Chuyện ở trọ

.

Nếu ước mơ về một ngôi nhà riêng cho người thu nhập thấp - nhất là công nhân, sinh viên ngoại tỉnh - đang còn ở phía trước thì ở trọ vẫn là chuyện nhiều tập không có hồi kết…

Chị Phan Mỹ Nhân (phải) từ Bà Rịa – Vũng Tàu khăn gói theo chồng ra Đà Nẵng làm công nhân và ở trọ gần 10 năm, gắn bó với “cô Nhu” như người thân.
Chị Phan Mỹ Nhân (phải) từ Bà Rịa – Vũng Tàu khăn gói theo chồng ra Đà Nẵng làm công nhân và ở trọ gần 10 năm, gắn bó với “cô Nhu” như người thân.

Kinh doanh nhà trọ - nghề “hot”

Dãy hành lang hẹp, những căn phòng bé tin hin lợp tôn được nung lên bởi cái nóng đầu hè khiến người ở cảm thấy ngột ngạt như con dế mèn bị nhốt trong chiếc hộp diêm.

Không gian nhà trọ đâu đâu cũng na ná kiểu “3 trong 1”: Trong khoảng diện tích eo hẹp 8 - 9 mét vuông chỉ đủ để chiếc nệm gấp, một bếp gas, một ít rổ rá để nấu ăn, một phòng vệ sinh nhỏ và gác lửng như sắp chạm trần nhà dùng làm nơi cất đồ đạc. Vậy mà người ta vẫn phải sống, làm việc, học tập và… yêu nhau. Chính vì vậy, có người cho rằng: Ai chưa một lần ở trọ trong đời thì đích thị là người hạnh phúc.

Thành phố Đà Nẵng có những khu công nghiệp lớn như Hòa Khánh, Liên Chiểu, Hòa Cầm, Đà Nẵng… cũng là nơi có nhiều trường đại học, cao đẳng nên lượng công nhân (CN) và sinh viên (SV) ngoại tỉnh đổ về rất đông. Nhu cầu nhà thuê tăng đột biến những năm gần đây khiến việc xây nhà trọ cho thuê trở thành một hướng kinh doanh rất “hot”.

Hòa Khánh Bắc là phường thuộc quận Liên Chiểu có diện tích rộng và dân số đông. Tính đến đầu năm 2019, trên địa bàn phường có 204 cơ quan doanh nghiệp, công ty TNHH, đơn vị, trường học với 24.390 học sinh - SV, CN tạm trú. Con số này ngang ngửa với dân số thường trú cả phường. Điều đó có nghĩa 9.000 phòng trọ trên địa bàn phường hiện chưa phải là con số cuối cùng.

Đã hơn 4 giờ chiều, trời vẫn nắng chang chang. Quốc lộ 1A chạy ngang địa phận phường Hòa Khánh Bắc hầm hập như lên cơn sốt. CN chưa tan tầm và các trường học vẫn đang lên lớp nên khu nhà nhà trọ của bà Vũ Thị Nhu, tổ 37 còn đóng cửa im ỉm. Lác đác vài cư dân xóm trọ đón con đi nhà trẻ về. Họ dựng xe trước phòng, mở cửa và bắt đầu nổi lửa nấu cơm. Những đứa bé loanh quanh chơi đùa trước sân cũng đồng thời là lối đi chung của cả xóm.

Bà Phạm Thị Ngọc Diễm soạn hẳn nội quy để “văn minh hóa” đời sống sinh viên ở trọ tại nhà mình.
Bà Phạm Thị Ngọc Diễm soạn hẳn nội quy để “văn minh hóa” đời sống sinh viên ở trọ tại nhà mình.

Có thể nói, đây là xóm trọ “nổi tiếng” nhất nhì ở quận Liên Chiểu khi có đến 52 phòng trọ có giá thuê từ 700.000 đồng đến 1,8 triệu đồng/căn mỗi tháng. Dân ở trọ trên địa bàn xem là đây xóm trọ văn minh nhất, tình cảm nhất.

Nhiều người sống ở khu trọ này trên dưới 10 năm trời, từ lúc còn trai trẻ khăn gói rời quê nhà vào Đà Nẵng kiếm sống, rồi nên vợ nên chồng, sinh con đẻ cái… cho đến hôm nay vẫn… ở trọ! Như chị Phan Mỹ Nhân, tên thường gọi là Nhi, một cách nói lái tên của chị thành Mẫn Nhi, từ Bà Rịa – Vũng Tàu theo chồng ra Đà Nẵng làm công nhân và ở trọ gần 10 năm, gắn bó với “cô Nhu” như người thân.

