Phóng sự- ký sự

Biển không nói với bạn điều gì...

07:58, 17/12/2016 (GMT+7)

Tôi may mắn được đến nhiều bờ biển nổi tiếng, từ Walter Beach, PensaCola cát trắng bên bờ Đại Tây dương ở Florida, biển Santa Ana ở Los Angeles bờ tây Thái Bình Dương, rồi một Bondi sầm uất ở bang New South Wales nước Úc… Tôi cũng đặt chân đến Phukhet, Pattaya hay Mylaween nhìn ra Ấn Độ Dương, vịnh Nước Cạn ở Hong Kong… Tất cả những nơi đó, có nhiều kỷ niệm với bạn bè trong mỗi chuyến đi và có những người quen mới, bao câu chuyện mới... để viết trong những thiên ký sự.

Một bờ biển đẹp đã góp phần mang lại thương hiệu cho Đà Nẵng là kết quả những nỗ lực	không ngừng của người Đà Nẵng.									                Ảnh: ĐẶNG NỞ
Một bờ biển đẹp đã góp phần mang lại thương hiệu cho Đà Nẵng là kết quả những nỗ lực không ngừng của người Đà Nẵng. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Nhưng với Mỹ Khê vẫn là nơi mà mỗi sáng tôi chẳng thể nào vắng mặt. Biển Mỹ Khê không nói điều gì với riêng tôi, với những bạn bè tôi, nhưng nó cứ hấp dẫn, mời gọi, hẹn hò như một tình nhân…

Cũng có khi đó lại là một “món” để đưa bạn bè phương xa đến thết đãi với lòng tự hào, ít ra là trong vòng vài thập niên vừa qua, từ ngày những chiếc cầu băng qua sông Hàn nối từ trung tâm thành phố với vùng đất mà dân gian vẫn gọi là “Bông-tê-sên” cách biệt và nghèo khó, kéo dài từ chân núi Sơn Trà đến danh thắng Non Nước một thời ken dày hàng rào kẽm gai, đồn bốt, xe GMC và những dãy nhà chồ gặm hết cả một bờ sông nham nhở…

Người ở lại Bãi Bụt  

Nhà thơ, đạo diễn Đoàn Huy Giao trước ngày hòa bình đi làm thuê ở nhà in, làm báo phản chiến bên ni sông Hàn vào ban ngày. Còn ban đêm anh đạp xe về ở với vợ con trong căn nhà lợp tôn cùng khu vườn nhỏ xen trong đá núi Sơn Trà. Anh tản cư từ vùng quê Bình Sơn ở bên dãy núi Thình Thình, phía đông Châu Ổ.

Núi mê hoặc anh từ nhỏ với những giai thoại, truyền thuyết và những kỷ niệm ấu thơ. Vì vậy anh đã chọn Sơn Trà khi ra định cư ở Đà Nẵng… Từ sau năm 1975, Giao đi làm phóng viên rồi đạo diễn truyền hình nên có dịp bôn ba khắp nhiều vùng trên cả nước và ra nước ngoài.

Nhiều phim tài liệu về văn hóa nghệ thuật của anh đoạt giải thưởng, lại được nhiều nơi mời giảng dạy về nghệ thuật làm phim, về đạo diễn và anh được phong tặng là nghệ sĩ ưu tú. Nhưng với anh, cuộc đời tuy có nhiều thay đổi, mà thơ và đam mê với Sơn Trà thì vẫn vậy!

Lại mỗi ngày ngồi trong studio bên ni sông Hàn dựng phim, viết lời bình hay đi hiện trường làm đạo diễn và chiều tối lại qua bên tê sông Hàn, trong một khu rừng lưng chừng núi vùng Bãi Bụt với một giấc mơ khác! Đó là khi người đứng đầu Đà Nẵng những năm 90 bị anh thuyết phục về một dự án bảo tàng tư nhân về văn hóa và đồng ý cấp cho anh một hecta gồm đá tảng, khe suối và… cây dại!

Thật ra thì chỗ này anh đã mòn chân những ngày khốn khó lên đây mót củi về làm chất đốt và… mơ mộng nhìn về những làng chài cũng nghèo khó phía dưới. Vậy là một bảo tàng nghệ thuật tư nhân đầu tiên ở miền Trung có tên Đồng Đình, tên loài cây bản địa như ở núi Thình Thình quê anh, được xây dựng giữa đá núi lưng đồi.

