Ấm lòng công nhân lao động

.

Thời điểm này, các cấp Công đoàn thành phố đang gấp rút triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho công nhân lao động, nhất là những người xa quê, gặp khó khăn do dịch bệnh, với mục tiêu mang Tết đến với mọi đoàn viên, người lao động, không để ai thiếu Tết.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Duy Minh (phải) trao quà Tết cho công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Duy Minh (phải) trao quà Tết cho công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: LAM PHƯƠNG

1. Sáng thứ Bảy, bà Lê Thị Nở (SN 1966, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) thức dậy từ sớm, đến khu trọ cạnh đó gọi người xe ôm quen nhờ chở đến Nhà Văn hóa Lao động thành phố cho kịp buổi trao quà Tết do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hải Châu tổ chức. Cầm thư mời trên tay, đôi mắt bà Nở luôn hướng về sân khấu dõi theo từng đợt nhận quà. Đến lượt mình, bà Nở hồi hộp đứng dậy, bước lên. Đón túi quà từ tay lãnh đạo LĐLĐ quận Hải Châu, bà Nở cúi đầu cảm ơn, đôi mắt nheo cười để lộ vết chân chim chằng chịt. Bà Nở quê huyện miền núi Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam). Năm ngoái chồng mất, đứa con trai duy nhất ra Đà Nẵng học nên bà cũng khăn gói theo con. Để có chi phí nuôi cho con ăn học, bà Nở xin vào làm công nhân dọn vệ sinh cho một công ty xây dựng ở quận Hải Châu. Cảm thông với hoàn cảnh của bà, chủ doanh nghiệp tạo điều kiện làm việc, trả lương 5 triệu đồng/tháng.

Từ giữa năm 2021 đến nay, tình hình dịch bệnh phức tạp, công ty tạm ngưng hoạt động vì không có khách hàng nên bà Nở cũng nghỉ việc liên miên. Có những thời điểm bà Nở cứ làm một ngày, nghỉ hai ngày nên tiền lương giảm đi một nửa. Tằn tiện lắm mới đủ chi phí ăn uống, ở trọ cho hai mẹ con. “Cứ nghĩ Tết này chắc thôi… ăn Tết. Nào ngờ được nhận quà Tết cùng 800.000 đồng tiền mặt, tôi mừng quá. Vậy là Tết này hai mẹ con tôi có bánh chưng, kẹo mứt ăn Tết rồi!”, bà Nở nói, đôi mắt lấp lánh niềm vui.

Cạnh đó, chị Hồ Thị Mỹ Linh, giáo viên Trường Mầm non ngoài công lập ABC (quận Hải Châu) cũng hân hoan hạnh phúc khi cầm trên tay túi quà Tết. Chị Linh kể, 2 năm qua dịch bệnh hoành hành, chị và những chị em khác trong trường gặp rất nhiều khó khăn. Dịch bệnh phức tạp, học sinh không đến trường đồng nghĩa các cô giáo của trường cũng thất nghiệp. Để có thu nhập trang trải phần nào chi phí, chị Linh cùng đồng nghiệp buộc phải mưu sinh bằng nhiều việc khác như: giúp việc nhà, bán hàng online, làm việc bán thời gian hay nhận dạy kèm.

“Những suất quà như thế này với chúng tôi, đó là niềm động viên, an ủi, cho chúng tôi thấy rằng mình không đơn độc”. Nói như Chủ tịch LĐLĐ quận Hải Châu Lữ Trọng Phương, Tết là dịp để tổ chức Công đoàn thêm lần nữa phát huy vai trò chăm lo đoàn viên, người lao động (NLĐ) của mình; tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn trong lòng mỗi đoàn viên, NLĐ.

