Chuyện làng thời Covid-19

.

1. Làng bây giờ giống như thời kháng chiến. Đầu làng và cuối làng đều có rào chắn và đội dân quân tự vệ túc trực cả ngày lẫn đêm. Người có việc ra, vào làng đều thận trọng như nhau. Khẩu trang, áo khoác kín mít và đều dừng lại trước rào chắn các ngả vào làng để được đo thân nhiệt và sát khuẩn tay.

Phụ nữ xã Hòa Tiến hỗ trợ thức uống cho chi hội phụ nữ và các chốt chặn trên địa bàn thôn Yến Nê 2 bị phong tỏa.   		          Ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Tiến cung cấp
Phụ nữ xã Hòa Tiến hỗ trợ thức uống cho chi hội phụ nữ và các chốt chặn trên địa bàn thôn Yến Nê 2 bị phong tỏa. Ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Tiến cung cấp

Mọi khi vào tầm thời gian này, cánh đồng làng Quang Châu (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đầy tiếng cười tiếng nói. Người lớn đi làm đồng gọi nhau rôm rả. Trẻ con đang dịp nghỉ hè tụm năm tụm ba thả diều, đá bóng xôn xao cả buổi chiều vàng. Lúa hè thu ngậm đòng ủ hương thơm ngát những bờ ruộng xanh. Mấy lò bánh khô mè trong làng ngày nào cũng đỏ lửa, mùi bánh nướng thơm lừng thoảng đưa khắp ngõ ngách. Cái mùi quê kiểng ấy đã cột chặt người làng với nhau từ hồi khai thiên lập địa tới bây giờ chưa một lần lơi lỏng.

Phòng dịch Covid-19 ở làng, loa truyền thanh xã phát đều đặn vào sáng và chiều. Tờ rơi được phát đến từng nhà. Các điểm công cộng được dán thông tin khuyến cáo và nhắc nhở... người dân ra đường, đi làm ruộng đều phải tự giác mang khẩu trang. Ai ở nhà nấy. Nếu gặp nhau chỉ dám chào nhau qua ánh mắt, qua nụ cười và cái vẫy tay từ xa... đúng khoảng cách ít nhất 2m.

Thời dịch bệnh, nhiều người bỗng nhận ra rằng: Có cái anh viễn thông rứa mà hay. Mọi thông tin liên lạc giữa mọi người trong làng đều thông qua chiếc điện thoại nhỏ xíu. Mỗi sáng, mỗi chiều từ người già đến trẻ con, từ thanh niên đến phụ nữ đều dán mắt vào màn hình điện thoại để lướt báo, điểm tin. Hôm nay có bao nhiêu ca nhiễm? Là những ai? Ở đâu? Rồi còn tỉ mỉ theo dõi thông tin dịch tễ để biết mà phòng tránh.

Những người có điện thoại thông minh sẽ có nhiệm vụ a-lô thông báo cho chủ các điện thoại “cùi bắp” và không quên cập nhật thông tin dịch bệnh cho các bậc ông bà cha mẹ trong gia đình cùng với những câu dặn dò chí tình. Cụ Trần Thị Bảy ở tổ 3, Quang Châu, năm nay 93 tuổi. Những ngày cách ly xã hội, cụ ngồi ở nhà mở ti-vi theo dõi. Thỉnh thoảng cụ lại gọi điện cho mấy bà bạn hàng xóm để “tám”. Từ chuyện cả làng Lệ Sơn Nam, Yến Nê 2 (xã Hòa Tiến) bị phong tỏa đến chuyện bữa ni đi chợ theo phiếu hồng (ngày chẵn), phiếu xanh (ngày lẻ). Nghe xong các cụ đều phán một câu chắc nịch: “Nhà nước làm rứa cũng phải. Tất cả cũng là để chống dịch thôi mà...”.

2. Riêng chuyện đi chợ của dân quê cũng có nhiều điều để kể lắm! Bởi, người ta đi chợ không chỉ mua mà còn bán. Bởi, ngoài làm ruộng, nhà nào cũng trồng giàn mướp, giàn bầu, giàn bí. Nuôi con gà, con vịt không chỉ để ăn, giỗ quảy mà còn đem ra chợ bán kiếm dăm đồng mua mắm muối. Thậm chí, nhiều nhà trồng gấc thương phẩm lên đến cả trăm mét vuông giàn. Ngày thường, thương lái đến tận nhà thu mua. Bây giờ mùa dịch, chợ cũng thực hiện giãn cách. Bầu, bí, mướp... đầy giàn mà người mua lại vắng bóng. Thôi thì a-lô cho xóm giềng giải quyết giùm “đầu ra”.

Bây giờ thành phố quy định 3 ngày đi chợ 1 lần nên người làng tập trung mua cá, thịt, mắm, muối và những thứ cần thiết khác. Còn rau, trái đã có sẵn trong vườn, thiếu gì thì qua hàng xóm mua. Mà kiểu mua bán thời cách ly vì dịch cũng “lãng mạn” lắm! Cứ a-lô một phát là có ngay một người lặng lẽ treo một bịch rau-củ-quả vào cánh cổng đầu ngõ. Có khi chủ vườn bận quá không “ship” được thì “thượng đế” cứ đàng hoàng mở cổng ra tận giàn hái vài trái mướp non, dăm trái khổ qua. Xong tiện tay ngắt thêm ấy nhành rau thơm về nhà. Tiền cứ để bên chậu cây kiểng trước sân. Chèn cục gạch lên trên kẻo gió thổi bay mất!

