Phóng sự- ký sự

Nguyễn Bá Thanh với "nghị quyết trái tim"

08:22, 08/10/2016 (GMT+7)

Phóng sự nhân vật, nhất là người nổi tiếng và chứa đựng thông tin “bây giờ mới kể”, từ giới showbiz đến chính trường, luôn thu hút người đọc. Tác giả Nguyễn Kim Thành đã chọn đúng nhân vật cho phóng sự/bút ký của mình. Ở Đà Nẵng và cả Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thanh, từ khi bôn ba chỉ huy công cuộc tái thiết thành phố biển này cho đến lúc đột ngột đi xa trong niềm thương tiếc của người dân, là một đề tài “nóng” kỳ lạ.

Chỉ một thời gian ngắn, theo tôi biết đã có ba đầu sách về ông được xuất bản: Người lĩnh xướng bài ca Đà Nẵng của Đặng Trung Hội, Nguyễn Bá Thanh – Một người con của Đà Nẵng của Nguyễn Kim Thành và tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng của nhà văn Thái Bá Lợi. Một nhân vật có tư tưởng/ hành trạng được “truyền tụng” rộng rãi như vậy lại trở thành thử thách cho những ai viết về. Câu hỏi các tác giả phải đối diện là ngoài cảm xúc họ có đưa ra được cái nhìn/thông tin mới/chính xác hơn những gì bạn đọc đã sở hữu?

Nhà báo Vĩnh Quyền

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh thăm, tặng quà trẻ em nghèo mổ tim tại Bệnh viện Đà Nẵng nhân Tết Trung thu 2012. Ảnh: Nguyễn Thành
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh thăm, tặng quà trẻ em nghèo mổ tim tại Bệnh viện Đà Nẵng nhân Tết Trung thu 2012. Ảnh: Nguyễn Thành

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng lại rất “có duyên” với mảnh đất Đà Nẵng, tôi đã sớm quý trọng, yêu thương và gắn bó với vùng đất “đầu biển cuối sông” này. Và người tạo cho tôi duyên may đó chính là cố Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh - người được nhân dân Đà Nẵng đời đời ghi nhớ.

Sau hơn một năm kể từ ngày Nguyễn Bá Thanh mất, cũng là thời điểm tôi được gặp bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước. Trong cuộc trò chuyện, bà đã nhận định “Công lao của Nguyễn Bá Thanh rất lớn… Nguyễn Bá Thanh cống hiến công sức của mình cho Đà Nẵng trong thời gian rất dài. Nhớ về Bá Thanh, tôi nhớ về hình ảnh một lãnh đạo xông xáo, xắn tay để gây dựng thành phố. Chuyện gì rắc rối là ông đến tận nơi để giải quyết. Tiếp đó là tấm lòng của ông với người nghèo. Đặc biệt là người nghèo không có tiền chữa bệnh và phụ nữ đơn thân. Nhìn đám tang của ông, ta thấy những con người nghèo khó đến đưa tiễn ông rất đông, đủ để thấy tấm lòng của họ thương tiếc ông thế nào! Phải thừa nhận rằng, xây dựng Đà Nẵng đẹp như ngày nay là công sức của Bá Thanh rất lớn. Chính nhân dân đánh giá điều đó”.

Thành phố Đà Nẵng bước sang năm thứ 20 từ ngày trực thuộc Trung ương, cũng là lúc chúng ta nhìn lại quá khứ để hồi tưởng những gì chính quyền và nhân dân thành phố đồng tâm hiệp sức vượt qua khó khăn, xây dựng Đà Nẵng khang trang, hiện đại như ngày hôm nay. Trong 20 năm ấy, ông Nguyễn Bá Thanh, với từng cương vị lãnh đạo của mình, gắn bó sự nghiệp của mình với thành phố và cương vị nào ông cũng tận tâm tận lực với nhiệm vụ được giao.

Khám phá sự giàu có từ trong khan hiếm

Ngày mới về nhậm chức Chủ tịch UBND thành phố khi Đà Nẵng còn là đô thị loại 2, thuộc tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, đứng trước một đô thị chắp vá, xập xệ  mang “di sản” từ những năm 1975, hồi ức chiến tranh trên mảnh đất quê mình làm ông nhiều đêm mất ngủ. Với tố chất cương quyết, làm việc không biết mệt mỏi, ông quyết định cùng nhân dân bước vào cuộc chiến đoạn tuyệt với lam lũ, đói nghèo.

