"Dừng thiêng" đã ngủ...

.

Nhà văn Đỗ Xuân Đồng, với những tháng ngày mê đắm văn chương trong hành trình tìm đến nỗi cô đơn tận cùng, đã vĩnh viễn bước về phía bên kia nỗi nhớ. Trong những lặng thầm cống hiến của anh đối với văn học-nghệ thuật Quảng Nam, Đà Nẵng, không thể quên được tấm chân tình của anh đối với bạn văn chương và niềm yêu mến vô cùng trong những mối tơ duyên văn chương và đời thực. Anh bắt đầu với văn chương từ những tập thơ, nhưng tác phẩm làm nên tên tuổi nhà văn lại là một tiểu thuyết. Đó là tiểu thuyết Cây dừng thiêng xuất bản năm 2008. Và không chỉ thơ, tiểu thuyết, Xuân Đồng còn sáng tác những bản nhạc say đắm lòng người.

Nhà văn Đỗ Xuân Đồng ký tặng sách cho văn nghệ sĩ tại quán cà-phê Cố Quận.
Nhà văn Đỗ Xuân Đồng ký tặng sách cho văn nghệ sĩ tại quán cà-phê Cố Quận.

Là một kiến trúc sư, văn chương, thơ nhạc đến với Đỗ Xuân Đồng, như nhiều người vẫn nghĩ, đó là bước chân song hành của anh với niềm đam mê cuộc đời, là “nghề tay trái”. Song, thẳm sâu trong con người tài hoa ấy, là cả một miền văn học-nghệ thuật mời gọi khám phá đến tận cùng những vẻ đẹp của ngôn ngữ trong sáng, của những gì thuộc về ký ức thời thơ bé nơi vùng quê nghèo Ngọc Mỹ, Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam.

Trong những tài sản tinh thần anh để lại, nhiều tập sách viết về cuộc sống, về mẹ, về một hình dáng người em gái mến thương và cả về một nỗi cô đơn đẹp như nước mắt. Trong niềm đam mê với âm nhạc, những ca khúc đầu tay Đỗ Xuân Đồng viết bằng nỗi đam mê tuổi trẻ, sự chưng cất nỗi buồn. Sau đó là những bài hát về Trường Sa, Hoàng Sa. Văn, thơ, nhạc… anh đều đặt chân trên từng vỉa thời gian và ghi dấu ở nơi ấy những mảng màu tình yêu, cuộc sống, niềm tự hào về quê hương, đất nước.

Quen thân anh và yêu mến những tác phẩm văn học, những vần thơ, bản nhạc anh đã bỏ bao công sức, hao mòn cả thời gian sống để viết bằng kịp, đuổi bằng kịp những khát khao sống tận cùng. Tôi quý anh cả nhân cách sống và một tấm lòng. Anh hay cười khi nói với tôi, con người ta sống có bao nhiêu, cũng không mang theo được gì nhiều ngoài tấm thân ngày giã biệt. Hãy cho đi để cuộc sống cân bằng. Con người cô độc ấy, vẫn lặng yên gặp bạn bè, vẫn thi thoảng gọi, nhắn tin kết nối những bạn bè văn chương Đà Nẵng để hàn huyên đôi câu chuyện cũ, cùng bàn luận về bìa một tập sách sắp xuất bản, một ca khúc vừa hòa âm… Tôi rất nhớ những cuộc hẹn bình yên như thế.

Đời một nhà văn, điều còn lại là tác phẩm và Đỗ Xuân Đồng đã làm được điều đó. Anh đã minh chứng cho chính nỗi cô đơn trong sáng tạo rất cần của người nghệ sĩ bằng niềm vui trong từng con chữ. Đôi lần Đỗ Xuân Đồng thảng thốt vì lẽ đời cay nghiệt, vì những điều có-không-được-mất. Rồi anh vỗ về nỗi buồn của mình bằng nụ cười giòn tan trong những lần gặp gỡ bạn bè, bên ly cà-phê, nơi góc phố quen... Đó cũng là những lần anh rời khỏi màn hình máy tính, kết thúc một tác phẩm và có thể nhảy chân sáo reo vui đến với bạn bè.

Đỗ Xuân Đồng là thế. Giản đơn và gần gũi. Người và văn chương nghệ thuật như một hơi thở chia đôi.
Gửi lại cuộc đời những bình minh vừa chan lên ngàn con sóng biển, Đỗ Xuân Đồng sẽ gặp một bình minh khác ở nơi xa nhưng vẫn vời vợi một tình yêu văn chương trọn vẹn. Cây dừng thiêng trong ký ức thời trai trẻ với chiến tranh, với mẹ, với mối tình đầu… đã ngủ. Cũng giống như giấc mơ con cá rô đồng mà anh từng nghĩ sẽ gặp một biển trời lồng lộng, sẽ là cánh diều tuổi thơ bay đến vô cùng. Tôi tin ở miền viên tịnh, Đỗ Xuân Đồng vẫn an yên và giữ mãi nụ cười.

NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.