Giữa biển trời Kim Liên...

.

“Khu vực ngoài kia sẽ hình thành cảng Liên Chiểu, vòng thuyền qua chân đèo bên kia chút là dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân. Bà con làng Kim Liên vẫn luôn kỳ vọng, ủng hộ và đồng thuận với chủ trương xây dựng hai dự án trọng điểm này trong tương lai. Mai này, mình có đi mô chăng nữa cũng không hề phai nhạt hay mất đi giá trị của làng, của biển lâu đời...”.

Một góc làng biển Kim Liên. Ảnh: XUÂN SƠN
Một góc làng biển Kim Liên. Ảnh: X.S

Chỉ tay về phía biển, ông Huỳnh Văn Lộc, người được xếp vào bậc cao niên ở Khu dân cư (KDC) văn hóa biển Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) bày tỏ tâm huyết về dải đất làng chài quê hương - nơi ông và nhiều thế hệ được sinh ra và lớn lên.

Người làng Kim Liên kỳ vọng như thế, bởi theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng Liên Chiểu và đường ven biển nối cảng Liên Chiểu với tỷ lệ 1:500 được UBND thành phố phê duyệt, diện tích toàn khu cảng Liên Chiểu và đường ven biển nối cảng sẽ giáp tuyến đường tránh nam Hải Vân, tuyến đường và kè ven biển thuộc KDC phường Hòa Hiệp Bắc và Khu công nghiệp Liên Chiểu ở phía tây.

Đổi thay nơi miền chân sóng

Ngược thời gian về nhiều năm trước, trên dải đất Kim Liên này, năm 2008, UBND phường Hòa Hiệp Bắc cùng Đồn Biên phòng Hải Vân triển khai mô hình KDC văn hóa biển Kim Liên. “Hồi đó, Kim Liên là làng chài đầu tiên trên địa bàn Đà Nẵng được chính quyền thành phố tạo điều kiện thí điểm thành KDC văn hóa biển, mục đích là xây dựng đời sống văn hóa, văn minh tại nơi có vị trí đặc biệt về biên phòng”, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Hiệp Bắc đồng thời là Bí thư Chi bộ KDC số 9 của phường kể lại.

Khái niệm “hồi đó” trong ký ức người dân làng chài Kim Liên là những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Ông Huỳnh Văn Lộc nhớ lại, thời điểm đó, cuộc sống ở đây còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu sống với nghề đánh bắt gần bờ, nhà cửa xuống cấp và quay lưng ra biển, ô-tô không vào được làng, đời sống văn hóa tinh thần không bảo đảm, tình hình an ninh, trật tự phức tạp... Rồi “hồi đó” cũng thành quá khứ. Sau gần 15 năm trở thành KDC văn hóa biển, Kim Liên đã “thay da, đổi thịt” ở cả đất và người.

Trước tiên là diện mạo làng biển. Tháng 2-2021, Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng quận Liên Chiểu hoàn thành công trình mương thoát nước tại các tổ dân phố 10 và 20 trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc gồm 15 nhánh mương, tổng chiều dài toàn tuyến hơn 2,138km với tổng kinh phí thi công công trình hơn 4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Qua đó giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giao thông đi lại, đặc biệt khắc phục tình trạng ứ đọng nước cục bộ trong KDC vào mùa mưa bão.

“Ngày xưa bà con ở nhà quay lưng ra biển, giờ quay mặt hướng biển với đường đi lại  khang trang, kè chắn biển Liên Chiểu được xây dựng. Rồi khu công nghiệp được mở ra, cơ hội việc làm rộng rãi hơn”, bà Tuyết Nga chia sẻ.

Ở Kim Liên vẫn còn người theo nghề biển, nghề làm mắm, làm ruốc truyền thống. Theo bà Tuyết Nga, nghề biển từng là nghề mưu sinh chính của người làng Kim Liên, nhưng đó là chuyện của quá khứ. Bây giờ, cả làng có 350 hộ thì chỉ có khoảng 60 hộ còn theo nghiệp biển. Ít nhưng không bỏ được nghiệp biển, những con thuyền vẫn ra khơi và trở về, mang theo lộc biển.

Riêng với nhiều phụ nữ ở mảnh đất này, đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30-6-2017 như đòn bẩy kinh tế gia đình. Theo đó, các chị được hỗ trợ vốn không hoàn lại và vốn vay ưu đãi, được tạo điều kiện liên kết chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản nguyên liệu và phân phối ra thị trường nhiều sản phẩm của biển cả như mắm ruốc, cá cơm khô, cá hấp phơi khô, ruốc khô... Qua đó có thu nhập ổn định.

Bên cạnh niềm vui, vẫn còn đó những trăn trở về phát triển nghề mắm truyền thống. Theo bà Nga, nghề mắm vẫn còn đó nhưng người giữ cái “hồn cốt” của nước mắm phần lớn đều là người lớn tuổi. Nhiều bà con làm mắm lâu đời bằng lòng với những gì đã và đang có ở hiện tại, chưa mạnh dạn đầu tư phát triền nghề truyền thống, rồi thiếu kinh phí đầu tư phát triển lâu dài. “Chúng tôi vẫn luôn hy vọng về một sản phẩm đạt chuẩn Chương trình OCOP (Mỗi xã, phường một sản phẩm) tại Kim Liên, có một thương hiệu riêng cho quê mình. Mà để hướng tới điều đó, cần có nhân lực thích hợp để xây dựng và phát triển”, bà Nga chia sẻ.

