Phan Du: Văn nghệ có thể thay đổi tâm tính con người

.

ĐNO - Sinh thời, nhà văn Phan Du từng “tuyên ngôn” về nghề cầm bút: “Văn nghệ có thay đổi được thế giới này hay không đó là chuyện đang còn tranh luận. Nhưng điều hiển nhiên, không ai phủ nhận được, là văn nghệ có thể thay đổi tâm tính con người và thay đổi một cách sâu xa”.

Phan Du xuất thân từ một gia đình khoa bảng tiêu biểu, nơi mà truyền thống “văn dĩ tải đạo” (văn để chở đạo) luôn được cha ông dạy dỗ các thế hệ cháu con, nên những gì ông viết ra trước hết là để làm cho tâm tính mình ngày một gần hơn với đạo.

Chân dung nhà văn Phan Du
Chân dung nhà văn Phan Du

Từ gia đình khoa bảng đến nghiệp làm báo viết văn

Nhà văn Phan Du sinh ngày 1 tháng Năm năm 1915 trong một gia đình khoa bảng truyền thống tại làng Phước Đức, nay là thôn Phước Đức, xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Người mở đầu khoa bảng cho tộc Phan Quế Sơn là Phan Văn Thuật (sinh năm 1809). Đỗ cử nhân năm 1840, ông nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, mẫn cán, giỏi tài xử án.

Ông có bốn người cháu đều đỗ đạt: Phan Quang đỗ tiến sĩ, Phan Vĩnh đỗ cử nhân, Phan Xáng và Phan Ấm cùng đỗ tú tài. Phan Quang là người đỗ đạt cao nhất, đỗ tiến sĩ khoa thi Hội năm 1898 cùng với 2 tiến sĩ và 2 phó bảng, được gọi là khoa “Ngũ phụng tề phi” của Quảng Nam.

Khi Nho học suy tàn và chấm dứt vào năm 1919, tộc Phan Quế Sơn tuy không còn người đỗ cao nhưng rất nhiều người thành đạt về học thuật, trong đó lưu tiếng thơm cho dòng họ là nhà giáo kiêm nhà sử học Phan Khoang (1906 – 1971) và nhà báo kiêm nhà văn Phan Du (1915 – 1983).

Trưởng nam của tiến sĩ Phan Quang là Phan Khoang, người viết nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Việt sử xứ Đàng Trong, Việt Pháp bang giao sử lược, Trung Quốc sử lược, Việt Nam Pháp thuộc sử, Trung dung chú giải, Đại học dịch giải…

Thứ nam là Phan Du, tác giả của những tác phẩm: Hai chậu lan Tố Tâm, Hang động mới, Quảng Nam trong lịch sử…

Nhà văn Phan Du còn có các bút danh khác là Phong Kiều, Lan Chi, Hữu Phương. Thuở nhỏ ông học trung học ở Quy Nhơn, rồi Huế, sau làm tư chức thời Pháp thuộc.

Năm 1942, ông có truyện ngắn đăng trên các báo ở Hà Nội như: Thời vụ, Tiểu thuyết thứ Bảy... Sau năm 1957, truyện ngắn Uất hận lên men của ông in trên Tạp chí Bách khoa ở Sài Gòn, sau được in thành sách.

Những năm 60 thế kỷ trước, ngoài thời gian làm công chức ngành văn hóa, ông cộng tác với báo Bách khoa, Văn học, Tân văn, Tin văn, Văn... Sau năm 1975, ông về sống ở Đà Nẵng và mất vào ngày 11-3-1983, hưởng thọ 68 tuổi.

“Có thượng, thiếu hạ”

Khi nghiên cứu về Đàng Trong, về Thuận Quảng nói chung và về xứ Quảng nói riêng, 2 trong số những công trình tiêu biểu nhất mà nhiều người thường xuyên tìm hiểu và trích dẫn là Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang và Quảng Nam qua các thời đại của Phan Du.

