.

Ở La Habana nghĩ về Đà Nẵng

.

Trên đường đến Cuba, tôi quá cảnh tại thành phố Cancun, Mexico. Sửng sốt, tưởng đang đứng ở… Đà Nẵng! Nơi đây có con đường biển đẹp với những khách sạn, khu nghỉ dưỡng kéo dài hàng chục cây số, không khác nào đường biển từ bán đảo Sơn Trà vào Hội An. Từ đó, trong suốt hành trình ở nơi cách xa nửa vòng trái đất, tôi không thể nào thôi nghĩ về Đà Nẵng. Cảm giác nhớ về Đà Nẵng càng nôn nao hơn khi tôi đến La Habana, thủ đô Cuba.

Một góc thủ đô La Habana (Cuba). 						         Ảnh: LÊ VINH QUANG
Một góc thủ đô La Habana (Cuba). Ảnh: LÊ VINH QUANG

Sự sôi động của đất nước xã hội chủ nghĩa anh em trong những ngày đầu mở cửa sau hàng chục năm bị Mỹ áp đặt lệnh cấm vận gợi nên nhiều liên tưởng đến giai đoạn phát triển của thành phố Đà Nẵng kể từ khi chia tách từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng năm 1997 đến nay. Đó không chỉ là dấu hiệu về sự bùng nổ của những hoạt động đầu tư, thương mại, xây dựng, chỉnh trang hạ tầng… mà còn là niềm hy vọng hiển hiện trên những khuôn mặt người dân tôi bắt gặp trên mỗi ngả đường, góc phố: Dấu ấn của hàng chục năm bế tắc, khó khăn chưa thể nào tan biến, nhưng dường như trên khuôn mặt người đã phảng phất ánh sáng thịnh vượng từ phía xa rọi tới!

Như anh chàng sinh viên tôi gặp trên phố. Anh vẫn hằng ngày sống trong khó khăn của đất nước. Hàng hóa gần như 100% nội địa, trên các đường phố không hề có thương hiệu quốc tế nào. Đa số người dân làm việc trong các nhà máy, nông trường, công sở, chưa có nhiều nhân lực trong ngành thương mại, dịch vụ. Kể cả với khách quốc tế, ngoại tệ không được sử dụng ở Cuba, phải đổi sang một loại tiền là CUC… Tuy vậy, từ chàng trai này toát ra vẻ mạnh mẽ, tự tin, có hơi hướng của một người châu Âu.

Hai mươi năm trước, Đà Nẵng bắt đầu cuộc kiến tạo cũng có gì đó hao hao giống Cuba lúc này. Lúc đó, Đà Nẵng dường như vẫn chỉ có hai bàn tay trắng. Cơ sở kinh tế quan trọng nhất của thành phố chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hình ảnh đô thị Đà Nẵng lưu lại trong trí nhớ của tôi về điểm khởi đầu ấy là hai mảng khác nhau. Một mảng gồm những tháp nước, trụ sở hành chính của ngành điện, Nhà hát Trưng Vương, cảng Sông Hàn và hai cây cầu Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi… Một mảng gồm bãi biển Xuân Thiều dài tít tắp với vô số hoa muống biển và những xóm chài lụp xụp; bờ biển Sơn Trà tối tịch mịch mỗi khi màn đêm buông xuống; hàng vạn nhà chồ, nhà thuyền ken kín suốt một dải bờ đông sông Hàn và cả những con đường đất lầy lội ở Hòa Vang, những chiếc ghe bằng gỗ gắn máy chòng chành kêu “phạch phạch” ngược dòng Cu Đê chở mắm muối cho đồng bào Hòa Bắc…

Ấy thế, sau một đêm, bỗng chốc trên khắp các ngả đường, đâu đâu người dân cũng nói về chia tách, đổi mới với vô vàn niềm hy vọng.

