"Cánh chim Chơ-rao" của nhà văn viết về Tây Nguyên

.

ĐNO - Nếu gọi là hiện tượng văn học cũng không ngoa khi tác phẩm in ra chưa ráo mực đã được đường hoàng “đi” vào sách giáo khoa trường phổ thông bằng các trích đoạn tinh túy nhất. Đó là trường hợp Bài ca chim Chơ-rao của nhà thơ Thu Bồn.

Thu Bồn viết xong tác phẩm đầu tay Bài ca chim Chơ-rao năm 1962 thì ba năm sau trường ca này được in trọn vẹn trên Tuần báo Văn nghệ tại Hà Nội. Độc giả miền Bắc đón nhận tác phẩm này như đón nhận như một thành tựu thơ ca cách mạng của miền Nam lúc bấy giờ.

Trường ca đầu tiên của văn học giải phóng

Chân dung tác giả Bài ca chim Chơ-rao trên bìa tập sách Thu Bồn - Tráng sĩ hề dâu bể nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông (2003 - 2013)
Chân dung tác giả Bài ca chim Chơ-rao trên bìa tập sách Thu Bồn - Tráng sĩ hề dâu bể nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông (2003 - 2013)

Thu Bồn (1935 - 2003) tên thật là Hà Đức Trọng, chào đời tại xã Điện Thắng (nay là Điện Thắng Nam), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. 12 tuổi, ông vào bộ đội và là thiếu sinh quân ở đơn vị biệt động chiến đấu.

Tay súng tay bút, ông sáng tác không ngừng nghỉ, dù trên đường hành quân hay ngay trong chiến hào giữa những trận chiến.

Ngoài bút danh đặt theo tên dòng sông Thu Bồn quê hương mình, ông còn có các bút danh khác là Hà Ðức Trọng, Bờ Lốc.

Trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, Thu Bồn làm phóng viên chiến trường Liên khu 5 sau đó về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ông là ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ miền Trung Trung Bộ và ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV.

Trong 13 người của tiểu đội nhà văn quân đội được cử vào chiến trường chống Mỹ năm 1962, Thu Bồn là một trong 3 người còn sống sót sau chiến tranh.

Thu Bồn làm thơ và viết cả tiểu thuyết, nhưng ông được biết đến nhiều với những bài trường ca, trong đó trường ca Bài ca chim Chơ-rao vẫn được coi là thành công có tính định hướng cho phong cách tiêu biểu của ông.

Đây là khúc ca ca ngợi lòng yêu tự do, ý chí bất khuất của những con người Tây Nguyên trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, vừa mới được in xong đã được vào sách giáo khoa giảng dạy ở chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam. 

Nhà phê bình văn học Ngô Thảo đọc tác phẩm và cảm nhận về tác giả: “Đi đâu trên đất nước này, chúng tôi cũng thấy có dấu chân Thu Bồn, nhất là vào những thời điểm khốc liệt nhất của chiến tranh để viết nên những tác phẩm thấm đẫm tình yêu quê hương, cuộc sống”.

Hoài Anh trong cuốn Tìm hoa quá bước (NXB Văn học, 2001) nhận định về trường ca nổi tiếng này: “Không những là tác phẩm từ miền Nam gửi ra khá sớm, mà còn là bản trường ca đầu tiên của văn học giải phóng”.

Chàng thi sĩ hát tình ca

Thu Bồn (phải) và bạn bè văn nghệ ở nhà của thi sĩ Phùng Quán, 1995. Ảnh: N.Đ.Toán.
Thu Bồn (phải) và bạn bè văn nghệ ở nhà của thi sĩ Phùng Quán, 1995. Ảnh: N.Đ.Toán.

Nhà thơ Thu Bồn đã 15 năm đi xa nhưng trong tâm khảm người yêu thơ vẫn còn gần lắm những gì mà Thu Bồn đã trải lòng gởi gắm qua sáng tác của mình.

