Hồn Quảng giữa Sài Gòn

.

Những ai đến chợ Bà Hoa (đường Trần Mai Ninh, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đều cảm nhận hồn quê thấm đượm bâng khuâng trong từng món ăn đặc sản, phong cách ứng xử chân chất cũng như cách phát âm đặc sệt âm sắc địa phương xứ Quảng. Người bán lẫn người mua gắn bó với chợ không chỉ để mua bán mà còn gửi trao những câu chuyện gói ghém thương nhớ của tâm hồn xa xứ.

Bánh tráng được nướng bằng lửa than ngay tại chợ Bà Hoa để bán cho người dân, du khách.
Bánh tráng được nướng bằng lửa than ngay tại chợ Bà Hoa để bán cho người dân, du khách. Ảnh: K.M

Thương nhớ hồn quê

Tự dưng thèm quay quắt món bánh tráng cuốn thịt heo. Thế mà ghé quán nọ quán kia khắp Sài Gòn vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn cái vị nơi đầu lưỡi. Chẳng phải vì món ăn ngon hay dở mà bởi thiếu miếng bánh tráng Đại Lộc dẻo dai thơm vị gạo quê đặc trưng của bánh tráng cuốn ở miền Trung. Ai biểu thèm chi vị quê nhà, rồi lặn lội vượt quãng đường gần 20km từ huyện Bình Chánh đến chợ Bà Hoa. Ngôi chợ có cái tên “hành chính” là Chợ Phường 11 cũng đa dạng mặt hàng như bao ngôi chợ khác nhưng “vang danh” nhờ ăm ắp đặc sản miền Trung khó tìm thấy ở Sài Gòn.

Chỉ mới đặt chân nơi dãy hàng trước cổng chợ, mắt đã ươn ướt khi bắt gặp những điều thân thương, từ lọ mắm ruốc, mắm nêm… đến sợi mì Quảng, chiếc bánh thuẫn… được sắp xếp bắt mắt. Chợ không quá rộng, dạo chừng mười lăm, hai mươi phút là hết vòng. Nhưng bước chân của người con xa quê nhiều nhung nhớ cứ bịn rịn chẳng nguôi, nhẩn nhơ ngắm nhìn bao nhiêu vòng vẫn chưa thỏa.

Nếu phía ngoài thơm nức mùi mắm đặc trưng xứ biển thì bên trong chợ lại dịu nhẹ mùi bánh đang được nướng trên những bếp than đỏ lửa. Giữa những chồng bánh tráng đủ loại: Bánh mè trắng, bánh mè đen, bánh tráng đường, bánh tráng dừa… được treo cao khá đẹp mắt, quán nào cũng sắp xếp không gian để kê một hoặc hai lò than nhỏ. Chợ vắng thì tranh thủ nướng bánh tráng, đổ bánh thuẫn; khách đến thì ngơi tay, lựa chiếc bánh ngon nhất gói lại. Khung cảnh bình dị mà ấm áp này luôn khiến nhịp chân ngang qua chậm lại để ngắm nhìn. Người lần đầu tiên nhìn thấy thì trầm trồ ngạc nhiên, người đã quen thuộc thì nghèn nghẹn chạm vào ký ức…

Ghé một quầy hỏi mua bánh tráng Đại Lộc, người chủ quán chào đón khách với nụ cười hiền hậu. Xấp bánh hai mươi ngàn mà ăm ắp câu chuyện. Chị tên Nguyễn Thị Bông (SN 1979), quê Quảng Ngãi, lấy chồng người Quảng Nam. Gia đình chồng gắn bó với quầy bánh tráng ở chợ Bà Hoa đã hơn 20 năm. Không chỉ bán lẻ ở chợ, gia đình chị còn nướng mấy trăm bánh mỗi ngày tại nhà để giao sỉ. Từ ngày về làm dâu, chị được “truyền nghề” rồi cũng đem lòng yêu thương thức dân dã này. Cũng vì thương, đều đặn mỗi tinh mơ, chị có mặt nơi góc chợ, sáng thì đổ bánh thuẫn, chiều thì nướng bánh tráng. Không chỉ vì chiếc bánh tráng nướng tại chỗ nóng giòn thu hút nhiều khách mà còn bởi niềm hạnh phúc được hòa mình vào không gian dạt dào hồn quê.

Nghĩa tình xa xứ

Cũng như chị Bông, nhiều năm qua, nơi đây là địa chỉ thân thương của những người con miền Trung. Sản vật không còn là thứ mua bán mà trở thành vật gửi trao mong ước, tâm tình. Người bán thương nhớ nên giữ gìn ký ức nơi chôn nhau cắt rốn qua từng món ăn bình dị, từ vị ngọt của kẹo mè xửng, bánh in, bánh ít, bánh tổ…, vị mặn của các loại mắm, vị nồng cay của ớt sừng, củ nén, đến các món đặc sản như bánh đập, mít trộn… Người xa quê ghé chợ ăn dĩa bánh bèo, bánh lọc hay mua lọ mắm, hũ ớt… đậm đà vị quê để dành mỗi lúc nhớ nhà. Dù người bán hay người mua, đều thèm nghe cái giọng quê hương nằng nặng mà da diết nghĩa tình nên gắn bó với nơi đây.