Bao nhiêu năm lăn lộn trước đó, Giao đã sưu tầm được hàng trăm đồ gốm cổ từ văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt cùng với những công cụ sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số, được đưa đi giám định, làm lý lịch và đưa vào bảo tàng…

Tiếp đó, anh lặn lội xuống các làng chài Mân Thái, Thọ Quang… sưu tầm những công cụ đánh bắt cá cổ truyền, những mảnh ván thuyền, những sợi thừng, mảnh lưới, chiếc phao… bị bão tố vùi dập còn lại và hình thành thêm một “Ký ức làng chài” ngoài trời đầu tiên khá thú vị và thu hút. “Tạo thêm cho Đà Nẵng một địa chỉ văn hóa, đó là mục tiêu của tôi”, Giao nói trong lúc đang bận rộn đón tiếp các họa sĩ về đây sáng tác và thảo luận về hội họa đương đại.

Vậy là nhà thơ đã toại nguyện với ước mơ ở lại Bãi Bụt của mình gần 40 năm sau chiến tranh. Giờ đây, khách vãng cảnh Sơn Trà, viếng chùa trên núi hay khách lưu trú ở các khu du lịch sang trọng trên bán đảo, ít người bỏ qua một Đồng Đình độc đáo của một nhà thơ!

Những người mê biển

Tôi có hai cặp bạn là vợ chồng yêu biển đến kỳ lạ, mà họ từng tự nhận là “si mê”!

Vợ chồng cựu giáo viên Tôn Thất Hiệp trước đây giảng dạy ở Trường THPT Phan Châu Trinh. Họ nghỉ hưu và theo con cái sang định cư ở thành phố Tulsa, bang Oklahoma, Mỹ. Năm nào họ cũng tranh thủ về lại Đà Nẵng hơn một tháng để đi tắm biển từ 4 giờ sáng. Anh Hiệp nói anh tắm biển Mỹ Khê hồi xưa, lúc đó đầy các quán bar, hàng rào kẽm gai và những rừng thông xơ xác, không một dịch vụ hay một sự bảo đảm nào về cứu hộ.

Còn bây giờ nó được thế giới công nhận là một trong những bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh, bờ biển được lát gạch và dụng cụ cho người đi tập thể dục, tắm nước ngọt chỉ có 5.000 đồng, ghé vào chỗ Holiday Beach buổi sáng buổi tối còn được đọc sách trên kệ của Library Beach, còn ăn hải sản thì thuộc loại ngon và rẻ trên thế giới. Lại có các sân chơi thể thao cho bạn trẻ. “Các nước cũng chỉ như vậy là cùng! Nhưng tôi ra Mỹ Khê còn để gặp nhiều người từng là bạn cũ, học trò xưa, để tâm sự. Người Đà Nẵng mà không mê biển thì lạ quá!”, anh nói.

Có hôm, vợ chồng Hiệp chạy xe máy khắp biển Phạm Văn Đồng, qua tận Non Nước chụp ảnh làm một bộ sưu tập về biển Đà Nẵng. Anh khoe với tôi cảnh vãng chùa, cảnh đánh bắt cá, các nhà hàng hải sản, lướt ván, mô-tô nước, các nhóm nữ “chân dài” tập thể dục nhịp điệu buổi sáng và cả cảnh người đi biển tổ chức mâm cúng nhân ngày Rằm tháng Bảy “xá tội vong nhân” với sự tâm thành của rất nhiều người. Rồi Hiệp bảo: “Biển hiện đại với các dịch vụ nhưng vẫn giữ được văn hóa bản địa và sự trong lành của môi trường. Đổi mới là phải vậy và đó chính là sự đồng thuận của người dân với chính quyền mà tôi có thể nhìn thấy!”.

Còn đôi vợ chồng là các bác sĩ Mai Thị Ngâu và Nguyễn Sang là cư dân Đà Nẵng thì lại suốt năm không vắng mặt ở Mỹ Khê hôm nào. Kể cả những hôm mà tôi cho là mưa gió không đi, họ vẫn có mặt lúc 5 giờ sáng. Những hôm như vậy, chị bác sĩ-chuyên gia tim mạch hàng đầu của thành phố đã phê bình tính thiếu chuyên cần của tôi!

Từ nội thị, đi xe máy sang biển chưa đầy 10 phút. Đi bộ 3-4 cây số trên bãi cát, tập các động tác thể dục và bơi gần một tiếng buổi sáng là chương trình bắt buộc đầu ngày của vợ chồng bác sĩ này, trước khi đến phòng mạch và bệnh viện. Nhìn dáng vẻ săn chắc và luôn rạng rỡ của Ngâu, một nữ bác sĩ đã nghỉ hưu, có hôm tôi nói đùa, nhái theo tên cuốn truyện của tôi mà cô đã đọc: “Cô ni con nhà ai mà trẻ mãi vậy?”. Ngâu nói: “Con của biển đó anh!” và thêm: “Em nói thật đó! Vợ chồng em đều là con của biển mà!”.