Câu chuyện đang lúc rôm rả thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi có khách hỏi thuê phòng. Sau khi từ chối hai thanh niên vừa quay đi, bà Nhu nói như phân bua: “Hãy còn phòng đấy nhưng mà cũng tùy người mà cho thuê. Chứ không phải cũng bạ ai cũng nhận thì chết. Đề phòng các thành phần bất hảo làm mất an ninh xóm trọ…”.

Thong thả nhấp ngụm trà, ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Khánh Bắc tiếp lời, trước đây, CN, SV tạm trú không ai quản lý nên xảy ra trộm cắp, cờ bạc, thậm chí ma túy, mại dâm trà trộn gây mất an ninh khu vực. Từ hồi Mặt trận phường xây dựng mô hình “CN – SV tạm trú như một công dân ở khu dân cư” vào năm  2011 đến nay đã hạn chế rất nhiều tình trạng này.

Nỗi niềm ở trọ

Đằng sau vẻ bình yên của những căn phòng trọ chật hẹp ấy cũng lắm nỗi niềm. Ngày trước, việc thuê nhà trọ không đắt đỏ như bây giờ. Giá cả leo thang ở tất cả các mặt hàng khiến giá thuê nhà, tiền điện, tiền nước, tiền sinh hoạt đều tăng vùn vụt... Và mọi chi tiêu đè nặng lên vai người thuê nhà trong khi đồng lương CN hoặc tiền gửi từ gia đình lên cho SV rất hữu hạn. Lo ăn, ở còn chưa đủ, nói chi đến sự giải trí vui chơi ở những xóm trọ.

Quan sát từ xóm trọ CN của bà Nhu đến khu nhà trọ cho SV ở trên cùng địa bàn như: Quang Thành 3A1, Quang Thành 2, Bách Khoa… hầu như không có nhà nào có ti-vi. Hầu hết CN thuê trọ đều thú nhận rằng: “Phòng chật chội, chỗ mô để ti-vi. Vả lại, nếu tiết kiệm được mấy đồng thì cũng cất phòng thân chớ mô dám sắm sửa”.

Dân ở trọ vẫn thường nói đùa với nhau: Ngày xưa làm thân con gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu. Còn ngày nay làm thân ở trọ may nhờ rủi chịu… May gặp chủ nhà tốt bụng, cuối tháng chưa gửi tiền còn thông cảm, nếu không thì phải xách va-li ra đi ngay và luôn. Nhiều chủ trọ quy định đến thuê nhà phải cược tiền trước 3 tháng. Mà có phải ai cũng sẵn vài ba triệu đồng để cược đâu. Vì vậy, để tìm một phòng trọ “định cư” lâu dài nào đâu phải chuyện dễ!

Mướn được phòng rồi lại lo ngay ngáy… hàng xóm. Phòng nhỏ xíu, thấp lè tè lại liền vách. Mọi sinh hoạt bên này, bên kia rõ mồn một. Ấy vậy mà quanh năm hết sinh nhật đến gặp mặt đồng hương, rồi mừng “thoát ế”…, tất tật đều có lý do để cụng ly, hát hò. Đó là chưa kể đến việc yêu nhau, giận hờn, cãi vã, ghen tuông xảy ra như cơm bữa khiến bạn cùng xóm trọ trở thành những người chứng kiến bất đắt dĩ.

Là SV ngoại ngữ mới ra trường, Phan Lê Nhi thấm thía cuộc sống ở trọ khi nơi được nhà chủ thì “vấp” hàng xóm không biết điều. Có nơi gần trường học thì giá cả đắt đỏ.

Lần này, Nhi đang thuê trọ tại đường Đống Đa, giá 1,5 triệu/đồng/tháng. Chỗ ở ngay trung tâm thành phố, giá vừa túi tiền, mỗi tội bà chủ ngày nào cũng nấu rượu đến khuya khiến cả khu nhà trọ nồng nặc mùi men. Mọi người nói đùa với nhau rằng, ở trọ được khuyến mãi “RugoViNa” (Rượu gạo Việt Nam). Chẳng mấy chốc, cư dân xóm trọ không uống rượu mà lên “đô”. 

Chuyện chưa có hồi kết

Bà Nhu kể nhiều chuyện khá ly kỳ. Có thâm niên gần 20 năm kinh doanh nhà trọ nên người phụ nữ này kinh nghiệm đầy mình trong việc… chọn mặt gửi nhà. Bà thường bắt chước ông bà xưa “trông mặt mà bắt hình dong”, rồi dò hỏi nhân thân, nghề nghiệp thật kỹ mới cho thuê. Bà ưu tiên đối tượng CN vì thu nhập ổn định, nơi làm việc là khu công nghiệp trên địa bàn Hòa Khánh để dễ quản hơn.

