Hành trình của tóc

.

Một mái tóc khỏe không chỉ đem lại sự tự tin mà còn là niềm kiêu hãnh của chị em. Nhưng với nữ bệnh nhân ung thư, sau quá trình điều trị, niềm kiêu hãnh ấy cũng rơi rụng dần. Thế nên, một mái tóc giả đến từ những phụ nữ khác không chỉ là công cụ làm đẹp mà còn giúp họ bớt đơn độc trên hành trình chống chọi bệnh tật.

Mái tóc - niềm kiêu hãnh của phụ nữ bị rơi rụng qua quá trình điều trị ung thư (ảnh trái), nhưng các chị sẽ không đơn độc trên hành trình tìm lại vẻ đẹp của mình. Ảnh: Q. Trang
Mái tóc - niềm kiêu hãnh của phụ nữ bị rơi rụng qua quá trình điều trị ung thư (ảnh trái), nhưng các chị sẽ không đơn độc trên hành trình tìm lại vẻ đẹp của mình. Ảnh: Q. Trang

1. Trâm (sinh năm 1988, trú quận Sơn Trà) đứng thật lâu trước gương, chỉnh tới, sửa lui mái tóc bị lệch. Những sợi tóc mới nhìn tưởng vào nếp đẹp đẽ nhưng lại chẳng “nghe lời” cô. Bực bội, Trâm vứt mái tóc xuống đất, lộ ra mái đầu nhẵn thín. Nằm vật xuống giường, nước mắt Trâm lã chã…

Trâm nhớ lại khoảng thời gian cách đây mấy tháng, mỗi lần soi gương, Trâm vuốt từng lọn tóc đen nhánh, bóng dày đầy tự hào của mình. Ai cũng bảo Trâm giống mẹ, nhất là ở mái tóc đen, khỏe, sợi tóc cứng mà dân gian hay gọi là “tóc rễ tre”.

Từ nhỏ đến lớn, Trâm đều để tóc dài. Mỗi cái Tết, nếu muốn làm mới, Trâm chỉ đi duỗi thẳng hoặc uốn xoăn, còn màu tóc, chiều dài thì luôn ở mức ngang lưng không thay đổi. Vậy mà chỉ mấy tháng thôi, mọi thứ đã khác.

Trâm nhớ như in ngày có kết quả sinh thiết. Sau khi khóc đến mềm người, Trâm quyết định cạo trọc tóc trước khi để hóa chất lần mòn cướp đi mái tóc là niềm tự hào thời con gái. Người ta bảo Trâm mạnh mẽ, chỉ có cô biết mình đã đau đớn như thế nào.

Trâm không muốn cái đầu trọc lóc tố cáo rằng: Tôi đang bị ung thư! Hôm Trâm cạo trọc đầu, cả nhà không lường trước phản ứng của con gái Trâm.

Con gái mới 4 tuổi đã khóc ngặt nghẽo khi nhìn thấy mái đầu của mẹ. Cuộc trò chuyện của hai mẹ con hôm ấy vẫn khiến Trâm đau mỗi khi nhớ lại - “Không, không mẹ ơi. Con không thích mẹ để tóc nớ. Con chỉ thích mẹ để tóc dài thôi. Mẹ gắn tóc lại đi. Con không chịu đâu…

- Con gái ngoan, mẹ bị nấm da đầu, mẹ phải cắt tóc để bôi thuốc chứ không là mẹ ngứa lắm, chỉ vài bữa nữa thôi tóc mẹ sẽ mọc dài trở lại. - Mẹ ơi, rồi mẹ có để đầu trọc lên lớp đón con không? - Không, khi nào ra đường mẹ sẽ đội mái tóc giả ni. Con xem mẹ đội tóc mới có đẹp không nè”.

Vậy là mái tóc giả đồng hành với Trâm được nửa năm rồi. Ở nhà thì thôi, ra đường Trâm và nó gắn bó với nhau như hình với bóng. Trâm đã quen với sự hiện diện của nó. Cũng như nó đã quen với cỡ đầu Trâm nên không còn “khó chiều” như những ngày đầu nữa.