Nếu Việt sử xứ Đàng Trong (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1969) ghi dấu lịch sử hình thành vương triều Nguyễn nói riêng và lịch sử Đại Việt thời Lê - Trịnh nói chung của Phan Khoang được nhiều người tham khảo, trích dẫn thì Quảng Nam qua các thời đại – Quyển Thượng (Cổ học Tùng thư xuất bản, Đà Nẵng, 1974) của Phan Du là công trình nghiên cứu về đất Quảng Nam từ khi còn là lãnh thổ của Chiêm Thành đến khi trở thành một phần lãnh thổ của Đại Việt.

Nhà nghiên cứu Võ Hương An (Võ Văn Dật) trong bài viết Một thời Khuyến học đăng ở trang 406 sách Lịch sử Đà Nẵng (1306 – 1975) [NXB Nam Việt, CA, 2007] của mình có kể rằng, khi Hội Khổng học Đà Nẵng xuất bản cuốn Quảng Nam qua các thời đại (Quyển Thượng, viết về lịch sử Quảng Nam từ khởi thủy đến các Chúa Nguyễn) thì ông lãnh phần trình bày bìa.

Nhà văn Phan Du lấy cớ không được khỏe và bận việc bên Hội Hồng Thập Tự Đà Nẵng nên đề nghị ông tiếp tục viết quyển Hạ. Ông nhận lời để khỏi phụ lòng ông bạn vong niên, nhưng chỉ viết được 3 trong 11 chương của toàn tập...

Về sự “có thượng, thiếu hạ” này, nhà báo Trần Trung Sáng đưa ra một đề nghị trong bài “Tháng 3, nhớ nhà văn Phan Du” đăng trên Quảng Nam Online ngày 18-3-2017: “Trong suốt nhiều thập niên qua, tập sách này (Quảng Nam qua các thời đại - Quyển Thượng) luôn được đánh giá là công trình nghiên cứu cung cấp những tư liệu quan trọng về lịch sử hình thành và phát triển của Quảng Nam, nhất là trong giai đoạn lịch sử quan trọng khi vua Lê Thánh Tông lập ra đạo thừa tuyên Quảng Nam (năm 1471); những chuyển biến, phát triển của vùng Thuận Hóa qua thời kỳ các chúa Nguyễn; những sự kiện, biến cố lịch sử đã xảy ra trên vùng đất này.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc, công trình trên, nhà văn Phan Du chỉ kịp hoàn tất và phổ biến Quyển Thượng. Đã đến lúc những người có trách nhiệm về công tác văn học của nước nhà nói chung và địa phương nói riêng cần có cái nhìn đúng mức về sự cống hiến của Phan Du - một nhà văn đã khẳng định vị trí của mình rất rõ rệt bằng tác phẩm qua sự thử thách thời gian”.

Chuyện ngoài đời và chuyện trong trang sách

Thời Phan Du làm báo ở Sài Gòn, ông có hai bạn báo – bạn văn đồng hương Quảng Nam là Nguyễn Văn Xuân và Vũ Hạnh (cháu ngoại tiến sĩ Phan Quang, gọi nhà văn Phan Du bằng cậu).

Trong bài “Văn đàn Tình thoại” viết về những kỷ niệm một thời với Tạp chí Bách khoa, ông kể rằng, trong số văn hữu quen biết, ông phục cái tài nói của hai người này.

Có Vũ Hạnh là có sự ồn ào, có sự vui nhộn và có đủ chuyện cười. Lại thao thao bất tuyệt. Nhưng nếu xét về cái kỷ lục cả tiếng lại dài hơi thì Nguyễn Văn Xuân ăn đứt.

Phan Du hóm hỉnh kể lại trong bài đã dẫn: “… cũng tại tòa soạn Bách khoa, anh Trí Đăng đã tiết lộ với tôi rằng khi ra Đà Nẵng tìm nhà anh Xuân, vì nhớ lộn số nhà, đã tưởng không sao gặp được, thì may mắn quá, ngay giữa lúc đang loay hoay ngoài lộ, vẫn nghe được tiếng nói, giọng nói của giáo sư họ Nguyễn – ý chừng đang tranh luận về một vấn đề gì đó – vọng ra rõ mồn một từ tư thất ở tận cùng ngõ hẻm.

