Huyền tích bên dòng Vu Gia

.

Cuộc đời đầy huyền tích của Bà được chiếc loa phóng thanh trên cộ thong thả kể dọc theo các ngả đường làng, rồi loang loáng trên mặt sông bắt đầu tím sẫm màu hoàng hôn, làm nên một không gian chênh chao giữa thực và hư.

Câu hát bài Chòi đậm đặc chất Quảng phảng phất chút tình quê hương ruột rà.
Câu hát bài Chòi đậm đặc chất Quảng phảng phất chút tình quê hương ruột rà.

1. Đã xế chiều nhưng con đường nhựa từ ngã ba thị trấn Ái Nghĩa chạy về ngả cầu Giao Thủy như muốn tan chảy dưới ánh nắng mặt trời. Ông bạn làm bên ngành văn hóa huyện Đại Lộc gọi điện nhắc hối hả: “Tới mô rồi? Ừ, phải rồi, quẹo phải, chạy về phía cầu Quảng Huế rồi thẳng tới gần chợ Đại Cường. Tới đó sẽ gặp cổng làng Ô Gia. Rồi cứ theo cờ xí mà đi sẽ tới làng Mỹ Phiếm, nơi tổ chức lễ hội...”.

Làm theo lời chỉ dẫn từ xa, xe chỉ vừa mới quẹo lên cầu Quảng Huế thôi mà đã nghe lòng mát rượi. Cơn gió đồng lồng lộng mang theo mùi thơm ngọt ngào của lúa đang uốn cần ngậm sữa, mùi hăng nồng của cây đậu phộng vừa nhổ xong nằm phơi trên đất ướt... Cái mùi quê kiểng ấy thổi bay những mệt nhọc đường xa khiến lòng lâng lâng cảm xúc.

Con đường về làng như chiếc khăn lụa mềm vắt ngang cánh đồng lúa đang thì con gái đưa khách về Mỹ Phiếm dự lễ hội Bà Phường Chào. Đây là lần thứ hai lễ hội được tổ chức vượt ra khuôn khổ một cụm dân cư và được đón nhận như một cách tìm về cội nguồn của cả một cộng đồng lớn sau nhiều năm tháng thương hải tang điền.

Cả làng Mỹ Phiếm, không, phải nói là cả xã Đại Cường mới đúng, đã rạo rực chuẩn bị cả tháng trời cho lễ hội. Từ bến sông lãng đãng khói sương đến sân vận động trẻ trai huyên náo, từ Lăng Bà tôn nghiêm đến con đường quê óng ả bóng tre xanh, đâu đâu cũng nghe người ta bàn chuyện về lễ hội. Trai gái đêm ngày tập hát múa, phụ nữ lo chuyện chuẩn bị mâm quả, lễ vật cúng.

Cánh đàn ông lo chuyện làm cộ rước, bàn soạn việc tế lễ. Mùa lễ hội năm ngoái còn nhờ “thầy” dưới chợ Được (Thăng Bình) về làm cộ. Năm nay, với sự chỉ đạo của ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Cường, Phó ban Tổ chức lễ hội, 4 anh em người ở làng xắn tay áo làm tất bật mấy ngày liền để kịp hoàn thành 3 chiếc cộ không thua kém gì so với cộ chợ Được.

Mỗi người một phần việc, cứ như thế tình làng nghĩa xóm quyện chặt lấy nhau trên lớp trầm tích văn hóa đượm nghĩa đượm tình.

Chưa đến chính lễ 25-2 âm lịch, nhưng đường về làng Mỹ Phiếm xe cộ ngược xuôi tấp nập. Bến sông quê, nơi diễn ra hội đua ghe người xem kín cả bờ sông. Nghe âm vang trên mặt sông mái chèo khua trắng nước, nhịp dô ta dồn dập như khúc tráng ca của thuở mang gươm đi mở nước vọng về.

Và khi màn đêm vừa buông tấm màn nhung đen huyền ảo trên sóng nước thì con sông Vu Gia mộc mạc bỗng hóa thành dòng hoa đăng huyền diễm lấp lánh chảy về xuôi mang theo bao điều nguyện ước thiêng liêng...

Con đường làng dường như trở nên quá chật chội khi đoàn rước cộ đi thật chậm từ Lăng Bà thôn Mỹ Phiếm qua các thôn Phúc Khương, Phúc Mỹ, sau đó ghé qua trụ sở UBND xã, Đài Tưởng niệm rồi trở về nơi xuất phát. Trận mưa giông ban chiều đã tưới ướt con đường quê uốn lượn theo dòng sông khiến mùi cây cỏ càng trở nên sực nức.

