đầu từ 5 - 6 giờ chiều, đến 4 - 5 giờ sáng ngày hôm sau thì về, ngư cụ thường dùng là lưới, câu. Loại hình đi khơi thường dành cho các phương tiện đánh bắt lớn, hiện đại; thời gian mỗi chuyến ra khơi có thể từ 15 đến 20 ngày, có khi cả tháng.

Những năm gần đây, loại hình đi khơi phát triển khá mạnh. Riêng tại Sơn Trà số lượng tàu có công suất từ 90 CV-400 CV có 76 chiếc; tàu trên 400 CV có 411 chiếc; quận Thanh Khê có 52 chiếc trên 400 CV, 17 chiếc từ 90 CV-400 CV…

Ông Cao Văn Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cho biết, hầu hết những người theo nghề biển đều theo kiểu “cha truyền con nối”. Từ thời ông cố, ông nội bên chiếc ghe nhỏ bám bờ, rồi bắt đầu hành trình vươn khơi xa trên con tàu vỏ gỗ. Cả một hành trình bám biển tiếp nối nhau qua nhiều thế hệ. Chính vì vậy, ngư dân biết từng ngư trường, hiểu từng luồng nước.

 

“Nhưng đi miết, đi miết rồi con cá ngày càng khôn. Cũng miếng mồi này, cũng là manh nghề này nhưng mấy lần trước bắt được, bây giờ lại không. Từ đó mới trăn trở sáng tạo ra nhiều loại nghề, loại lưới để mình khai thác. Cứ thế, từng bước vươn ra những ngư trường xa hơn… Bản thân gia đình tôi hiện có hai chiếc tàu công suất lớn, chuyên đánh bắt xa bờ. Năm người con trai thì ba đứa đã nối nghiệp cha”, ông Minh tâm sự.

Nói về biển, anh Đào Ngọc Minh Tâm (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) cũng là một trong số những người thấm thía với cái nghiệp “hồn treo cột buồm”. Hơn 30 năm bám biển, nhưng anh đã có 20 năm vật lộn với sóng to gió lớn.

Theo nghiệp gia đình, khi mới hơn 20 tuổi, anh Tâm đã làm chủ kiêm thuyền trưởng một con tàu vỏ gỗ công suất 60 CV chuyên nghề lưới chuồn. Được 5 năm, anh “nhảy” qua nghề giã đôi cao tốc. Đến năm 2000, anh “mạnh dạn” vay vốn ngân hàng, gom góp số tiền tích lũy được để đóng mới một tàu cá trị giá hơn 1 tỷ đồng để theo đuổi nghề câu mực.

Con tàu này anh nhớ mãi, bởi nó đã đưa anh và những thuyền viên trở về đất liền an toàn sau cơn bão dữ Chanchu năm 2006. Sau nhiều lần chuyển tàu, hiện giờ anh đã sở hữu con tàu vỏ gỗ với công suất 700 CV, luôn sẵn sàng cho những chuyến vươn khơi xa.

Để tiếp tục phát triển kinh tế biển kết hợp bảo vệ chủ quyền, đầu năm 2017, anh Tâm đăng ký đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Giữa năm 2017, con tàu vỏ thép ĐNa 90945 trị giá hơn 17 tỷ đồng đã hạ thủy vươn khơi.

Những con tàu vươn khơi ấy, chất chứa tâm huyết cháy bỏng về bám biển để kiếm sống và để có cuộc sống tốt hơn của một thế hệ đang gánh trên vai cái nghiệp của cha ông. Nhưng nói như họ thì nghề đi biển giống đánh bạc với trời. Biển có lúc im lặng, hiền hòa nhưng cũng bất chợt nổi cơn giông bão, nhấn chìm thuyền tàu và chôn vùi con người mãi chốn đại dương.

Lúc mưa thuận gió hòa, lưu lượng thủy triều, đúng mùa, đúng tiết thì cá sinh sôi nảy nở rất nhiều, đánh bắt không hết, từng đoàn tàu về đầy ắp cá nhưng cũng có lúc mưa không thuận, gió không hòa thì ngư dân trắng tay quay về.

“Con người không dự đoán trước được thiên nhiên, nếu không những người đi biển đã giàu hết rồi. Tôi cho rằng bên cạnh chính sách hỗ trợ của nhà nước, cần có những chủ trương định hướng để lớp người trẻ hiểu biển, yêu biển, bảo vệ biển và làm giàu từ biển”, ông Cao Văn Minh nói thêm.

