Ngày 25-9, trước tình hình mưa do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới gây ngập úng cục bộ nhiều tuyến đường, khu vực dân cư, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh kiểm tra thực tế một số điểm ngập úng và chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động kiểm tra, huy động lực lượng khơi thông thoát nước và có giải pháp khắc phục các bất cập đầu tư cải tạo, vận hành hạ tầng thoát nước để bảo đảm chống ngập úng trong mùa mưa.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (giữa) kiểm tra, chỉ đạo công tác chống ngập úng chiều tối 25-9. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Nạo vét, khơi thông thoát nước đang phát huy hiệu quả
Kiểm tra tại điểm ngập úng ở đường Núi Thành, đoạn từ kiệt 134 Núi Thành đến đường Duy Tân (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu), do bất cập trong khớp nối thoát nước sau khi thi công dự án Nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng phải tập trung khắc phục bất cập này ngay từ ngày 26-9; đồng thời, phải phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát tổng thể thoát nước tại khu vực này để xử lý, giải quyết tình trạng ngập úng.
Trong quá trình xử lý, nếu trời mưa lớn thì phải bố trí máy bơm chống ngập và cử người ứng trực, vận hành, không để ngập nặng như thời gian qua. “Công tác chống ngập úng là cấp bách nên các đơn vị, địa phương phải tập trung phối hợp với nhau, tăng cường trách nhiệm để nhanh chóng xử lý các bất cập thoát nước, bảo đảm chống ngập úng”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Đến kiểm tra công tác vận hành trạm bơm chống ngập ở đường Trương Chí Cương và công tác khơi thông thoát nước, chống ngập úng trên một số tuyến đường, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh động viên, lưu ý Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cùng Sở Xây dựng tiếp tục tập trung vận hành các công trình chống ngập và ứng trực để khơi thông các cửa thu nước mưa để giảm ngập cho các đoạn đường, khu vực.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng diễn ra cùng ngày, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, thời gian qua, từ cấp thành phố đến các quận, huyện, phường, xã đã rất nỗ lực, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục vấn đề ngập úng và đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, trong trận mưa tập trung thời gian ngắn xảy ra vào sáng 25-9, vẫn xảy ra ngập úng cục bộ nhiều điểm. Cả thành phố đã nỗ lực, quyết liệt, từng bước khắc phục tình trạng ngập úng, nước đã rút nhanh hơn.
“Tuy nhiên, một số vấn đề liên quan đến chống ngập úng cần phải có thời gian và có dự án lớn, chứ không thể khắc phục ngay được. Về cơ bản, đợt tổng ra quân nạo vét, khơi thông cửa thu nước mưa, hố ga, hệ thống thoát nước được thành phố thực hiện trong thời gian qua đã đạt hiệu quả bước đầu”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Qua đó, quán triệt các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình phải bám sát, theo dõi, xử lý các vấn đề liên quan đến ứng phó với thiên tai, tránh khi xảy ra sự cố do thiên tai mới khắc phục hậu quả. Các công trình xây dựng cần được giám sát, bảo đảm an toàn, tránh để xảy ra sạt lở, sụt lún, gây ngập úng...
Sau trận mưa này, Sở Xây dựng phối hợp kiểm tra các điểm ngập úng chính mà nhiều năm qua chưa được khắc phục hoặc khắc phục chưa hiệu quả để tiếp tục xử lý... Chủ tịch UBND thành phố giao trách nhiệm cho các đơn vị, địa phương chủ động thực hiện việc cho học sinh nghỉ học tùy theo tình hình thời tiết và tình hình mưa lớn, ngập úng; tăng cường tuyên truyền rõ ràng, đầy đủ, kịp thời đến người dân về tình hình mưa lớn, ngập úng...
Đường Nguyễn Văn Linh còn bị ngập nước lúc 10 giờ trưa 25-9. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Ghi nhận có 40 điểm ngập nhưng nước rút nhanh
Tại cuộc họp của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố vào chiều 25-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường lưu ý các đơn vị, địa phương phát huy cũng như rút kinh nghiệm, đặc biệt là từ thực tế của trận ngập lụt lịch sử xảy ra vào ngày 14-10-2022 để có những phương án xử lý sớm, ngay khi xảy ra tình trạng mưa, lũ gây ngập lụt. Trong thời gian vừa qua, cả thành phố đã ra quân tổng vệ sinh, khơi thông cửa thu nước mưa, cống thoát nước và đã phát huy hiệu quả, nhưng các quận, huyện, phường, xã cũng cần huy động lực lượng dân quân, đoàn viên thanh niên, thành lập lực lượng thường trực... để khi xảy ra ngập úng, mưa lớn... có thể triển khai ngay lực lượng khơi thông thoát nước cũng như ứng phó với thiên tai.
UBND các quận, huyện phối hợp, liên hệ với Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng để mượn, chế tạo các thiết bị, phương tiện kỹ thuật tháo, lắp miệng cống... nhằm thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. UBND huyện Hòa Vang cần rà soát kỹ các nhóm người vào khai thác, sinh hoạt trong rừng để sơ tán, bảo đảm an toàn cho những nhóm người này, tránh rủi ro khi xảy ra sạt lở, lũ quét.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ rạng sáng đến trưa 25-9, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có mưa to đến rất to, một số nơi có lượng mưa hơn 200mm như Trung tâm Giáo dục dạy nghề 05-06 (200mm), UBND phường Hòa Phát (203mm), đường Lê Thanh Nghị (205mm), xã Hòa Bắc (201,6mm)...
Đặc biệt, do mưa cường độ lớn tập trung từ 5 giờ sáng đến 10 giờ trưa làm nhiều tuyến đường, khu vực dân cư thấp trũng và một số nhà dân bị ngập úng cục bộ, nhất là đường 30 Tháng 4, Núi Thành, Phan Đăng Lưu, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Đình Tựu, Nguyễn Phước Nguyên, Trường Chinh, Trần Thái Tông, Phan Xích Long, Lê Đại Hành, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo, Vân Đồn, Trần Thánh Tông, Mỹ Khê 5, Mỹ Khê 8, Lê Tấn Trung, Võ Duy Ninh, Quang Trung, kiệt 317 Nguyễn Phước Nguyên,... Theo Sở Xây dựng, qua thống kê có 40 điểm ngập. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND các quận, huyện và Sở Xây dựng, sau khi tập trung nạo vét, khơi thông thoát nước tại các cửa thu nước mưa trong 2 tuần qua, nước rút nhanh hơn, thoát tốt hơn.
HOÀNG HIỆP