Lời thì thầm của đá

.

Có người đến Phú Yên vì tò mò “xứ hoa vàng trên cỏ xanh” trong phim, cũng có người ghé nơi đây trải nghiệm cái nắng cháy da của miền Trung hay ngắm nhìn phong cảnh hữu tình, riêng chúng tôi lại mê mẩn câu chuyện ẩn mình sau lời thì thầm của những phiến đá…

Nhà thờ Mằng Lăng kết hợp nét kiến trúc Gothic và văn hóa đặc trưng của Việt Nam rất độc đáo. Ảnh: D.A
Nhà thờ Mằng Lăng kết hợp nét kiến trúc Gothic và văn hóa đặc trưng của Việt Nam rất độc đáo. Ảnh: D.A

Bản hòa tấu của thiên nhiên

Không quá để nói rằng, thiên nhiên đã ưu ái dành tặng tỉnh Phú Yên nhiều bức tranh phong cảnh hữu tình, từ bờ biển quyến rũ đến danh thắng độc đáo. Trong số đó, phải kể đến Ghềnh Đá Dĩa (huyện Tuy An) độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Nhìn từ xa, nơi đây như một tổ ong khổng lồ với những khối đá hình lăng trụ xếp lớp. Mỗi phiến đá là một giai điệu, cùng ngân nga bản hòa tấu thi vị của tự nhiên. Màu đen bí ẩn của phiến đá hòa cùng màu xanh ngan ngát của mây trời và màu bàng bạc của lớp lớp sóng vỗ mạn bờ tạo nên khung cảnh vừa thơ mộng vừa huyền bí.

Tương truyền, Ghềnh Đá Dĩa được tạo nên từ đá bazan hình thành cách đây khoảng 200 trăm. Nơi đây là một trong năm ghềnh đá trên thế giới được tạo nên từ hiện tượng nham thạch phun trào (cùng với núi đá Giant’s Causeway-bờ biển Đông Bắc Ireland, ghềnh đá Órganos ở đảo La Gomera-Tây Ban Nha, hang động Fingal-đảo Staffa, Scotland hay ghềnh đá đĩa Jusangjeolli-Hàn Quốc).

Theo đó, trong quá trình núi lửa vùng cao nguyên Vân Hòa phun trào, khối nham thạch chảy ra biển gặp nước lạnh nên đông cứng lại. Hiện tượng di ứng lực khiến khối nham thạch này nứt nhiều chiều, tạo nên những khối đá đa dạng hình thù như hiện nay. Dọc theo Ghềnh Đá Dĩa, vài chỗ trũng trở thành chiếc hồ xanh mướt, chấm phá nét dịu dàng vào bức tranh thủy mặc.

Nếu những phiến đá Ghềnh Đá Dĩa kể câu chuyện hùng vĩ thì những phiến đá Hòn Yến (huyện Tuy An) lại du dương nhịp mộc mạc, hoang sơ khi chưa có quá nhiều sự khai phá của con người. Nơi đây ngày xưa là một hòn đảo giữa biển khơi. Theo năm tháng, cát lấn dần nên Hòn Yến cách bờ chừng hơn 100m. Dưới bàn tay tài hoa của thiên nhiên, những hòn đá trở thành hoa của biển.

Có bông rực rỡ, kiêu hùng với thế chóp nón cùng những vách núi dựng đứng, có bông dịu dàng uốn lượn; có bông vươn mình làm bạn với bầu trời, cũng có bông e lệ nép mình giữa dòng nước xanh ngọc bích; có bông thẫm màu đỏ tươi, có bông đen tuyền bí ẩn… Đặc biệt, vào những ngày đầu tháng, theo dòng thủy triều rút xuống, một con đường xuyên biển lộ ra nối liền bờ với hai khối đá to và xa nhất là Hòn Sụn, Hòn Yến. Ẩn hiện giữa làn nước là hệ thống san hô đầy sắc màu. Quần thể Hòn Yến với hệ sinh thái san hô biển tuyệt đẹp, đa dạng và gần bờ được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia vào tháng 4-2018.

Kè chắn sóng Xóm Rớ (thành phố Tuy Hòa) lại hòa ca thanh âm thơ mộng, lãng mạn với những đá tảng và bê-tông phủ đầy rêu xanh mướt, nửa bám đá, nửa dập dềnh trong làn nước. Khi thủy triều xuống, rêu phơi nắng trở nên óng ánh như những sợi tơ. Những tảng đá dịu dàng ấy là nơi chụp ảnh sống ảo của du khách nhưng là nơi gửi gắm sự an tâm của người dân nơi đây mỗi khi mùa biển động.

Khúc hoan ca tự hào

Không kỳ vỹ như Ghềnh Đá Dĩa, không thơ mộng như Hòn Yến hay kè chắn sóng Xóm Rớ, Mũi Đại Lãnh (huyện Tuy An) lại mang đến cho chúng tôi một cảm xúc khác lạ, khó tả. Ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay đầy kiêu hãnh giữa đất trời bao la - một bên là núi non trập trùng, một bên là biển cả mênh mông, trái tim mỗi người chúng tôi đều bất giác rung lên một nhịp. Không ai nói ai, tất cả đều lặng đi giây lát, hòa niềm xúc động theo từng nhịp cờ phất phới. Âm thanh sóng biển rì rào hòa cùng tiếng chim biển gọi bầy như đang ngân lên khúc hoan ca tự hào khiến niềm hạnh phúc trong chúng tôi càng trào dâng.