Chia tách là một làn gió mới mẻ thổi bùng lên sinh khí của thành phố Đà Nẵng, dù tôi đoán chắc rằng, không mấy ai biết được điều gì đang chờ đón ở phía trước.  Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu, bởi lẽ, xét về lợi thế so sánh, tiềm lực để phát triển, thì lúc ấy Đà Nẵng thậm chí kém xa hai địa phương lân cận là Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Về diện tích, Đà Nẵng chỉ hơn một nghìn cây số vuông đất liền, xếp vào hàng nhỏ nhất nước. Đà Nẵng không có tài nguyên khoáng sản gì đáng kể, cũng không có những di sản quý giá tương xứng với Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam) hay hệ thống đền đài, lăng tẩm triều Nguyễn (Thừa Thiên Huế)… Người Đà Nẵng phải làm gì trong bối cảnh ấy? Đó là câu hỏi rất lớn – hay mệnh đề nan giải ấy – may thay, đã được trả lời một cách khôn ngoan, mạnh mẽ nhất: Đất!

Tác giả (giữa) trên đường phố La Habana.
Tác giả (giữa) trên đường phố La Habana.

Đà Nẵng theo cách nào đó đã bắt đầu diễn trình phát triển từ thứ tài nguyên gần như duy nhất này – đất. Tôi tin rằng, đất là câu chuyện sinh động và thú vị bậc nhất của thành phố suốt hai mươi năm qua, nó cũng là minh chứng về tài năng lỗi lạc của các vị lãnh đạo thành phố, trong đó có cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh. Có một câu chuyện hài hước truyền tụng rằng, ông Nguyễn Bá Thanh đến đâu thì đất phân lô tới đó. Hẳn nhiên, đó chỉ là câu chuyện khôi hài, nhưng ẩn sau đó là cả quyết sách lớn nhất, thành công nhất của thành phố Đà Nẵng trong suốt hàng thập niên. Ngay tại thời điểm chia tách, Đà Nẵng đã tập trung chỉnh trang đô thị theo cách… không giống ai. Đó là kêu gọi nhân dân hiến đất mở đường. Ở đường Phan Thanh, người dân hiến hàng vạn mét vuông đất để mở đường, hoàn toàn không nhận hoặc nhận một phần rất ít tiền đền bù của Nhà nước.

Cái lý của lãnh đạo thành phố nói với dân lúc ấy là, ở trong kiệt, dù đất có rộng bao nhiêu cũng không có giá, chi bằng hiến đất, mở đường rộng ra, đất lên giá, lúc đó dân được mà Nhà nước cũng được, cả thành phố đều được.

Lý lẽ đơn giản ấy hóa ra lại thành công ngoài sức tưởng tượng. Bỗng chốc, hàng loạt con đường được mở rộng, hàng loạt kiệt hẻm bỗng chốc biến thành mặt tiền. Nhưng như vậy chưa đủ, bởi nếu dân chỉ hiến đất thì lấy tiền đâu xây dựng cơ sở hạ tầng? Từ đây, chính sách hiến đất mở đường phát triển lên một tầm vóc khác, đó là chính sách phân lô, khai thác quỹ đất. Nhờ đó, Đà Nẵng đã kêu gọi được hàng loạt nhà đầu tư tầm cỡ tham gia vào công cuộc giải tỏa, đền bù, chỉnh trang đô thị. Tiếp đó, Đà Nẵng tiến thêm một bước quan trọng khác, biến bán đảo Sơn Trà từ một phần đất quân sự sang đất dân sự, mở mang hàng loạt tuyến đường ven biển, từ đây “mọc lên” những khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp nhất thế giới!

Trong suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm của đô thị ven sông Hàn, chưa bao giờ công cuộc khai thác quỹ đất, phát triển cơ sở hạ tầng diễn ra nhanh như hai mươi năm qua, nhất là trong giai đoạn đầu chia tách. Nó nhanh đến ngỡ ngàng, khiến cho ngay cả những người trong cuộc đôi khi cũng ngạc nhiên với thành quả đạt được.