Với chiến dịch “giải tỏa đền bù, tái định cư, chỉnh trang đô thị”, ông Nguyễn Bá Thanh đã đánh thức và làm cả thành phố bừng tỉnh, nhất là sau ngày Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Với cương vị Chủ tịch UBND thành phố (1997-2003), rồi Bí thư Thành ủy (2003-2012), Nguyễn Bá Thanh luôn tận tâm tận sức cho thành phố bên sông Hàn. Ông từng được ví như một “nhà điêu khắc khổng lồ” luôn mải mê với công việc, từ việc nắn lại những con đường, làm thêm những cây cầu, hình thành những khu dân cư mới… đến lắp đặt thêm những bóng đèn chiếu sáng, làm thêm nhiều vườn hoa trên các tuyến phố, điểm trang thật đẹp những ngã tư đường phố bằng các vòng xuyến với các tiểu cảnh xanh mát. Làm nên kỳ tích ấy, bên cạnh đội ngũ cán bộ, lãnh đạo từ thành phố đến cơ sở… là sự đồng tâm hiệp sức của đông đảo nhân dân.

Đến Đà Nẵng, du khách nhận xét đây là thành phố của những chiếc cầu cũng không “ngoa”. Đầu tiên phải nói đến cầu Sông Hàn, cây cầu duy nhất ở Việt Nam có thể quay được với sứ mệnh nối hai bờ đông - tây, giúp cho thành phố phát triển đồng đều. Cầu này được xây dựng bằng một phần kinh phí của Nhà nước và một phần bằng sự đóng góp của nhân dân. Nay chiếc cầu này được coi như biểu tượng của thành phố trẻ năng động. Tiếp đó, thành phố xây thêm cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Tiên Sơn, cầu Cẩm Lệ, và đặc biệt là cầu Rồng, hình một con rồng vàng vươn mình ra biển lớn. Mỗi cây cầu mang một dáng vẻ khác nhau nhưng đều có chung mong ước được tô điểm cho thành phố thêm xinh đẹp. Vào ban đêm, khách du lịch nhìn ngắm những cây cầu đổ bóng lung linh xuống dòng sông Hàn thơ mộng, cảm giác ở đây như có một chút lãng mạn của thành phố Saint Petersburg hoặc Paris hoa lệ.

Nhờ  chiến dịch chỉnh trang đô thị, những làn gió đầu tư đã tràn vào Đà Nẵng, chủ trương đổi đất lấy cơ sở hạ tầng đã mang lại hiệu ứng tốt đẹp. Thành phố bắt đầu hình thành những khu đất vàng và cũng chính nguồn kinh phí từ quỹ đất mà Đà Nẵng đã thay đổi hình hài, biến những điều không thể thành hiện thực.

Những chương trình nhân văn

Đánh giá về sự chuyển mình và thành công của Đà Nẵng, ông Trương Quang Được, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhận xét: “Thành phố Đà Nẵng xưa là căn cứ quân sự Mỹ - ngụy, một thành phố hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đều phụ thuộc vào nước ngoài. Chỉ có một ít các cơ sở nhỏ bé, què quặt, phục vụ cho bộ máy chiến tranh. Đến nay, thành phố đã hình thành hệ thống công nghiệp bao gồm các cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng. Nhiều ngành nghề ở các lĩnh vực mới được mở ra tạo thế và lực cho thành phố phát triển. Đà Nẵng bình quân hàng năm tạo được việc làm cho từ 30 đến 32 ngàn lao động”. Với các chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”, ông Bá Thanh đã trực tiếp tấn công vào đói nghèo và lạc hậu, giành chỗ cho sự thịnh vượng và phát triển”.

Có được những thành quả như hôm nay, chính từ khát vọng lớn lao Đà Nẵng tự khám phá và khai thác sự giàu có của mình từ chỗ “khan hiếm”. Điều đó không phải ai cũng thấy và cũng có thể làm được. Với một vị lãnh đạo có Tâm - Tầm - Tài như ông Nguyễn Bá Thanh, thì chúng ta có quyền tự hào về quê hương mình có người con tài hoa như thế.

Bí mật Đà Nẵng

Để làm nên một “hiện tượng Đà Nẵng”, thành phố đã sử dụng những “bí mật” của mình.

Mục tiêu kép dẫn đến thắng lợi kép: bất kì công trình nào của Đà Nẵng hay hoạt động của thành phố đều được ông Bá Thanh nhắm nhiều mục tiêu, nhưng tất cả hướng đến một mục tiêu “lấy dân làm gốc”. Đơn cử như việc xây cầu, cầu của Đà Nẵng mang theo nhiều công năng vừa phục vụ giao thông, vừa có dáng mỹ thuật, lại vừa làm điểm thu hút du lịch, tôn thêm vẻ đẹp đô thị; từ đó nâng cao đời sống nhân dân. Hay như Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, một chương trình tầm cỡ, quy tụ những quốc gia có truyền thống trong lĩnh vực pháo hoa, phục vụ khách du lịch và để nhân dân cùng thưởng thức.
Lấy dân làm gốc và hội tụ những con người biết ước mơ hướng tới sự sáng tạo.

