Những người phụ nữ của đêm

.

12 giờ đêm… Gió ngoài đường rít từng cơn qua vành tai, cái lạnh sượng sùng lướt ngang mặt. Cơn mưa nặng hạt những ngày đông chớm sang khiến màn đêm thêm dài thăm thẳm.

Tin trở dậy sửa soạn đồ nghề, nhè nhẹ dắt chiếc xe máy ra khỏi phòng chung cư để không phá hỏng giấc ngủ say của chồng con. Gần chục năm nay, người phụ nữ nhỏ bé này bắt đầu ngày làm việc với những vòng xe thồ đưa đón khách lui tới chợ Đầu mối thủy sản Thọ Quang. Thức cùng chợ cá này còn có hàng chục phụ nữ xa quê gánh cá thuê với những đêm dài bạc...

Dẫu đầy vất vả nhưng những người phụ nữ chạy xe thồ đêm ai cũng nỗ lực vượt qua để ngày mai con họ được cắp sách đến trường.
Dẫu đầy vất vả nhưng những người phụ nữ chạy xe thồ đêm ai cũng nỗ lực vượt qua để ngày mai con họ được cắp sách đến trường.

Những vòng xe không ngủ

“Rìn! Rìn! Rìn!”. Tiếng pô xe máy nổ giòn phá tan không gian yên tĩnh là âm thanh khởi đầu ngày mới sớm nhất ở khu chung cư Vũng Thùng, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. 30 tuổi, Tin đã có gần 10 năm làm nghề chạy xe thồ ở chợ Đầu mối thủy sản Thọ Quang. Công việc hằng đêm của Tin là đưa đón các mối khách quen xuống chợ sỉ mua hải sản rồi ngược về các chợ lẻ. Mỗi cuốc xe được vài ba chục ngàn đồng, mỗi đêm khoảng hơn chục cuốc, ngày lễ hay Tết lại có thêm tiền “bo”.

- Không phải lúc nào khách cũng chờ sẵn, có nhiều người ngủ quên mình phải đến nhà gõ cửa gọi dậy, chờ họ sửa soạn đồ nghề nên nhiều lúc cũng mất thời gian.

- Vậy tại sao Tin không chở mối khác?

- Khách của mình toàn quen, ai ngủ quên mà mình không đến nhà gọi dậy thì thể chi sáng ra họ cũng trách nên phải chịu khó.

“Đêm cày ngày ngủ” - nhịp sống của Tin cứ xoay đều bên những vòng xe thồ trong gần 3.500 đêm. Dẫu vậy, gương mặt Tin lúc nào cũng rạng rỡ, một thứ niềm vui tròn trĩnh mà như Tin nói, Tin còn hạnh phúc và đủ đầy hơn rất nhiều chị em mưu sinh ở chợ cá này. Mỗi đêm, nhìn hai đứa con nhỏ cuộn tròn ngủ bên cha, Tin thơm nhẹ lên má con rồi mới đi làm.

Công việc chạy xe thồ hằng đêm dẫu cực nhọc nhưng ngày nào Tin cũng có “tiền tươi”. Chồng Tin làm nghề sửa xe máy, cái tiệm nho nhỏ ở phòng chung cư rộng chưa đến 50m2 không đủ nuôi vợ con trong khi giá cả sinh hoạt ngày một tăng cao.

Ở bến cá lớn nhất Đà Nẵng, phụ nữ chạy xe thồ như Tin là “hàng hiếm”, bởi giữa hàng chục cánh mày râu chạy thồ chỉ được 4 bóng hồng, trong đó gia đình Tin có đến 3 người gồm: mẹ chồng, người chị em bạn dâu và Tin. Mẹ chồng của Tin gần 60 tuổi nhưng ngày nào cũng ngược xuôi những cuốc xe đêm, có khi đến cả tạ mấy mỗi chuyến.

Tin kể, phụ nữ chạy xe thồ đắt khách hơn đàn ông nên Tin không sợ thất nghiệp. Chị em buôn cá thường thích phụ nữ chở, vì nếu nhờ đàn ông thồ có khi đêm hôm chồng ghen. Hơn chục năm chạy thồ, Tin có rất nhiều khách, thậm chí chở không hết phải san sẻ bớt cho đứa em trai cũng mới tập tành vào nghề.

Ngồi nói chuyện với người mẹ trẻ này mới thấy niềm yêu đời không tắt trên môi dù rất nhiều lần chị bị hỏi “ngặt” như: có buồn ngủ không, có sợ già nhanh không, có sợ nguy hiểm không... Sống bên những phụ nữ buôn cá cũng thức trắng như mình khiến Tin cảm nhận rõ hơn ai hết nỗi vất vả, những cơn đau đầu bất chợt và gánh nặng áo cơm trên vai họ.