2. “Tết không xa nhà” là tên gọi của chương trình giao lưu, trò chuyện giữa NLĐ với tổ chức Công đoàn được LĐLĐ thành phố tổ chức vào Chủ nhật vừa qua thêm một lần nữa mang Tết đến với công nhân lao động. Chị Cao Thị Thu Phương (quê Quảng Bình, công nhân Công ty Mabuchi Motor Đà Nẵng) kể, từ năm 2010, chị rời quê nhà, mang theo ước mơ lập nghiệp vào Đà Nẵng, xin vào làm việc tại Công ty Mabuchi Motor Đà Nẵng. Sau hơn 11 năm gắn bó với thành phố bên sông Hàn, chị có gia đình nhỏ, có công việc ổn định và xem Đà Nẵng như quê hương thứ hai của mình.

Nhắc lại năm 2021 vừa qua, giọng chị Phương chùng xuống: “Năm qua là một năm đầy khó khăn, thử thách với gia đình tôi, khi công ty phải ngừng việc gần 2 tháng để phòng, chống dịch. Vừa trở lại làm việc thì chồng tôi không may tai nạn gãy chân, nằm một chỗ. Mọi chi phí thuốc men, điều trị, sinh hoạt đều trông cậy vào đồng lương công nhân ít ỏi của tôi”. Ngại bố mẹ ở quê lo lắng, vợ chồng chị Phương giấu nhẹm mọi chuyện, tự chạy vạy trang trải.

“Cũng may chúng tôi còn có công đoàn. Trong suốt thời gian chồng tôi điều trị, công đoàn thành phố, quận Liên Chiểu và công ty luôn quan tâm hỏi han, động viên, hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất. Những món quà, những suất tiền hỗ trợ thời gian qua là sự cứu cánh với chúng tôi. Ngay cả Tết trung thu, lãnh đạo công đoàn thành phố cũng đến tận nhà trọ thăm hỏi, trao quà Trung thu để hai con tôi có niềm vui trọn vẹn. Tôi thật sự biết ơn nhiều lắm!”, chị Phương xúc động nói.

Tết này, sau nhiều ngày trăn trở, vợ chồng chị Phương quyết định ở lại Đà Nẵng đón Tết. Suốt 11 năm mưu sinh xa quê, đây là năm đầu tiên chị Phương không về quê ăn Tết vì điều kiện không cho phép. Để giúp mang Tết đến gần hơn với chị, tại buổi giao lưu, LĐLĐ thành phố thực hiện kết nối trực tiếp với quê nhà để chị Phương được gặp, trò chuyện với bố mẹ ở quê. Trong giây phút xúc động, bố mẹ chị Phương động viên con cháu ở xa, gửi gắm lời chúc sức khỏe, chúc Tết trước thềm năm mới. Đáp lại tình cảm quê nhà, chị Phương mong bố mẹ giữ sức khỏe, yên tâm vì con đã có Công đoàn chăm lo chu đáo.

“Năm nay, dù ăn Tết xa nhà nhưng tôi vẫn rất ấm lòng và hạnh phúc. Có Công đoàn, Tết xa cũng như Tết nhà. Công đoàn thực sự là mái nhà chung của công nhân lao động xa quê”, chị Phương bộc bạch.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hải Châu Lữ Trọng Phương (trái) trao quà Tết cho đoàn viên, người lao động trên địa bàn quận. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hải Châu Lữ Trọng Phương (trái) trao quà Tết cho đoàn viên, người lao động trên địa bàn quận. Ảnh: LAM PHƯƠNG

3. Nhiều năm nay, cứ vào dịp cuối năm, những chuyến xe Công đoàn do LĐLĐ thành phố tổ chức vẫn đều đặn lăn bánh đưa công nhân ngoại tỉnh về quê đón Tết. Năm nay, kinh tế khó khăn, các chuyến xe Công đoàn tăng theo số lượng đăng ký tăng của công nhân trên địa bàn. Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đinh Thị Thanh Hà, các chuyến xe Công đoàn sẽ khởi hành từ ngày 22-1 đến ngày 30-1-2022 (nhằm ngày 20-12 đến 28-12 âm lịch) để đưa hơn 2.000 công nhân lao động và người thân về quê sum họp.

