Những đôi tay "có mắt"

.

“Chắc chắn sẽ không ai muốn mình rơi vào cảnh mù lòa, sống trong bóng tối đến cuối đời, nhưng thay vì buồn thương, oán trách số phận thì những người khiếm thị chúng tôi đã tự mình vươn lên đi tìm nguồn sáng cho chính mình”.

Các kỹ thuật viên massage Hội Người mù quận Liên Chiểu. Ảnh: N.H
Các kỹ thuật viên massage Hội Người mù quận Liên Chiểu. Ảnh: N.H

Đó là lời tâm sự đầy tự tin của anh Huỳnh Văn Long, kỹ thuật viên (KTV) tại cơ sở massage khiếm thị Hội Người mù quận Ngũ Hành Sơn, cũng là tâm tư của hầu hết những người cùng cảnh ngộ như anh đang bươn chải kiếm sống.

Những mảnh đời khiếm khuyết

Không ngờ những cơn mưa gió thất thường của đất trời khiến cơ thể già cỗi trở nên rệu rã lại là cơ duyên để chúng tôi biết đến câu chuyện cảm động của những cảnh đời thiếu may mắn làm nghề massage khiếm thị tại cơ sở Hội Người mù quận Ngũ Hành Sơn. Để rồi, tất cả như phù sa, bồi đắp mỗi ngày một ít để rồi tạo nên một cù lao giữa sóng gió cuộc đời. “Lúc tròn 5 tuổi, cơn sốt do bệnh sởi đã cướp đi vĩnh viễn ánh sáng đôi mắt”, anh Huỳnh Văn Long (50 tuổi) nói về nguồn cơn tạo nên nỗi bất hạnh của mình.

Hồi đó, ở nông thôn người dân không chỉ nghèo mà còn “đói” kiến thức. Trẻ con lên sởi cha mẹ thường không đưa đi trạm xá mà tự chữa tại nhà bằng các loại lá cây quanh vườn. Thế là cuộc đời cậu bé Long hồn nhiên bị nhấn chìm trong bóng tối. Những ký ức về làng quê, gia đình cứ mờ dần, mờ dần rồi mất hẳn sau mấy mươi năm. Anh giờ bóng tối đặc sệt vây quanh, hình ảnh đàn bò vàng trên cánh đồng lúa xanh ngày xưa chỉ còn là tia sáng le lói cuối đường hầm, thế nhưng anh Long lại nhớ vanh vách tên các huyệt đạo trên bàn chân của khách. Buồn nhất là lúc đón đứa con đầu lòng ra đời, anh không thể nhìn thấy con bằng đôi mắt mà hình dung khuôn mặt của con qua “cái nhìn” bằng đôi bàn tay.

Cùng hoàn cảnh như anh Long, chị Huỳnh Thị Bé (52 tuổi), ở khối phố Đông Trà, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, cũng là nạn nhân của căn bệnh sởi. Sau cơn bạo bệnh, một con mắt chị kéo mây lờ mờ. Cha chị sợ con gái sau chịu thiệt thòi về đường tình duyên, nghe lời người ta mách bảo, lặn lội lên nguồn mua mật gấu về nhỏ mắt với kỳ vọng tìm lại cho con đôi mắt sáng trong nguyên thủy. Sáng mắt đâu chưa thấy, chỉ thấy con mắt còn lại cùng mờ luôn. Chị nói, cho đến bây giờ vẫn nhớ như in cái cảm giác hãi hùng như có ai đổ lửa vào hai hốc mắt. Tương lai của chị từ đó cũng mờ mịt theo! Có điều, chị vẫn còn may mắn hơn so với nhiều người khiếm thị khác, mắt vẫn lờ mờ thấy được, dù như ô cửa sổ phủ mờ hơi sương…

Nghề sáng cho người “tối”

Hơn 10 năm trước, chúng ta vẫn quen nhìn thấy cảnh những người khiếm thị mưu sinh trên đường phố bằng việc bán tăm tre, chổi đót… Họ vừa là nhà sản xuất kiêm nhân viên phân phối và bán dạo. Hình ảnh người khiếm thị dắt tay nhau đi, chiếc kính đen và chiếc gậy dò đường, tiếng rao lạc giữa phố xá đông người khiến không ít người thương cảm mà mua giúp.

Chị Đinh Thị Ni Na (47 tuổi), bị mù từ khi còn tấm bé, hiện trú ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, một thời gian dài dầm mưa, dãi nắng bán chổi đót dạo. Phần thấy chị quá cực, phần thực hiện chủ trương của thành phố về xóa bỏ hình thức chèo kéo, buôn bán hàng rong, buôn bán dạo, Hội Người mù quận Liên Chiểu đã gọi chị về dạy nghề và giải quyết việc làm tại cơ sở massage của Hội trên đường Ngô Chân Lưu. Chị có một con trai, đến độ tuổi 20, cháu âm thầm đăng ký nghĩa vụ quân sự. Cho đến khi có thông báo trúng tuyển chị mới hay. Nhưng vì tôn trọng quyền và ước muốn của con nên chị đã kìm nén nỗi buồn đơn côi để tiễn con lên đường. Vì không có bà con thân thuộc nên chị xem Hội như là nhà mình, và rất tâm huyết với nghề.

