Người "canh giấc" cho các liệt sĩ

.

Ai có dịp đi ngang Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) đều thấy mát lòng bởi quang cảnh sạch đẹp, ấm cúng, rộn ràng thanh âm với tiếng chim ríu rít trên những tán cây xanh um, tiếng nói cười của học trò ở các trường lân cận sang chơi…

Nơi đây, mỗi ngày, hương hồn của các liệt sĩ được trông nom, hương khói chu đáo bởi người quản trang Phạm Viết Tình (sinh năm 1954, thôn Lệ Sơn Bắc, xã Hòa Tiến).

Ông Tình là thương binh hạng 4/4, từng là lính trinh sát huyện Hòa Vang trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Trong nghĩa trang với hơn 1.200 ngôi mộ liệt sĩ này có phần mộ của cha và anh ông Tình đang yên nghỉ cùng những đồng đội thân yêu.

Ông Phạm Viết Tình chăm chút từng phần mộ liệt sĩ một cách chu đáo, cẩn trọng với tất cả tình yêu thương.  Ảnh: Q.T
Ông Phạm Viết Tình chăm chút từng phần mộ liệt sĩ một cách chu đáo, cẩn trọng với tất cả tình yêu thương. Ảnh: Q.T

Ấm áp nơi anh nằm

Tiếp quản nghĩa trang từ tháng 6-2009 đến nay ngót 10 năm, với sự tận tụy và khiếu thẩm mỹ, ông Tình đã “biến” Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Tiến từ nơi hiu buồn thành một khu vườn rộng lớn tràn ngập sắc xanh của hoa cỏ và đàn cá tung tăng bơi lội vui mắt.

Mỗi ngày, từ 3 giờ rưỡi sáng, ông đã đến nghĩa trang làm nhiệm vụ, bắt đầu với công việc rất đỗi “đơn giản” là tưới nước cho… từng gốc cây. Với phần việc này, ông làm từ sáng tinh mơ đến 9 giờ mới xong. Sau đó, ông đi quanh nghĩa trang nhặt cỏ, chăm chút từng cành cây, bông hoa. Lác đác giữa các mộ phần, ông đặt những chậu hoa nhỏ đủ sắc màu tươi thắm.

Ông bảo, thường độ trước Tết Nguyên đán, người thân của liệt sĩ sẽ đến đặt ở phần mộ thân nhân một chậu cây, khi là quật, khi là cúc. Ra Tết, những bông hoa héo tàn, ông sẽ giữ lại chậu để tiếp tục trồng những loại hoa mới.

Cứ thế, nhiều năm, ông “tích lũy” được cả trăm chậu lớn, nhỏ. Như năm vừa rồi, một mình ông chiết ra được gần 100 chậu hoa, có cả hoa trạng nguyên, vạn thọ, cúc kim cương… trang trí “nhà” cho các anh vui Tết.

Chỉ một ngôi mộ có chậu bát tiên tươi tốt, hoa đỏ thắm, ông nói: “Đó là mộ của liệt sĩ Đặng Tấn, Trung đội trưởng Trung đội C2, Huyện đội Hòa Vang. Anh hy sinh năm 1987 ở chiến trường Campuchia. Dẫu anh đi xa mấy mươi năm rồi nhưng trong lòng tôi, anh mãi là người Trung đội trưởng đáng kính.

Ngày giỗ anh, hay ngày giỗ chung của liệt sĩ (Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27-7) và Tết, tôi đều đặt trước mộ anh một chậu cây. Có vấn đề gì buồn phiền, bối rối trong cuộc sống, tôi cũng thường đến tâm sự với anh như ngày còn là lính dưới quyền anh”.

Ngồi lại bên ông trên phiến đá dưới tán cây xanh, người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ năm nào vẫn chuyện trò với khí chất thanh cao, hết lòng phục vụ quê hương, đất nước. Ông nhận công việc quản trang khi mức trợ cấp chỉ 630.000 đồng/tháng.

Có thể nhiều người sẽ nghĩ mức “lương” ấy còn không đủ tiền trà nước, nói chi đến việc nuôi vợ, con, nhưng ông thì nghĩ: “Ngày trước, nếu mình hy sinh thì giờ đây cũng chỉ là nấm mồ nằm kia. Mình còn cuộc sống này, trong khi đồng đội đã mãi mãi nằm lại. Có những đồng đội không tìm được xương cốt, không có thân nhân đến nhận, vậy hà cớ gì mình so bì thiệt hơn”. Nói rồi, ông nhìn xa xăm: “Thay vì ao ước có đôi giày tốt để đi, thì mình nên hạnh phúc vì còn đôi chân này”…

Hiện tại, khi mức trợ cấp tăng lên, ông rủ vợ cùng làm việc với mình. Mỗi ngày hai vợ chồng thay phiên nhau đến nghĩa trang dọn dẹp. Ông phụ trách tưới nước, chăm cây từ 3 giờ rưỡi đến 9 giờ sáng rồi về lo đồng áng.

Bà đến sau quét tước mộ phần, dọn dẹp lá rụng. Đến chiều, ông trở ra đi kiểm tra một vòng quanh khuôn viên nghĩa trang. Ngày 14, 30 Âm lịch hằng tháng, ông chuẩn bị hương đèn đầy đủ để Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên địa phương đến dâng hương, thăm viếng. Nhờ sự tỉ mỉ, chu đáo của ông mà các phần mộ ở đây được hương khói đầy đủ, làm yên lòng thân nhân liệt sĩ mỗi lần đến viếng mộ.