Sự đồng thuận của Đà Nẵng được cho là sức mạnh tổng hợp để thành phố bứt phá và phát triển ngoạn mục. Đến Đà Nẵng có nhiều chuyện rất ngạc nhiên, đó là thành phố đang làm gì và chuẩn bị làm gì dân đều biết, dân được tham gia góp ý rồi cùng chung tay xây dựng. Đây là sự cố gắng của lãnh đạo thành phố, đương nhiên có sự hậu thuẫn lớn của truyền thông.

Trong mỗi lần nói chuyện với cán bộ dưới quyền, ông bao giờ cũng nhắc tới quyền lợi của dân. Trong đầu ông lúc nào cũng nghĩ tới nhân dân. Ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng, là một người lãnh đạo thì cần phải luôn trung thực với dân, đúng như lời của một nhà hiền triết “Đừng nói “có”, nếu trái tim anh bảo “không”. Đã hứa thì phải làm, làm cho đến nơi đến chốn, làm cho đến khi thành công”.

Sau 6 năm chia tách tỉnh, năm 2003, Đà Nẵng trở thành đô thị loại 1 cấp quốc gia và đang chuyển mình, thay đổi từng ngày. Nhưng chưa dừng lại ở đó, ông Bá Thanh hiểu rằng khan hiếm lớn nhất của Đà Nẵng chính là thiếu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Do đó, ông đã đưa ra các chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, thu hút nhân tài và đào tạo nhân tài để phục vụ đắc lực cho bộ máy chính quyền trong tương lai.

“Vì nhân dân phục vụ” - một khẩu hiệu rất quen thuộc, tuy vậy, hô lên thì dễ, nhưng thực hành rất khó - khó mọi mặt. Cấp lãnh đạo nào cũng phải có nghị quyết làm đường hướng để thực hiện. Nhưng không phải tất cả các điều của nghị quyết đều đi vào cuộc sống một cách phù hợp. Ông Nguyễn Bá Thanh từng nói: “Nghị quyết đã đưa ra chúng ta cũng phải nỗ lực thi hành, đó là điều đương nhiên, nhưng ở mỗi cán bộ lãnh đạo chúng ta cần có thêm trong mình cả Nghị quyết Trái tim nữa”. Hãy nghe lời Bác Hồ dạy: “Việc gì có lợi cho dân ta hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta cố sức tránh”. Nghị quyết Trái tim là cái tâm, cái tài và sự quyết liệt của người lãnh đạo, nó bổ khuyết cho những điều mà nghị quyết chưa nói tới, nó là cái “ dũng” của người lãnh đạo giữa cuộc sống đầy biến động. Chỉ một chớp mắt, thời cơ vàng sẽ qua đi và không biết bao giờ trở lại. Ông Nguyễn Bá Thanh nhắc nhở đừng mải mê “ngắm” đến chiếc ghế sơn bóng của mình, hãy hành động khi còn chưa thấy muộn.

Có thể thấy, ông Bá Thanh là con người của hành động, “sư đoàn” của ông là “sư đoàn chiến đấu”, mà đã chiến đấu là phải đánh tới cùng, đánh cho đến thắng lợi, đánh để dân chúng nức lòng mới thôi. Người ta thấy cái quyết liệt, táo bạo của ông và chính nhờ điều này mà ông đã thay da đổi thịt cả một thành phố!

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính viết: “Một thành phố mở mang đúng tầm, hoạch định tương lai đúng cỡ, phải có những người chủ trương, những nhà quản trị tầm cỡ tương ứng. Quan trọng hơn là nhìn nhận ra mình sở hữu những gì, vì thế mà mình phải làm, dám nhìn thẳng và nhìn xa, dám vung tay và hễ quyết là phải thực hiện cho được. Để trở thành tấm gương sáng về xây dựng, Đà Nẵng được dẫn dắt bởi những con người như thế”.

Ông Nguyễn Bá Thanh chính là người dẫn dắt những con người biết yêu quê hương, biết mơ ước để sáng tạo, biết khát vọng lớn và hành động vì cộng đồng. Ông làm nên thương hiệu Đà Nẵng, còn Đà Nẵng có chân dung một vị lãnh đạo chân chính hết lòng vì nhân dân.

Nguyễn Kim Thành

.