8 năm thuê xe ôm đi làm việc thiện

.

Suốt 8 năm nay, bà Nguyễn Thị Hứa (65 tuổi), Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh quận Liên Chiểu thuê xe ôm đi khắp nơi làm từ thiện. Nghe ở đâu có trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, hoạn nạn là bà Hứa tức tốc đến tận nơi tìm hiểu để kêu gọi giúp đỡ. “Sớm được ngày nào hay ngày ấy”, dù sức khỏe yếu, không tự đi xe máy được, nhưng không vì thế mà bà Hứa “thất hứa” bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.

Bà Nguyễn Thị Hứa (bìa phải) trong một đợt trao tiền hỗ trợ cho em học sinh mắc bệnh hiểm nghèo.  Ảnh: NVCC
Bà Nguyễn Thị Hứa (bìa phải) trong một đợt trao tiền hỗ trợ cho em học sinh mắc bệnh hiểm nghèo. Ảnh: NVCC

Phao cứu sinh cho những mảnh đời bất hạnh

Một buổi chiều mùa đông trời mưa tầm tã, như đã hẹn trước, bà Hứa cùng các mạnh thường quân tất tả đội mưa đến thăm một trường hợp bệnh hiểm nghèo. Trong căn nhà cấp 4 chật hẹp cũ kỹ, anh Nguyễn Văn Bình (SN 1975, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đưa tay gạt nước mắt khi nhận được hỗ trợ 5 triệu đồng từ các nhà hảo tâm. Nói về gia cảnh anh Bình, bà Hứa không khỏi xót xa. Anh Bình và vợ là Nguyễn Thị Long (SN 1976) vốn hiền lành, siêng năng, chăm chỉ làm ăn.

Sau khi cưới nhau, hai vợ chồng có được 2 đứa con ngoan ngoãn. Nào ngờ đâu tai họa ập đến, chị Long mắc bệnh thoái hóa thần kinh, dù đã chạy chữa hết tiền bạc nhưng cơ thể chị cứ dần teo tóp rồi nằm liệt trên giường. Bao nhiêu của cải, tài sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Thương hai con đang tuổi ăn học, thương vợ không ai chăm sóc, anh Bình làm bữa được bữa mất để chăm lo cho người vợ bị bạo bệnh.

Biết được tình cảnh đáng thương của vợ chồng anh Bình, bà Hứa năm lần bảy lượt thuê xe ôm đến thăm hỏi, động viên. Bà vận động trong cán bộ Hội, bạn bè, người thân bớt chút tiền quà bánh giúp đỡ đôi vợ chồng trẻ gặp hoạn nạn.

Với anh, số tiền 5 triệu đồng quá lớn, như chiếc phao cứu nguy cho cuộc sống khốn khó của 4 con người bé nhỏ trong căn nhà tồi tàn ấy. “Với vợ chồng tôi, cô Hứa như người mẹ thứ hai. Cô chính là động lực để chúng tôi tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Cô cũng chính là cầu nối giữa mạnh thường quân và gia đình tôi để qua cảnh khó khăn”, anh Bình tâm sự.

Trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Bích Năm (trú tổ 38, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cũng thật xót xa. Gia đình chị có 4 người thì hết 3 người mắc bệnh nặng. Cách đây 2 năm, con gái chị bị ung thư tuyến giáp, sau đó không lâu, đứa con nhỏ lại bị động kinh (di chứng sau trận sốt cao). Nén nỗi đau, vợ chồng chị vay mượn khắp nơi chữa trị cho các con.

Bản thân chị phải nghỉ việc để lo cho cháu nhỏ đang điều trị động kinh tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Con gái đầu chị gửi về Quảng Nam để bà ngoại chăm sóc. Đến kỳ tái khám, chồng chị về quê đưa con ra Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Bản thân chị Năm cũng mắc ung thư đại tràng giai đoạn 3, bác sĩ chỉ định phải cắt bỏ phần ruột già. Suốt cả buổi gặp, chị cứ ôm lấy đứa con nhỏ khóc nức nở: “Giá như tôi có thể gánh hết bệnh tật để 2 đứa con được khỏe mạnh, được học hành như những đứa trẻ khác tôi cũng bằng lòng”.

Hoàn cảnh của gia đình anh Bình, chị Năm chỉ là hai trong số 65 trường hợp bà Hứa làm cầu nối giúp đỡ. Trong năm 2018, bà Hứa xác minh và đề xuất Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố, quận Liên Chiểu hỗ trợ 65 trường hợp với tổng kinh phí hơn 246 triệu đồng. Không những thế, các dịp Tết, Trung thu, bà còn vận động hàng trăm suất quà Tết, bánh kẹo cho người nghèo và trẻ em.

