Hướng về miền Nam yêu thương

.

Thành phố Hồ Chí Minh đang trải qua giai đoạn khó khăn để đối phó Covid-19. Mỗi ngày trôi qua, số ca mắc mới không ngừng tăng lên, nhiều điểm phong tỏa, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Với nghĩa đồng bào, những ngày qua, nhân dân cả nước đồng lòng góp sức người, sức của hướng về thành phố mang tên Bác. Trong đó, phải kể đến những chuyến xe chở hàng trăm tấn nhu yếu phẩm nối nhau tiến về Thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyến xe hướng về miền Nam do Thành Đoàn Đà Nẵng và CLB Xe bán tải thành phố Đà Nẵng phối hợp chở 10 tấn cá nục tươi gửi tặng người dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Chuyến xe hướng về miền Nam do Thành Đoàn Đà Nẵng và CLB Xe bán tải thành phố Đà Nẵng phối hợp chở 10 tấn cá nục tươi gửi tặng người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Đà Nẵng, mặc dù cũng đang căng mình vượt qua dịch bệnh, nhiều đơn vị, nhà hảo tâm vẫn gom góp yêu thương gửi về Thành phố Hồ Chí Minh thông qua những thức quà giản dị là con cá biển tươi xanh; là rau, củ, quả quê nhà...

1. Những ngày qua, Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp CLB Xe bán tải thành phố Đà Nẵng tích cực vận động nhu yếu phẩm để gửi tặng đến người dân Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Anh Phan Minh Việt, đại diện CLB Xe bán tải thành phố Đà Nẵng chia sẻ, chỉ sau thời gian ngắn vận động, CLB đã nhận được gần 200 triệu đồng hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và thành viên CLB. Từ nguồn kinh phí này, CLB đặt mua 10 tấn cá nục từ Công ty CP Thủy sản Đà Nẵng với giá ưu đãi và được công ty giúp đóng gói, cấp đông bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Số tiền còn lại, anh Việt đặt mua mì ăn liền, thịt hộp tại nhà máy ở Thành phố Hồ Chí Minh để tiết kiệm chi phí vận chuyển. Cá tươi khi đến Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được đội phản ứng nhanh của CLB Xe bán tải Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận, chia nhỏ mỗi bao 1kg và vận chuyển đến các địa điểm tổ chức “Chợ 0 đồng” để phát miễn phí cho người dân khó khăn.

Cá nục cũng là thực phẩm được các thành viên nhóm Thiện nguyện Thanh xuân tại Đà Nẵng chọn để gửi tặng người dân Thành phố Hồ Chí Minh như một món quà quê dân dã. Theo chị Nguyễn Bích Thủy (thành viên nhóm), nếu thành phố Đà Lạt có rau, củ, quả; các tỉnh miền Tây với cây trái ngọt lành, thì thành phố Đà Nẵng có biển với hải sản tươi ngon.  Để có được những con cá nục tươi ngon với giá rẻ nhất, chị Thủy lặn lội vào tận cảng cá Kỳ Hà (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), đặt mua trực tiếp từ thuyền của ngư dân.

Cá được đưa về sơ chế, cấp đông, đóng gói tại một công ty thủy sản tại Đà Nẵng và vận chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh bằng xe đông lạnh chuyên dụng. Cũng theo chị Thủy, trong chuyến đầu tiên, nhóm gửi đi Thành phố Hồ Chí Minh 4 tấn cá nục; đợt tiếp theo là 3 tấn cá nục. Đây chính là món quà dân dã nhưng thể hiện trọn vẹn tấm lòng người dân thành phố biển Đà Nẵng gửi đến nhân dân Sài Gòn.

Trong lúc hàng hóa, thực phẩm được sơ chế, đóng gói, xếp lên xe chuẩn bị vận chuyển thì ở đầu cầu Sài Gòn, các thành viên của CLB Xe bán tải Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm Thiện nguyện Thanh xuân tại Thành phố Hồ Chí Minh tất bật liên hệ với chính quyền sở tại lên sẵn danh sách các điểm “Chợ 0 đồng”; khu vực, ngõ hẻm có đông người lao động nghèo; những bếp ăn phục vụ lực lượng tuyến đầu, khu cách ly, phong tỏa... để khi cá “cập bến” sẽ chuyển ngay đến các bếp ăn và người dân khó khăn sao cho kịp thời, tươi ngon nhất với mong muốn tiếp sức cùng người dân Thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.

Anh Đặng Quốc Thịnh đang sắp xếp lại rau, củ nhận từ các tiểu thương để vận chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh.  					 Ảnh: LAM PHƯƠNG
Anh Đặng Quốc Thịnh đang sắp xếp lại rau, củ nhận từ các tiểu thương để vận chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: LAM PHƯƠNG

2. Nghe báo, đài liên tục thông tin về cuộc sống chật vật của người dân Sài thành trong những ngày giãn cách, anh Đặng Quốc Thịnh (SN 1988, trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) đứng ngồi không yên. Từng trải qua tuổi thơ nghèo khó, phải nhận gạo cứu trợ sau những trận lũ lụt nên anh Thịnh thấu hiểu và đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn. Ý nghĩ phải làm gì đó để tiếp sức người dân Sài Gòn không ngừng thôi thúc, anh Thịnh phát động chương trình hướng về Sài Gòn, tiếp nhận lương thực, thực phẩm để hỗ trợ bà con khó khăn.