Các chuyến xe sẽ khởi hành tại 4 địa điểm gồm: Trung tâm Văn hóa Thể thao công nhân (đường số 2, khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh); Khu nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm (đường số 3, KCN Hòa Cầm); công viên trước Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu (đường Nguyễn Sinh Sắc) và KCN Đà Nẵng (quận Sơn Trà). Điểm đến xa nhất ở phía Bắc là tỉnh Thanh Hóa, ở phía Nam là tỉnh Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên là thành phố Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Cũng theo bà Hà, để bảo đảm an toàn dịch bệnh, công nhân được yêu cầu khai báo y tế trên các ứng dụng trước khi khởi hành 1 ngày; đồng thời được lấy mẫu test nhanh Covid-19 trước khi lên xe.

Trong suốt chuyến đi, công nhân phải thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế trò chuyện. Sau khi về đến nơi cư trú, công nhân phải chủ động thông báo với chính quyền địa phương; tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc cách ly theo quy định của từng địa phương.

Anh Ngô Gia Hưng (quê huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), công nhân Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (KCN Hòa Khánh) là một trong những người đầu tiên đăng ký chuyến xe Công đoàn. Suốt 3 năm nay, anh Hưng luôn chọn chuyến xe Công đoàn để đồng hành trên chặng đường về quê ăn Tết. “Đi xe công đoàn vừa an toàn, thoải mái lại không lo chen lấn, xô đẩy hay bị lấy giá cao những ngày cận Tết. Vừa tiết kiệm được gần 500.000 đồng tiền vé xe, lại được tặng bánh chưng, có nước uống trong suốt hành trình nên tôi rất yên tâm”, anh Hưng chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Nga (quê tỉnh Khánh Hòa), công nhân Công ty CP Sản xuất - Thương mại Hữu Nghị cũng chọn chuyến xe công đoàn để về quê ăn Tết. Theo chị Nga, năm nay dịch bệnh phức tạp, chị không yên tâm cho hai con nhỏ đi xe khách đường dài. “Tôi nghe thông tin tất cả công nhân đi chuyến xe công đoàn năm nay đều được test Covid-19 trước khi lên xe nên rất yên tâm. Hai con tôi còn nhỏ, sức đề kháng yếu nên khi đăng ký được chuyến xe công đoàn tôi mừng lắm!”, chị Nga tâm sự.

4. Với những công nhân lao động không về quê ăn Tết, ngay từ sớm, Công đoàn các cấp đã nắm danh sách, chuẩn bị chu đáo kế hoạch tổ chức đi thăm Tết. Theo Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Duy Minh, dự báo năm nay số lượng NLĐ không về quê ăn Tết tăng cao, thành phố đã chỉ đạo Công đoàn các cấp thường xuyên rà soát, nắm tình hình, cập nhập số lượng công nhân lao động ở lại Tết để có kế hoạch chăm lo chu đáo.

Tính đến thời điểm này, có khoảng 2.000 NLĐ đăng ký ở lại ăn Tết. Hầu hết NLĐ sống tại 52 tổ công nhân tự quản khu nhà trọ và Nhà ở Công nhân KCN Hòa Cầm. Công đoàn các cấp thành phố đang tổ chức các buổi đi thăm, tặng quà động viên tinh thần những công nhân ăn Tết xa quê. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho công nhân lao động được mua sắm Tết với giá ưu đãi, các cấp công đoàn thành phố đang tích cực vận động, tổ chức các “Phiên chợ Tết Công nhân” tại 3 địa điểm, phục vụ nhu cầu mua sắm của NLĐ.

Song song các hoạt động chăm lo Tết của Công đoàn các cấp, nhiều tổ trưởng tổ công nhân tự quản khu nhà trọ cũng tổ chức những bữa cơm tất niên, tổ chức gói bánh chưng, bánh tét tại khu nhà trọ để mang lại niềm vui đoàn viên, ấm lòng cho những người con xa quê trong thời khắc cuối năm.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.