Hai bên vệ đường nơi Cộ Bà đi qua, dân làng bày hương án cung nghinh, cứ ngỡ như cảnh đón vua ngự giá thuở trước. Khói hương lan tỏa nhè nhẹ trong không gian tạo thành một lớp tâm tưởng huyễn hoặc về một tích lạ bên dòng Vu Gia xứ Quảng...

2. Chiều hôm trước lễ chính, trời đổ cơn giông gió. Lá tre xao xác quay tròn như chiếc phễu lăn trên đường làng. Nước mưa chảy từng dòng băng qua nền đất của dưới mái rạp dựng trước lăng Bà. Các cụ cao niên vẫn bình tâm khề khà chén trà bàn chuyện tế lễ ngày mai. Năm nào cũng vậy, trước lễ tế Bà vài hôm, đang nắng nóng khô cong cả đất bãi thì trời lại đổ mưa giông. Các cụ bảo, Bà cho nước để tưới bắp, đậu, dưa cà.

Ông Lê Đức Mãn, người từng đảm chức phó thôn Mỹ Phiếm nhiều năm trước đã khoe một cách đầy ngưỡng vọng: “Năm mô Bà cũng cho lộc vào dịp cúng lễ. Biết rứa nên tui đã tranh thủ tỉa xong 5 sào đậu xanh rồi. Đậu vừa “lú chông” mà gặp mưa giông chỉ có phất cờ mà lên...”.

Trong lúc các trai tráng đang chuẩn bị cộ để rước Bà đi thăm làng thăm xã thì 24 thanh nữ xúng xính áo dài khăn đóng đỏ, kiêu sa dáng hoa cầm các loại nghi trượng trong bộ Lỗ được trần thiết ở các đền miếu, đình chùa, chờ lên xe hộ vệ Bà.

Cuộc đời đầy huyền tích của Bà được chiếc loa phóng thanh trên cộ thong thả kể dọc theo các ngả đường làng, rồi loang loáng trên mặt sông bắt đầu tím sẫm màu hoàng hôn, làm nên một không gian chênh chao giữa thực và hư.

Cơn mưa chiều tan đi thật nhanh nhưng câu chuyện kể về Bà cứ dài theo đêm như không muốn dứt. Từ chuyện Phường Chào là cách đọc trại của địa danh Phường Trầu (xứ nhiều trầu), nay là làng Mỹ Phiếm, đến truyền thuyết về người con gái Nguyễn Thị Của khi sinh ra da trắng như tuyết, tỏa hương thơm như hoa, thân hình mảnh mai dịu dàng ẻo lả như không có xương, đi lại thì bằng hai ngón chân cái, thích múa hát và chỉ ăn cây trái. Khi chết trẻ, cô gái hiển linh thường cứu giúp dân làng nên được người dân lập miếu thờ và gọi là Dinh Bà Phường Chào với niềm kính ngưỡng về Mẹ xứ sở.

Nói về Dinh Bà, cụ Lê Văn Huy năm nay 89 tuổi, người đã đi qua hai cuộc chiến, đã từng chứng kiến bao cuộc sinh ly tử biệt của làng… vẫn còn nhớ như in cái ngày ông còn tuổi đôi mươi, đi vớt củi lụt nơi mé sông cạnh Dinh Bà.

Trời mưa to lắm, nước sông cuồn cuộn chảy. Bỗng nghe ầm một tiếng, cây đa cạnh Dinh Bà trốc gốc ngã nhào xuống sông kéo theo đất lở ào ào. Chỉ trong chốc lát, cả dinh cũng chìm nghỉm giữa dòng nước lũ. Sau trận lụt ấy, cả làng chung nhau xây lại dinh mới cho Bà ở phần đất hiện nay.

Cuộc đời của Bà cũng lắm ly kỳ, các cụ cao niên kể. Quê cha đất tổ ở làng Mỹ Phiếm, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, nhưng lại hiển linh ở chợ Được, huyện Thăng Bình. Trong khi đó, mộ phần sau khi di dời nhiều lần cuối cùng được chôn cất tại gò Muồng nay thuộc thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc.

Về cái sự vân du linh hiển của Bà sau khi mất cũng là câu chuyện kể hoài không hết. Khi thì Bà hóa thành cô gái bán trầu, đổi nước để thu hút người mua kẻ bán ở vùng Phước Ấm, Thăng Bình, để sau này hình thành ngôi chợ Được nổi tiếng sầm uất một thời. Khi thì giả dạng các mệnh phụ phu nhân ra vào Đại nội Huế đánh bài tứ sắc với các bà chúa, phi tần của vua. Cũng có lúc cao hứng đốt chợ Nam Ô ở Hòa Vang (nay là quận Liên Chiểu) để chứng tỏ sự oai linh của mình…

Hiện nay, ở phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) có miếu thờ Bà Phường Chào. Theo các cụ cao niên ở đây, miếu được xây dựng từ thời Tự Đức. Cho tới ngày nay, dân làng vẫn còn lưu truyền câu chuyện Bà Phường Chào “đốt chợ” như một minh chứng cho sự oai linh của người Mẹ xứ sở...

