Ấm áp tình người

.

Những ngày trong “tâm bão” Covid-19 ở Đà Nẵng, những  hàng rào phong tỏa được dựng lên. Ở đó, đang có những chuyến hàng liên tiếp nối nhau, nối những yêu thương từ khắp mọi ngả đường thành phố sẵn sàng tiếp ứng cho những con người đang quên mình trên tuyến đầu ở các bệnh viện đang bị phong tỏa để chống dịch.

Chị Tạ Mỹ Hồng gửi nước uống cho chiến sĩ làm nhiệm vụ ở các chốt.			                    Ảnh: XUÂN SƠN
Chị Tạ Mỹ Hồng gửi nước uống cho chiến sĩ làm nhiệm vụ ở các chốt. Ảnh: XUÂN SƠN

Thành phố, những ngày này đang đi qua “sóng gió” từ sự tái bùng phát của Covid-19. Dịch trở lại, mang theo nguy cơ cùng những lo âu. Thế nhưng, trong “tâm bão” mới thấy được tinh thần đoàn kết và sự chung tay của cộng đồng. 

Ngày 28 tháng 7 năm 2020

Một hàng rào phong tỏa vừa được dựng lên trước ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Hải Phòng, đây là tuyến phố nằm trong khu vực phong tỏa của 3 bệnh viện lớn là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng. Đứng nhìn bảng thông báo “khu vực cách ly” nổi bật trước mặt, chị Tạ Mỹ Hồng, chủ quán cà phê mở ngay tại ngã tư khẽ thở dài. Quán cà phê của chị chỉ mới mở cửa lại chưa lâu, nay lại thêm một lần tạm đóng cửa. Cũng đồng nghĩa với việc, quán sẽ thiệt thòi về doanh thu trong một thời gian có thể rất dài. Bữa ấy là 28-7, quán còn được phép bán mang về. Chị nói, bán thì bán vậy, chứ nghĩ kiểu gì ngày mai hay ngày mốt, dịch bùng phát hơn thì quán xá cũng sẽ nghỉ hẳn việc bán mang về, hệt như thời điểm dịch đầu năm.

Bán vội 2 ly cà phê cho 2 vị khách vãng lai, đã thấy chị Hồng nhanh nhẹn xách mấy chai nước suối ra gửi cho nhóm lực lượng gồm công an, quân đội, dân quân tự vệ… túc trực đằng sau hàng rào phong tỏa. Chị nói: “Đứng ở quán nhìn ra, thấy các anh, các em làm nhiệm vụ phơi nắng phơi sương để bảo vệ khu vực, nhìn mà thương. Thôi thì mình cũng hy vọng có thể góp được chút gì đó thành tâm, một chút sức nhỏ nhoi vào công cuộc chống dịch của thành phố, có thể là từ mấy chai nước này”. Trước mặt chị, gương mặt những chiến sĩ làm nhiệm vụ gần như đã tươi tỉnh hơn bên chai nước mát lạnh.

Ngày 29 tháng 7 năm 2020

Anh Võ Thành An cùng nhóm bạn bè của mình chở tới khu vực phong tỏa trước cổng Bệnh viện C một lô hàng tiếp trợ gồm 1.000 khẩu trang vải, 1.000 chai nước rửa tay, 1.000 chai nước muối, 13 gói tã giấy, 20 thùng sữa, 20 thùng mì ăn liền, rồi cả C sủi, nước suối cùng nhiều nhu yếu phẩm khác như băng vệ sinh, quần lót, nệm…

An là một trong những người quen của chúng tôi, khi anh và các bạn từng tham gia hoạt động dọn rác ở Bãi đá đen Sơn Trà hồi đầu năm 2019 cũng như tổ chức các hoạt động thiện nguyện giúp người dân Đà Nẵng. Đợt này, dịch tái phát, An cũng như nhiều người kinh doanh khác đang chịu ảnh hưởng nặng nề. “Nặng lắm chớ, dịch về phát là không kinh doanh được gì. Có tiền nhà nè, rồi tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên…Mà khổ thì ai cũng khổ, ít ra thấy mình còn may mắn hơn nhiều người, vậy là vẫn tổ chức quyên góp tiếp tế những người ở tuyến đầu phòng dịch”, anh An cho hay.

Anh Bùi Minh Trí tham gia tiếp tế nước uống cho các bệnh viện.
Anh Bùi Minh Trí tham gia tiếp tế nước uống cho các bệnh viện.

Trước mắt, nhóm của anh An sẽ hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bệnh viện. Đồng thời sẽ tính đến việc tiếp tế thức ăn cho người khó khăn như sinh viên, người lao động… Anh cho hay, bên ngoài các bệnh viện vẫn còn nhiều hoàn cảnh khốn khó, đặc biệt đã khó còn khó hơn trong mùa dịch này. “Hôm nay đi tiếp tế cho bệnh viện, mới thấy thật sự cảm động khi nhìn lực lượng làm nhiệm vụ không quản khó khăn để hỗ trợ nhận hàng, chuyển hàng vào bệnh viện. Ai cũng đồng lòng không một lời than thở, lúc ấy chợt thấy tinh thần mình cũng tốt theo luôn!”, An nói.