Ngư dân Nguyễn Quang bên chiếc thuyền thúng gắn liền với nghề biển. Ảnh: X.S
Ngư dân Nguyễn Quang bên chiếc thuyền thúng gắn liền với nghề biển. Ảnh: X.S

Sợi dây gắn kết cộng đồng

Từ ngày trở thành người dân của KDC văn hóa biển, người dân dần ý thức trong việc xây dựng đời sống văn hóa, văn minh tại nơi ở. Hiệu quả tích cực nhất có thể kể đến những thay đổi về vệ sinh môi trường, 100% hộ dân đã có công trình vệ sinh, bà con chủ động xây dựng “khu dân cư không rác” và nhân rộng mô hình ra toàn phường. Tình làng nghĩa xóm được lan tỏa.

“Thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19, bà con mình tự vận động nhà hảo tâm hỗ trợ, đồng thời đoàn kết giúp nhau bữa ăn bữa uống. Đó là tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt, lan tỏa”, ông Huỳnh Văn Lộc cho biết.

Hai năm trước, chúng tôi có dịp theo chân ngư dân Nguyễn Quang, Tổ trưởng Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Hòa Hiệp Bắc giong thuyền trên vùng biển dưới chân đèo Hải Vân. Tổ được thành lập từ năm 2017 theo ý tưởng đề xuất của Chi cục Thủy sản thành phố với UBND phường Hòa Hiệp Bắc và Đồn Biên phòng Hải Vân.

Nòng cốt của tổ là những ngư dân lành nghề, hoạt động tích cực trong việc khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Họ có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức các buổi nói chuyện tuyên truyền, vận động du khách, người dân địa phương và những ngư dân khác về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển; đồng thời là “cánh tay” của lực lượng chức năng trong công tác theo dõi, phát hiện những trường hợp, vụ việc vi phạm quy định về đánh bắt hải sản và xâm hại môi trường biển.

“Hoạt động của Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn là cách để cộng đồng ngư dân Kim Liên đoàn kết với nhau hơn không chỉ ở đất liền mà còn trên biển. Chúng tôi luôn nhắc nhau nỗ lực phối hợp với lực lượng chức năng địa phương trong bảo đảm an ninh trật tự”, ông Quang chia sẻ.

Sự gắn bó giữa người dân với nhau và với lực lượng chức năng địa phương như sợi dây đoàn kết gắn chặt, được nối dài qua từng thế hệ. Ngay trong xóm chài, hoạt động của Phòng khám quân dân y tại Nhà sinh hoạt cộng đồng KDC phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân các khu vực biên giới biển của quận Liên Chiểu. Rồi mô hình “Tổ tay kéo biên phòng” được Bộ đội Biên phòng thành phố triển khai 2 năm qua cắt tóc miễn phí cho người dân tại các KDC, trong đó có KDC văn hóa biển Kim Liên đã thực sự làm ấm lòng mọi người.

Thượng úy Mai Thanh Tài, Trợ lý công tác quần chúng Bộ đội Biên phòng thành phố bày tỏ, mô hình “Tổ tay kéo biên phòng” được triển khai hiệu quả khiến tình quân dân khắng khít hơn. Đó cũng là động lực để các chiến sĩ duy trì hoạt động này lâu dài, đến với nhiều địa phương.

“Sự chuyển mình của làng chài Kim Liên được bà con ví von là “như bàn tay sấp - ngửa”, ý là nhanh chóng và rõ rệt. Bà con luôn biết ơn sự quan tâm của thành phố, của lực lượng Bộ đội Biên phòng và luôn nhắc nhau giữ gìn, phát huy những giá trị sẵn có của quê quán mình”, ông Huỳnh Văn Lộc nhấn mạnh.

Một trong những giá trị đó, có thể kể tới di tích cấp thành phố Lăng Ông Kim Liên thờ Nam Hải Ngạc Thần. Sau khi được thành phố trùng tu, tôn tạo bằng ngân sách vào năm 2017, di tích tiếp tục phát huy vai trò thiết chế văn hóa tín ngưỡng của làng chài.

“Hằng năm, bà con tổ chức lễ hội liên quan đến tập tục thờ cá Ông. Ngoài ra, đây còn là nơi thờ Ông Sanh, Ông Tử. Thờ Ông Sanh nghĩa là thờ vọng Ông Cá để cầu mong được bình an, bốn mùa đắc lợi biển. Còn thờ Ông Tử (còn gọi là Ông Lụy) là thờ cúng xương cốt những ông cá đã chết, bị dạt vào bờ và được bà con ngư dân mình an táng, thờ phụng tử tế”, ông Lộc cho hay.

Đây cũng là nơi thờ vong linh những ngư dân xấu số, những liệt sĩ Hoàng Sa. Vì lẽ đó, những bậc cao niên trong làng luôn dặn dò, nhắc nhở con cháu giữ gìn, trân quý Lăng Ông như một biểu tượng của làng chài. Nơi này luôn được người làng quét dọn, lo hương khói quanh năm.

Chúng tôi đứng từ lưng chừng đèo Hải Vân nhìn về phía thành phố. Nơi đó, KDC văn hóa biển Kim Liên nằm yên bình dưới chân đèo. Đất và người, sau nhiều năm chuyển mình đã thật sự thay đổi nhưng có những điều trường tồn, là văn hóa làng biển, là sự thuần hậu của con người.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.