Ngoài mấy mẹ con Tin, ở chợ Đầu mối thủy sản Thọ Quang còn có chị Nguyễn Thị Thương Em (51 tuổi, phòng 301, khu chung cư làng cá Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cũng hành nghề xe thồ. Nhờ những vòng xe không ngủ, suốt 12 năm qua, người mẹ đơn thân này nuôi con học hết đại học.

Chị Thương Em đến với nghề xe thồ một cách bất đắc dĩ vì… thương hai chị ruột làm nghề buôn cá nhưng không biết chạy xe máy. Với những nữ xế chạy thồ đêm, chuyện tai nạn hay bị cướp giật thi thoảng vẫn xảy ra. Mấy mẹ con Tin ai cũng bị tai nạn 2-3 lần, còn chị Thương Em ám ảnh mãi lần bị trấn lột và bị đánh giữa đường. “Sợ nhất là gần Tết và vào mùa bóng đá, đi đường hay gặp mấy gã hỏi xin tiền, có khi bị đánh nữa.

Rút kinh nghiệm, tôi không chạy vào mấy đường tối mà chạy ra đường lớn, có người qua lại, dù đoạn đường đó xa hơn nhiều lần”, chị Thương Em kể. Để bảo đảm an toàn tính mạng cho mình, những người phụ nữ này thường mặc đồ và đi giày của đàn ông, còn trùm thêm áo mưa dù có những ngày trời nóng đến bức người.

 Con lớn lên bằng đôi gióng của má

- Má ơi, má ở nhà với con đi. Con không cho má đi đâu.

- Con ở nhà ngoan. Má đi ít bữa rồi về.

Bà Nguyễn Thị Diên (xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) nhớ như in tiếng khóc của thằng con níu áo mẹ không chịu buông khi ngày đầu bà ra Đà Nẵng gánh cá thuê. Bà phải dỗ dành, hứa về mua cho con quà bánh và khi thằng bé đang mơ tưởng đến những-món-quà-hứa-hẹn thì bà vội quày quả bước đi. 15 năm trôi qua, thằng cu 4 tuổi ngày nào giờ đã là chàng thanh niên 19 tuổi, đang theo học tại một trường đại học có tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhà có 5 đứa con, trong đó đến 3 người học đại học nên gánh nặng con chữ cũng trĩu nặng lên đôi vai gầy guộc của bà Diên.

Đêm trắng với những người phụ nữ gánh cá thuê là sinh kế của cả gia đình.
Đêm trắng với những người phụ nữ gánh cá thuê là sinh kế của cả gia đình.

Trong căn phòng trọ ẩm thấp, phảng phất mùi tôm cá, bà Diên kể về những đứa con của mình với đôi mắt ánh niềm hy vọng. Phòng trọ thực sự chỉ là nơi ngủ nghỉ tạm bợ qua bữa, vì phần lớn thời gian của những phụ nữ như bà Diên sống ở chợ cá. Có cô sau khi gánh buổi đêm xong còn tranh thủ ở lại phi lê cá cho các chủ nậu kiếm thêm chút tiền; có chị ăn luôn cơm trưa tại bến cá để chiều gánh thêm đôi ba gióng. Đa phần họ vì cuộc sống nhà nông không đủ trang trải nên phải dựa vào đôi gióng gánh cá như chiếc cần câu cơm.

Đêm ở chợ cá này, nhìn đâu cũng thấy những người như bà Diên, trong đó có O Long 73 tuổi, quê ở Huế; bà hai Phới 64 tuổi, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam… Giữa xô bồ, dù có lúc biển lưới bấp bênh, cuộc sống mưu sinh khó khăn nhưng chưa lúc nào các bà, các cô giành giật nhau dù chỉ một gánh cá. Họ nhường nhịn và san sẻ vì thương cái nghèo và cuộc sống tha hương cầu thực của nhau.

“Mai mốt con đi làm có tiền, con không cho má gánh cá nữa đâu”, mỗi lần con trai bà Diên đi học xa về lại an ủi má bằng những lời như vậy. Lời nói chân thành của đứa con trai như xoa dịu những cơn đau nhức của hàng ngàn đêm không ngủ nơi bả vai, bắp tay, bắp chân của người phụ nữ này. Một gánh cá chỉ được trả vài ba ngàn đồng lẻ, một cuốc xe thồ nhận vài chục ngàn đồng, nhưng những người phụ nữ của đêm vẫn chấp nhận chắt chiu hàng ngàn giấc ngủ say để ước mơ trở thành bác sĩ, kỹ sư… của con được lớn lên mỗi ngày.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
;
.
.
.
.
.