Mê biển không chỉ có tôi và những người bạn. Ra Mỹ Khê ta sẽ thấy hàng ngàn người buổi sáng. Có những người khuyết tật ngồi xe lăn tay, chạy xe máy ba bánh, những cô gái xinh đẹp, người lớn tuổi và cả những cán bộ, công chức là lãnh đạo thành phố mà tôi quen biết. Một vị phó chủ tịch đương nhiệm lúc nào cũng sẵn sàng dừng lại nghe người ta góp ý về mọi thứ từ dịch vụ, vệ sinh, giao thông, ánh sáng, âm thanh và cây xanh trên bãi biển. Và tôi thấy sau những góp ý đó, đã có những thay đổi. Thì ra vị này không chỉ ra biển mỗi 5 giờ sáng để tắm hay tập thể dục!

Kết

Một hôm đi bộ trên con đường lát gạch, tiếng nhạc không lời thánh thót trên những chiếc loa và nhìn một cô gái xinh đẹp đang chạy bộ phía đối diện. Tôi đang hưng phấn và cảm thấy thư thái với những chi tiết ấy, thì cô gái dừng lại khi thấy vài người đàn ông - nói với nhau bằng tiếng Trung Quốc - đang băng qua thảm cỏ. Cô nghiêm nét mặt, yêu cầu những người ấy đi ra khỏi thảm cỏ. “Các bạn có thấy những công nhân đang vất cả chăm cỏ đó không?”. Những người đàn ông ấy đã cúi đầu bước ra, với vẻ mặt xấu hổ!

Một lần khác, tôi chứng kiến một tốp bạn trẻ, có vẻ là sinh viên, đứng thành vòng tròn giữa một thảm cỏ lớn, đang chờ những bạn khác chuẩn bị chương trình sinh hoạt dã ngoại chi đó. Một nam sinh viên vừa đến đã nói ngay như ra lệnh: “Chúng ta sinh hoạt ngoài bãi cát, chứ không phải ở đây!”. Lúc các bạn đang bước ra khỏi thảm cỏ thì một nhân viên bảo vệ bãi biển vừa đi xe đạp tới. Bạn nam sinh viên vừa ra lệnh kia đã rối rít xin lỗi và nhận được cái vỗ vai thân thiện của anh bảo vệ…

Tôi kể hai chuyện nhỏ này ở phần kết luận cho bài viết, để nói rằng: Một bờ biển đẹp đã góp phần mang lại thương hiệu cho Đà Nẵng là kết quả của những nỗ lực không ngừng của mọi người Đà Nẵng. Họ âm thầm làm công việc của họ một cách hết lòng. Tuy biển không nói gì với họ nhưng vì tình yêu Đà Nẵng, họ sẽ làm tất cả, từ những việc nhỏ nhất để thành phố này phát triển nhanh chóng trong hơn hai thập niên qua! Tôi chạnh nghĩ, những bãi biển đẹp mà tôi may mắn đặt chân tới, có lẽ người dân và chính quyền ở đó cũng đã làm như Đà Nẵng chăng!

Nhà báo, nhà thơ Trương Điện Thắng mang đến một làn gió thoảng, một cái nhìn vẻ như bâng quơ nhưng lại không thể thiếu cho chủ đề “dấu ấn” 20 năm đổi mới của Đà Nẵng: xây dựng môi trường văn hóa-văn minh và hình thành nếp sống đô thị. Từ một thành phố từng bị đánh giá thiếu nghiêm trọng không gian văn hóa công cộng bất chấp việc thành công trong khai thác quỹ đất và quy hoạch, những năm gần đây Đà Nẵng đã có những chuyển động đáng ghi nhận với các công trình văn hóa trọng điểm đã và đang đưa vào phục vụ, mở rộng chức năng sinh hoạt trên một số đường phố đẹp, sân trường học bắt đầu trở thành những công viên, điểm vui chơi giải trí vào ban đêm...

Và bãi biển, món quà thiên nhiên vô giá dành cho thành phố này đã được quản lý hiệu quả hơn. Cũng như biển không nói điều gì, Trương Điện Thắng không nói điều gì to tát với bạn đọc, nhưng những mẩu chuyện ngày thường liên quan ứng xử của người Đà Nẵng đối với bờ biển của họ đã làm nên một bút ký thú vị đáng đọc.

Nhà báo VĨNH QUYỀN

 Ký sự TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

.