Năm 2014, tôi bảo vệ một luận án theo chương trình đào tạo Fullright, Đại học Harvard, tựa đề là “Tính bền vững của ngân sách thành phố Đà Nẵng”, trong đó, xem xét ngân sách thành phố theo khung phân tích của nhà kinh tế học Allen Schick, với bốn yếu tố: Khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính hiện tại; chính sách chi tiêu đảm bảo cho kinh tế tăng trưởng; khả năng đáp ứng các nghĩa vụ trong tương lai bằng gánh nặng thuế hiện tại; và khả năng chi trả các nghĩa vụ hiện tại mà không chuyển gánh nặng chi phí lên thế hệ tương lai.

Từ những dữ liệu thu thập được, dù đã đinh ninh về sự phát triển bền vững của ngân sách nói riêng, kinh tế nói chung của thành phố Đà Nẵng, nhưng tôi cũng khá ngạc nhiên khi nhận thấy xu hướng rất tích cực. Đó là, sau giai đoạn khai thác quỹ đất, tức là đẩy mạnh chuyển giao quyền sử dụng đất cho các tư nhân, ngân sách của thành phố sẽ thụ hưởng đến hai lần. Lần thứ nhất là tiền thu về từ việc chuyển giao quyền sử dụng đất, nôm na là bán đất. Lần thứ hai, quan trọng và đáng kể hơn, chính là thu từ các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên nền tảng diện tích đất đã chuyển giao. Do đó, nguồn thu ngân sách của thành phố sẽ chuyển dần từ sự phụ thuộc vào việc bán đất sang sự phụ thuộc vào thuế.

Khá ngẫu nhiên, các giáo sư của chương trình Fulbright, cả người hướng dẫn lẫn phản biện luận án của tôi, đều có mối quan tâm đặc biệt đến Đà Nẵng. Trong đó, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du đánh giá rất cao cách làm “không giống ai” của thành phố, đó là biến “không” thành “có”, dựng xây cả một nền tảng vững chắc từ sự khởi đầu gần như bằng không. Lựa chọn khai thác quỹ đất để phát triển là sự lựa chọn rất thông minh, táo bạo của lãnh đạo thành phố. Tiến sĩ Huỳnh Thế Du nhận định rằng, chỉ có Đà Nẵng mới làm được điều đó.

Nếu nhìn lại tiến trình phát triển của thành phố Đà Nẵng, chúng ta bắt gặp những con số đáng giật mình. Chẳng hạn, dân số chưa đến 1 triệu người, nhưng kể từ khi chia tách Đà Nẵng đã giải tỏa và tái định cư cho hơn 120.000 hộ dân; có nghĩa là dường như cả Đà Nẵng đều thay đổi chỗ ở. Đó là một sự xáo trộn đến tận gốc rễ của thành phố, từ diện mạo đô thị, kiến trúc nhà cửa, đến những kết cấu tinh thần tồn tại hằng thế kỷ, như họ tộc, xóm làng, tâm linh. Đó là một cuộc thay đổi chưa từng có, có thể đặt ra hàng loạt vấn đề xã hội vô cùng nan giải, mà nhiều nơi đã phải gánh chịu, đó là hệ lụy vô cùng khốc liệt, tệ hại của quá trình đô thị hóa ồ ạt. Thế nhưng, bất chấp những hệ lụy tưởng chừng chắc chắn xảy ra ấy, Đà Nẵng hóa ra vẫn yên bình! Không phải hoàn toàn vô lý khi Đà Nẵng được mệnh danh là “Thành phố đáng sống”.

Trở lại với Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, anh thắc mắc vì sao chỉ có Đà Nẵng thành công trong chiến lược khai thác quỹ đất, trong khi nhiều địa phương khác không thể làm được, hoặc chí ít là không thành công bằng?