 

Thời gian qua, công tác hỗ trợ phát triển nghề cá được đặc biệt quan tâm. Ông Võ Kim Tú (Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê) cho biết, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa (gọi tắt là Quyết định 48) đã tạo nguồn động lực cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Ngoài ra, còn có nguồn hỗ trợ hằng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) thành phố, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của quận… nên ngành khai thác hải sản của quận Thanh Khê có những chuyển biến tích cực.

 

Tương tự, theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, cũng giống như những tỉnh, thành khác, nghề biển đang đứng trước thách thức không nhỏ về nguồn lượng khai thác, nguồn lao động…

Tuy nhiên, từ những chính sách hỗ trợ, ngư dân Sơn Trà đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để đóng mới tàu thuyền, nâng cấp công suất, đưa cơ cấu tàu thuyền và nghề khai thác thủy sản chuyển dịch tích cực theo hướng vươn khơi. Ngoài ra, tại địa phương cũng hình thành được 50 tổ đoàn kết trên biển hỗ trợ nhau…

Theo số liệu thống kê của Sở NN & PTNT thành phố, tính đến ngày 25-12-2018, trong tổng số tàu cá của Đà Nẵng là 1.254 chiếc (không tính số thúng máy là 432 chiếc) có đến 540 chiếc đạt công suất lớn từ 400 CV trở lên. 

 

Minh chứng cho sự gia tăng chất lượng tàu cá của thành phố là sự tỉ lệ nghịch giữa số lượng tàu và công suất tàu. Cụ thể, so với năm 2010 đến nay, số lượng tàu cá của thành phố đã giảm đến 447 chiếc. Tuy nhiên, công suất bình quân của các tàu cũng tăng từ 41,8 CV/chiếc lên 304,2 CV/chiếc. 

Đồng thời, giá trị khai thác hải sản của thành phố tăng theo từng năm. Thống kê đến cuối năm 2017, con số này đã hơn 27 triệu tấn.

“Điều này chứng tỏ ngư dân đã nhận thức tốt hơn, quan tâm đầu tư chuyển đổi nghề khai thác… để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây cũng là kết quả tích cực cho sự phát triển ổn định của ngành hải sản thành phố, của nghề cá truyền thống sau những năm trực thuộc Trung ương”, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết.

Cũng theo ông Tám, thành phố đã có “bước đi” mới là dừng chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá theo Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND (gọi tắt là Quyết định 47). Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Dừng Quyết định 47 là theo định hướng của Trung ương và ngành thủy sản thành phố.

 

Hiện tại, số tàu cá của Đà Nẵng theo thống kê đến 25-12-2018 là 1.254 chiếc. Con số này đã đạt chỉ tiêu số lượng tàu cá theo quy hoạch. Do đó, việc dừng Quyết định 47 là để ban hành những chính sách mới nhằm hỗ trợ ngư dân bám biển trong giai đoạn 2019-2025.

Những chính sách mới mà ông Tám nhắc đến là hỗ trợ lệ phí mua bảo hiểm thân tàu, hỗ trợ bảo quản sau thu hoạch, hỗ trợ máy cơ giới, máy dò cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình… với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng.

"Nghề biển sống được song quá vất vả nếu không có một chính sách đột phá để thu hút thì sẽ khó, rất khó đấy. Tôi mong nghề biển sẽ hưng thịnh để mỗi con tàu của ngư dân mình là “cột mốc sống” trên biển để khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam”, anh Tâm trăn trở.

 

“Tôi nói thật, nếu không có Quyết định 48 thì nhiều ngư dân đã bỏ biển. Những người như tôi, anh Ngộ, anh Nhơn, anh Minh hay anh Chiến (những người tâm huyết với nghề biển – PV) là những “cựu binh” đang cầm cự với nghề đánh bắt cá trên ngư trường. Nhưng mà… bây giờ cái thời cơm áo gạo tiền, nghề nào mang lại thu nhập cao thì mới thu hút lao động", anh Tâm cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, trung bình người đi biển kiếm khoảng 70-80 triệu đồng/1 người/năm (6 triệu đồng/tháng); hơn 30% sống tốt nhờ vào nghề biển. Nghề biển hiện nay duy trì kiểu “cha truyền con nối” và nguồn nhân lực kế cận đang thiếu hụt trầm trọng.

Đây cũng là thời điểm thành phố tập trung cho công tác hiện đại hóa chất lượng các tàu cá hiện có để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm sau khai thác, trang bị đầy đủ các trang thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như an toàn cho ngư dân khi tham gia hoạt động trên biển, giảm áp lực khai thác hải sản ven bờ.

 

 

;
;
.