Ghềnh Đá Dĩa là một trong năm ghềnh đá trên thế giới được tạo nên từ hiện tượng nham thạch phun trào. Ảnh: D.A
Ghềnh Đá Dĩa là một trong năm ghềnh đá trên thế giới được tạo nên từ hiện tượng nham thạch phun trào. Ảnh: D.A

Cách thành phố Tuy Hòa chừng 40km về phía nam, Mũi Đại Lãnh là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển, được một người Pháp tên Varella phát hiện và ghi dấu địa chỉ này trên bản đồ hàng hải vào cuối thế kỷ 19. Vì thế, trước đây, người ta gọi nơi này là Cap Varella. Nơi đây không chỉ là điểm A8 đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam mà còn có ngọn hải đăng Đại Lãnh - một trong 8 ngọn hải đăng có niên đại trên 100 năm trong tổng số 79 ngọn hải đăng đang hoạt động tại nước ta.

Theo lời giới thiệu của người dân bản địa, năm 1890, người Pháp đã xây dựng ngọn hải đăng nhưng do hoàn cảnh lịch sử, ngọn hải đăng tạm ngưng hoạt động nhiều năm. Đến năm 1995, Nhà nước Việt Nam cho xây dựng lại và ngọn hải đăng chính thức hoạt động. Hải đăng cao 110m tính từ mực nước biển, bên trong có 108 bậc thang xoắn ốc bằng gỗ lên tận đỉnh với tín hiệu ánh sáng đèn biển có thể đi xa 27 hải lý.
Mũi Đại Lãnh được xem là điểm xa thứ 2 về phía đông (sau mũi Đôi ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) và là một trong những nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền của lãnh thổ Việt Nam. Nơi đây là địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng ở Việt Nam và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích danh thắng cấp Quốc gia vào năm 2008.

Độc đáo kiến trúc trăm tuổi

Những phiến đá dựng xây nhà thờ Mằng Lăng (huyện Tuy An) lại rủ rỉ kể câu chuyện kiến trúc Gothic độc đáo - lối kiến trúc bắt đầu từ cách đây khoảng 1.200 năm trước công nguyên. Xây dựng năm 1892, nhà thờ Mằng Lăng như một chứng nhân lịch sử nằm trên mảnh đất duyên hải miền Trung bình yên và xinh đẹp. Nơi đây không chỉ là nhà thờ cổ nhất tỉnh Phú Yên mà còn được xem là một trong những nhà thờ lâu đời nhất của Việt Nam.

Theo sử sách, nhà thờ được linh mục Joseph de La Cassagne (thường gọi là Cố Xuân - là linh mục Chánh xứ đầu tiên của giáo xứ này) cho khởi công xây dựng vào năm 1892 nhưng 15 năm sau mới khánh thành. Các bậc cao niên ở xã An Thạch cho hay, cách đây hơn 100 năm, khu vực An Thạch rất ít dân cư, phủ kín cây rừng, trong đó có một loại cây mọc rất nhiều, tán phủ rộng, lá cây hình bầu dục, hoa mọc chùm nở ra màu tím hồng gọi là mằng lăng. Hiện dấu vết khu rừng mằng lăng ấy không còn, nhưng ngôi nhà thờ vào thời điểm ấy đã được đặt tên theo loại cây quý này.

Trong không gian tĩnh lặng của sớm mai, lớp sơn xanh xám bám màu thời gian của nhà thờ có chút cổ kính, lại có chút liêu trai. Dấu ấn kiến trúc Gothic (bắt đầu phát triển từ nửa sau thời Trung cổ ở Tây Âu) thể hiện rõ nét với hai tháp chuông hai bên, chính giữa là thập tự giá hay các cửa sổ hình búp măng... Không gian bên trong thánh đường khá giống các nhà thờ Gothic khác ở Việt Nam với hai hàng cột tạo thành các ô vòm liên hoàn. Điểm nhấn thú vị nằm ở thiết kế mở thông ra hai bên gian chính giữa thánh đường. So với nhiều nhà thờ cổ nổi tiếng khác ở Việt Nam, nhà thờ Mằng Lăng không lớn và thiết kế bên trong cũng đơn giản hơn. Tuy vậy, sự cầu kỳ trong trang trí mỹ thuật thì ít nhà thờ nào sánh bằng. Đó là sự độc đáo trong cách kết hợp nét kiến trúc Gothic và văn hoá đặc trưng của Việt Nam - những họa tiết chạm trỗ tinh xảo trên những cánh cửa chính bằng gỗ của nhà thờ này.

Một nét chấm phá khác là khu hầm nhỏ, được xây dựng khá kỳ công trong lòng một quả đồi giả trước sân nhà thờ. Khám phá nơi đây, bạn hẳn sẽ ngạc nhiên trước vòm hang và những chân trụ trông như những khối thạch nhũ trong các động Phong Nha, động Thiên Đường (Quảng Bình) hay ở Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Bên trong hầm có nhiều bức điêu khắc miêu tả lại câu chuyện về vị thánh Andre Phú Yên nổi tiếng, cũng là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên - Phép giảng tám ngày của linh mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Roma (Ý).

Có thể nói, với chúng tôi, những phiến đá ở Phú Yên không đơn thuần là vật thể vô tri mà ẩn giấu nhiều câu chuyện. Mỗi viên đá với hình dạng khác nhau, không viên nào giống viên nào đã cùng chấm phá, tạo nên bức tranh nhiều sắc màu, nhiều góc nhìn về “xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh”. Tin chắc rằng, nếu bạn đến đây, cũng sẽ tìm được những câu chuyện thú vị cho riêng mình!

NAM BÌNH

;
;
.
.
.
.
.