Tại căn nhà thuê ở số 109 Nguyễn Văn Huyên (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), anh Thịnh treo tấm băng rôn lớn với dòng chữ “Điểm nhận hàng lương thực, thực phẩm hỗ trợ bà con khó khăn tại Sài Gòn” ngay trước nhà. Thường ngày, đây là nơi anh Thịnh bán hàng la ghim kiếm sống. Từ khi phát động chương trình tiếp sức Sài Gòn, anh Thịnh quyết định nghỉ bán 1 tuần để toàn tâm toàn sức thực hiện chương trình. Địa điểm bán hàng được anh Thịnh trưng dụng làm nơi tiếp nhận, tập kết hàng hóa.

Anh Thịnh kể, khi thực hiện chương trình, anh nhận được sự ủng hộ, giúp sức nhiệt tình của rất nhiều bạn bè, nhà hảo tâm và cả những người anh chưa từng gặp, dù hiện tại ai cũng khó khăn. Nói như anh Thịnh là sau gần 2 năm dịch bệnh, không ai dư dả gì, nếu không muốn nói là kiệt quệ. Thế nhưng khi chứng kiến cuộc sống khó khăn của đồng bào, không ai có thể đứng yên.

Hay tin, các “bạn hàng” của anh Thịnh ở chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Cẩm Lệ bàn nhau ai bán gì góp nấy. Người bao gạo, người ủng hộ vài chục cân bí đao, người chở đến vài chục trái bắp su, chị góp bao chanh tươi, người gửi mớ ớt, người trích tiền lời buổi chợ góp mỗi người 100.000 đồng... để mua thêm cân gạo, mớ rau. Khi tôi ngỏ ý hỏi mấy câu, chị bán hàng gia vị ở chợ Cẩm Lệ (nhân vật xin giấu tên) vội xua tay, nói: “Em đừng chụp ảnh chị nghe, chị ngại. Chị không có gì nhiều, chỉ có thể góp chút hành, tỏi để bữa cơm của mọi người thêm hương vị”...

3. Anh Thịnh kể, trong rất nhiều tấm lòng thơm thảo chung tay hướng về Sài Gòn, anh không thể quên hình ảnh của chị Nguyễn Thị Lan (trú khu dân cư Đà Sơn, quận Liên Chiểu) thuê xe thồ đi mười mấy cây số đến góp 10kg gạo, 5 gói mì ăn liền và vài lon cá hộp.

Điều đáng nói, chị Lan có hoàn cảnh rất khó khăn, đang nuôi 3 con nhỏ, trong đó con trai đầu bị tai nạn đang nằm một chỗ. Tất cả số gạo, mì ăn liền, đồ hộp chị mang đến đều do mạnh thường quân hỗ trợ cho mấy mẹ con.

“Tôi đem đến ít cũng ngại lắm. Nhưng mà kệ, coi như của ít lòng nhiều. Lúc tôi khó khăn được mọi người giúp đỡ, nay thấy bà con ở Sài Gòn gặp khó, tôi chia nửa số quà mình nhận được xin góp thêm, coi như được chút nào mừng chút ấy”, chị Lan bộc bạch.

Cũng theo anh Thịnh, từ thông tin anh chia sẻ trên Facebook, có người dân tận huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) vận động mọi người trong thôn, xã hái rau, quả trong vườn và thuê xe chở ra Đà Nẵng ủng hộ. Một chủ nhà hàng chay trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Hải Châu) âm thầm thuê xe chở đến góp 150 thùng mì ăn liền, 5 thùng xúc xích và dặn tài xế không được nói tên người gửi...

Bên cạnh vận động từ mọi người, anh Thịnh còn mang đồ thủ công mỹ nghệ của gia đình bán gây quỹ được gần 50 triệu đồng để mua thêm hàng hóa, thực phẩm. Đêm trước ngày khởi hành, anh Thịnh cùng anh em, bạn bè trắng đêm đóng gói, hút chân không từng bó rau để bảo quản tốt hơn; vác hàng trăm thùng mì, vỉ trứng và hàng tấn bắp su, bầu, bí các loại lên xe. Anh Thịnh cho biết, trong chuyến đi này, anh mang vào Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 15 tấn hàng, gồm các loại thực phẩm khô, đồ hộp, rau, củ, quả, trứng...

Cùng hướng về Thành phố Hồ Chí Minh, bạn trẻ Đào Văn Vĩnh (SN 1992, trú quận Cẩm Lệ) chọn cách tự tay chế biến món ăn gửi đến những hoàn cảnh khó khăn. Trong ngày sinh nhật của mình, thay vì tổ chức tiệc, vui chơi như những năm trước, Vĩnh dùng số tiền làm sinh nhật mua 500kg cải bẹ và 100kg thịt heo để làm dưa cải muối, thịt ngâm mắm gửi tặng người dân phía Nam. Theo Vĩnh, đây là chút tấm lòng của một người con miền Trung gửi đến bà con nghèo để họ có bữa ăn đủ chất trong những ngày giãn cách.

Khi độc giả đọc được bài viết này cũng là lúc con cá biển, bó rau xanh từ thành phố Đà Nẵng đã đến được tay người nghèo và các bếp ăn phục vụ công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này khẳng định rằng, dịch bệnh có thể khiến giãn cách xã hội nhưng không thể ngăn cách được lòng người.

Qua tìm hiểu, được biết, trước khi những chuyến xe khởi hành, các đơn vị, mạnh thường quân đều tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho tài xế và người đi cùng. Họ cũng khẳng định sau khi trở về sẽ tiếp tục xét nghiệm và thực hiện cách ly theo quy định. Bởi theo họ, đây là việc làm cần thiết, là trách nhiệm của mỗi người với gia đình, xã hội, góp phần vào công tác phòng, chống dịch.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.