Giấc mơ 'Hắc Mỹ Nhân'

.

Về Trường Định vào mùa này, đi đâu cũng thấy dưa hấu. Đường ra bãi dưa quanh co thêu đầy nắng vàng trong vắt. Đang là mùa thu hoạch dưa hấu Hắc Mỹ Nhân nên người trồng dưa giờ này đang ở hết ngoài đồng. Nhà cửa trong làng vắng hoe. Chỉ có lơ thơ một vài tiếng gà gáy bay lên đậu trên ngọn tre uốn cong, mềm như một nét vẽ…  

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Nguyễn Phú Ban (trái) trao chứng chỉ sản xuất lúa, dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP cho đại diện 100 hộ dân thôn Trường Định, xã Hòa Liên.  Ảnh: Đài Truyền thanh và Truyền hình Hòa Vang
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Nguyễn Phú Ban (trái) trao chứng chỉ sản xuất lúa, dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP cho đại diện 100 hộ dân thôn Trường Định, xã Hòa Liên. Ảnh: Đài Truyền thanh và Truyền hình Hòa Vang

Thôn Trường Định, xã Hòa Liên, lâu nay trồng lúa, trồng khoai đều nhờ vào nước hai con suối Khe Trên (Dinh Bà), Khe Dưới (Trà Ngâm) và mưa trời nên xã chủ trương vận động người dân chuyển sang trồng dưa hấu Hắc Mỹ Nhân và các loại cây rau màu khác.

Bước đầu cũng lắm gian truân. Bởi đó là chuyện thay đổi một tập quán canh tác cũ gắn chặt hàng trăm năm của nông dân một vùng đất. Nhất là đối với Trường Định, một thôn nghèo lâu nay bị cô lập bởi không cầu, không điện, không nước và thông tin...

 Đổi đời từ... dưa hấu

Cán bộ xã, cán bộ thôn đi “mòn đàng chết cỏ” tới tận nhà nhỏ to vận động chuyển lúa sang dưa hàng tháng trời, dân mới thông. Sau hơn một năm triển khai thí điểm ở một vài hộ dân có tinh thần cầu tiến, đến năm 2014, chương trình xây dựng Nông thôn mới đã chi 150 triệu đồng đưa điện ra đồng nên có nước tưới thường xuyên, Tổ hợp tác Trồng dưa hấu phủ bạt thôn Trường Định ra đời với diện tích 4,9 ha mang theo giấc mơ thoát nghèo của nhiều hộ gia đình. 

Ruộng dưa của anh Nguyễn Đức Quảng rộng gần một mẫu, nằm gần mạch nước tự nhiên chảy từ Khe Trên nên vấn đề nước tưới không mấy căng thẳng. Chỉ cần sắm hai cái máy bơm công suất lớn là ổn. Cả ngày lẫn đêm hai vợ chồng anh bám ruộng dưa, canh không để cho thiếu nước. “Thường thì 4 ngày bơm một lần. Dưa đủ nước, lớn nhanh như thổi, mơn mởn nằm thấp thoáng trong đám lá như bầy heo con. Nhìn sướng lắm!”, anh Quảng hồn hậu khoe.

Ông Trần Hùng (ảnh) cho biết, dưa hấu Hắc Mỹ Nhân cho lợi nhuận gấp đôi so với lúa.  Ảnh: N.H
Ông Trần Hùng (ảnh) cho biết, dưa hấu Hắc Mỹ Nhân cho lợi nhuận gấp đôi so với lúa. Ảnh: N.H

Đang vụ thu hoạch nên anh Quảng cùng với gia đình dường như ăn, ngủ ngoài ruộng dưa. Căn chòi nhỏ xíu vừa là nơi ngủ, nghỉ vừa và nơi mua bán dưa. Dưa hấu vừa thu hoạch xong đổ ngồn ngộn thành đống trước chòi tươi ngon, mát rượi khiến khách đường xa chừng như dịu cơn khát cháy họng vì nắng nóng. 

