Nhọc nhằn nghề thông cống

.

Âm thầm góp một phần công sức phục vụ cuộc sống của người dân, được làm việc có ích chính là động lực để những công nhân thoát nước và xử lý nước thải gắn bó với nghề như một phần của cuộc sống, dù nghề lắm gian nan, vất vả...

Để theo dõi nguyên nhân gây nghẹt cống và xử lý điểm nghẹt, các công nhân nhiều lúc phải đưa sát mặt xuống miệng cống bất chấp mùi hôi khó chịu từ nước thải.
Để theo dõi nguyên nhân gây nghẹt cống và xử lý điểm nghẹt, các công nhân thoát nước nhiều lúc phải đưa sát mặt xuống miệng cống bất chấp mùi hôi khó chịu từ nước thải.

Túc trực 24/24 giờ trong mùa mưa bão

Chiều 8-10, ghi nhận thông tin về sự cố tắc nghẽn tại một cống thoát nước trên đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn qua địa phận phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, tổ công nhân thoát nước và xử lý nước thải phụ trách địa bàn này khẩn trương di chuyển đến hiện trường.

Dưới mưa tầm tã, anh Đào Hữu Nhật (38 tuổi), thành viên tổ xử lý cùng các đồng nghiệp nhanh chóng dùng xà beng nạy nắp cống để tìm hiểu nguyên nhân. Trên vỉa hè, miệng lưới thoát nước đã bị lấp kín bởi đất và rác đọng. Một công nhân nhận nhiệm vụ chui xuống lòng cống để khơi thông dòng nước qua cửa thoát bằng dụng cụ chuyên dụng, những người còn lại thu gom bùn đất, rác thải phủ kín miệng thoát nước. Cẩn thận hơn, họ ghé sát đầu xuống miệng cống mấp mé cách mặt người chỉ vài centimet để theo dõi sự cố. Từ lòng cống đen ngòm sâu ngang đầu người với mực nước mấp mé ngang ngực, không khó để nhận ra mùi khó chịu đặc trưng của nước đen cống ngầm xộc thẳng vào mũi, vào họng...

Không có lời than vãn hay e dè nào cất lên trong lúc ấy, chỉ có tiếng dụng cụ thông cống xua liên hồi vào cửa thoát và tiếng bì bõm của chân người dưới dòng nước đen. Sau gần 15 phút xử lý, rác đọng được thu gom, dòng nước mưa lúc này cũng chảy ào qua cửa thoát xuống cống. Tổ công nhân tạm ngừng nhiệm vụ, mặt ai cũng tái nhợt vì mưa và lạnh, họ thở phào sau lớp khẩu trang ướt đẫm, bám đầy vết đen ngòm của nước thải hòa nước mưa... 

Cách chỗ anh Đào Hữu Nhật đứng tầm 3km, một nhóm đồng nghiệp khác của anh đang khẩn trương khơi thông một hệ thống cống thoát nước trên đường Võ Chí Công (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ). Anh Bùi Sĩ Kỳ, tổ trưởng tổ thoát nước khu vực Hòa Xuân cho hay, tổ anh có 3 người với công việc chính là duy trì và quản lý hệ thống thoát nước.

“Mấy bữa nay mưa lớn, mấy miệng cống, hố thu thường xuyên bị lấp kín bởi rác, lá cây và bùn đất cuốn trôi xuống. Trên tuyến đường này có một số điểm bị tắc nghẽn trầm trọng, để nước mưa thoát nhanh đòi hỏi các tổ công nhân phải làm sạch hố thu, tuy nhiên các hố này sẽ đầy rác trở lại chỉ sau 2-3 ngày nên phải xử lý thường xuyên”, anh Kỳ cho hay.

Anh Kỳ kể, giờ làm việc hành chính của mỗi công nhân thoát nước từ 7 giờ sáng đến 17 giờ hằng ngày. Nhưng quy định là vậy, còn thực tế, cứ có sự cố, có tin báo là các tổ công nhân sẵn sàng lên đường.