Chị Phạm Thị Liệu, “đồng nghiệp” với chị Ni Na, cũng có một cảnh đời éo le. Nhiều người không khỏi chạnh lòng khi thấy người mẹ đơn thân 67 tuổi này vẫn làm việc chăm chỉ để nuôi đứa con trai bị tai nạn giao thông nằm liệt giường. 8 năm trước, khi bác sĩ bảo chị đưa con về, nói là không qua khỏi được, với tấm lòng người mẹ, chị không chấp nhận thực tế đau buồn đó và tiếp tục chạy chữa. Đến giờ thì con chị đã ngồi dậy và nói được. Ngày ngày, bàn tay gầy gò của chị vẫn miệt mài xoa bóp, bấm huyệt theo yêu cầu của khách. Chị chia sẻ: “Nếu không làm thì lấy gì phụ giúp con dâu nuôi con trai mình?!”. Tuy nhiên, Hội cũng đã dự tính, khi chị không còn đủ sức để làm KTV thì sẽ chuyển chị sang làm công tác phục vụ như dọn dẹp phòng ốc... để tạo thu nhập cho chị.

Những cảnh đời bất hạnh nay đã khác rồi. Người khiếm thị ở các quận, huyện của thành phố đã được tạo điều kiện học nghề massage truyền thống (xoa bóp và bấm huyệt) để mưu sinh. Nhiều cơ sở massage khiếm thị ra đời như một nét vẽ mới trong bức tranh ngành nghề của người lao động.

Chị Huỳnh Thị Nhật, Chủ tịch Hội Người mù quận Liên Chiểu, thông báo một tin vui: “Gần đây Quỹ Abilis Phần Lan tại Việt Nam đã tài trợ cho Quận Hội 3 dự án về dạy nghề, nâng cao năng lực cho người mù với kinh phí trên 204 triệu đồng. Anh chị em KTV tại cơ sở được học thêm nghề massage dầu Thụy Điển, học kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Massage dầu là sử dụng dầu trơn tác động trên toàn thân rất công phu, kết hợp với tắm nóng để tăng hiệu quả. Đầu năm 2022 kỹ thuật mới này đã được triển khai, góp phần làm đa dạng nghề, thu hút khách”.

Không thôi khát vọng vươn lên

Khách đến các cơ sở massage khiếm thị đa số là người lao động hoặc có bệnh xương khớp, rối loạn tiền đình. Thu nhập của các KTV khiếm thị đều dựa vào nguồn thu từ khách. Họ được hưởng 50% từ mỗi phiếu (vé) bán cho khách. Nếu ai có tay nghề yếu thì sẽ ít được khách yêu cầu, dẫn đến nguồn thu mỗi tháng sẽ ít đi. Vì vậy, mỗi KTV đều có “sở trường” riêng để khách nhớ mà tìm đến.

Hai năm Covid-19 xuất hiện, gần như tròm trèm hơn một năm các cơ sở massage phải đóng cửa. Những đồng tiền dành dụm để phòng lúc ốm đau được đem ra tiêu dần. Trong thời gian “ai ở đâu thì ở đó” vì dịch, các Quận Hội trợ cấp cho người lao động bằng nguồn tích lũy, vận động Mặt trận quyên góp nhu yếu phẩm và cử cán bộ chở đến các chốt chặn để cấp phát cho hội viên.

Sau Tết Nhâm Dần, nghe tin cơ sở được mở lại, anh chị em KTV mừng muốn rớt nước mắt. Mà sao không vui cho được khi cả nguồn sống của gia đình đều dựa vào đôi tay “có mắt” của họ. Dù sau mỗi ngày đông khách, đôi tay họ gần như rã rời. “Mệt nhưng có đồng ra đồng vô là vui rồi”. Chị Bé vừa cười vừa nói, trong khi đôi tay vẫn thuần thục giác hơi cho khách. Cũng theo chị Bé, dù quy định thời gian làm là 60 phút, nhưng đôi khi các KTV cũng linh động xoa bóp thêm cho khách bớt đau nhức, mệt mỏi.

Với mọi ngành nghề, bên cạnh niềm vui, luôn song hành những nỗi niềm. Với nghề massage khiếm thị cũng vậy. Ngoài thiệt thòi không nhìn thấy ánh sáng, massage khiếm thị cũng là một nghề dịch vụ phải làm dâu trăm họ đòi hỏi các KTV khiếm thị phải vừa giỏi nghề, vừa linh hoạt khéo léo trong ứng xử với những vị khách khó tính hoặc thô lỗ. Những lúc như thế, KTV phải luôn giữ bình tĩnh, nhẹ nhàng hướng dẫn khách thực hiện đúng quy định của cơ sở. Từ cách ứng xử tinh tế này, nhiều người đã quay lại và trở thành khách hàng thân thiết…

Chiều xuống, trời bên ngoài se lạnh. Chúng tôi ra về, lòng không thôi về hành trình đầy nghị lực của những người dò dẫm vượt qua bóng tối đời mình bằng đôi tay. Một ngành nghề phù hợp, mang lại thu nhập ổn định là vô cùng cần thiết và nhân văn đối với người khiếm thị, người khuyết tật nói chung. Nhìn những KTV massage khiếm thị hăng say, đầy hy vọng với nghề, chúng tôi nhận ra rằng, đó không chỉ câu chuyện mưu sinh đơn thuần mà còn là điểm tựa tinh thần giúp họ vượt qua nghịch cảnh và không thôi khát vọng vươn lên. Nghề nào cũng đáng được tôn trọng, chỉ mong xã hội công nhận những đóng góp đầy tâm huyết của người khiếm thị và có thể tạo thêm những điều kiện thuận lợi để họ tìm thấy nguồn sáng ấm áp trong tim…

N.H

;
;
.
.
.
.
.