Vừa thoăn thoắt cân dưa cho khách, anh Quảng vừa cho biết mình theo nghiệp trồng dưa cũng hơn 5 năm rồi. Mỗi năm 2 vụ, trừ 3 tháng mưa. Cứ thế mà tuần tự như bốn mùa thay lá, thay hoa… Mỗi vụ dưa kéo dài  khoảng 55 đến 60 ngày. Từ lúc ra Tết Nguyên đán đến tháng 3 âm lịch một vụ. Tháng 4 lại tiếp tục xuống giống đến tháng 6 thu hoạch. Thời gian còn lại là nghỉ để cho đất “thở”!
 Có những chuyện đời thường mà lại như cổ tích ở Trường Định.

Trưởng thôn Võ Văn Thành, vẫn thường nói như thế khi dẫn khách đi thăm các mô hình nuôi tôm, trồng dưa hấu ở địa phương. “Hơn 20 năm trở lại đây, Trường Định có 3 dấu mốc quan trọng đã làm thay đổi căn bản vùng đất nghèo.

Đó là, năm 1999, đường điện được kéo qua thôn, kể từ đó người dân “ốc đảo” mới biết “mùi” điện thắp sáng. 10 năm sau, cầu Trường Định bắc qua sông Cu Đê đã đặt dấu chấm hết cho sự cách trở tính bằng thế kỷ giữa người dân nơi đây với các vùng lân cận.

Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2015, khi chương trình xây dựng Nông thôn mới ở Hòa Vang về đích thì Trường Định thật sự chuyển mình sang trang mới khi được chọn xây dựng “Thôn kiểu mẫu Nông thôn mới”, trong đó có câu chuyện của dưa hấu Hắc Mỹ Nhân”, Trưởng thôn Võ Văn Thành cho hay.

Và cuộc đời của người nông dân nghèo như anh Quảng cũng theo đó mà đổi thay. Trong cuộc trò chuyện tại quán nước nhỏ gần nhà trưởng thôn, chị Huỳnh Thị Thưởng, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn cho biết, gia đình anh Quảng trước đây thuộc diện hộ nghèo của thôn. Nhà có mẹ già, tật nguyền và con nhỏ. Quanh năm bám vào mấy sào lúa một vụ nên cái nghèo cứ bám theo mãi. Từ hồi chuyển sang trồng dưa tới giờ, gia đình đã đủ ăn đủ mặc. Từ năm ngoái hộ anh Quảng đã chính thức thoát nghèo.

 Các ông Lê Tấn Thanh, Trần Hùng và nhiều bà con trồng dưa khác ở Trường Định đều nói như đinh đóng cột, rằng từ khi chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng dưa hấu Hắc Mỹ Nhân, lợi nhuận tăng gấp đôi, đời sống người dân nơi này khấm khá lên hẳn so với trước rất nhiều.

Thương hiệu “dưa hấu Trường Định”

Từ khi có cây cầu, Trường Định không còn là “ốc đảo” cô quạnh bên sông bên núi. Cây cầu duyên dáng vắt ngang qua sông như một chiếc lược màu bạc cài lên mái tóc óng ả của cô thôn nữ đi dự hội làng.

Về Trường Định vào mùa này, đi đâu cũng thấy dưa hấu. Ô-tô chạy thẳng tận bờ ruộng dưa mà bốc lên thùng xe. Trong khi dưa hấu ở miền trong đổ về Đà Nẵng bán ê hề dọc các con đường lớn nhỏ thì dưa hấu Trường Định ổn định giá cả trên thương trường.

Trưởng thôn Võ Văn Thành cho biết, vụ dưa xuân hè lúc được giá lên đến 8.500 đồng/ký. Từ tháng 3 tới chừ, cấn cái con Covid-19 nên giá còn 5.500 đồng/ký. Nếu mà so với giá thị trường chung thì dưa hấu “made in Trường Định” khá được giá.

 Việc người dân Trường Định tự hào về sản phẩm dưa hấu của mình ắt phải có nguồn cơn. Từ khi chuyển đổi hình thức sản xuất dưa truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với lưu lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp và xen canh theo mùa vụ thì chất lượng sản phẩm “dưa hấu Trường Định” đạt tiêu chuẩn hàng hóa, phù hợp với xu hướng ưu tiên thực phẩm sạch của người tiêu dùng.

Mà dường như ông trời cũng hay thiệt, đất Trường Định trồng lúa năng suất rất thấp nhưng trồng dưa hấu Hắc Mỹ Nhân thì ngon ngọt vô cùng. Theo một số thương lái giàu kinh nghiệm thì dưa hấu Trường Định không chỉ đạt tiêu chuẩn thực phẩm sạch mà còn chắc thịt và mùi thơm ngọt hơn hẳn dưa cùng loại trồng ở vùng đất khác.

