Nam Trân – "thi sĩ của xứ Huế"

.

ĐNO - Ngày 29-4-2016, Lễ khai mạc Festival Huế lần thứ IX năm 2016 diễn ra ở Quảng trường Ngọ Môn - Đại Nội Huế bằng một chương trình nghệ thuật có chủ đề “Huế Đẹp và Thơ”. Các “tín đồ” của thơ ca cảm thấy Huế gần lại với mình hơn, bởi tên chủ đề cũng là tựa đề tập thơ của một nhà thơ “học trò xứ Quảng ra thi”, vì yêu cái đẹp của Huế mà để cho tứ thơ của mình bàng bạc khắp vùng đất Thần kinh.

Một cảnh trong Lễ khai mạc Festival Huế lần thứ IX năm 2016 có chủ đề dựa vào tên tập thơ của nhà thơ Nam Trân. Ảnh: VTL
Một cảnh trong Lễ khai mạc Festival Huế lần thứ IX năm 2016 có chủ đề dựa vào tên tập thơ của nhà thơ Nam Trân. Ảnh: VTL

Người yêu đặc sản quê mình

Không xa ngã ba Huế về phía tây là Bến xe Đà Nẵng, nơi có những chuyến xe ngày đêm đi về. Đối diện với bến xe trên đường Tôn Đức Thắng có một con đường mang tên Nam Trân. Đó là tên một loại trái cây nổi tiếng xứ Quảng có “tục danh” loòng boong hay lòn bon, và cũng là bút danh của một nhà thơ, dịch giả, hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Nam Trân (1907 - 1967), tên thật là Nguyễn Học Sĩ, sinh quán làng Phú Thứ Thượng, nay thuộc xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Từ nhỏ cho đến năm 12 tuổi, ông học chữ Hán, sau đó ra Huế học Trường Quốc học, rồi ra Hà Nội học Trường Bưởi. Sau khi nhận bằng tú tài bản xứ, ông đi làm Tham tá Tòa Khâm sứ Huế, sau đó làm Tá lý Bộ Lại (tòng tam phẩm) và Thị lang Bộ Lại (chánh tam phẩm), Án sát tỉnh Bình Định.

Bút danh Nam Trân của ông gắn với quả nam trân, tên gọi “quý tộc” của một loại cây trái bình dân có tên là loòng boong, một sản vật của núi rừng Đại Lộc quê ông. Trái loòng boong còn được gọi với nhiều tên khác nhau như bòn bon, phụng quân, dâu da... Tên gọi nam trân xuất phát từ một số giai thoại xứ Quảng.

Tương truyền, khi tướng nhà Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân, chúa Định Vương phải bỏ chạy vào đất Quảng Nam. Tại đây, lại bị quân Tây Sơn đánh bại nên chúa phải lánh lên vùng núi Đại Lộc, trong lúc đói mệt thì gặp một rừng cây loòng boong, bèn hái mấy trái, lấy móng tay bấm lên vỏ rồi ăn thử. Thấy trái thơm ngọt lạ lùng và nhờ đó đã cứu được cơn đói, chúa bèn đặt tên là “nam trân”, nghĩa là món ăn quý hiếm ở phương nam.

Cũng có truyền thuyết cho rằng người bị quân Tây Sơn truy đuổi và gặp trái loòng boong là Nguyễn Ánh (lúc đó chạy theo chúa Định Vương vào Quảng Nam). Do đó, khi Nguyễn Ánh lên ngôi lấy vương hiệu Gia Long, bèn ban tên “nam trân” cho loại trái cây rừng đã từng cứu ông và quân sĩ.

Đến triều Minh Mạng, quy định mỗi mùa trái nam trân chín, Quảng Nam phải tiến cống về kinh đô sáu giỏ. Khi đúc Cửu đỉnh, vua cho khắc quả nam trân lên Nhân đỉnh cùng với một số hình tượng khác như mặt trăng, biển Nam, núi Ngự Bình, sông Hương, lúa nếp, hoa sen...

Trong bài viết “Vài thổ âm, thổ ngữ của người Quảng” đăng trong cuốn Người Quảng Nam (NXB Đà Nẵng, 2007), nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng Nguyễn Học Sĩ chọn bút danh Nam Trân là do nhà thơ quá yêu mến đặc sản của quê mình, loại trái cây còn lưu lại trong ca dao xứ Quảng: Trái loòng boong trong tròn, ngoài méo/ Trái thầu đâu trong héo, ngoài tươi/ Thương em ít nói, ít cười/ Ôm duyên mà đợi chín mười con trăng...

