Đồng hành học sinh khuyết tật đến trường

.

Năm học 2023-2024, chính quyền, ngành giáo dục và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố chú trọng hỗ trợ các cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật qua công tác nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị mới phục vụ công tác dạy và học. Qua đó, giúp học sinh khuyết tật được đến trường học tập, giáo dục kỹ năng sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Học sinh Trường Chuyên biệt Tương Lai tham gia sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: XUÂN HẬU
Học sinh Trường Chuyên biệt Tương Lai tham gia sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: XUÂN HẬU

Chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị

Trở lại trường sau 3 tháng nghỉ hè, Nguyễn Thảo Vy (học sinh Trường Chuyên biệt Tương Lai) cảm thấy rất vui và hào hứng đón chào năm học mới. Năm học này, Vy cùng các bạn được học tập trong lớp học khang trang hơn với bàn ghế và nhiều dụng cụ học tập mới được nhà trường đầu tư, trang bị. “Những tháng hè không được gặp thầy cô em rất nhớ. Đi học em được các thầy cô dạy cho nhiều bài hát hay, tham gia nhiều trò chơi vui, các thầy cô luôn ân cần, chăm sóc, giảng dạy. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ”, Vy chia sẻ.

Năm học 2023-2024, Trường Chuyên biệt Tương Lai tuyển sinh 41 học sinh, nâng tổng số học sinh của trường lên 275 em. Hiện nay, trường dạy 2 đối tượng học sinh gồm khuyết tật trí tuệ và khuyết tật khiếm thính. Đối với các em khuyết tật trí tuệ, nhà trường sẽ dạy theo nhu cầu tiếp thu kiến thức với 50% dạy kiến thức văn hóa và 50% dạy kỹ năng sống. Đối với học sinh khuyết tật khiếm thính, các em vẫn được học theo chương trình phổ thông.

Cô Phạm Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp C3, Trường Chuyên biệt Tương Lai chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là có những dụng cụ học tập phù hợp để giảng dạy cho các em học sinh. Chúng tôi cố gắng tăng sự thu hút, tập trung của các em thông qua nhiều hoạt động trong từng tiết học. Mục tiêu lớn nhất vẫn là giúp các em có những kỹ năng sống để tự chăm sóc cho bản thân, tự tin hòa nhập cộng đồng tốt hơn”.

Theo thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương Lai, trong những tháng hè, nhà trường đã tiến hành sửa sang lại trường lớp, bàn ghế, mua sắm thêm trang thiết bị như: 3 ti-vi, 50 bộ bàn ghế học tập, đồ dùng phục vụ cho dạy nghề trong năm học 2023-2024. Đội ngũ cán bộ giáo viên gồm 41 người, trong đó có 25 thầy cô được đào tạo về chương trình giáo dục đặc biệt, nắm vững lý thuyết, kỹ năng để đứng lớp. Nhà trường đã liên kết với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh để mời các thầy cô trong Khoa Giáo dục đặc biệt tổ chức các lớp dạy nâng cao kiến thức, kỹ năng cho 15 thầy cô trong trường.

“Năm học này, nhà trường đặt mục tiêu sẽ tạo môi trường xanh - sạch - đẹp và an toàn cho học sinh. Đồng thời, tổ chức thêm hoạt động trải nghiệm, văn nghệ, thể thao, tham quan, dã ngoại, tạo nhiều sân chơi để các em được tham gia và hòa nhập cộng đồng”, thầy Quy chia sẻ.

Tiếp sức đến trường

Trong khi đó, tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, năm học 2023-2024 có tổng số 268 học sinh, trong đó có 33 học sinh mới gồm khuyết tật trí tuệ, khiếm thị, tự kỷ, bại não. Theo bà Đỗ Thị Đỗ Quyên, Giám đốc trung tâm, năm học qua, do ảnh hưởng của thiên tai, nhiều khu vực dạy học của trung tâm bị ảnh hưởng. Tranh thủ thời gian nghỉ hè, trung tâm tổ chức kiểm tra, sửa chữa các hạng mục thiết bị dạy học, trường, lớp để phục vụ cho năm học mới. Trung tâm đã thay những thiết bị sân chơi bị hư hỏng do lũ lụt, thay hệ thống quạt trần, bổ sung 5 ti-vi. Năm nay số lượng tiếp nhận học sinh đông nên trung tâm đã sửa chữa mở thêm 1 phòng học và tiến hành chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi.

Trước khi tiếp nhận, trung tâm tổ chức đánh giá khảo sát học sinh mới. Đồng thời, tư vấn cho phụ huynh đưa các em đến các ngôi trường phù hợp, với những trường hợp các em khuyết tật nhẹ sẽ tư vấn về các trường hòa nhập tại cộng đồng. Trung tâm cũng tổ chức tập huấn, hội thảo, tổ chức chuyên đề để các thầy, cô giáo được nâng cao trình độ chuyên môn.

“Năm học mới, trung tâm sẽ tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động vui chơi với hình thức phù hợp để các em được tham gia, trải nghiệm. Mong muốn lớn nhất là trung tâm có thể mở rộng phòng học và tuyển dụng thêm giáo viên chất lượng để tạo môi trường học tập tốt, bảo đảm cho tất cả các em đều có điều kiện tốt nhất để đến trường”, bà Quyên chia sẻ.

Mới đây, Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức giao lưu với học sinh khuyết tật, bị bệnh bẩm sinh, bệnh hiểm nghèo là con của đoàn viên, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm học mới. Tại buổi giao lưu, các em được tham gia các trò chơi, xem xiếc ảo thuật và có những giờ phút thư giãn cho năm học mới. Theo Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Nguyễn Thành Trung, Công đoàn luôn dành sự quan tâm đối với con, em đoàn viên, công nhân, người lao động. Đặc biệt là các em kém may mắn hơn bị khuyết tật, bệnh bẩm sinh, bệnh hiểm nghèo. Hằng năm, Công đoàn luôn tổ chức các chuyến đến thăm tại nhà, động viên, chia sẻ với các em.

Ngoài ra, khi nhận được những thông tin cần hỗ trợ, Công đoàn sẵn sàng vận động, đóng góp để giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em được đến trường. Trong buổi gặp mặt mới đây, Công đoàn động viên, lắng nghe chia sẻ của các em, đồng thời trao tặng 336 suất quà để hỗ trợ một phần, giúp các em tự tin bước vào năm học mới.

XUÂN HẬU

;
;
.
.
.
.
.