Anh Nguyễn Đức Quảng (phải) đã “đổi đời” nhờ trồng dưa hấu Hắc Mỹ Nhân. Ảnh: N.H
Anh Nguyễn Đức Quảng (phải) đã “đổi đời” nhờ trồng dưa hấu Hắc Mỹ Nhân. Ảnh: N.H

Câu chuyện về dưa bên ruộng dưa cứ thế mà kéo dài như không biết hồi nào dứt. Căn chòi giữ dưa của vợ chồng anh Quảng nhỏ xíu không che được bầu trời thênh thang nắng. Những đứa trẻ con trong xóm ngồi hóng chuyện trên bờ ruộng, chờ người lớn cân dưa xong sẽ được đãi ăn một bụng dưa đã đời.

Nghe nói từ diện tích ban đầu là 4,9 ha trồng dưa Hắc Mỹ Nhân, đến nay mới chỉ qua 7 năm thôi, Trường Định đã tăng diện tích đến con số 30 ha với 97 hộ dân tham gia trồng dưa. Con số đã nói lên tất cả sự phát triển của thương hiệu dưa hấu Trường Định.

Ngày 8-9-2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tổ chức trao chứng chỉ sản xuất lúa, dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP cho 100 hộ dân thôn Trường Định, xã Hòa Liên. Việc có được thương hiệu bền vững, không chỉ giúp nông sản có chỗ đứng trên thị trường, mà còn khiến họ có trách nhiệm và tận tâm hơn trong sản xuất nhằm hướng tới một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tương lai.

Trồng dưa hấu có lẽ là vất vả nhất trong nghề trồng các loại cây rau màu. Không giống như những cây trồng khác, đất trồng dưa hấu phải luôn thay đổi theo mùa vụ, luân phiên các loại hoa màu khác nhau, nếu trồng tiếp thì dưa dễ chết. Dưa hấu là loại cây đòi hỏi cao về điều kiện đất, khí hậu, kỹ thuật... nên mỗi vụ dưa hấu xuống giống là hồn người người trồng dưa như phơi ngoài bãi bờ.

 7 năm, bà con nông dân Trường Định theo nghiệp trồng dưa thì cũng có năm được, năm mất. Nước mắt rơi vì dưa không phải không có. Ông Thành kể, hồi năm 2018, đợt mưa kéo dài hơn 10 ngày do áp thấp nhiệt đới đã cuốn đi hàng trăm tấn dưa hấu Hắc Mỹ Nhân sắp đến ngày thu hoạch. Toàn bộ 30 ha ruộng dưa héo lá, rụi tàn; quả lớn nhỏ đều úng.

Nhưng rồi cũng cố mót được trái nào hay trái ấy bán gỡ lại vốn. Sau đận lao đao ấy, những người trồng dưa Trường Định vẫn kiên trì xuống giống vụ mới. Bởi đối với họ, dưa hấu Hắc Mỹ Nhân không chỉ là giấc mơ “đổi đời” của chính mình mà còn là thương hiệu của mảnh đất quê đang vươn lên xây dựng Nông thôn mới...

Giống dưa hấu Hắc Mỹ Nhân có xuất xứ từ Thái Lan, là giống dưa đặc sản dạng quả dài và có vỏ màu xanh đen, sọc mờ, trọng lượng trung bình 2-3kg/quả; năng suất trung bình từ 20-25 tấn/ha, quả có độ đồng đều cao. Quả có vỏ cứng, dày, ăn rất ngon, độ đường cao, vận chuyển xa tốt, thích hợp cho xuất khẩu.

Theo bà Ngô Thị Thu Vân, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng, huyện Hòa Vang hiện có khoảng 50 ha trồng dưa hấu Hắc Mỹ Nhân, chủ yếu ở các thôn Trường Định (xã Hòa Liên), Phú Sơn 3 (xã Hòa Khương), Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc). Nếu thu hoạch dưa trúng đợt nắng nóng sẽ có giá cao, càng cao hơn nếu không “đụng hàng” với các đợt xuất dưa của các tỉnh bạn. 

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích