Thương thương ốc gạo

.

Ra Tết, cũng là lúc người dân nghèo ven biển miền Trung bắt đầu đi cào ốc gạo. Ốc gạo còn có nơi gọi là ốc ruốc, ốc lể, một loại ốc chỉ nhỏ bằng hạt nút áo được thiên nhiên vẽ lên chiếc vỏ bé xíu những đường vân mềm mại lóng lánh sắc màu.

Giữa tiết trời 20oC, ông Ba Thái cắm cúi cào ốc ở biển Thọ Quang, quận Sơn Trà. Ảnh: NHƯ HẠNH
Giữa tiết trời 20oC, ông Ba Thái cắm cúi cào ốc ở biển Thọ Quang, quận Sơn Trà. Ảnh: NHƯ HẠNH

Dường như ốc gạo là món quà của biển riêng tặng cho người dân ven biển miền Trung (những vùng biển khác không hề có) để bù lại những quạu quọ của thời tiết quanh năm mà họ phải gánh chịu. Mà không phải mùa nào cũng có ốc gạo. Mùa ốc thật sự bắt đầu vào tháng Giêng và kết thúc vào tháng 4 âm lịch hằng năm.

Nghề của người nghèo

Mấy mươi năm trước, dân làng chài ven biển từ Nam Ô, Liên Chiểu đến Mỹ Khê, Sơn Trà đều dùng chiếc cào lưới để cào ốc gạo. Mấy mươi năm sau cũng vậy chẳng có gì thay đổi, đến mùa ốc, họ lại vác cái cào lưới ra biển từ 2 giờ sáng, cặm cụi giữa sóng nước kiếm tìm món quà của biển khơi giấu trong lòng cát. Nếu có khác chăng là một số hộ có vốn sắm thêm chiếc ghe máy, chiếc cào lưới buộc vào đuôi ghe mà chạy… để đỡ phải dầm người trong nước lạnh hằng đêm.

Hơn 6 giờ sáng, con đường từ cầu Thuận Phước chạy về bãi biển Thọ Quang còn mờ hơi sương. Từ chỗ bãi đậu xe buýt Quảng An nhìn xuống biển, những bóng người nhấp nhô trong tư thế vừa ngồi vừa quỳ, hai tay nắm chặt cán cào giật lùi về sau như kiểu một con tôm đang bơi. Trong làn sương mờ trăng trắng ấy, một vài người rời mặt biển tiến thẳng lên bãi cát, sau lưng cái cào lưới nặng trĩu mớ ốc ướt rượt.

Câu chuyện của anh Ba Thái cũng sũng nước như bộ đồ lao động ướt nhẹp bám vào cơ thể đang tím tái vì lạnh của anh trong một buổi sáng ở bãi biển Thọ Quang. “Biển Thanh Khê bữa ni gần như hết ốc rồi. Ghe máy cào sạch sành sanh. Dân cào bộ (cào bằng tay) như tụi tui phải qua Thọ Quang cào mới có ốc. Nhờ biển thương nên bữa trúng cũng được gần tạ ốc. Đụng bữa trở gió, trở trời ươn ươn cũng được gần năm mươi ký…”, anh Ba Thái chia sẻ.

Mới nhìn, chỉ thấy nghề cào ốc dễ chừng quá đơn giản nhưng có ở trong nghề mới hiểu được rằng, nào phải dễ chịu gì khi phải ngâm mình hàng mấy tiếng đồng hồ trong nước biển lạnh, nhất là trong đêm tối. Đó là chưa kể lúc triều cường, nước biển mặn chát cứ chực tràn vào miệng vào mũi. Chỉ có dân biển quen với sóng gió mới chịu được. Vậy mà họ chẳng mang một dụng cụ bảo hộ nào ngoài chén nước mắm cốt, loại mắm đặc biệt do nhà tự làm để chống lại cái lạnh tái tê.

Cào ốc gạo không chỉ là một nghề mưu sinh của người lớn mà còn là niềm vui của trẻ con vùng biển. Dường như không có một đứa trẻ nào ở vùng ven biển Quảng Nam-Đà Nẵng mà chưa một lần hóng hớt đi cào ốc gạo. Sau giờ tan học, bọn trẻ rủ nhau ra biển vừa tắm vừa tranh thủ cào ốc. Chúng chạy đuổi nhau trên những triền cát vàng óng ánh trải dài bên những con sóng bạc đầu, thả lại sau lưng tiếng cười giòn tan. Tối đến, ăn cơm xong lại túm tụm tại nhà một đứa trong xóm luộc ốc. Đứa hái sả, đứa bẻ gai chanh, đứa nhen lửa bắc nồi. Cứ chí cha chí chách như bầy sẻ đi nhặt lúa ở cánh đồng trong mùa gặt. Niềm vui trong trẻo ấy, là của riêng của những đứa trẻ làng chài.

Món ngon nhớ lâu

Khác với họ hàng nhà ốc như ốc hương, ốc giác, ốc vòi voi…, ốc gạo nhỏ nên thịt ốc cũng có chút xíu, cỡ bằng đầu que tăm, “nhét không đủ dính kẽ răng”. Nhưng bù lại, ốc gạo lại mang một mỹ vị riêng không phải loại ốc nào cũng có được. Theo lời những tín đồ trung thành của món ốc gạo thì loại ốc này tuy bé nhưng lại mang đầy hương vị của biển cả. Một khi đã ăn thì chỉ biết “ngậm mà nghe… và ghiền lúc nào không biết”.