Tôi tin rằng, yếu tố quyết định hàng đầu chính là sự đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, quyết sách táo bạo của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Sự đồng thuận ấy đã được khơi dậy từ những ngày đầu chia tách, từ khát khao và niềm tin vào sự thịnh vượng của mỗi người dân thành phố khi được trao cơ hội vào năm 1997. Chính trong thời khắc quan trọng ấy, dường như mỗi người dân thành phố đã vượt qua hạn hữu của tư tưởng cá nhân, hướng đến những giá trị cao cả hơn, rộng mở hơn. Đúng như ông Nguyễn Bá Thanh đã nói trong một buổi đối thoại ở giáo xứ Cồn Dầu. Khi giải thích vì sao người dân sẵn sàng di dời nhà cửa, từ bỏ “đất vàng” ra sống ở vùng ngoại ô, nhường đất cho thành phố phát triển, ông Nguyễn Bá Thanh nói: “Đi như vậy chẳng lẽ họ không biết gì à? Không phải đâu, họ biết cả đấy. Họ biết rằng, hy sinh đời họ để con cháu họ có đời sống khấm khá, đàng hoàng hơn, hy sinh cái lợi ích cá nhân để cho cộng đồng này phát triển. Chính nhờ những con người như thế mà Đà Nẵng được như hôm nay” (Trích bài “Người giải việc khó”, Báo Đà Nẵng, ngày 15-10-2016).

Trong khung phân tích của Allen Schick tôi đề cập trên đây, có một câu hỏi được đặt ra: Liệu thế hệ người Đà Nẵng hôm nay có để lại gánh nặng tài chính cho thế hệ mai sau?

Tôi cho rằng, đây là câu hỏi rất đáng chú ý. Bởi lẽ, thực tế cho thấy rằng, không ít ngành, địa phương có sự tăng trưởng khá nổi trội, thế nhưng, sau sự bùng nổ tăng trưởng lại để lộ hố sâu nợ nần! Rất may, các dữ liệu đều chỉ ra rằng: Nguồn vay của thành phố Đà Nẵng không lớn, nên gánh nặng ngân sách lên thế hệ sau không lớn, xét theo tính công bằng dựa trên khung phân tích Allen Schick. Là một phụ huynh, thật sự, tôi cảm thấy nhẹ nhõm với thông tin trên - chí ít là thế hệ chúng ta đã rất tử tế, chưa làm phiền đến thế hệ tương lai của thành phố!

Có chăng, thách thức đáng kể nhất mà chúng ta đặt ra cho thế hệ 5 – 10 năm nữa, là làm thế nào để sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng đã được đầu tư để tạo ra tăng trưởng và phát triển kinh tế; nếu không, việc duy tu hạ tầng cũng có thể là một gánh nặng. Có lẽ, sau một quá trình vô cùng sôi động và nhiều thành tựu vượt bậc, từ chỗ chỉ có hai bàn tay trắng nay sở hữu đô thị bậc nhất đất nước…, thách thức nhỏ này hẳn cũng chấp nhận được.

"Nghĩ về Đà Nẵng" , vẻ như một tuỳ bút hơn là phóng sự, mang đến những cảm xúc trẻ trung lẫn thông tin sâu về thành phố này. Bạn đọc trong cả nước, qua các kênh thông tin đại chúng, ít nhiều từng biết đến thời sự vận dụng quỹ đất đô thị thành công ngoài mong đợi ở Đà Nẵng từ nhiều năm trước. Tác giả Lê Vinh Quang, người có điều kiện thu thập và xử lý thông tin trong nghiên cứu khoa học, đã cung cấp thêm những dữ liệu quan trọng. Thú vị là anh cũng đã có cái nhìn ngoài những con số và nghị quyết - sự đồng thuận của người Đà Nẵng: trong thời khắc quan trọng ấy, dường như mỗi người dân thành phố đã vượt qua hạn hữu của tư tưởng cá nhân, hướng đến những giá trị cao cả hơn, rộng mở hơn. Sử dụng quỹ đất ở Đà Nẵng đang là thời sự nóng, nhưng là một câu chuyện khác.

Nhà báo Vĩnh Quyền

LÊ VINH QUANG

La Habana, 18-11-2016

;
.
.
.
.
.