Mang trái tim khỏe đến bệnh nhi nghèo

Không chỉ giúp đỡ những hoàn cảnh ngặt nghèo, những năm qua, bà Hứa còn là cầu nối cho hàng trăm em nhỏ được phẫu thuật tim miễn phí. Với cương vị là Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh quận Liên Chiểu, bà Hứa phối hợp với Trung tâm Y tế quận và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận tổ chức khám tầm soát tim bẩm sinh cho trẻ em.

Trong năm 2018, bà Hứa xin hỗ trợ từ Bệnh viện Đà Nẵng khám, siêu âm tại chỗ và chỉ định điều trị, phẫu thật cho trẻ. Qua các đợt khám, có 7.445 em được khám tầm soát tim miễn phí với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Toàn quận có 26 em phát hiện mắc các bệnh về tim được chỉ định điều trị và phẫu thuật. Tính đến nay, 24/26 em đã được phẫu thuật thành công với tổng kinh phí 890 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1994, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) có con là Đào Trung H. (3 tuổi) mắc bệnh tim bẩm sinh. Chồng chị Hiền chẳng may mất sớm. Bản thân chị không có nghề nghiệp ổn định. Biết được hoàn cảnh chị Hiền, bà Hứa nhiều lần đến tìm hiểu, hướng dẫn chị Hiền làm đơn xin hỗ trợ mổ tim cho con. Với số tiền 38 triệu đồng hỗ trợ, con trai chị Hiền đã được phẫu thuật tim.

“Sau khi được cô Hứa chỉ dẫn làm đơn, tôi đã xin được kinh phí mổ tim cho con trai. Giờ đây con tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh, có thể đến trường học tập như những đứa trẻ khác. Tôi thật sự mang ơn cô Hứa”, chị Hiền xúc động nói.

Bé Phạm Huỳnh Thanh Th. (SN 2009) con anh Phạm Thanh Dũng (SN 1968, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) mắc bệnh tim bẩm sinh, sức khỏe suy kiệt. Nhìn thấy con ngày càng gầy gò, xanh xao, anh Dũng không khỏi xót xa.

Thế nhưng với đồng lương thợ nề bấp bênh, anh không đủ điều kiện đưa con đi điều trị. Biết được hoàn cảnh, bà Hứa lại tất tả thuê xe tìm đến giúp đỡ. Trong căn nhà xập xệ, nhìn cảnh vợ chồng anh Dũng lóng ngóng với giấy bút làm đơn xin hỗ trợ mổ tim cho con, bà Hứa không khỏi chạnh lòng. Ngày con gái phẫu thuật thành công, anh Dũng hạnh phúc như chính mình được sinh ra lần nữa.

“Con tôi đã có trái tim hoàn toàn khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ 60 triệu đồng. Tôi hạnh phúc vô cùng. Nếu không có cô Hứa, không biết đến khi nào con tôi mới có thể phẫu thuật được. Chúng tôi mừng lắm.”, anh Dũng nói.

Bé H., bé Th. chỉ là 2 trong số hơn 100 em nhỏ được bà Hứa kết nối để phẫu thuật tim miễn phí trong 8 năm qua. Trung bình mỗi năm, có 15-20 em nhỏ được bà Hứa hỗ trợ để được phẫu thuật tim miễn phí. “Mỗi khi nghe thông tin từ bệnh viện có thêm một cháu nhỏ phẫu thuật tim thành công, tôi thở phào nhẹ nhõm. Sau mỗi ca phẫu thuật, tôi lại thuê xe đến tận bệnh viện thăm, động viên các cháu. Tôi xem các cháu như con, cháu của mình vậy”, bà Hứa tâm sự.

Vốn là cán bộ y tế trở về sau chiến tranh, chứng kiến đồng đội của mình nằm lại chiến trường, bà Hứa luôn tự hứa bản thân sẽ thay đồng đội làm thật nhiều điều có ích để giúp đỡ mọi người. “Đi nhiều, tìm hiểu nhiều tôi nhận ra cuộc sống xung quanh mình còn nhiều hoàn cảnh đáng thương lắm. Tuy cao tuổi, sức khỏe không bảo đảm nhưng nếu bây giờ tôi dừng lại, không giúp đỡ họ tôi thấy day dứt lắm…”, bà Hứa tâm sự.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.