Cộng đồng startup chung tay hỗ trợ chống Covid-19

.

Trong những ngày Đà Nẵng dồn lực chống dịch, những người trẻ khởi nghiệp cũng có cách làm riêng của mình để đồng hành, giúp sức với thành phố.

Các thành viên nhóm “Together We Share - Đà Nẵng” trao tặng hàng hóa hỗ trợ cho Bệnh viện đa khoa Quảng Nam vào tháng 8-2020 . Ảnh: Trang Facebook nhóm “Together We Share - Đà Nẵng”
Các thành viên nhóm “Together We Share - Đà Nẵng” trao tặng hàng hóa hỗ trợ cho Bệnh viện đa khoa Quảng Nam vào tháng 8-2020 . Ảnh: Trang Facebook nhóm “Together We Share - Đà Nẵng”

Chỉ vài ngày sau khi Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên Facebook xuất hiện nhóm “Together We Share - Đà Nẵng” (tạm dịch: “Cùng chia sẻ - Đà Nẵng”) do chị Nguyễn Thị Phương Nhi, Giám đốc cộng đồng Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng sáng lập và điều hành. Những thành viên đầu tiên, cốt cán của nhóm cũng chính là các anh chị em trong cộng đồng khởi nghiệp của thành phố. Giống như tên gọi, mục đích của “Together we share - Đà Nẵng” là trở thành cầu nối thông tin, huy động và chia sẻ nguồn lực đến những nơi cần sự hỗ trợ giữa thời điểm diễn biến phức tạp của Covid-19.

Chị Nhi cho biết, khi Đà Nẵng phát hiện những ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên, nhiều người đã dùng chính trang Facebook cá nhân của mình để kêu gọi hoặc đứng ra giúp đỡ. Lúc đó, chị đã nghĩ đến việc tạo ra một “trạm” thông tin làm nơi kết nối mọi người, còn chị và một số bạn bè sẵn sàng nhận nhiệm vụ tổng hợp, gọi điện xác nhận để có những thông tin chính xác. Như vậy, những người cần giúp có thể đề xuất để được hỗ trợ kịp thời. Người muốn giúp cũng có cái nhìn tổng quan, đưa ra quyết định nên giúp cái gì, ở đâu. Việc có các thông tin tổng quát cũng sẽ giúp các tổ chức điều phối nguồn lực hỗ trợ hợp lý, tránh tình trạng nơi thì dư đến không có sức chứa, nơi lại thiếu thốn. Chị Nhi khẳng định, “Together We Share - Đà Nẵng” không trực tiếp nhận tài trợ, hỗ trợ mà chỉ dốc sức kết nối cung-cầu, tổng hợp thông tin, đề xuất các giải pháp cho các vấn đề liên quan mà các tổ chức và cá nhân gặp phải trong công cuộc chống dịch.

Chỉ sau hơn một tuần, “Together We Share - Đà Nẵng” đã có hơn 1.400 thành viên. Phạm vi thông tin và hỗ trợ đã lan rộng ngoài Đà Nẵng để đến với nhiều địa phương lân cận như Quảng Nam, Huế, Quảng Ngãi… Đặc biệt, rất nhiều thành viên trong cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng đã tham gia vào nhóm. Anh Phạm Đức Linh, đồng sáng lập Công ty TNHH Ylinkee (quận Hải Châu) nhận công việc thống kê nguồn lực hỗ trợ, lập bảng tính toán trên Excel, kết nối với một số địa điểm cần hỗ trợ tại huyện Hòa Vang và tỉnh Quảng Nam; anh Lưu Duy Trân, điều hành Peony Florist nhận nhiệm vụ vận tải hàng hóa hỗ trợ; chị Lý Phương Dung, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng đến trực tiếp các bệnh viện để gửi tặng khẩu trang N95 đạt chuẩn… Nhiều startup “quê” Đà Nẵng, nhưng hoạt động ở các nơi khác cũng theo dõi sát sao các thông tin của nhóm, sẵn sàng hỗ trợ nguồn lực tài chính khi cần.

Ngoài “Together We Share - Đà Nẵng”, còn có cộng đồng “F&B Tử Tế - Danang Kitchen” (vừa được xây dựng vào cuối tháng 7 để góp sức chống Covid-19) với công việc tập hợp các nhà hàng, startup trong lĩnh vực ẩm thực, các đơn vị chuyên cung cấp và phân phối thực phẩm tại Đà Nẵng, được cơ quan chức năng cấp phép về tiêu chuẩn chất lượng. Mục tiêu của nhóm là cung cấp những bữa ăn chất lượng cho các đơn vị đang trực tiếp làm nhiệm vụ chống dịch.

Chị Nguyễn Trúc Chi, chuyên gia về lĩnh vực ẩm thực và kinh doanh ẩm thực, người sáng lập và điều hành “F&B Tử Tế - Danang Kitchen” cho hay, hiện tại có 5 bếp ăn tham gia nhóm, mỗi bếp đều được xây dựng quy trình chặt chẽ, từ quy trình kiểm tra nhân sự, quy trình ra món đến cách bố trí các khu vực trong khu làm việc để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều chủ vườn rau sạch, an toàn ở huyện Hòa Vang và thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) hỗ trợ rau củ cho chương trình. Các công ty cũng đầu tư máy móc hiện đại để bảo đảm phần ăn được giữ chất lượng cao nhất.

Chị Chi chia sẻ: “Trước đến nay, mình chưa tham gia trực tiếp công tác thiện nguyện nào, những đóng góp tài chính mình luôn nhờ người nhận giấu tên. Bản thân mình cũng ngạc nhiên về bản thân khi lần này lại đứng ra “cầm quân” một chương trình từ thiện và nhờ sự lan tỏa của mọi người chương trình trở nên lớn dần như vây. Có lẽ, khi yêu thương đủ lớn, mình có thể quên đi bản thân, quên đi những giới hạn của chính mình để cứ làm mà không cần nghĩ ngợi”.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.