“Nếu mưa lớn gây ngập úng cản trở lưu thông thì chúng tôi phải xử lý sự cố trước 6 giờ sáng và 5 giờ chiều, đó là trước thời điểm người dân đi làm và tan tầm, để họ đi lại thuận tiện hơn”, anh Kỳ nói.

Nhóm công nhân xử lý một cống nước bị rác thải và bùn đất lấp kín ở điểm ngập trên tuyến đường Võ Chí Công (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).
Nhóm công nhân xử lý một cống nước bị rác thải và bùn đất lấp kín ở điểm ngập trên tuyến đường Võ Chí Công (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).

Mùa mưa bão, tần suất làm việc của lực lượng càng dày hơn, việc bị ướt nhẹp, lạnh run từ đầu tới chân, từ sáng sớm đến khi trời tối mịt không còn là chuyện hiếm. Chỉ tay về số bùn đất, rác chất đầy trên xe rùa vừa được nạo lên từ miệng cống, anh Huỳnh Quyên, cùng tổ với anh Kỳ chia sẻ, có thời điểm vừa xử lý xong một điểm ngập, quay về đơn vị thì lại có tin báo đến từ một điểm khác. Áp lực của lực lượng là phải liên tục kiểm tra, xử lý các điểm cống thoát nước chậm, giảm khả năng ngập cục bộ khi mưa lớn trên các tuyến đường.

Anh Kỳ, anh Quyên, anh Nhật là công nhân thuộc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng. Đơn vị này hiện có hơn 100 công nhân trên toàn địa bàn thành phố, phụ trách công tác khơi thông, xử lý ở các hồ điều tiết, vận hành các trạm bơm chống ngập, chuẩn bị phương tiện hỗ trợ các địa phương bơm ngập cục bộ và túc trực 100% thời gian xử lý sự cố trong mùa mưa, bão. Mùa nắng đã vất vả, mùa mưa càng vất vả hơn khi những đợt bão, áp thấp cuối năm kéo về kèm theo mưa lớn và nguy cơ ngập úng.

Ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, trước mùa mưa bão, lực lượng công nhân làm việc tối đa công suất, túc trực 24/24 giờ cho công tác thoát nước và xử lý nước thải.

“Nghề này vất vả, là cái nghề phải ra đường làm việc, ngâm mình trong nước cống khi mưa gió, bão bùng. Chỉ có sự hăng say với công việc mới có thể gắn bó lâu dài”, ông Thành chia sẻ.

Được biết, trước mùa mưa, công nhân thoát nước tiến hành kiểm tra định kỳ các hệ thống cống khoảng 3 lần/quý để báo cáo lên công ty nếu có sự cố. Từ đây, bộ phận các đội duy tu, sửa chữa sẽ phụ trách khắc phục, còn lại công việc chính liên quan công tác thoát nước vẫn sẽ do những công nhân này đảm nhiệm.

Nhiều năm trong nghề, họ đã quen với việc chạy đôn đáo dưới trời mưa lớn để xử lý sự cố úng ngập hay ngâm mình trong làn nước thải đen và hôi thối để thông cống bị tắc nghẽn. Họ đi theo nhóm, chia mỗi người một việc, người cạy mở hố ga, người mở hố thu rồi nạo vét, khơi thông rác đọng tại khu vực hố thu để nước thoát xuống cống.

Công nhân xử lý sự cố nghẹt cống trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận Hải Châu) (ảnh trái) và làm nhiệm vụ thoát nước trên đường Võ Chí Công (quận Cẩm Lệ).                    Ảnh: XUÂN SƠN
Công nhân xử lý sự cố nghẹt cống trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận Hải Châu). 

Ngâm mình dưới lòng cống

Quẹt dòng nước mưa ướt nhòe trên mặt, anh Đào Hữu Nhật kể, gần 20 năm làm nghề, anh đã bắt gặp hàng chục, hàng trăm thứ khi ngâm mình dưới lòng cống mỗi ngày. Đó là rác thải độc hại có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe như mảnh chai vỡ, bơm kim tiêm, xác động vật chết, lưỡi dao lam rỉ sét... bị vứt xuống cống - “những thùng rác bất đắc dĩ”.

