Hòa Quý, ngày mai sẽ khác…

.

Bạn rủ về quê Hòa Quý chơi kèm lời dặn: “Nhớ dắt túi ít đồng nghe vì quê tui không có cây ATM mô đâu”. Hỏi bạn đặc sản Hòa Quý là chi, bạn trả lời tỉnh queo: “Đặc sản hả? Chắc là hàng chục ki-ốt môi giới bất động sản, chớ quán nhậu cũng chẳng có quán nào ra hồn, chỉ vài ba quán vỉa hè thôi. Cơm bụi được 3, 4 quán chi đó”. Ngó chừng thấy vẻ mặt ỉu xìu của tôi, bạn trấn an: “Đừng lo, tui không để bạn đói đâu. Quê tui dịch vụ chi cũng thiếu, chỉ có tình người là rộng rãi. Đi héng?”.

Trẻ em bình yên đạp xe đi học.
Trẻ em bình yên đạp xe đi học.

1. Hòa Quý có xa xôi chi mô mà bạn lấy giấy vẽ sơ đồ chỉ đường chi tiết. Tờ giấy bạn gấp làm tư tôi nhét xuống tận cùng túi xách, nghĩ trong bụng: “Cứ đến đó rồi Google map (bản đồ chỉ đường trên điện thoại) là ra. Thời đại nào rồi mà chỉ đường bằng giấy nữa”. Chạy đến ngã tư Mai Đăng Chơn-Lê Văn Hiến rẽ vào là đến địa phận của phường Hòa Quý. Con đường 10,5m thênh thang, một bên là nhà dân, bên là cánh đồng. Gió thổi mát rượi. Khói bụi thành phố ở lại sau lưng.

Nhớ lời bạn dặn, cứ đi gần hết đường lớn thì mở giấy ra coi. Vậy là tôi mở... điện thoại. Bản đồ hiện lên chỉ có 4 tuyến đường chính là Mai Đăng Chơn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lưu Quang Vũ, Võ Chí Công. Tất cả các đường bê-tông nối liền khu dân cư đều không có tên đường hay số nhà. Tôi bắt đầu toát mồ hôi. Điện thoại bạn không nghe máy. Tờ giấy chỉ đường đã ngoan ngoãn nằm ở nhà. Tôi buộc phải dùng cách hỏi đường sơ khai nhất: gặp một người địa phương rồi huơ chân múa tay mô tả về bạn, cha mẹ, anh em bạn. Rất may, chỉ mới nói sơ sơ đã có người biết và chỉ tôi tới tận nhà. Thấy khuôn mặt bơ phờ của tôi, bạn “mắng”: “Thấy chưa, đã nói là phải cầm theo sơ đồ tui vẽ. May là dân ở đây sống gần gũi nên biết nhau”. 

2. “Dân ở đây sống gần gũi” được bạn nhắc đi nhắc lại như một niềm tự hào chẳng giấu giếm. Bạn kể, Hòa Quý “lên” phường năm 1997. Trước đó, Hòa Quý có tên là xã Hòa Lân (thuộc huyện Hòa Vang). Ngày bạn còn nhỏ, bạn luôn nhìn về phía thành phố với ánh đèn điện với bao ngưỡng vọng xa xôi.

Phải đến năm 1992, 1993, Hòa Quý mới có điện. Mỗi ngày đi học, đôi chân bé nhỏ của bạn vượt qua bao nỗng cát xa xôi để đến trường. Đến thế hệ của đứa em nhì, rồi em út bạn, cứ mỗi lứa học trò thì con đường đến trường gần hơn một chút. Ngày trước, ba má bạn đều làm nông bám mặt ngoài đồng cả ngày, tối về lại lấn quấn gà, vịt, heo quéo. “Ở đây nhà nào cũng vậy. Hồi xưa, xã Hòa Lân nghèo nhất huyện Hòa Vang, còn bây giờ phường Hòa Quý nghèo nhất quận Ngũ Hành Sơn”, bạn tếu táo…

“Cơ cực của Hòa Quý ngày trước nói mấy ngày không hết chuyện”, ông Trần Chuyển (khu dân cư Mân Quang, phường Hòa Quý) mở đầu câu chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà của Hợp tác xã Nông nghiệp 1. Ông Chuyển 69 tuổi, dấu vết của một thời cơ cực đã hằn sâu trên nét mặt. Ông cùng với người dân Hòa Quý từng là “nồi cơm” của bộ đội ta những năm kháng chiến. Ông nhớ như in những năm kháng chiến chống Mỹ vào thời điểm ác liệt nhất, giặc đã dồn dân Hòa Quý qua đến địa phận Hòa Xuân (nay thuộc quận Cẩm Lệ).