Một góc không gian xanh ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Tiến. (Ảnh do UBND xã Hòa Tiến cung cấp)
Một góc không gian xanh ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Tiến. (Ảnh do UBND xã Hòa Tiến cung cấp)

Vui và đau cùng thân nhân liệt sĩ

Gần 10 năm làm quản trang, ông Tình chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện cảm động. Có những gia đình từ các tỉnh miền núi phía Bắc lặn lội đến đây với hy vọng tìm phần mộ của người thân đã hy sinh nhưng rồi đành lặng lẽ ra về.

Cũng có gia đình tìm được người thân của mình, như chuyện một gia đình ở Thanh Hóa sau nhiều năm tìm kiếm mộ khắp nơi không được, một lần, người cháu đang công tác tại Đà Nẵng ghé thăm nghĩa trang và hỏi thông tin về người bác đã hy sinh.

Có được đầu mối, người cháu về báo lại, cùng với gia đình nhờ thêm nhà ngoại cảm giúp đỡ nên may mắn tìm được mộ phần. Đó là trường hợp liệt sĩ Cao Huy Đảm tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Tiến. Ông Tình kể: “Liệt sĩ Đảm hy sinh khi tuổi còn xuân xanh, chưa vợ, chưa con, cha mẹ mất đã lâu vì già yếu.

Cũng may gia đình đông anh em, con cháu. Họ thương nhớ người anh em của mình mà không quản ngại khó khăn, ra vào nhiều bận mới tìm đúng mộ phần. Hiện tại, mỗi năm, dịp 27-7 và trước Tết Nguyên đán, gia đình đều lặn lội vào đây thắp nhang, hoa trái cho anh”.

Điều khiến ông Tình bứt rứt nhất là có những gia đình theo sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm tìm đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Tiến và đinh ninh đã xác định đúng phần mộ con em mình. Nhìn họ khóc lả người vì xúc động, ông không nỡ cắt đứt hy vọng dù biết nấm mồ kia chẳng phải thân nhân của họ.

“Tôi vốn là du kích xã Hòa Lợi (nay là Hòa Tiến - PV) nên rất am hiểu chiến trường Hòa Vang xưa. Ngày ấy, bộ đội chính quy vào chiến đấu ở Hòa Vang chỉ có lính 489, lính 304, lính 575, 577, R20. Đây là những đơn vị của bộ đội đặc công Quảng-Đà.

Ngoài các đơn vị này thì không còn đơn vị khác. Khi người nhà liệt sĩ đến, họ nói tên đơn vị liệt sĩ từng phục vụ, tôi đã biết liệt sĩ ấy không hy sinh ở chiến trường này. Tức là không có mộ phần trong Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Tiến, nhưng khi thấy họ mừng vui vì bốc được xương cốt, tôi lại không mở miệng được…”, ông Tình nói.

Có lẽ, ông Tình im lặng trước sự nhầm lẫn ấy một phần vì suy từ bản thân mình. Cha ông Tình là liệt sĩ Phạm Văn Đãi (hy sinh năm 1969). Ngày nghe tin cha mất, cả gia đình ông lặn lội vào Quảng Nam tìm xác. Khi vào đến hang núi (thuộc huyện Đại Lộc), ông được bà con kể lại, cha ông cùng đồng đội hy sinh, tan xác vì bom B52.

Họ chỉ cho ông khu vực cha hy sinh. Ông cùng mẹ và các anh em đào bới ngày đêm nhưng không thấy xác. Cuối cùng, gia đình chỉ bốc được nắm đất mang về. Thế nhưng, với ông Tình, những ngày tháng biết cha hy sinh mà chưa tìm được cốt, tâm tư lúc nào cũng nặng trĩu.

Từ ngày có nắm đất, cất được ngôi mộ, dẫu không có xương cốt của cha nhưng ông vẫn yên lòng phần nào. Ông nghĩ, những thân nhân liệt sĩ ấy cũng như ông. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, xương cốt người lẫn vào đất đá, biết đâu mà tìm. Người hy sinh thì đã hy sinh rồi, có cái cho người sống hy vọng, an lòng cũng là điều hay.

Nói rồi, ông trầm ngâm: “Trong hơn 1.200 phần mộ ở đây, vẫn còn hơn 200 mộ vô danh. Vừa rồi, xã mới bốc 3 ngôi mộ ở thôn Cẩm Nê về. Mặc dù liệt sĩ có tên hay không tên đều được hương khói, tri ân nhưng với những phần mộ vô danh, tôi vẫn thấy thương xót thật nhiều. Chỉ biết dặn lòng phải chăm sóc phần mộ các anh chu đáo hơn nữa để các anh không tủi thân, thân nhân liệt sĩ cũng cảm thấy ấm lòng”.

… Ai nói làm quản trang buồn tẻ, riêng người cựu binh này, bao nhiêu năm gắn bó với công việc chăm sóc mộ phần của các anh hùng liệt sĩ, ông đã làm với tấm lòng thành kính và cả niềm say mê. Ông bảo nguyện làm công việc này cho đến khi sức khỏe không cho phép nữa mới thôi và luôn tin rằng nếu mai này mình già yếu thì bất kể người nào thay thế cũng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ này.

Bởi chăm sóc mộ phần liệt sĩ là việc làm thiết thực, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh - những người đã không tiếc máu xương cho cuộc sống hòa bình hôm nay.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.
.