Những rác thải tiềm ẩn nhiều nguy cơ ấy trôi rải rác trong lòng cống, lòng hồ, chực chờ ập vào người, vào mặt các công nhân đang ngâm mình dưới nước. Chỉ cần một phút bất cẩn là có thể gặp tai nạn, vì thế họ phải cực kỳ cẩn trọng, dù đã quá quen với việc này. Trước đó ít phút, chúng tôi ghi nhận một xác chuột cống đang phân hủy nổi lềnh bềnh từ lòng cống mà các anh vừa chui lên.

Anh Huỳnh Quyên đưa chúng tôi xem chiếc điện thoại di động của anh được vớt lên từ lòng cống trước đó mấy phút. Mặc dù đã được bọc trong ốp chống nước trong suốt, chiếc điện thoại vẫn... ám mùi khó chịu và nhớp nháp của nước cống. Trong chiếc điện thoại di động của mình, anh Quyên cất giữ kha khá ảnh về gia đình ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - nơi mà gần 3 tháng qua anh chưa về, do ảnh hưởng của Covid-19.

Công nhân Huỳnh Quyên, Tổ thoát nước lưu vực Hòa Xuân, chui xuống hố ga ở tuyến đường Võ Chí Công để khơi thông dòng chảy.
Công nhân Huỳnh Quyên, Tổ thoát nước lưu vực Hòa Xuân, chui xuống hố ga ở tuyến đường Võ Chí Công để khơi thông dòng chảy.

Trước thời điểm Covid-19 bùng phát, mỗi ngày anh Quyên dậy từ sáng sớm để ra thành phố Đà Nẵng làm việc rồi trở về nhà khi trời khuya khoắt. Trong những ngày mưa lớn, sự cố nhiều, anh và nhiều đồng nghiệp phải ngủ lại trạm xử lý. Trong thời gian UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện chủ trương “ai ở đâu thì ở đó”, những công nhân như anh làm việc theo hình thức 3 tại chỗ.

“Những ngày dịch bệnh phức tạp, cả thành phố Đà Nẵng và thị xã Điện Bàn đều ghi nhận ca nhiễm, bản thân tôi không tránh được cảm giác nóng ruột khi vừa làm việc vừa nghĩ về vợ con ở nhà. Rất mừng là giờ dịch bệnh đã được kiểm soát, việc đi lại thông suốt và tôi đã có thể trở về với gia đình”, anh cho biết.

Cũng như bao người khác, mong ước giản đơn của mỗi công nhân sau khi cởi bỏ bộ đồ bảo hộ là sum vầy với gia đình, với mâm cơm nóng hổi và ngả lưng trên chiếc giường quen thuộc, là mỗi người dân có ý thức hơn trong việc vứt rác đúng nơi quy định...

Găng tay và ủng là trang phục bảo hộ không thể thiếu.
Đồ bảo hộ không thể thiếu của các công nhân thoát nước. 

Chiều muộn, anh Kỳ, anh Quyên, anh Nhật... hối hả thu dọn dụng cụ làm việc trước khi quay lại trạm trực xử lý. Mưa vẫn còn nặng hạt, họ thở phào nhìn dòng nước mưa thoát trơn tru qua miệng cống, mong không có thêm nhiều sự cố trong những đợt mưa bão sắp tới.

Anh Kỳ chia sẻ, những người sống nhiều năm với nghề công nhân thoát nước và xử lý nước thải đã trải qua ngâm nước cống, tiếp xúc với với đủ nguồn ô nhiễm, lăn lộn dưới mưa gió và dần quen với chúng như một phần công việc. Trên hết là công việc và với họ, âm thầm góp một phần công sức phục vụ cuộc sống của người dân, được làm việc có ích chính là động lực để gắn bó với nghề, dù nghề gian nan, vất vả.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.