Dưới họng súng của địch, cả làng phải bỏ quê mà đi. Dù vậy, dường như dòng máu anh hùng đều chảy trong huyết quản của người dân Hòa Quý. Giữa mưa bom đạn lạc, ban ngày, dân làng lại chèo đò về quê nhà canh tác, đêm đến lại đi. Hạt lúa mọc lên giữa làn đạn, nhưng tất thảy bà con đều dành cho bộ đội, cho du kích. Cả làng đồng lòng cấy lúa, trồng hoa màu nuôi quân. Không ít bà con trên đường chèo ghe về làng cũ đã bị địch bắn chết giữa sông. Những đau lòng, phẫn uất được bà con dồn vào từng thửa ruộng, tấc đất. Thời đó, sức người là vô hạn.

3. Tâm tư của một thời cơ cực như mở ra câu chuyện về một Hòa Quý trong tiến trình đô thị hóa. Ông Trần Công Vinh (52 tuổi, trú khu dân cư An Lưu), Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp 1 kể, trước đô thị hóa, Hòa Quý là một xã thuần nông nghiệp với 220 hecta đất canh tác, cung cấp lúa gạo cho cả quận Ngũ Hành Sơn. Sau khi được tách từ huyện Hòa Vang, Hòa Quý một bước từ quê lên phố. Những đôi bàn tay thô ráp, đôi chân dính phèn nay nghiễm nhiên trở thành “người thành phố”, đất ruộng thu hẹp chỉ còn 127 hecta.

Trong những câu chuyện lúc nông nhàn, cây lúa, củ khoai không còn là đề tài chính, mà chuyện những dự án treo cả chục năm và những thửa… đất vàng mới rôm rả hơn cả. Đất Hòa Quý bữa nay cũng “sốt” như ai. Đi liền với những khu giải tỏa trắng là những khu tái định cư mọc lên. Nhà cửa ai ai cũng có chút khác, nhưng…

“Vấn đề việc làm đang trở thành nỗi nhức nhối của người dân Hòa Quý. Trên cánh đồng hiện nay chỉ toàn người già. Lớp trung niên không còn mặn mà cày cấy, cũng chẳng còn đất đâu canh tác. Thanh niên tỏa đi khắp nơi làm đá, theo nghề dịch vụ và làm thợ là chủ yếu. Trong những dãy nhà mới khang trang ở các khu tái định cư không ít người không có công ăn việc làm ổn định”, ông Vinh nói.

“Vỡ mộng” vì được giải tỏa-đền bù xong trở nên… thất nghiệp không phải là câu chuyện riêng của Hòa Quý nhưng vẫn khiến người ta tê tái. Năm ngoái, Hòa Quý tổng kết số hộ nghèo trên địa bàn là 1.658/17.370 hộ của địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 1/10!

Ông Huỳnh Bá Quý, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý chia sẻ: “Có rất nhiều hộ dân sống trong những ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ, sực nức mùi vôi mới nhưng thực chất họ không có việc làm ổn định, cuộc sống rất bấp bênh, tạm bợ dù thành phố đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, đào tạo và tư vấn giới thiệu việc làm. Trên địa bàn phường hiện nay không có doanh nghiệp nào lớn. Tính ra chỉ được 1 Xí nghiệp May Liên Việt, 1 Chi nhánh xí nghiệp may của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ và 1 cơ sở sản xuất nến. Hai xí nghiệp may chỉ tuyển lao động dưới tuổi 35. Số lượng lao động trên 35 tuổi giờ chỉ biết ở nhà chăn nuôi thêm con vịt, con gà. Cuộc sống rất khó khăn”.

Câu chuyện của người dân Hòa Quý giờ không chỉ có ruộng đồng mà còn rôm rả chuyện... đất vàng.
Câu chuyện của người dân Hòa Quý giờ không chỉ có ruộng đồng mà còn rôm rả chuyện... đất vàng.

4. Tiến trình đô thị hóa đến Hòa Quý ngày một gần dẫu nơi đây đón nhận nó như thế nào. Bạn bảo, trong tâm thức của người dân Hòa Quý, chẳng ai nghĩ mình là người thị thành.

“Có điều, bạn biết không, tụi nhỏ quê mình vẫn đến trường bằng xe đạp. Sáng ra, chúng nó gọi nhau í ới ngoài cổng. Tiếng trò chuyện của chúng râm ran cả đường. Vui lắm. Ma chay quê mình chỉ thuê dịch vụ đến làm rạp, trang trí, còn tất cả các khâu khác đều do những người “láng giềng gần” đảm nhiệm. Vậy mới nói, cơn lốc đô thị hóa tiến đến nhanh nhưng vẫn không lấp liếm được cốt cách thôn quê dân dã của người dân nơi đây”, bạn kể.

Chúng tôi cùng đi qua các khu dân cư Mân Quang, An Lưu, Thị An…, gió từ con sông Cái vỗ về trên làn da. 25 dự án đang diễn ra trên địa bàn vẫn không khiến làng quê mất vẻ yên bình vốn có. Chỉ thấy một điều, chẳng biết nên vui hay buồn, nhà nào cũng toàn người già đi ra đi vào.
Hòa Quý ơi, ngày mai sẽ khác…

Bài và ảnh: QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.