Trong cái nhìn của TS. Mai Bá Ấn, nhà lý luận phê bình văn học, tuy 15 năm Thu Bồn đã ra đi, nhưng 15 năm và mãi về sau, Thu Bồn vẫn còn nguyên đó, trong tâm khảm mỗi người, đặc biệt là đối với những người con Quảng Nam - Đà Nẵng: Con qua Cẩm Lệ sông Hàn/ Ngũ Hành Sơn đứng mơ màng bóng Cha.

Cũng xin tư riêng một chút, là, với Thu Bồn, tôi còn là một người em đồng hương Quảng Nam. Và còn một điều tôi hay giữ riêng trong lòng mình nữa:

Thu Bồn chính là thần tượng từ lúc tuổi thơ; khi bắt đầu cầm bút tập làm thơ, tôi đã từng tự họa chân dung Thu Bồn dán ngay trên bàn học của mình từ thời còn cắp sách.

Và tôi tin, ngàn ngàn năm sau, hồ dễ ai quên được hai câu thơ gói cả một nhân tình này của ông: "Về đi em chợ chiều đã vãn/ Hãy mua cho anh một gói nhân tình...".

TS. Mai Bá Ấn, nhà lý luận phê bình

Với riêng vị tiến sĩ văn học này, khi bước vào nghiên cứu thơ ca hiện đại Việt Nam, để trả lời câu hỏi “Điều gì giúp ta dễ phân biệt thơ ca cách mạng với các dòng thơ trước đó nhất để làm nên đặc trưng của thơ ca cách mạng?”, ông nhận thấy nhiều người đã đồng tình rằng:

Dễ nhận diện trên bề mặt nhất, đó là sự hiện diện dày đặc của thể loại Trường ca - chính sự xuất hiện của thể loại chuyên “trữ tình hóa các yếu tố tự sự” này đã tạo cho gương mặt thơ ca hiện đại nét riêng chưa từng thấy.

Từ đó, ông chú tâm nghiên cứu chuyên sâu về thể loại này. Nói đến Trường ca hiện đại Việt Nam, theo ông, Thu Bồn chính là người có nhiều đóng góp nhất từ Trường ca đầu tiên mang tính chất mở đầu của thể loại Bài ca chim Chơ-rao xuất hiện vào những năm đầu của thập niên 60 ở thế kỷ trước cho mãi đến dàn ý của Trường ca thứ 9 (mà theo ông là Trường ca thứ 13) - Những người con của sử thi gồm 10 chương mà ông chưa kịp hoàn thành vào những năm đầu của thế kỷ 21 này.

Khi người viết nêu câu hỏi “Với ông, phải chăng cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Thu Bồn có gì đó ‘khác thường’ khiến ông chú tâm nghiên cứu về tác giả của trường ca Bài ca chim Chơ-rao?”, TS Mai Bá Ấn “gan ruột” trả lời: “Như ta biết, con người và sự nghiệp của Thu Bồn “bi đến tận cùng bi mà hùng cũng đến tận cùng hùng”. Vì vậy, văn chương Thu Bồn cũng “trữ tình đến tận cùng trữ tình mà hùng tráng đến tận cùng hùng tráng”.

Hai mặt đối lập trong một con người thống nhất này đã làm nên phong cách Thu Bồn. Tôi chú tâm nghiên cứu Thu Bồn từ đó, và nhận ra rằng, với Thu Bồn, hình như, cái gì ông cũng phải “quá lên” trên bình thường một chút, ông mới chịu được. Trên bình thường thì chỉ có “khác thường”. Mà những tính cách ấy, có lẽ, chỉ có Trường ca là thể loại mà ông cảm thấy dễ dung hòa hai mặt đối lập (mà cái gì cũng phải quá một chút) này nhất so với thơ và văn xuôi. Cho nên nhiều người gọi Thu Bồn là chàng thi sĩ hát trường ca”.

Chàng-thi-sĩ-hát-trường-ca đã 15 năm đi xa nhưng những “ca khúc” ông đã trải lòng gởi gắm qua sáng tác của mình, đặc biệt là trường ca Bài ca chim Chơ-rao, vẫn gần lắm trong trái tim người yêu thơ.