2. Quỳnh (sinh năm 1997, ngành Anh văn biên-phiên dịch, Trường Đại học Duy Tân) - một tình nguyện viên của dự án Một bức tranh - Nhiều hy vọng. Quỳnh tham gia dự án từ năm 2015. Lần đầu tiên lên Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng và thấy các cô, các chị ung thư vú rụng hết tóc, Quỳnh đã có chút hoang mang, lạ lẫm.

Biết bao câu hỏi hiện lên trong đầu cô sinh viên năm nhất: Tại sao các cô bị rụng tóc? Liệu sau này tóc có mọc lại được không? Nhìn các cô ngại ngần, trùm khăn hoặc đội mũ kín lên đầu khi đi ra ngoài, Quỳnh thương quá đỗi.

Về nhà, Quỳnh quyết định ra tiệm cắt phăng mái tóc của mình tặng cho một bệnh nhân. “Ra tiệm cắt đi 20cm tóc dưỡng mấy năm trời vậy mà em không hề tiếc nuối. Em chỉ tiếc sao trước đó mình cắt tóc so le mô-đen làm chi để chừ phải bỏ đi một đoạn tóc không dùng được”, Quỳnh dí dỏm kể.

Từ lần đó, Quỳnh đứng ra phụ trách kêu gọi việc tặng tóc cho bệnh nhân ung thư của dự án. Những buổi trưa nắng tan trường, Quỳnh rong ruổi khắp các cửa hàng tóc giả ở Đà Nẵng để tìm hiểu mẫu tóc, giá cả.

Những ngày cuối tuần, Quỳnh đến từng phòng bệnh, nhìn ngắm từng gương mặt các cô để chọn bộ tóc phù hợp. Khuôn mặt tròn sẽ đội mái tóc dài ngang vai, khuôn mặt trái xoan sẽ đội tóc đờ-mi… Sau khi tự thiết kế mẫu tóc cho các cô, Quỳnh đến các cửa hàng đặt mẫu và số lượng.

Hôm nào đến ngày nhận tóc để lên trao cho các cô là Quỳnh vui lắm. Quỳnh tự tay gắn tóc, chải cho mượt rồi bới lên. “Nhìn các cô đội tóc vào trông rạng ngời, đầy sức sống hẳn, mới thấy, dù đang trong giai đoạn chữa bệnh, các cô vẫn “để ý” đến bề ngoài của mình lắm”, Quỳnh nói.

Điều Quỳnh thấy hạnh phúc nhất trong hành trình của mình đó là sự ủng hộ của các chủ tiệm tóc giả. Dù làm kinh doanh nhưng khi biết Quỳnh đặt mua tặng bệnh nhân ung thư, các chủ tiệm đều giảm giá, hoặc chỉ lấy giá gốc.

Nhiều tiệm còn tặng tóc miễn phí. Đến nay, riêng Quỳnh đã kêu gọi và tặng được gần 100 bộ tóc cho bệnh nhân ung thư. Tuy vậy, theo Quỳnh, vẫn còn rất nhiều bệnh nhân đang cần tóc giả mà kinh phí của nhóm lại sắp hết. Sắp tới, có lẽ nhóm Quỳnh cần nghĩ ra hoạt động dài hơi để tự nuôi dự án thay vì phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ bên ngoài.

3. Ánh (chủ tiệm tóc giả trên đường Lê Đình Thám) - một người hỗ trợ thường xuyên cho dự án của nhóm Quỳnh. Ánh mở tiệm tóc giả hơn 5 năm qua. Ánh thường thu mua tóc ở khu vực phía Bắc bởi nơi đó còn nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, bà con ít dùng hóa chất vào tóc như người dân thành phố nên tóc vẫn giữ được độ dài, dày, đều.

