Bình yên cho những chuyến tàu

.

Dù nắng nóng, mưa dầm hay bão lớn, họ vẫn không rời vị trí đã được giao phó, ngày đêm canh giữ sự bình yên cho những chuyến tàu ngược xuôi trên những nẻo đường xuyên qua thành phố.

Niềm vui của các nhân viên Trạm gác chắn Hòa Tiến sau mỗi chuyến tàu bình yên đi qua.
Niềm vui của các nhân viên Trạm gác chắn Hòa Tiến sau mỗi chuyến tàu bình yên đi qua. ẢNH: V.T.L

1. Cơn mưa giông chiều bất ngờ đổ ập xuống. Có tiếng chuông reo báo tàu lửa sắp qua. Ba nhân viên trực ở Trạm gác chắn Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) mỗi người một việc, đội mưa làm nhiệm vụ. Bốn ba-ri-e tự động như 4 cánh tay khổng lồ từ từ vươn ra chắn lối đi trên hai làn đường ngang trong tiếng chuông điện réo gọi liên hồi. Tiếng còi tàu lớn dần, lớn dần cùng với chiếc đầu máy mang logo Đường sắt Việt Nam kéo theo những toa tàu trĩu nặng hàng hóa băng qua như một mũi tên. Loáng một cái, các cánh tay khổng lồ lại quay về chỗ cũ, trả lại không gian thoáng rộng cho các loại xe cộ xuôi ngược trên đường.

Trạm gác chắn Hòa Tiến đặt tại Km804+614,32 nằm trên đường vành đai phía nam, cách không xa đường ĐT605, có tuổi đời “trẻ” nhất, mới được Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập năm 2019 - ngay trước khi tuyến đường vành đai phía nam Đà Nẵng chính thức thông xe. Hôm đó là phiên trực của 3 cô gái chưa bước qua tuổi 30, tuy họ đến từ 3 làng quê khác nhau nhưng lại giống nhau ở nụ cười luôn nở trên môi.

Cô Bùi Thị Kiều Trang tốt nghiệp Trường Cao đẳng Đường sắt Đà Nẵng, năm 2013 từ quê nhà Điện Tiến, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), ra ở trọ làm nhân viên Trạm gác chắn trên đường Nguyễn Sinh Sắc, quận Liên Chiểu. Sau nhờ lấy chồng mà cô được chuyển về Trạm gác chắn Hòa Tiến, nơi cách nhà cô chỉ 10 phút chạy xe máy. Cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều, nhất là sau khi cô có con.

Hai người còn lại là Nguyễn Thị Ngọc, quê làng trồng hoa Dương Sơn, xã Hòa Châu, nhà cách trạm chỉ mấy trăm mét và Nguyễn Thị Anh Cúc, quê làng dệt chiếu Cẩm Nê, xã Hòa Tiến. Các cô bước ra từ ruộng đồng, rời tập vở là tiếp cận ngay với tiếng chuông báo, ánh đèn tín hiệu, tiếng bánh xe tàu lửa xình xịch với bao buồn vui quanh năm suốt tháng. Trực xong một ca 12 giờ, các cô được nghỉ 24 giờ.

Trong mỗi ca ngày, từ 7giờ đến 17giờ 30, có khoảng 20 chuyến tàu qua trạm, ban đêm thì ít đi một nửa.
Nhân viên trạm toàn con gái, mỗi người một gia cảnh, thương yêu, đùm bọc nhau như người một nhà. Thỉnh thoảng nếu có người ốm, các cô phải “kéo ban” (cách các cô gọi việc tăng ca) đến 24 tiếng và chỉ nghỉ 12 tiếng. Ngày thường, “xuống ca” xong là các cô tranh thủ làm thêm mấy việc phù hợp với mình để bù vào những khoảng trống mà thu nhập của nghề không đắp đổi được trong cuộc sống.

2. Gần 10 năm rồi nhưng người dân quận Liên Chiểu không khỏi bàng hoàng mỗi khi nhắc đến tai nạn thương tâm xảy ra vào ngày 8-9-2013 tại điểm giao giữa đường sắt và đoạn đường từ đường Nguyễn Lương Bằng vào Ban Chỉ huy Quân sự quận. Chiều hôm đó, một chiếc ô-tô từ bên trong chạy ra, do khuất tầm nhìn nên tài xế không nhận biết có tàu lửa đang đến nên cứ đi thẳng. Kết cục, ô-tô lăn mấy vòng, một người chết, một người bị thương nặng.

Ông Đặng Hòa (còn gọi là Duy) nhà cách nơi xảy ra tai nạn chỉ tầm 50m, nhớ lại: 5 ngày sau tai nạn, Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố và quận Liên Chiểu đã tức tốc cho thành lập Trạm gác chắn đường vào Ban Chỉ huy Quân sự quận Liên Chiểu, tại Km781+550, do ông và một người nữa trực tiếp canh gác. Đây là nơi có lưu lượng xe tải ra vào thường xuyên, hai người làm không xuể, sau phải xin tiếp 2 người nữa. Đến nay trạm có “biên chế” 5 người.

Ông Hòa cười: “Biên chế” là nói cho vui chứ tất cả đều là người địa phương, làm công việc gác chắn tàu đường dân sinh và hưởng lương cơ bản 3,725 triệu đồng/người/tháng từ kinh phí Ban ATGT thành phố và quận Liên Chiểu. Lễ lạt, Tết nhứt mỗi người được hai đơn vị này tặng quà trị giá khoảng một tháng lương nữa.