Theo kinh nghiệm của bà Bốn Nghĩa ở gần chợ Hải sản bên cầu Phú Lộc, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, người vừa đi cào ốc, vừa luộc ốc bán trước nhà, khoảng tháng 3 âm lịch là thời điểm ốc ngon nhất. Lúc đó ốc vừa đủ độ lớn, thịt béo và thơm. Ốc gạo sau khi vớt về sẽ ngâm nước biển hoặc nước muối một đêm, hay chí ít cũng khoảng 9 tiếng đồng hồ cho “nhả” cát. Xong bắc nồi nước lên, chờ cho nước thật sôi mới đổ ốc vào rồi dùng đũa bếp (đũa cả) quấy đều. Nhớ phải quấy thật đều tay cho đến khi mặt nước nổi tăm đều thì vớt ra để ráo. Cuối cùng là cho gia vị gồm muối, sả, lá chanh,  mì chính, ớt bột... Và ngay lập tức, món ốc luộc đủ mùi vị cay, mặn, béo được rưới thêm chút nước mắm gừng cho thỏa khẩu vị khách sành ăn.

Nếu chán ăn ốc luộc, người ta đem ốc ra xào. Đơn giản là luộc ốc chín, bắc chảo dầu phụng lên đun sôi rồi cho ốc vào đảo đều. Ốc sẽ thiếu vị thơm ngon, nồng nàn nếu không nêm một tí ớt và gừng giã nhuyễn. Trong sự sáng tạo của người dân biển miền Trung, ốc gạo còn có thể nấu cháo. Món cháo ốc gạo nên thưởng thức lúc còn nóng hổi, thêm một tí tiêu rừng giã nhuyễn và vài cọng rau thơm là có thể chinh phục khẩu vị của bất kỳ ai.

Nhưng dù làm món gì, cái người ta nhớ nhất về ốc gạo có lẽ là cái thú lể ốc. Lể ốc gạo đúng điệu thì phải lể bằng gai chanh, gai quýt hay gai bưởi. Không có gai có thể dùng kim băng, loại kim mà các bà, các mẹ ở nhà quê lúc trước hay dùng để gài túi áo bà ba. Tuy kim băng không thơm bằng gai cam, gai bưởi nhưng dùng để lể ốc thì chẳng kém cạnh chút nào. Gai bây giờ người ta bán từng ký, còn đắt gấp mấy lần gạo. Chị Nguyễn Thị Thọ, người có thâm niên bán ốc gạo ở chợ Miếu Bông than thở: “Gai mỗi bữa mỗi giá. Đầu mùa ốc mà giá gai đã 90.000 đồng một ký. Có bữa không có mà mua. Bán ốc lể mà không có gai thì giống như hái dâu không giỏ, đi gặt không liềm…”.

Bà Bốn Nghĩa, một trong những người bán ốc gạo lâu năm ở gần chợ Hải sản, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê.
Bà Bốn Nghĩa, một trong những người bán ốc gạo lâu năm ở gần chợ Hải sản, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê.

Đối với người miền Trung từ Huế trở vào, ốc gạo là món ăn “quốc dân”. Đến mùa ốc, người ta bán từ đầu đường đến cuối chợ. Đi đâu cũng gặp ốc lể. Từ trẻ con cho đến người già đều mê ốc gạo như điếu đổ. Mà có cái hay là trong khi ốc hút, ốc bươu hay các món ốc biển khác thì được bán ở hàng quán, thậm chí là cả nhà hàng ba, bốn sao. Chỉ riêng món ốc gạo thì bán ở vỉa hè và chợ. Người ta bán bằng lon, mỗi lon từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng. Cứ thế mà đong.

Chính là món ăn “quốc dân” nên lể ốc dường như trở thành một nét sinh hoạt quen thuộc của người miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Hễ rảnh ra là mua vài lon ốc về rủ bạn bè, con cháu ngồi lể. Mà lể ốc gạo lại có hẳn một phong thái rất riêng. Ốc mua ở chợ về đổ ra rổ, bày ra giường hoặc bày dưới nền nhà rồi ngồi xếp bằng hoặc bệt ra vừa lể ốc vừa tám chuyện trên trời dưới đất thì mới thật là đạt đến cái thú. 

Không chỉ các bà mới có đặc quyền lể ốc, nhiều năm về trước, đàn ông xứ biển Nam Ô, Xuân Hà đã ăn ốc gạo hết sức cầu kỳ. Ốc gạo khêu lấy ruột đặt lên lá dâu (tằm) non rửa sạch và bánh tráng mỏng. Sau đó cuộn tất cả thành những cuốn nhỏ xếp ra đĩa. Lúc ăn chấm với nước mắm gừng. Vậy là có một bữa lai rai cùng bạn bè, chiến hữu. Các làng chài Đà Nẵng hầu hết giờ đã thành phố xá, vị thế cách ăn ốc gạo độc đáo này cũng không mấy ai còn nhớ nữa.

Người sành ăn ốc thường cho rằng ốc ngon nhất là ốc biển Cửa Đại, Hội An. Người ta dựa vào màu sắc mà phân biệt. Ốc Huế, Lăng Cô, Nam Ô có màu đỏ, ốc Tam Kỳ, Quảng Ngãi màu trắng, ốc Cửa Đại màu xám. Vì vậy, người bán ốc vẫn khó đánh tráo được khách sành ăn.

Những năm gần đây, ốc gạo đã theo chân người Quảng ra ngoại tỉnh, ra Bắc vào Nam. Để rồi, mỗi khi gió Giêng Hai thổi dìu dịu, người con đất Quảng lại có dịp ngồi bên rổ ốc gạo, vừa lể vừa tám chuyện ở quê như một cách để vơi nỗi nhớ quê nhà... 

NHƯ HẠNH
 

;
;
.
.
.
.
.