Trong những tháng năm đi học ở Huế, Nguyễn Học Sĩ hẳn đã tha thẩn qua các lăng tẩm, đền đài đất kinh đô. Hẳn đã trầm ngâm bên Nhân đỉnh, lòng dấy lên bao cảm xúc đầy vẻ thành kính khi chạm tay vào những nét chạm trổ có hình dạng loại cây trái quê mình, để rồi khi viết nên những vần thơ đầu tiên trong đời, ông ký tên mình là Nam Trân...

Nặng tình với Huế

Chân dung Nam Trân và thi tập đã mang lại cho ông danh hiệu “Thi sĩ của xứ Huế”
Chân dung Nam Trân và thi tập đã mang lại cho ông danh hiệu “Thi sĩ của xứ Huế”

Bấy giờ, Nam Trân có thơ đăng trên các báo, tạp chí như: An Nam tạp chí, Nam Phong tạp chí, Phong hóa, Tràng An, Sông Hương... Năm 1939, ông xuất bản tập thơ đầu tay Huế, Đẹp và Thơ. Dù sau này ông còn có các tác phẩm như Ca dao thi đua, Vườn hạnh phúc, nhưng Huế, Đẹp và Thơ mới là thi tập đưa ông bước lên “chiếu trên” của phong trào Thơ mới và mang đến cho ông danh hiệu “Thi sĩ của xứ Huế”.

Huế Đẹp và Thơ gồm 50 bài, chủ yếu là những sáng tác về con người và cảnh vật xứ Huế. Về tập thơ gắn liền với tên tuổi ông, tác giả Đặng Thị Hảo, người phụ trách mục từ “Nam Trân” viết trong Từ điển Văn học Bộ mới (NXB Thế Giới, 2004):

“Mặc dù tắm trong bầu không khí u buồn của “Thơ mới”, Huế Đẹp và Thơ vẫn không có cái vẻ buồn mơ màng thường thấy trong những sáng tác văn học của thời kỳ này”.

Hoài Thanh - Hoài Chân đã “điểm danh” ông trong cuốn Thi nhân Việt Nam 1932 - 1941 với bản in lần đầu năm 1942 do Nguyễn Đức Phiên xuất bản bằng những lời khiến những ai làm thơ về Huế cảm thấy ít nhiều... đố kỵ: “Tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân”.

46 nhà thơ cùng với tuyển 169 bài thơ lọt vào “mắt xanh” của Hoài Thanh-Hoài Chân trong sách đã dẫn. Trong đó, Nam Trân có 7 bài, cùng số lượng với hai nhà thơ lẫy lừng trong Nam ngoài Bắc là Hàn Mặc Tử và Thế Lữ. Trong 4 nhà thơ đồng hương xứ Quảng được chọn vào tác phẩm này, Nam Trân có lượng bài thơ nhiều nhất, xếp sau đó là Phạm Hầu, Xuân Tâm (cùng 2 bài) và Hằng Phương (1 bài).

Lý giải cho nhận định “Tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân”, Hoài Thanh - Hoài Chân viết trong sách đã dẫn:

“Thơ Nam Trân thường mỗi bài là một bức tranh nhỏ trong ấy thế nào cũng có ít điều nhận xét đặc sắc. Thỉnh thoảng người cũng ghép vào trong cảnh một ít tình. Nhưng đầu người có nói đến tình yêu, lời thơ vẫn mực thước, vẫn không mất vẻ thiên nhiên. Điều ấy thấy ngay ở bài đầu quyển "Huế, Đẹp và Thơ": một mẩu cảnh xinh xinh, một chút tình phảng phất trong những vần nhịp nhàng và lặng lẽ như giòng Hương Thủy trong veo.

"Sóng lòng" thi nhân có xao động cũng chỉ trong khoảng khắc nhưng mặt nước sông kia mà thôi. Ý thơ nhẹ nhàng, điệu thơ uyển chuyển”.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê, kể lại một chi tiết đáng nhớ trong bài viết “Nam Trân với Huế” đăng trong cuốn “Hiện thực và sáng tạo tác phẩm văn nghệ” (NXB Hội Nhà văn – 2006) của mình. Tháng 10-1997, giới văn nghệ sĩ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất của Nam Trân tại Hà Nội.

