Người kể chuyện làng ở Cấm Lớn

.

Cơn mưa giông giữa tháng 5 bất ngờ đổ xuống cánh đồng vừa gặt làm dịu đi phần nào cái nắng hè đổ lửa. Con đường về làng Châu Bí (cũ) nay là thôn Châu Sơn 1, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nồng nàn mùi đất cày mới vỡ.

Ông Nguyễn Văn Đài (bên trái) bên gốc Lim cổ thụ (làng Châu Bí (cũ) nay là thôn Châu Sơn 1, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) từng là “chòi gác” của du kích ngày xưa.
Ông Nguyễn Văn Đài (bên trái) bên gốc Lim cổ thụ (làng Châu Bí (cũ) nay là thôn Châu Sơn 1, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) từng là “chòi gác” của du kích ngày xưa. Ảnh: H.N

1. Gió thổi từ con sông Yên mang theo hơi thở của rong rêu đi qua các cánh đồng mang những cái tên ghi dấu một thời khai hoang lập ấp. Đây là Đồng Tháp, nơi xưa từng có 3 tháp Chăm cổ. Kia là Đồng Đình, nghe nói mấy trăm năm trước, khi người dân đến khai hoang thì nơi này vốn là một rừng Đùng đình mọc ngút ngàn. Đồng Nổ từng là xứ sở của cây Nổ sinh sôi, sau này khi người các nơi đến sinh sống lại có tên là Xóm Nổ. Riêng Đồng Dương là nơi từng có những đàn Sơn dương nhởn nhơ gặm cỏ…

Ông Nguyễn Văn Đài, năm nay 94 tuổi, không chỉ là bậc cao niên trọng vọng mà còn được xem là người thuộc nằm lòng chuyện làng, chuyện xã. Được biết, căn nhà gia đình ông đang ở hiện nay được xây dựng trên mảnh đất sát bìa Cấm Lớn, từng có 5 thế hệ nối tiếp nhau sinh sống. Chẳng biết là lâu lắm rồi mới có dịp nói chuyện xưa hay là vì thấy khách lắng nghe một cách chăm chú mà ông nói cười rôm rả không biết mệt.

Ông kể, làng Châu Bí có 4 cái cấm (rừng): Cấm Lớn, Cấm Sợi Mây, Cấm Họ, Cấm Đồi Mồi (gọi thế, vì cạnh bàu nước từng có Đồi mồi sinh sống). Hồi xưa, vua quan có luật nghiêm cấm phá rừng. Dân chỉ được vào rừng lượm củi khô. Ai chặt cây phá rừng sẽ bị phạt tiền, nặng là phạt tù. Cấm Lớn rộng nhất, có nhiều cây cổ thụ. Mỗi khi gió bão, Cấm Lớn như người khổng lồ, ưỡn tấm ngực to lớn che chắn cho dân làng…

Qua câu chuyện của ông, chúng tôi hình dung trong quá khứ, Cấm Lớn làng Châu Bí xưa là một quả đồi cây cối rậm rạp, có độ cao 42m so với mặt nước biển, nằm phía tây núi Bồ Bồ. Tương truyền dưới thời Tây Sơn, dựa vào lợi thế địa hình nơi này, nghĩa quân đã tổ chức luyện tập binh mã tại đây. Đây cũng là nơi Nghĩa hội Quảng Nam dấy nghĩa (1885-1888), một cánh quân của Nguyễn Duy Hiệu đã lấy Cấm Lớn làm đất đứng chân. Năm 1916, hưởng ứng hiệu triệu của Việt Nam Quang Phục Hội do Thái Phiên, Trần Cao Vân khởi xướng, Nghĩa quân làng Châu Bí do Chánh lãnh binh Nguyễn Phổ và Phó lãnh binh Hồ Ngôn đã lập căn cứ tại Cấm Lớn.