Nói vậy chứ nào đâu dễ quản một xóm trọ 52 phòng và cư dân lên đến cả trăm người, nhất là thanh niên đang tuổi yêu đương và nhiều mối quan hệ phức tạp.

Cùng kinh doanh nghề cho thuê trọ, bà Phạm Thị Ngọc Diễm, tổ 6 Quang Thành 2 có 20 phòng lại chọn đối tượng là SV, mà phải là SV nam năm nhất hoặc năm hai. Bà Diễn cho rằng, SV nữ hay có bạn trai đến tán tỉnh, yêu đương và hệ lụy thường là ghen tuông, cãi vã thậm chí đánh nhau gây thương tích.

Mấy năm vừa rồi, Đà Nẵng từng xảy ra vụ SV cuồng ghen giết người tình ở nhà trọ chấn động dư luận khiến bà e ngại. Mặt khác, SV năm nhất, năm hai mới rời vòng tay cha mẹ hãy còn ngoan chưa “nhuốm bụi đời” nên nền nếp và dễ bảo hơn.

Để góp phần thắt chặt an ninh khu trọ, bà Diễm cho lắp đặt 8 camera theo dõi toàn bộ các hành lang, hiên nhà, nơi để xe, thậm chí cả nơi phơi đồ ở tầng trên cùng để tránh tình trạng rút “nhầm” quần áo.

Giới SV các trường đại học, cao đẳng quanh đó đều truyền miệng nhau rằng, muốn thuê phòng trọ, bà Diễm phải nằm lòng bảng nội quy có “1-0-2” do bà tự soạn, như: SV nào có các hành vi rút nhầm đồ, để xe dưới hiên nhà không khóa, về khuya quá giờ quy định, gây tiếng ồn, mất vệ sinh… đều bị phạt 20.000 - 50.000 đồng/lần. Từ 22 giờ 30 đóng cổng nhà trọ, SV lỡ dại leo tường sẽ bị phạt “mút khung” đến 200.000 đồng.

Người mẹ vừa sinh đôi đến thuê trọ, được chủ nhà trọ bớt tiền phòng, giúp gạo cơm và vận động mọi người trong xóm trọ giúp đỡ thêm.
Người mẹ vừa sinh đôi đến thuê trọ, được chủ nhà trọ bớt tiền phòng, giúp gạo cơm và vận động mọi người trong xóm trọ giúp đỡ thêm.

Có bữa, một SV về quê quên khóa vòi làm nước chảy tràn lan từ tầng 3 xuống ngập cả mớ dây điện, may chưa gây sự cố giật điện. Từ đó, bà bổ sung thêm: Quên khóa nước thì bị phạt 200.000 đồng. Tất cả số tiền phạt đều nộp cho một SV làm thủ quỹ, dùng để thăm viếng các trường hợp ốm đau, tai nạn, hoặc tổ chức liên hoan cuối năm và chia tay ra trường.

Nói là vậy, nhưng bao giờ lạt mềm vẫn buộc chặt hơn. Các chủ nhà trọ, ngoài việc sử dụng nội quy như một “bùa chú” để ràng buộc trách nhiệm với người thuê trọ thì họ luôn lấy tấm lòng cùng chia sẻ, giải quyết những khó khăn của cư dân xóm trọ đang gặp phải.

Ví như ở xóm trọ bà Nhu hôm ấy, trong căn phòng nhỏ, bên chiếc quạt đứng chạy xè xè cố xua tan cái nắng quái chiều hôm, một người mẹ trẻ (giấu tên), một nách 3 con nhỏ vừa chăm con vừa nấu ăn chia sẻ, chị đến từ Thừa Lưu, Thừa Thiên Huế, vừa sinh con 4 tháng mà lại sinh đôi nên chưa đi làm được. Thấy hoàn cảnh của chị, bà Nhu thương tình không chỉ bớt tiền phòng, giúp gạo cơm mà còn vận động mọi người trong xóm trọ giúp đỡ thêm. 

Không chỉ vậy, hằng năm, vào dịp Tết, các chủ xóm trọ như bà Diễm, bà Nhu còn tổ chức liên hoan, nấu bánh chưng làm quà cho cư dân thuê trọ khiến “khách trọ” cảm nhận mình như một công dân của địa phương…

Nếu ước mơ về một ngôi nhà riêng cho người thu nhập thấp - nhất là công nhân, sinh viên ngoại tỉnh - đang còn ở phía trước thì ở trọ vẫn là chuyện nhiều tập với biết bao long đong nhưng cũng ấm áp tình người.

Bài và ảnh: Như Hạnh

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.