Trong tháng 8-2023, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 7-2023.
Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Theo Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, tình hình khiếu kiện ở Trung ương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại trụ sở Tiếp công dân Trung ương, các công dân khiếu kiện từ các địa phương vẫn tập trung về Trung ương, nhất là các đoàn khiếu kiện đông công dân, phức tạp, kéo dài ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bắc Giang, Đắk Lắk, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc... Đáng chú ý là trong 2 ngày 25 và 26-7-2023 có 3 đoàn đông công dân (774 công dân), phức tạp ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk, Nam Định đã tập trung, di chuyển đến khu vực Ba Đình, các cơ quan Trung ương của Đảng và Nhà nước để khiếu kiện, gây phức tạp về an ninh, trật tự.
Đáng lưu ý, trong kỳ báo cáo, trên địa bàn Hà Nội, các cơ quan Trung ương đã tiếp 7 đoàn khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp. Đây là những vụ việc đông người, phức tạp cần được các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương có giải pháp để giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, trong tháng 8-2023 đã xảy ra 10 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến ô nhiễm môi trường tại một số tỉnh, thành phố như: Bến Tre, Gia Lai, Nghệ An, Phú Thọ, Tây Ninh, Thái Nguyên đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu khắc phục hậu quả và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở có sai phạm. Các vụ việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn xây dựng chung cư, căn hộ khách sạn khi chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về bàn giao nhà đất, về chất lượng xây dựng, trốn tránh trách nhiệm bảo hành, không bàn giao quỹ bảo trì và việc quản lý, vận hành tòa nhà cho các hộ dân… vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Cũng theo đồng chí Dương Thanh Bình, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn một số nội dung cử tri quan tâm, bức xúc hiện nay. Đó là, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ và dự báo sát tình hình xuất, nhập khẩu, nhu cầu tiêu thụ, giá cả thị trường để có các giải pháp điều tiết việc kinh doanh, xuất nhập khẩu gạo, giữ vững thị trường xuất khẩu để nông dân an tâm sản xuất. Có giải pháp dự báo sớm, khắc phục những khó khăn do thiên tai gây ra. Sớm có giải pháp tìm nguồn vật liệu thay thế cát sông để đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và dịch sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các khu vực có nguy cơ lây lan dịch bệnh, xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan đồng thời tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân diệt muỗi, lăng quăng, sớm phát hiện các dấu hiệu bệnh để kịp thời đến các cơ sở y tế khám và điều trị. Quan tâm và có hướng xử lý đối với việc kích hoạt cập nhật, đồng bộ dữ liệu của công dân vào căn cước công dân mức độ 2 đối với một số trường hợp cá biệt như trẻ em từ 14 tuổi đến 16 tuổi, người không có điều kiện trang bị điện thoại thông minh, người lớn tuổi không sử dụng điện thoại di động…
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận Long Biên khẩn trương hoàn thiện việc lập quy hoạch chi tiết khu vực hồ Triều Bình để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để có phương án giải quyết dứt điểm khiếu nại kéo dài của các hộ dân. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn tổ chức thực hiện thu hồi đất, chấm dứt hoạt động tại Trang trại số 01 - Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức do có hành vi vi phạm quy định pháp luật về đất đai, môi trường.
Về 5 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự tại 5 địa phương, ban Dân nguyện đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Phú Thọ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát lại vụ việc, giải quyết dứt điểm vụ việc, nhất là vụ việc mới phát sinh.
Về 7 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người của các địa phương tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Dân nguyện cũng đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân các tỉnh Bến Tre, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan hữu quan ở Trung ương tổ chức tiếp, đối thoại tại địa phương, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền thụ lý, ban hành quyết định giải quyết (nếu còn thẩm quyền); tổ chức rà soát, rà soát lại nếu có căn cứ.
Theo baotintuc.vn