Nỗi niềm... chợ

.

1. Mới 8 giờ sáng, bà Tuyết (54 tuổi, trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) đã đi chợ về. Thong thả bày đồ đạc ra bàn, bà nói với con dâu: “Chợ ế con à, má thấy toàn người bán, chẳng mấy người mua. Vừa thấy bóng má từ xa là ai cũng gọi, cũng mời, toàn người quen cả, mua của người này không lẽ từ chối người kia. Buôn bán vậy chẳng mấy chốc mà cụt vốn, nói vậy chứ hơn 2 tháng nữa là Tết tới nơi rồi”. Chuyện “chợ ế lắm, chẳng ai đi chợ” dường như trở thành câu chuyện thời sự trong bữa cơm gia đình những ngày này. Nghe mà xót xa.

Với nhiều giải pháp kích cầu đã và đang được triển khai, hy vọng các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố sớm trở lại hoạt động bình thường.  TRONG ẢNH: Người dân đi chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà) (trái) và chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang) Ảnh: Q.T
Với nhiều giải pháp kích cầu đã và đang được triển khai, hy vọng các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố sớm trở lại hoạt động bình thường. TRONG ẢNH: Người dân đi chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà). Ảnh: Q.T

Trước Covid-19, chợ là kênh mua bán chiếm tới 80% thị phần. Người dân đi chợ không chỉ để mua sắm thực phẩm, đồ dùng cho gia đình mà đó còn là thói quen, là văn hóa gốc rễ lâu đời của người Việt. Thậm chí, có người nói rằng, muốn tìm hiểu về đời sống, văn hóa và tập tục của một vùng đất, một làng quê nào đó thì cứ đến... chợ. Bởi chợ chính là biểu hiện đầy đủ nhất bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa của một vùng. Vậy mà, dịch bệnh xuất hiện, nhiều người dù không muốn cũng chẳng buồn giấu tiếng thở hắt nẫu ruột.

Ông Phạm Tấn Thành, Trưởng ban quản lý chợ quận Sơn Trà bùi ngùi nhớ lại: “Tôi về ban quản lý chợ năm 2014. Tính ra so với các quận, huyện khác, tôi quản lý số lượng chợ nhiều nhất với 7 chợ trên 7 phường. Hồi nớ chợ làm chi khang trang được như chừ. Nói đâu cho xa, như chợ Mân Thái chỉ là cái đình nhỏ, bà con tiểu thương ngồi bán túm tụm, người nhanh chân thì giành được chỗ bên trong đình, có mái che, người chậm thì ngồi ngoài, nắng mưa đổ xuống. Tôi đi khảo sát thấy chỗ bà con ngồi bán, nước cống chảy thành từng rãnh xung quanh, ruồi nhặng tụ lại từng lớp. Mình nghĩ bà con bán buôn như rứa quanh năm, không bệnh cũng thành bệnh. Trong thâm tâm tôi nghĩ, cái chợ cũng như cái nhà, có sạch, có mát thì người ta mới thích tới, chịu bỏ tiền ra mua cái này cái kia. Nghĩ vậy mà mục tiêu của tôi là làm răng huy động nguồn lực để sửa sang khang trang các chợ”.

Ông Thành nói, mấy năm trước, các chợ ở quận Sơn Trà thu thuế “được lắm”, không so được với các đơn vị sự nghiệp lớn nhưng từ nguồn đóng thuế của tiểu thương cũng góp vào ngân sách của quận, của thành phố không nhỏ. Còn chừ, thấy tiểu thương buôn bán không được, viễn cảnh trước mắt là không có kinh phí sửa chữa, nâng cấp chợ, chưa nói trả lương cho nhân viên đã chậm hơn 1 tháng. “Chưa bao giờ, chợ khó như hôm nay”, ông Thành thở dài.

2.  Khái niệm “bình thường mới” đã dần quen thuộc trong phút nhạc chờ điện thoại, qua những cuộc trò chuyện không đầu không cuối, và cả trong tính toán của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, làm sao để vực dậy hoạt động bán buôn tại chợ khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán? Trong câu chuyện của những người làm trong ban quản lý các chợ, khó khăn bủa vây. Đà Nẵng đã có quyết định hỗ trợ miễn 100% tiền thuê mặt bằng bán hàng tại chợ truyền thống cho tất cả hộ kinh doanh cố định và không cố định (hộ hàng rong) đang buôn bán nhưng tạm nghỉ do Covid-19.

Chính sách này không phân biệt ngành hàng và thực hiện trong 6 tháng, từ tháng 5 đến tháng 10-2021. Chính sách nhân văn này đã “dìu” tiểu thương qua đợt dịch dài khốn khó, tuy nhiên, thời hạn tháng 10 đã tới và bắt đầu từ tháng sau, dù muốn dù không, tiểu thương cũng phải đóng thuế môn bài cùng một số chi phí duy trì quầy, kệ, vệ sinh môi trường…

Bà Xuân, tiểu thương hàng thịt, chợ Đống Đa nói rằng, buôn bán mấy chục năm ở chợ Đống Đa, chưa bao giờ bà chứng kiến cảnh buôn bán ế ẩm như hiện nay. Đếm đi đếm lại 1 ngày không quá chục khách đến hỏi mua hàng. Trước đây, chợ Đống Đa ngoài lượng tiểu thương ở các chợ nhỏ đến lấy hàng còn có một lượng lớn khách du lịch tham quan và mua hàng.

Theo nhận định của các tiểu thương, từ khi Covid-19 xuất hiện, lượng khách mua hàng giảm 70%, thay vì không có lối chen chân như trước đây. Khách lẻ ngại mua bán vì họ đang hạn chế tiếp xúc nơi đông người nhằm phòng bệnh. Riêng lượng khách tiềm năng là tiểu thương cũng không khá hơn vì sức tiêu thụ hàng hóa quá chậm.