3. Tương truyền ngày 25 tháng 2 âm lịch là sinh thần của Bà Phường Chào nên lễ chính bao giờ cũng diễn ra từ sáng sớm. Tiếng trống thùng thình dội vào không gian những nhịp chắc khỏe dồn dập bốn phương tám hướng. Trong khi các học trò dâng lễ, tiếng chủ tế đọc văn khấn trầm bổng rền vang trong khói trầm nghi ngút khiến ai ai cũng cảm nhận hào khí đang căng tràn trong da thịt. Câu hát bài Chòi đậm đặc chất Quảng phảng phất chút tình quê hương ruột rà.

Bà con làng Mỹ Phiếm hôm đó nghỉ làm đồng, áo quần tề chỉnh đến Lăng Bà hành lễ. Một nải chuối, một buồng cau vừa được hái từ vườn nhà. Những bông hoa tươi còn đọng sương trên lá được dân làng phụng kính dâng lên Bà để bày tỏ lòng biết ơn và ngưỡng vọng.

Khác với lễ tế Bà Thu Bồn, lễ cúng Bà Phường Chào chỉ là mâm cơm chay và hoa quả tươi như sở thích lúc sinh thời của Bà. Điều đặc biệt ở lễ tế Bà là học trò dâng lễ đều là những thanh nữ đức hạnh trong làng. Nếu là học sinh ở các trường thì làng sẽ gửi giấy xin cho các em nghỉ học để dự lễ tế Bà trong hai ngày diễn ra lễ hội.

Học trò dâng lễ đều là những thanh nữ đức hạnh trong làng.
Học trò dâng lễ đều là những thanh nữ đức hạnh trong làng.

Có một sự thật là con gái quê Bà Phường Chào xưa nay nổi tiếng xinh đẹp, khéo tay hay làm nên đội thanh nữ được chọn làm học trò lễ hôm ấy như một nét cọ tươi tắn vẽ lên bức tranh dân gian thấm đẫm văn hóa tâm linh về Mẫu của người Việt trên đất Chăm-pa xưa cũ...

Cô học trò Huỳnh Thị Kiều, lớp 12E Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển, Đại Lộc, là con dân của làng Mỹ Phiếm có khuôn mặt khá xinh xắn đã trả lời một cách mộc mạc rằng: “Sinh thời Bà là cô gái đẹp, thích múa hát, lại hay chữa bệnh cứu người. Nên đội dâng lễ cho Bà đều được làng chọn kỹ lắm. Ước chi năm nào làng cũng tổ chức Lễ hội Bà thật lớn để cả tỉnh, cả nước biết đến làng em”.

Trước đó, được anh Phan Vân Trình, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đại Lộc rủ rê qua điện thoại: Cái hay của lễ hội Bà Phường Chào là chưa mang nỗi niềm riêng tây với du lịch nên không xô bồ, mà chỉ là một lễ hội thuần túy tâm linh, có sự tiếp biến giữa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt và Chăm-pa. Quả thực đó là một di sản văn hóa tinh thần cần được tôn vinh và gìn giữ.

Bà Chợ Được là một “phân thân” của Bà Phường Chào. Anh Trình nói vui rằng, Bà Chợ Được đi sau về trước, di tích lịch sử lăng Bà Chợ Được đã được xếp hạng di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh từ năm 2009. Lễ hội Rước Cộ Bà Chợ Được đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể quốc gia 5 năm sau đó, tháng 12 năm 2014.

Cụ Lê Văn Huy lọ dọ lên thắp nén hương viếng Bà trên dinh, giọng đầy thành kính: “Bà linh thiêng xin cho lễ hội Bà Phường Chào cũng sớm được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia cho thỏa lòng mong ước của bà con”.

Lễ hội đã tan. Người dân Mỹ Phiếm lại trở về trồng dưa tỉa bắp dọc bãi ven sông. Những thanh nữ xinh tươi trong đội học trò lễ trở lại lớp học với kỳ thi cuối cấp, nhưng chắc chắn một điều rằng, những tích lạ bên dòng sông Vu Gia rồi đây sẽ hóa thân thành những giấc mơ đẹp chảy mãi trong lòng người...

Bài và ảnh: Như Hạnh
 

;
;
.
.
.
.
.