Tôi còn dám nghĩ rằng nếu anh Trí Đăng đứng cách xa độ vài trăm thước nữa vẫn cứ nghe rõ như thường. Nhưng xét về mặt bay bướm, hóm hỉnh, hấp dẫn thì Vũ Hạnh có phần trội hơn. Có tài lôi cuốn người nghe, ngay cả những lúc nhà hùng biện này cố tình ngụy biện cho… vui sự đời”.

Hay là chuyện Vũ Hạnh bị ông chủ nhiệm kiêm chủ bút Bách khoa “cấm cung” trên gác vì cái “tội” chưa có bài, hẹn mãi vẫn không có. Phan Du đến tòa soạn Bách khoa tìm Vũ Hạnh, thất vọng vì thường thì chưa thấy dáng người ở đâu đã nghe được tiếng rồi.

Phan Du cất tiếng hỏi vừa xong, đã nghe có tiếng động trên gác và cái giọng vừa bông đùa, vừa đau khổ của cháu mình: “Cậu đó à? Tôi bị câu lưu trên này từ sớm đến giờ. Chờ tôi giây lát”!

Ngoài đời biết bao chuyện bông đùa buồn vui. Thế nhưng, một khi cầm bút, nhà văn viết nên những câu chuyện nghiêm túc đầy triết lý nhân sinh.

Trong các tác phẩm của Phan Du, truyện ngắn Hai chậu lan Tố Tâm được giải nhì, đồng hạng với Nhật Bản, trong cuộc thi truyện ngắn giữa các quốc gia vùng Đông Nam Á do Trung tâm Văn bút Philippines tổ chức và tuyên bố kết quả vào đầu năm 1964.

Bìa tập truyện Hai chậu lan Tố Tâm, NXB Cảo thơm 1995 (ảnh trái) và NXB Văn học 2017
Bìa tập truyện Hai chậu lan Tố Tâm, NXB Cảo thơm 1995 (ảnh trái) và NXB Văn học 2017

Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng, đồng hương xứ Quảng, người phụ trách mục Phan Du trong Từ điển Văn học Bộ mới (NXB Thế giới, 2014), tóm lược nội dung truyện ngắn này như sau:

“Tập truyện Hai chậu lan Tố Tâm gồm những truyện tình nhẹ nhàng, đằm thắm như ánh mắt huyền ảo của A Sìn (con ông Bang trưởng người Hoa ở Quy Nhơn, bạn của thân phụ nhà văn).

Suốt tập truyện tác giả luôn tả những đôi mắt đẹp dịu dàng, trong trẻo của các cô thiếu nữ diễm kiều vào tuổi hoa niên, có tâm hồn trong trắng”.

Năm 1965, khi NXB Cảo thơm (Sài Gòn) in tập truyện ngắn Hai chậu lan Tố Tâm, nhà văn Vũ Hạnh viết Lời giới thiệu.

Trang đầu bài viết của nhà văn Vũ Hạnh giới thiệu tập truyện Hai chậu lan Tố Tâm (ở đây, bản in 1965, Tố Tâm viết hoa)
Trang đầu bài viết của nhà văn Vũ Hạnh giới thiệu tập truyện Hai chậu lan Tố Tâm (ở đây, bản in 1965, Tố Tâm viết hoa)

Phan Du từng “tuyên ngôn” về thiên chức của người cầm bút: “Tôi nghĩ rằng cái sứ mạng mà người cầm bút không thể quên được và cần phải kính sợ để không xa rời là, với cái cảm tính bén nhạy của mình, với những xúc cảm chân thành, những thể nghiệm sâu sắc về cuộc sống, những nghệ cảm được chọn lọc kỹ càng, khơi động ở người đọc những cảm niệm sâu xa về con người, khơi động cái hứng khởi, ý nguyện khắc phục bản thân để tiến về Thiện, Mỹ.