Hầu như Ánh không thể mua tóc thật ở Đà Nẵng. Ánh cho biết, các tiệm bán tóc thường bán 2 loại: tóc làm từ tóc thật và tóc làm từ sợi tơ nhân tạo (tóc giả). Tóc giả có giá trung bình 300.000-400.000 đồng/bộ, trong khi tóc thật có giá cao hơn gấp 10-20 lần. Vì vậy, đa số khách hàng chỉ mua tóc giả.

Tóc giả ngày nay cũng hiện đại hơn trước rất nhiều. Vẫn là sợi tơ nhân tạo nhưng sợi tóc mảnh, tự nhiên chứ không còn bóng giả như trước đây. Nhược điểm của tóc giả là ra gió sẽ bị rối, khó vào nếp.

Nhiều năm tư vấn kiểu tóc cho khách hàng, Ánh nhận thấy phụ nữ Việt Nam hầu hết đều phù hợp với mái tóc dài. Người đến mua tóc ngắn rất ít. Trước đây, Ánh thường tư vấn cho các bà, các cô đến mua tóc để che đi những phần tóc bị bạc, hói do tuổi tác.

Một ngày, Quỳnh đến tiệm của Ánh mua tóc với số lượng lớn để tặng bệnh nhân ung thư, Ánh mới biết còn một đối tượng nữa rất cần đến tóc giả.

Vậy là Ánh nhiệt tình tư vấn cho Quỳnh những mẫu tóc phù hợp, giảm giá xuống mức thấp nhất. Thậm chí, có thời gian thấy Quỳnh lâu quá không quay lại, Ánh trực tiếp đem một số bộ tóc lên Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng gửi tặng.

“Tôi mong những bệnh nhân ung thư nhận ra sự đồng cảm và sức mạnh chúng tôi gửi gắm để có những tháng ngày sống và chống chọi với căn bệnh này”, Ánh nói.

Trâm, Quỳnh, Ánh - những phụ nữ không quen biết nhau đã đến với nhau qua hành trình của tóc. Mái tóc giả nhưng sự yêu thương, ấm nồng giữa những người phụ nữ với nhau là thật. Và phụ nữ, dù trong hoàn cảnh nào họ cũng muốn mình đẹp hơn và làm cho nhau đẹp thêm…

Bác sĩ CKII Trần Tứ Quý, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Trưởng khoa Ngoại 3:
Một mái tóc giả đẹp giúp bệnh nhân yêu đời và chấp nhận điều trị hơn

Việc mang căn bệnh ung thư không chỉ khiến người bệnh phải chịu đựng đau đớn về mặt thể trạng mà còn là nỗi mất mát to lớn về mặt tinh thần. Người ta dễ nhớ tới hình ảnh bệnh nhân ung thư với cái đầu trọc lóc do tóc rụng trong thời gian điều trị hóa chất.

Do đó, chúng tôi luôn tư vấn bệnh nhân nên cạo trọc đầu trước khi vào quá trình điều trị; đồng thời nên tự chuẩn bị một mái tóc giả phù hợp. Nhiều năm điều trị cho bệnh nhân ung thư vú, tôi nhận ra, những bệnh nhân có chuẩn bị một mái tóc đẹp, phù hợp thì họ tự tin, yêu đời hơn, chấp nhận điều trị thuận lợi hơn.

Anh Hồ Dương Đông, quản lý dự án Một bức tranh-Nhiều hy vọng:
Dự án đã quyên góp 300 bộ tóc

Hoạt động quyên góp và tặng tóc giả cho bệnh nhân nữ tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng bắt đầu từ năm 2016. Ý tưởng này xuất phát từ việc chứng kiến các cô, các chị bị rụng tóc do quá trình điều trị nên luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti khi tiếp xúc người khác.

Nhằm nâng cao tinh thần cho bệnh nhân, dự án đã kêu gọi quyên góp tóc thật (nhưng chi phí cao và số lượng ít nên sau đó chuyển qua tóc giả). Hiện tại, dự án đã quyên góp 300 bộ tóc. Các cô đều cảm thấy hạnh phúc và tự tin với bộ tóc mới giúp tăng vẻ đẹp phụ nữ.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.
.