Lúc mới thành lập trạm, ông và đồng nghiệp chỉ biết ra đứng chờ chứ không biết giờ giấc tàu tới và tới từ hướng nào. Đến cuối năm 2014 ngành đường sắt cử người đến trạm lắp chuông báo tàu vào, ra. Thế nhưng nhiều lần mấy bà đi chở cám heo không biết đầu óc nghĩ ngợi chi mà mặc kệ chuông reo, cứ tông xe cái rầm vô ba-ri-e. Mấy ông tưng tưng quá chén thì chạy xe máy như đi đua, chuông réo liên hồi mà vẫn cắm đầu rú thẳng ga, tông cái rầm làm cong gác chắn, đầu xe bể nát, may mà người không hề hấn gì. Ba năm nay, từ khi lắp đặt hệ thống tự động gồm chuông, đèn tín hiệu và chắn tự động thì mọi việc mới đâu vào đó.

Ông Bùi Thêm là người gác chắn tàu cao niên nhất hiện nay trên địa bàn quận Liên Chiểu. Ảnh: V.T.L
Ông Bùi Thêm là người gác chắn tàu cao niên nhất hiện nay trên địa bàn quận Liên Chiểu. Ảnh: V.T.L

3. Theo chị Nguyễn Thị Mai, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị phụ trách ATGT quận Liên Chiểu, trên địa bàn quận hiện có 6 trạm gác chắn lối đi dân sinh với 20 người làm “nghề” gác chắn đường tàu, trong đó, ông Bùi Thêm cao tuổi nhất với 70 tuổi. Nhà ở ven biển phường Hòa Hiệp Nam, ông từng sớm chiều đi biển đánh bắt cá.

Sau, phần vì biển dã ngày một ít hiệu quả, phần sức khỏe không được như xưa, 6 năm nay ông trở thành “nhân viên” của Trạm gác chắn bến Bà Tân phía nam cầu Nam Ô. Trạm đặt trên đầu dốc, các loại xe cộ qua lại nếu không quan sát dễ bị đâm xe xuống quốc lộ, dễ gây tai nạn.

Thả cái ống nghe điện thoại xuống, ông nói cái “nhà” của trạm trước đây quá thấp, đứng giơ tay là chạm nóc. Nắng nóng lỗ đầu. Mưa ướt tèm nhem. Hơn năm nay, từ ngân sách của Ban ATGT thành phố cấp về qua Ban ATGT quận Liên Chiểu, tất cả đã được cải thiện khá nhiều. Đêm có điện chiếu sáng, ngày thì xin điện nhà dân gần đó để chạy quạt máy, mỗi tháng mấy anh em ở trạm góp trả 100.000 đồng. Cơm nước thì người nhà mang tới. Nằm gần biển, không xa chân núi Hải Vân nên bão đến là ai nấy lo mua dây thép về chằng chống để giữ cái trạm nhỏ như hộp diêm vẫn y nguyên sau bão.

Công việc tuy không nặng nhọc nhưng rất nhiều áp lực. Ông Thêm giọng trầm buồn: “Trên không cho ô-tô qua đường ngang, có gắn biển cấm rõ ràng. Anh em trực trạm làm theo nhưng lại bị cánh tài xế gây sự. Nhiều người sửng cồ lớn tiếng: “Thằng nào không cho qua? Văn bản nào quy định?”. Bữa nọ có chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng chạy tới đầu dốc, ông đóng cổng nhất quyết không cho qua. Ông giải thích: Chở vật liệu xây dựng nếu lên trên dốc lỡ chết máy, kẹt xe, có tàu qua gây tai nạn thì tụi tui phải đi tù”. Tài xế xắn tay áo, chống nạnh, lên giọng gây sự. Ông nghĩ, dù chi thì tất cả cũng là người ở cùng làng cùng xóm, có gây sự thì con cháu ông cũng đứng ra gánh, mất tình làng nghĩa xóm. Nên lờ đi cho nó… lành!

Mà cũng lạ, ngồi sau vô lăng là phải biết Luật Giao thông đường bộ, sao lại có thứ tài xế vô tư chạy xe vô đường có treo biển báo cấm ô-tô các loại? Trong khoảng gần 1 giờ ngồi chuyện trò với ông Thêm ở trạm đã có đến 2 ô-tô - một chiếc 4 chỗ, một chiếc bán tải băng qua đường ngang nhỏ hẹp này, rất nguy hiểm. Thiết nghĩ, chỉ cần thu hẹp cổng qua đường ngang chừng 30cm thì các loại ô tô không thể “chui lọt” và không phải lo lắng cho sự bình yên cho những con tàu.

Ông Thêm kể, từng có một cậu 25 tuổi thay cha đã mất ra đứng gác chắn, đâu được vài tháng là xin nghỉ. Thu nhập thấp mà áp lực cao, ngồi giam chân 12 tiếng thì thanh niên nào chịu được. Vậy là, chỉ những người đứng tuổi mới trụ được với nghề. Dù nắng nóng, mưa dầm hay bão lớn, họ vẫn không rời vị trí đã được giao phó, ngày đêm canh giữ sự bình yên cho những chuyến tàu ngược xuôi trên những nẻo đường xuyên qua thành phố…

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.