Chỉ làm được cái việc khơi động đó cũng đã là quý và khó lắm rồi. Và cần thiết nữa. Vì văn nghệ có thay đổi được thế giới này hay không đó là chuyện đang còn tranh luận.

Nhưng điều hiển nhiên, không ai phủ nhận được, là văn nghệ có thể thay đổi tâm tính con người và thay đổi một cách sâu xa”.

Thì đây, trong Lời giới thiệu, đứa-cháu-nhà-văn viết về ông-cậu-nhà-văn vẫn nhấn nhá cái sự đối đầu giữa hai phạm trù Thiện – Ác: “(…) chúng ta có thể tìm gặp ở nơi Phan Du những nguồn rung cảm lớn lao của một tâm hồn hướng thiện đã bắt gặp được ở trong sự sinh hoạt bình thường khá nhiều sự thực cao quý vốn là lẽ phải chân chính của đời: ở trong tác phẩm của ông, bao giờ hai cái sức mạnh Thiện, Ác cũng được đối đầu mãnh liệt, và sau nhiều phen tranh chấp gay go, cái Thiện vẫn nắm được phần thắng lợi, cũng như nó phải giành lấy thắng lợi ngoài đời”.

Mãi mãi theo với cuộc đời dân tộc

Vũ Hạnh, trong bài đã dẫn, tiếp tục phác họa chân dung Phan Du: “Giữa lúc nhiều người văn nghệ không rút chân khỏi đầm lầy cá nhân với những suy tư bất lực, nhà văn Phan Du vẫn giữ sáng được tấm lòng, vẫn cố hướng về những ý chí cao cả, trong một khuôn điệu nghệ thuật vững vàng đạt đến mực thước tinh vi cổ điển.

Không đuổi theo những bong bóng sặc sỡ của các ảo tưởng gọi là “văn chương thời đại”, không tự mê hoặc, và không mê hoặc người khác, nhà văn Phan Du vẫn cứ tiếp tục đều đặn con đường sáng sủa của mình.

Và dầu mặt trời tuổi tác có quay chiều xuống chân mây, bước đường từ tốn của ông vẫn đang đi lên, vẫn cố đi lên mãi mãi theo với cuộc đời dân tộc”.

Năm 1966 – 1967, Phan Du đóng góp tích cực vào tờ Tin văn – tạp chí công khai của Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định, cơ quan ngôn luận của lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc ở Sài Gòn.

Nguyễn Q. Thắng viết trong bài đã dẫn: “Truyện Hang động mới (6-6-1966) và Trăng vỡ (6-8-1966)... đã tố cáo một cách sâu sắc, quyết liệt tác hại của chủ nghĩa vật chất, của lối sống Mỹ đã làm băng hoại đạo đức truyền thống của nhân dân thành thị miền Nam”.

Trên quan điểm “văn nghệ có thể thay đổi tâm tính con người và thay đổi một cách sâu xa”, Phan Du gan ruột viết nên những trang văn với mong ước góp tiếng nói thúc giục người dân, nhất là giới học sinh – sinh viên, tìm về truyền thống đạo đức dân tộc. Nhà văn đã 25 năm đi xa nhưng những gì ông gởi gắm qua trang văn của mình chừng như vẫn còn nóng hổi tính thời sự...

Tác phẩm chính của Phan Du

- Cô gái xóm nghèo (tập truyện, Văn hữu Á châu, 1959)

- Uất hận lên men (tập truyện, Tân văn, 1964)

- Hai chậu lan Tố Tâm (tập truyện, Cảo thơm, 1965)

- Truyện con người (biên khảo, Cảo thơm, 1968)

- Dinh Thầy (truyện, Khai trí, 1969).

- Hang động mới (tập truyện, Tân văn, 1970)

- Của báu nhà họ Vương (Khai trí, 1970)

- Mộng kinh sư (biên khảo, Cảo thơm, 1971)

- Những quả cà chua (Khai trí, 1971)

- Quảng Nam trong lịch sử (biên khảo, Đà Nẵng tùng thư, 1973)

Nguồn: Từ điển Văn học Bộ mới (NXB Thế giới, 2004)

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.