Một năm trước đó, chuẩn bị tái bản tập thơ "Huế, Đẹp và Thơ" vào dịp kỷ niệm, nhưng gia đình nhà thơ Nam Trân không tìm đâu ra bản in ngày trước. Khi bà Nguyễn Thị Lệ - em gái nhà thơ và là một cựu nữ sinh Đồng Khánh Huế, viết thư cho nhà văn Nguyễn Khắc Phê và ông đã nhờ ông Hồ Tấn Phan tìm được tập thơ in lần đầu.

Nhờ đó, "Huế, Đẹp và Thơ" đã được tái bản rất đẹp với trang bìa màu tím Huế, kịp đến với bạn đọc cả nước đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà thơ Nam Trân.

Nam Trân, trong tác phẩm của mình, có lẽ đã yêu Huế hơn cả người con xứ Huế, như cách nói của Hoài Thanh-Hoài Chân gần 50 năm trước: “Thiết tưởng vị tình láng giềng đất Quảng Nam không thể gửi ra xứ Huế món quà nào quý hơn nữa: lần thứ nhất những vẻ đẹp xứ này được diễn ra thơ”.

Người dịch thơ Ðường xuất sắc

Sau Cách mạng Tháng Tám, Nam Trân tham gia kháng chiến, công tác ở Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Đại Lộc, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Nam, rồi làm Chánh văn phòng Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Liên khu 5.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (từ năm 1957), ông công tác ở Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1959, ông công tác tại Viện Văn học, chuyên về dịch thuật.

Ông cũng là một trong những cán bộ giảng dạy lớp đại học Hán Nôm đầu tiên ở miền Bắc, do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức. Nam Trân là người chủ trì dịch tập Ngục trung nhật ký xuất bản lần đầu năm 1960.

Ông là người tuyển và tham gia dịch Thơ Đường (2 tập), Thơ Tống, Thơ và từ của Mao Trạch Đông, Thơ văn Lý Trần, Thơ Quách Mạt Nhược, Người Xô Viết chúng tôi (với các bút danh: Nam Trân, Tương Như...).

Bài Đăng cao (Lên cao) của Đỗ Phủ có 2 câu luận: Vạn lý bi thu thường tác khách/ Bách niên đa bệnh độc đăng đài (Nơi xa xôi buồn thu vì thường ở quê người/ Suốt đời lắm bệnh, một mình lên đài ngắm cảnh).

Một số nhà thơ Việt Nam có các bản dịch bám sát với bản gốc, riêng ông thì khác.

Muôn dặm quê người thu não cảnh/ Một thân già yếu bước lên lầu (Tản Đà)

Muôn dặm buồn thu thường lẻ khách/ Một thân già bệnh bước lên đài (Khương Hữu Dụng)

Muôn dặm sầu thu thêm não khách/ Một thân đa bệnh bước lên đài (Bùi Khánh Đản)

Nam Trân, khi dịch câu thơ nổi tiếng này, có lẽ đã lắng lòng hóa thân thành nhà thơ Trung Hoa nổi bật thời kỳ nhà Đường một mình bước lên đài cao với nỗi “bi thu” nơi đất khách quê người và viết nên những câu thơ đẹp chẳng thua gì nguyên tác:

Thu quạnh nghìn khơi lòng khách não/ Đài cao trăm bệnh chiếc thân mòn.

Tác giả Doãn Thu Tơ trong bài viết “Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhà thơ - dịch giả Nam Trân” đã dẫn lời TS. Lê Thị Dục Tú, rằng thơ và dịch thuật của Nam Trân đem đến nét đặc sắc riêng cũng như những giá trị to lớn khi đặt nó vào ý thức canh tân văn học của các nhà văn Việt Nam trong những năm 30 thế kỷ XX.

Chính ý thức này đã nhanh chóng đưa văn học Việt Nam hoàn thành tiến trình hiện đại hóa văn học, đưa nền văn học của dân tộc ta không chỉ thoát khỏi sự nô dịch của văn học phương Tây mà còn hòa nhập và trở thành một bộ phận của văn học thế giới.

Nam Trân không chỉ là “thi sĩ của xứ Huế” mà còn là “một tài hoa xứ Quảng”, theo cách gọi của nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa trong một bài viết nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh và 50 năm ngày mất của nhà thơ:

“Tưởng nhớ Nam Trân là tưởng nhớ một con người suốt một đời phấn đấu cho cái đẹp của văn học nước nhà, truyền thụ cái tinh tế của văn hóa phương Đông, góp phần đào tạo nhiều chuyên gia Hán học cho các ngành khoa học xã hội Việt Nam”.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.