Cùng đợt quyên góp với anh An, anh Bùi Minh Trí cùng nhóm bạn làm từ thiện vừa mang đến khu phong tỏa 1.000 thùng nước uống các loại. Anh nói, nước thì mọi người trong nhóm tự bỏ tiền túi ra mua. Người có ít góp ít, có nhiều góp nhiều. “Tôi đã liên lạc với phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Đà Nẵng, họ thiếu gì thì sẽ liên hệ để mình hỗ trợ. Dù sao đi nữa, hy vọng không ai bị bỏ rơi lại phía sau trong “cuộc chiến” chống dịch này”, anh Trí cho biết. Anh An và anh Trí hy vọng, những món quà hôm nay sẽ mang lại động lực cho người đang chiến đấu trong bệnh viện. “Với sức mạnh đoàn kết và sự đồng lòng này thì dịch bệnh sẽ nhanh bị đẩy lùi thôi. Chỉ mong mọi thứ sẽ tốt nhất với Đà Nẵng, và cả nước”, anh An cười, mắt ánh lên sự tin tưởng, lạc quan.

Ngày 30 tháng 7 năm 2020

Thành phố công bố chính thức thực hiện Chỉ thị 16, một loạt nhà hàng theo đó cũng tạm ngưng hoạt động. Ở một góc đâu đó, đội ngũ tập thể lãnh đạo và nhân viên hệ thống nhà hàng 4U ngồi lại cùng nhau để lên phương án chi trả, hỗ trợ lương cho nhân viên. Hôm ấy, tất cả thống nhất sẽ nghỉ, đồng thời nhắc nhau tự bảo vệ sức khỏe qua mùa dịch.

“Nhưng một cuộc điện thoại đã “xoay” cuộc họp của chúng tôi theo hướng khác”, anh Phạm Lê Văn Long - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bình Giang - chuỗi hệ thống nhà hàng 4U nhớ lại. Cuộc điện thoại ấy từ một bác sĩ, một người quen của anh Long. Anh kể: “Qua cuộc gọi ấy, chúng tôi biết Bệnh viện Đà Nẵng đang gặp khó khăn và có nguy cơ thiếu thốn về thức ăn, nhu yếu phẩm ở thời điểm đó. Vậy là anh em nhà hàng quyết định làm điều gì đó để hỗ trợ”.  Ngay lập tức, anh Long kết nối với Bệnh viện Đà Nẵng xin được hỗ trợ những bữa ăn sạch, bảo đảm chất lượng và sức khỏe cho các cán bộ y tế ở tuyến đầu. Được bệnh viện đồng ý, nhân viên nhà hàng mỗi người một tay trở lại công việc chuyên môn mỗi ngày. Thành quả của họ, hiện tại là 800 suất ăn mỗi ngày đến với bệnh viện, chia làm 2 buổi.

“Dự kiến, chương trình của chúng tôi sẽ làm tới khi hết thời gian phong tỏa. Dịch này phải đóng cửa là điều không mong muốn, nhưng vẫn cố gắng động viên anh em nhà hàng thực hiện những bữa ăn trên tinh thần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bổ dưỡng, bảo đảm sức khỏe cho mọi người”, anh Long nhấn mạnh. “Trong mùa dịch, mỗi cá nhân, mỗi tập thể sẽ có một cách hỗ trợ riêng. Với chúng tôi, việc nấu những bữa ăn ngon với đội ngũ nhân lực đông là điều hoàn toàn trong tầm tay và cũng thấy tự hào khi được góp sức vào công cuộc chống dịch. Lúc này, chỉ mong có thêm nhiều kênh hỗ trợ các bệnh viện để cùng nhau đi qua khó khăn”, anh Long chia sẻ.

Ngày 31 tháng 7 năm 2020

Trên trang nhật ký từ Facebook cá nhân của mình, bác sĩ Đặng Văn Trí, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện C đề cập đến “cuộc sống 4 mới”, trong đó có “kỹ năng mới” - đó là khi những cán bộ y tế “hóa thân” thành những người đi cân đo đong đếm từng phần thức ăn, từng chế độ dinh dưỡng cho mình và người bệnh trước nguy cơ thức ăn bị thiếu hụt.

 Anh nói: “Tất cả chúng tôi, chưa bao giờ trong đời thầy thuốc có kinh nghiệm sống và làm việc khi phong tỏa bệnh viện, phong tỏa khu phố. Tất cả đều là trải nghiệm lần đầu. Nhưng với bản năng thương yêu đồng loại, thương yêu con người, bằng tri thức có được, chúng tôi đã hình thành các kỹ năng mới: Tính toán để sinh tồn. (...) Giờ đây, chúng tôi biết tính toán phải cần bao nhiêu gạo, bao nhiêu lương thực thiết yếu, bảo quản dự trữ ra sao... để nuôi sống chúng tôi và các bệnh nhân một cách khỏe mạnh”.

Nhưng bây giờ, có lẽ nỗi lo của bác sĩ Đặng Văn Trí và nhiều cán bộ y tế khác sẽ tạm lắng, khi những chuyến hàng viện trợ nghĩa tình đang nối nhau vào bệnh viện, bởi những tấm lòng của người dân thành phố ngoài kia.

Ghi chép của XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.