Kể đến đây, ông Đài đầy tự hào khoe rằng: “Ông Nguyễn Phổ còn gọi là ông Diên Phổ, chính là cụ nội của tôi. Nghe cha tôi kể lại, hồi đó Nghĩa quân đêm đêm đốt đuốc luyện quân ở đình Châu Bí dưới chân Cấm Lớn để chuẩn bị khởi nghĩa. Khí thế hừng hực lắm!”.

2. Cấm Lớn bây giờ không còn rộng lớn như xưa. Thời gian và chiến tranh đã bào mòn và tàn phá khiến rừng xưa chỉ còn lưa thưa những cây hoang dại. Ông Đài dẫn chúng tôi leo lên con dốc nhỏ sau nhà, chỉ vào cây Lim xanh cụt ngọn hơn 100 năm tuổi đứng đơn côi, mặc cho những dây trầu leo quanh phủ kín. Ông bảo, trước đây cây Lim này cao lắm, tán lá um tùm mọc cạnh miếu Bà Chúa Ngọc, một ngôi miếu cổ phía sau nhà ông.

Đây cũng là nơi có nhiều hầm bí mật dùng để các cán bộ Tỉnh ủy Quảng Nam, Huyện ủy Điện Bàn hội họp. Mỗi lần cấp trên về họp, du kích leo lên ngọn Lim cảnh giới. Do mọc trên đồi cao, nên ngọn Lim như một chòi gác có thể nhìn bao quát cả cánh đồng và ra tận ngã ba sông, nơi giao nhau giữa sông Bình Phước chảy về Vĩnh Điện và sông Yên chảy về Hòa Vang, Đà Nẵng.

“Hồi 1966, có một bận, giặc phát hiện tín hiệu móc-xơ do cơ yếu của ta phát ra từ miếu Bà, kêu máy bay Mỹ ném hàng chục quả bom xuống Cấm Lớn. Vậy mà cây Lim và miếu Bà vẫn không hề suy chuyển. Mấy năm gần đây, do cây già, bão lớn làm gãy ngang thân cây, giờ chỉ còn cái gốc vẫn bám sâu vào đất…”, giọng ông Đài chùng xuống như một nốt trầm đầy tiếc nuối.

Ngôi miếu Bà linh thiêng ngày xưa cũng không là ngoại lệ. Qua bao thăng trầm, miếu gần như đã sụp hoàn toàn. Đối với ông Đài và người dân Châu Sơn 1 thì miếu Bà không chỉ là nơi thờ tự mà còn là một ký ức hào hùng của quê hương. Vì vậy, ông đại diện bà con đứng ra kêu gọi những người con của các đồng đội cũ, những người đã từng có thời gian hoạt động cách mạng và nằm hầm bí mật tại đây để xây dựng lại miếu Bà với một nỗi lòng đau đáu: “Phải phục dựng lại miếu Bà, không chỉ để thờ tự mà còn để cho con cháu đời sau biết về lịch sử anh hùng của ông cha…”.

Tiếng sấm ì ầm từ mặt sông vọng về nghe chừng bức bối. Tự dưng cả mấy người chúng tôi cùng yên lặng nhìn ra ngoài trời. Bất chợt ông Đài đứng dậy với tay lấy tấm ảnh đã ố vàng treo trên bức tường trước mặt. Ông thận trọng lấy khăn phủi đi lớp bụi bám bên ngoài, thầm thì như nói với chính mình: “Đây là bức ảnh 9 đồng chí trong Phủ ủy lâm thời Điện Bàn năm 1945. Tất cả đều là người Điện Tiến”. Hồi kháng chiến, không có điều kiện chụp ảnh. Đến 1980, sau ngày thống nhất đất nước, mỗi người công tác mỗi nơi. Ông Đài đã lặn lội đi tìm, xin mỗi người một tấm ảnh rồi ghép lại thành bức hình chung để ghi nhớ một thời khó thể nào quên.