Hôm rồi, qua điện thoại, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 xã Hòa Tiến, ông Ngô Ngọc Trúc kể chuyện đi chợ thời dịch của thôn Lệ Sơn Nam từ ngày 3-8 đến nay. Chuyện xã lập 5 tổ công tác phục vụ phòng, chống dịch hừng hực khí thế như vào những năm vào “chiến dịch” thời chiến tranh: chốt chặn, tuần tra kiểm soát, y tế, hậu cần, vệ sinh môi trường. Trong đó, tổ hậu cần phụ trách đi chợ, tiếp tế lương thực, thực phẩm, điều phối hàng hóa... phục vụ cho 419 hộ với hơn 1.500 nhân khẩu trong thôn.

Việc đi chợ cho cả làng không phải là chuyện giản đơn. Hơn nữa, công việc ấy lại diễn ra trong thời gian dài nên là một thử thách lớn không riêng gì tổ hậu cần mà cả cộng đồng làng xã. Ngoài việc mỗi hộ được hỗ trợ quà gồm 20kg gạo, 1 thùng mì ăn liền, một số rau-củ-quả các loại từ nguồn quỹ vận động từ các doanh nghiệp thông qua Mặt trận, thì những gia đình có người già, trẻ em, phụ nữ mang thai... được tăng cường thêm cá tươi, thịt hộp, sữa hộp, gia vị các loại. Nói cho ngay, nếu nhà nào có giỗ quảy, cúng kiếng hay muốn mua thêm thức gì đặc biệt cho gia đình thì sẽ có một danh sách gồm 5 mục các mặt hàng thiết yếu với đơn giá cụ thể. Ai chọn thứ gì thì ghi ra giấy nhờ tổ hậu cần mua giúp. Không những vậy, trong danh sách yêu cầu, còn có mục thứ 6 gồm các mặt hàng “tế nhị” như dụng cụ tránh thai, băng vệ sinh cho phụ nữ...

Người dân nông thôn xưa nay đã quen thong dong tung tẩy giữa làng mạc, chợ đò, giờ phải “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong một không gian chật hẹp sau cổng ngõ đã không khỏi lo lắng. Ai cũng nghĩ, 14 ngày cách ly, lấy chi bỏ miệng đây? Mắm muối, gạo cơm dù đã dự trữ rồi cũng có lúc hết... Nhưng rồi, những ngày ngồi nhà chống dịch, chính họ cảm thấy yên tâm khi được chính quyển, các đoàn thể, bà con trong thôn, xã giúp mình với nghĩa tình. Mỗi bữa ngồi trước mâm cơm có đủ cá, thịt..., bỗng dưng thấm thía câu nói của cha ông mình: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”.

Dân quân thôn Quang Châu, xã Hòa Châu đo thân nhiệt cho người dân tại đầu cổng vào thôn.  							         Ảnh: NHƯ HẠNH
Dân quân thôn Quang Châu, xã Hòa Châu đo thân nhiệt cho người dân tại đầu cổng vào thôn. Ảnh: NHƯ HẠNH

3. Những cánh đồng lúa ở Hòa Vang mấy hôm nay bắt đầu uốn cần vàng hạt. Mùa dịch nên đồng ruộng vắng vẻ lắm. Bà con thôn Lệ Sơn Nam có ruộng lúa nằm đêm lo nghĩ mai mốt gặt cách răng đây? Ông Trúc cho biết, chủ trương của huyện là cán bộ thôn phụ trách nông nghiệp cùng cán bộ xã thành lập tổ đi thăm đồng giúp bà con vùng cách ly.

Các hộ có ruộng lúa trong địa bàn thôn đến mùa thu hoạch được ra đồng, chỉ ruộng của mình cho bên dịch vụ gặt. Lịch gặt lúa cũng được lên và báo đến từng hộ gia đình. Đến ngày gặt, chủ ruộng chỉ cần ra đồng kiểm đếm số bao lúa để dịch vụ chở về tận nhà... Việc duy nhất người nông dân phải làm trong mùa gặt là phơi khô lúa cất vào bồ. Đúng là thời hiện đại có khác. Sức máy đã thay thế sức người.

Nhiều người từng lặng lòng đặt câu hỏi: Làng bây giờ còn đâu, khi những con đường quê gập ghềnh dấu chân trâu không còn nữa. Làng ở đâu, khi lũy tre xanh ngày nào chỉ còn là nỗi nhớ. Hàng dậu mồng tơi tím ngắt được thay bằng lưới sắt, bê tông? Có người còn cực đoan cho rằng, chính yếu tố hiện đại đã giết chết những ngôi làng quê thuần Việt (?).

Thực lòng mà nói, chả nhẽ chúng ta cứ mong làng mình cứ nghèo khổ mãi bên mái tranh hay bếp tro, bếp trấu như hàng thập thế kỷ trước. Mà làng chỉ chính là làng khi nếp văn hóa nặng tình nghĩa, thủy chung sau trước một lòng được khơi chảy từ đời này sang đời khác. Đó mới là hồn vía của làng. Chứ không đơn thuần chỉ là cây đa, bến đò hay một mái nhà xưa cũ...

Chính trong cơn dịch bệnh, khó khăn như thế này, tình làng nghĩa xóm và những sách lược đúng đắn, kịp thời của thành phố đã làm sống lại hồn vía của làng...

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.