Nhiều loại đặc sản miền Trung được bày bán ở chợ Bà Hoa. Ảnh: K.M
Nhiều loại đặc sản miền Trung được bày bán ở chợ Bà Hoa. Ảnh: K.M

Như bà Võ Thị Tiên (69 tuổi) đã dành cả quãng thanh xuân đến bây giờ - hơn 40 năm - ở ngôi chợ này. Biết khách là đồng hương, ánh mắt bà ánh lên nét rạng ngời, cười khoe: “Quê tui cũng ngoài đó đó, quê mẹ ở Duy Xuyên (Quảng Nam), còn quê cha ở Cẩm Lệ (Đà Nẵng). Cứ hai, ba năm, tui lại tranh thủ về quê chơi, thăm bà con, họ hàng”. Xa xứ nhưng không xa hồn quê, cha mẹ bà tranh thủ lúc rảnh dạy con gái làm món này, món kia để đời sau luôn nhớ nguồn cội. Ẩm thực độc đáo của quê hương ban đầu chỉ gói gọn trong mâm cơm gia đình rồi trở thành kế sinh nhai của cả nhà từ khi nào chẳng rõ.

Mà chẳng riêng bà, chợ Bà Hoa đã trở thành nơi “cưu mang” nỗi nhớ của bao lớp thế hệ người con miền Trung. Theo bà Tiên, gần nửa chợ Bà Hoa là người miền Trung. Nửa đời người vui buồn cùng ngôi chợ này, bà Tiên bảo, người Quảng vẫn giữ cái tính “hay cãi” nhưng chẳng mấy khi để bụng. Cãi đó rồi cười đó. Cho dù mặt hàng giống nhau, những người bán vẫn luôn yêu thương, đùm bọc như phong cách chân chất cố hữu. Chợ đông khách thì chia nhau cái ghế, cái bàn; chợ vắng khách thì chia nhau câu chuyện, kỷ niệm. Vui nhất là những hôm có người về thăm quê trở vào, chợ xôn xao hẳn bởi ai cũng tíu tít hỏi thăm. Cứ thế, người với người, tựa nương nhau mà sống từ ngày này qua tháng khác.

“Hồi đó còn trẻ, còn sức, quán ăn của tui rộng lớn và nhiều món lắm. Giờ già rồi, chỉ loay hoay với quầy nhỏ nhỏ như ri ở một góc chợ, bán ít bánh lọc, bánh gói, mít trộn, bánh đúc… Rứa mà hôm nào không ngồi chợ được, lòng cồn cào như có kiến cắn…”, giọng bà nghèn nghẹn. Chợt bà thẫn thờ, ngắm nhìn món quê trước mặt mà đôi mắt ươn ướt. Hồi lâu, bà thủ thỉ: “Năm nay tui tính về quê mà trúng dịch Covid-19 nên lỡ hẹn…”.

Là khách “ruột” của khu chợ này, anh Trần Đình Hoàng (SN 1979, trú quận Tân Bình, quê Đại Lộc, Quảng Nam) kể chiều nào cũng thường ghé chợ sau giờ đi làm về, khi thì mua bánh gói cho con, khi thì mua nén tươi, bánh tráng, sợi mì Quảng… cho vợ, cũng có khi chẳng mua gì. “Nhà tôi cũng gần đây nên tôi thích ngang qua chợ, chạy xe một vòng để nghe thanh âm “răng, tê, mô, rứa”, hay “boa mươi boa ngàn” đặc sệt. Cảm giác bao nhiêu mệt nhoài sau ngày dài làm việc đều vơi đi rất nhiều…”, anh Hoàng hồ hởi nói. Vừa bẻ miếng bánh tráng xúc mít trộn, em Nguyễn Lê Thục Nhi (SN 2001, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh, quê Đà Nẵng) vừa phấn khởi chia sẻ: “Em trọ học ở làng đại học tại quận Thủ Đức.

Cuối tuần, bạn em rủ lên phòng trọ ở quận Bình Thạnh chơi, rồi hai đứa dẫn nhau đến đây sau khi nghe nhiều người giới thiệu. Em thích lắm, cứ như đang đi chợ ở quê, vì đi đâu cũng nghe giọng Quảng. Hai đứa ăn từ bánh tráng đập, bánh xèo sang đến mít trộn mà vẫn chưa đã thèm, còn tính mua ít mắm ruốc, mắm nêm về để dành nấu ăn. Biết chợ rồi, khi nào rảnh, em sẽ lại ghé chơi cho đỡ nhớ nhà…”.

Quán nhỏ, ghế sát ghế, những người xa lạ bỗng như thân quen, chuyện nối chuyện. Trong thanh âm nhộn nhịp, bỗng dưng đâu đó văng vẳng bài hát Mưa chiều miền Trung (nhạc sĩ Hồng Xương Long) đầy thổn thức bởi ca từ nhiều cảm xúc: “Miền Trung đất bồi phù sa/ Người miền Trung gian khó nhiều đời qua/ Từ khi anh xa quê nhà, từ đó em nhớ mong người xa…”. Vài người ngừng nhâm nhi lẩm nhẩm hát theo, vài người mắt ươn ướt thả hồn xa xăm. Những giai điệu da diết gợi nhớ ký ức càng khiến lòng người xa xứ thêm đau đáu, răng mà thương, mà nhớ!

Trước khi có chợ Bà Hoa, khu Bảy Hiền (quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) nổi tiếng với làng dệt do những cư dân Quảng Nam vào lập nghiệp từ những năm 1957-1958. Sau này, nơi đây tập trung nhiều người di cư từ miền Trung, đặc biệt là người xứ Quảng (Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình), tạo thành cộng đồng người miền Trung đông nhất ở Sài Gòn. Nhiều người dân ở đây cho hay tên gọi chợ Bà Hoa tưởng nhớ người phụ nữ gốc Bắc yêu mến ẩm thực miền Trung nên mua đất, thành lập chợ từ những năm đầu thập niên 1970.
 

KHA MIÊN

;
;
.
.
.
.
.