Dấu tích miệng hầm bí mật bên gốc Lim cổ thụ. Ảnh: N.H
Dấu tích miệng hầm bí mật bên gốc Lim cổ thụ. Ảnh: N.H

3. Khi được biết chúng tôi là người chắp bút viết về Đại tá Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Phước Ngôn trong cuốn sách “B1 Hồng Phước - Một thời nhớ mãi” do Quận ủy - UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng tổ chức tháng 3-2015, ông Đài xiết đỗi vui mừng như vừa gặp lại bạn cũ.

Nhấp chén trà, ông cười ha hả, nói thời chiến đấu giờ chỉ còn mỗi ông bạn già “gân” này. “Chu choa, lão Ngôn hồi trai đánh giặc gân lắm! Hồi cùng công tác ở cánh Bắc Hòa Vang, lão là Đại đội trưởng Đại đội Đặc công, tui là K trưởng K700 phụ trách lương thực. Có lần ban đêm tụi tui gồm 3 người xuống đánh khu Dồn (dồn dân) ở Thanh Vinh, Hòa Khánh… Lựa lúc về khuya, cả bọn ném bộc phá rồi hô xung phong vang rền. Bị đánh bất ngờ, lính canh bên trong hoảng hốt bỏ chạy.

Lão Ngôn cầm súng AK nhảy vào công sự bắt bọn lính mở máy truyền tin, tui tranh thủ tuyên truyền, vận động về đường lối của cách mạng. Cậu lính đặc công đi theo lão Ngôn gom hết đám vợ lính lại, bắt nấu nước cho bộ đội uống. Được thùng nào là cậu gánh ngay ra ngoài xa và... đổ ra đất. Đám vợ lính lo sốt vó, nói với nhau là bộ đội về khi mô mà đông dữ, uống cả chục thùng nước! Đó là kế nghi binh để trấn áp tinh thần giặc. Chớ làm chi có bộ đội về. Sau đó tụi tui rút quân, thu súng chiến lợi phẩm mang về cứ!”.

Người dân thôn Châu Sơn 1, vẫn yêu mến gọi ông Đài là người kể chuyện của làng quê bởi cuộc đời ông không chỉ gắn bó mà còn hiểu rõ từng gốc lúa, bờ cau, từng con người đã ngã xuống vì quê hương xứ sở. 18 tuổi cơm đùm cơm gói theo cách mạng cho đến ngày giải phóng đất nước, hầu hết thời gian ông đều được công tác và chiến đấu tại quê nhà. Giờ đây những người đồng đội của ông đã không hẹn mà gặp nhau bên kia thế giới, chỉ còn lại riêng ông, đêm đêm sống với quá khứ hào hùng. Chỉ cần có người khơi lại, ký ức một thời kháng chiến trong ông như một cuộn phim được quay trở lại.

Anh Lê Văn Tài, cán bộ phụ trách văn hóa xã Điện Tiến, người đưa chúng tôi đến nhà ông Đài hôm đó cho biết thêm: “Mỗi khi đến ngày lễ lớn, các lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng hay sinh hoạt chủ đề... địa phương đều mời cụ đến nói chuyện cho cán bộ, đảng viên, thanh niên hiểu thêm về truyền thống anh hùng của xã nhà”.

Cả một đời theo Đảng, những kỷ vật của một thời đánh giặc ông cất giữ cẩn thận như chiếc võng may bằng vải Triều Tiên hồi kháng Mỹ, cây súng Ru-lô ông tịch thu khi bắt được cảnh sát trưởng Nam Ô vào mùa xuân 1968… tất cả đều được ông trao tặng cho Bảo tàng Quảng Nam vào cuối năm 2020. Bây giờ xấp xỉ tuổi trăm, ông không giữ gì lại cho mình ngoài chiếc Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, mấy tấm hình chụp với đồng đội cũ và “danh hiệu” Người kể chuyện làng do người dân Châu Sơn 1 yêu mến trao tặng...

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.