“Thực ra, qua đại dịch, người ta sẽ hạn chế chi tiêu chứ không phải “không chi tiêu”, nhất là với các mặt hàng thiết yếu như cơm ăn, nước uống hằng ngày thì ít nhiều cũng sẽ tiêu thụ được. Tuy nhiên, thời gian qua, cả những ngành hàng thiết yếu ở chợ cũng rơi vào cảnh ế ẩm, đìu hiu. Câu chuyện người dân mua ở chợ cóc, hàng rong bên ngoài chợ thì ai cũng biết, nhưng vẫn không giải quyết được. Chúng tôi cũng không biết phải làm sao”, bà Xuân buồn bã nói.

Một tiểu thương khác góp lời, cùng phận buôn thúng bán bưng, chúng tôi - những tiểu thương trong chợ, dù bức xúc với nạn hàng rong nhưng cũng hiểu, ai cũng vì miếng cơm manh áo mới phải “chạy đầu này, trốn đầu kia” để bán như vậy. Tôi nghĩ, thay vì ra quân theo kiểu “chuyên đề” - tuần ra vài ngày, ngày ra vài giờ để nhắc nhở xong rồi đâu lại vào đấy, chính quyền nên tuyên truyền bằng loa trước vài ngày để tạo sự đồng tình, sau đó, mời các hộ hàng rong đến ký cam kết không tái phạm, nếu còn bán sẽ phạt thật nặng. Có như vậy, mới đủ sức răn đe, mới có thể triệt để xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa những người bán với nhau.

Với nhiều giải pháp kích cầu đã và đang được triển khai, hy vọng các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố sớm trở lại hoạt động bình thường.  TRONG ẢNH: Người dân đi chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà) (trái) và chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang) Ảnh: Q.T
Với nhiều giải pháp kích cầu đã và đang được triển khai, hy vọng các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố sớm trở lại hoạt động bình thường. TRONG ẢNH: Người dân đi chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang). Ảnh: Q.T

3. Nói gì thì nói, tình cảnh khó khăn đang hiện hữu ở khắp mọi ngành nghề, lĩnh vực, ngành kinh doanh buôn bán nhỏ không ngoại lệ. Covid-19 cũng đã khiến thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi, từ trực tiếp sang trực tuyến. Một chị bạn nói với tôi rằng, mặc dù chợ đã mở hơn 2 tuần nay nhưng chị vẫn chưa đi chợ. Lý do thì nhiều. Có thể vì chợ đóng cửa quá lâu, người dân đã quen đặt hàng ở những “mối” khác.

Bây giờ, chỉ cần lên mạng, người ta có thể đặt mua từ con cá, bó rau đến hộp kem đánh răng, chai sữa tắm, vậy, hà cớ gì người ta phải đến chợ - nơi đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh? Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ khi dịch bệnh đang hiện hữu, người dân buộc phải hạn chế tiếp xúc, giao lưu. Bởi đi chợ không chỉ là việc cần món hàng gì thì ra chợ mua rồi đi về mà còn sự giao lưu, trao đổi tình cảm giữa những người đi chợ với nhau và người đi chợ với người bán hàng.

Đi chợ là thú vui, là nơi để gặp gỡ, trao đổi thông tin chứ không chỉ để phục vụ nhu cầu mua sắm đơn thuần. Văn hóa chợ được biểu hiện rõ nét nhất là lối ứng xử thân tình, bởi đi chợ phần lớn là người cùng địa phương, có thể đã quen biết nhau. Vì quen biết nên quan hệ giữa người bán và người mua rất vui vẻ, thân tình. Với một số người, chợ không chỉ đơn thuần mua bán mà còn là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm.

“Nếu không có Covid-19, chúng tôi đã có kế hoạch biến chợ An Hải Bắc thành khu chợ ẩm thực, biến chợ Phước Mỹ thành chợ đêm thu hút khách du lịch”, ông Phạm Tấn Thành nói, không giấu vẻ tiếc nuối. Có làm được không? Có vực dậy chợ truyền thống được không nếu những người trong ban quản lý chợ, chính quyền địa phương không mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý chợ hiện tại?

Đà Nẵng đã lên phương án đón khách du lịch trở lại; người dân sau một thời gian giãn cách xã hội dài ngày sẽ phát sinh nhu cầu tiêu dùng, giải trí; một số điều kiện đã được mở ra hơn nhiều so với trước, điều cần làm của chợ truyền thống bây giờ là phải làm mới mình để thích nghi, không chỉ là bày bán sẵn các mặt hàng và đợi người mua mà có thể cùng nhau tạo nên nhiều giải pháp mới.

Có thể đó là những giải pháp kích cầu trước nay ít được sử dụng ở chợ truyền thống như các sạp hàng quần áo, giày dép thời trang tại các chợ có thể học theo các chương trình kích cầu mua sắm của các trung tâm thương mại như “Mua 1 tặng 1”, “Giảm giá 50% sản phẩm thứ 2”; ngành hàng gia vị, thực phẩm khô cũng có thể thực hiện tương tự như mua đơn hàng từ 300.000 đồng trở lên sẽ được tặng thêm chai dầu ăn, chai nước mắm… Trong điều kiện khó khăn chung, những cách làm sáng tạo riêng có có thể tạo cú hích, vực dậy tinh thần của tiểu thương cũng như giúp hoạt động chợ truyền thống thêm rộn ràng khi Tết Nguyên đán đang đến rất gần.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.