Cánh chim Chơ-rao

Tác giả Trần Hữu Tá viết ở mục từ Thu Bồn, Từ điển Văn học Bộ mới (NXB Thế Giới, 2004): “Bài ca chim Chơ-rao là thành công đáng kể hơn cả của Thu Bồn. Tác phẩm thể hiện những giá trị cơ bản trong nghệ thuật viết trường ca của ông”.

Đi tìm gốc tích của chim Chơ-rao, đọc thấy trong bài “Chuyện về chim chơ-rao” đăng trên Báo Quảng Nam ngày 9-10-2016, tác giả Tạ Văn Sỹ ghi rằng, Từ điển Ba-na – Việt ghi chơ-rao là chim sáo. Tuy nhiên, theo những người biết về chim muông thì cho đó là chim bồ chao. (Mà nghe ra âm đọc “chơ-rao” cũng gần với “bồ chao” hơn là “sáo”!).

So với chim sáo, chim chơ-rao to con hơn một tí vì có bộ lông hơi xù, màu xam xám với những chấm lốm đốm đen và trắng xám, có tập quán thi nhau la hét liên hồi khi tụ đàn đông đảo. Ở vùng Nam Trung bộ có câu thành ngữ “Ồn như đám bồ chao!” để nói về một nhóm người nào đó đang kháo chuyện ồn ào náo nhiệt.

Bồ chao hay quần tụ ở nơi có ao hồ, đầm lầy hay sông suối giữa rừng già. Người đi rừng nếu cần tìm nguồn nước cứ lắng nghe tiếng chim bồ chao ở đâu thì lần đến đó, thế nào cũng gặp nước.

Một loài chim “vô danh” như vậy, đùng một cái – theo cách dẫn chuyện của Tạ Văn Sỹ, vào khoảng giữa những năm 60 thế kỷ trước bỗng gây sự chú ý đặc biệt của độc giả, thính giả cả nước, khi Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đăng tải toàn văn trường ca Bài ca chim Chơ-rao và Đài Tiếng nói Việt Nam cho diễn ngâm liên tục; rồi được in thành sách “bướm” (in trên một tờ giấy khổ lớn có dàn trang theo thứ tự và xếp gọn lại) để dễ phổ biến, dễ mang theo trong ba lô các chiến sĩ Giải phóng quân.

Thế rồi Bài ca chim Chơ-rao được dịch sang tiếng Trung; rồi được giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; rồi Giải thưởng Văn học quốc tế Lotus của Hội Nhà văn Á Phi (1973)… Và thế là tác giả của nó – nhà thơ Thu Bồn – liền được ví là “Cánh chim Chơ-rao” trong dòng văn học sáng tác về đề tài Tây Nguyên!...

Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học-nghệ thuật năm 2001. Năm 2017 ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật, việc này đã gây xúc động nhiều người.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nói về sự nghiệp văn chương, nhất là thi ca, nhà thơ Thu Bồn là nhân vật hàng đầu của nền văn học cách mạng Việt Nam thế kỷ XX, được mệnh danh là “Cánh chim Chơ-rao” của rừng văn viết về Tây Nguyên.

Tác phẩm chính của Thu Bồn

-Bài ca chim Chơ-rao (trường ca, 1962),

-Tre xanh (thơ, 1965),

-Mặt đất không quên (thơ, 1970),

-Những đám mây màu cánh vạc (tiểu thuyết 2 tập, 1975);

-Oran 76 ngọn (trường ca, 1979),

-Người vắt sữa bầu trời (trường ca, 1985)

-Thông điệp mùa xuân (trường ca, 1985)

-Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên (thơ, 1992)...

-Tôi nhớ mưa nguồn (thơ, 1999)

-Trường ca tuyển tập (1999)

-Gởi lời con đến cùng cha

-Quê hương mặt trời vàng

-Vùng pháo sáng (tiểu thuyết)

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.