Theo thống kê, tính đến 8 giờ ngày 28-9, mưa lớn đã làm một người chết do sét đánh, 7 người bị thương, một người bị lũ cuốn trôi, 2 nhà bị sập, 297 nhà bị hư hại.
Đường Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định có chỗ bị ngập tới 70cm, khiến nhiều phương tiện bị chết máy. (Ảnh: Công Luật/TTXVN) |
Mưa lớn kéo dài liên tục kéo dài trong hai ngày qua tại môt số tỉnh, thành phố khiến nhiều căn nhà bị hư hại; nhiều tuyến đường bị ngập lụt, sạt lở; nhiều khu dân cư bị ảnh hưởng.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, mưa lớn từ ngày 24 đến 28-9 đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại nhiều điểm.
Tính đến 8 giờ ngày 28-9, mưa lớn đã làm một người chết do sét đánh (thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), 7 người bị thương (Yên Bái 1, Thừa Thiên Huế 6), một người bị lũ cuốn trôi (tại bản Lầu, xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa); 2 nhà bị sập (Nghệ An); 297 nhà bị hư hại (Thanh Hóa 20, Nghệ An 99, Hà Tĩnh 6, Quảng Trị 88, Thừa Thiên Huế 84).
Mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất làm 7 điểm đường giao thông bị sạt lở (Yên Bái, Hòa Bình); 7 cầu dân sinh bị hư hỏng (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình); sạt lở đất đá tại 84 điểm đường giao thông (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình); 6 cống bị hư hỏng, cuốn trôi (Thanh Hóa, Nghệ An ); một ngầm tràn bị xói lở (Quảng Bình); 5.807ha lúa, hoa màu và các loại cây khác bị thiệt hại; 2.388 con gia súc và gia cầm bị chết; 677,5ha ao hồ bị ngập (Thanh Hóa, Nghệ An); ba lồng cá bị cuốn trôi (Nghệ An).
Cùng với đó, mưa lớn đã làm 10m mái đê tả sông Hoàng (Thanh Hóa) bị sạt lở, một tàu cá bị chìm khi đang neo đậu trên sông Gianh (Quảng Bình). Hai cột điện trung thế bị gãy đổ (Thừa Thiên Huế); 2.000 cây ăn quả, cây bóng mát bị ảnh hưởng, một nhà văn hóa, 3 nhà kho bị hư hỏng (Quảng Trị); 993m hàng rào bị sập đổ ( tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh); 160m ống nước sinh hoạt bị hư hỏng ( tại Nghệ An); hai nhà hàng nổi bị chìm, trôi ( tại Quảng Bình)...
Phố phường thành Nam ngập trong "biển" nước
Mưa lớn liên tục kéo dài trong hai ngày qua đã làm nhiều tuyến phố trên địa bàn thành phố Nam Định ngập sâu. Các phương tiện giao thông không thể di chuyển. Nhiều hộ kinh doanh phải đóng cửa. Một số trường học cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn...
Ngập nặng và sâu nhất là các tuyến phố Hùng Vương, Hàn Thuyên, Mạc Thị Bưởi, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Hàng Thao, Máy Tơ... Đặc biệt, một số tuyến như: Hùng Vương, Hàn Thuyên, Trần Hưng Đạo... ngập sâu từ 50-80cm khiến nhiều ôtô, xe máy đi vào bị chết máy, phải gọi xe cứu hộ đến giải cứu.
Do nhu cầu đi lại cao, nhiều người tham gia giao thông cố vượt qua đoạn đường ngập trắng nước, thậm chí đi trên vỉa hè, ở những vị trí bị ngập nhẹ hơn để đi qua vùng bị ngập. Điều này rất nguy hiểm vì dưới lòng đường, trên vỉa hè đều có các hố ga nước chảy xiết, khi đường bị ngập trắng rất khó phân biệt đâu là lòng đường, đâu là vỉa hè, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao.
Đường ngập sâu, nước tràn vào nhà từ 30-50cm khiến các cửa hàng kinh doanh buôn bán ở nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Nam Định phải đóng cửa, kê cao đồ đạc trong nhà, tránh hư hỏng.
Một số trường học ở thành phố Nam Định như Trường Tiểu học Kim Đồng, các Trường Trung học Cơ sở: Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Thụ cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Cơ quan chuyên môn thành phố Nam Định đã tăng cường lực lượng trực chốt, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí hố ga, cống thoát nước, những nơi nước sâu để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Đến trưa 28-9, mưa vẫn chưa dứt. Người dân thành phố Nam Định cho biết đây là đợt mưa lớn kéo dài chưa từng xuất hiện trong vài năm trở lại đây.
Hòa Bình: Mưa lớn gây ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất
Từ ngày 26 đến 28-9, địa bàn tỉnh Hòa Bình có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được tại huyện Đà Bắc là 169,6mm; Lạc Sơn 163,6mm; Yên Thủy 136,4mm...
Dự báo, tại tỉnh Hòa Bình, trong những ngày tới tiếp tục có mưa to và dông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Ghi nhận tại huyện Đà Bắc, mưa lũ đã làm thiệt hại 4 ngôi nhà, đất đá sạt lở vào tường, cột nhà làm biến dạng nhà và có nguy cơ bị xô lệch cột nhà. Huyện Yên Thủy có một nhà bị sạt lở đất vào sau nhà, khối lượng khoảng 30m3; 4 hộ bị tốc mái; 24 hộ bị ngập úng phải di dời.
Huyện Lương Sơn có 7 hộ phải sơ tán và 26 hộ bị cô lập do ngập úng. Huyện Lạc Sơn có một hộ dân bị sạt lở đất vào sau nhà, khối lượng khoảng 30m3. Huyện Kim Bôi có 4 hộ dân phải sơ tán do ngập úng...
Mưa lũ gây thiệt hại về hoa màu và lúa; trong đó huyện Cao Phong khoảng 50ha, Lạc Thủy khoảng 70ha, Tân Lạc 10ha, Yên Thủy 910ha, Đà Bắc 0,3ha, Kim Bôi 44ha...
Về thiệt hại về công trình, huyện Đà Bắc bị đổ sập hệ thống tường kè mái taluy âm nhà dân tại xã Đồng Chum, chiều dài tường kè khoảng 15m;
Các tuyến đường giao thông bị sạt lở như ở Quốc lộ 6 (Km79+100); Km7+200 tuyến Y1; Tuyến đường 433...
Hiện nay, lũ tại sông Bôi, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) tiếp tục dâng lên rất nhanh, cơ quan chức năng tăng mức cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai lên cấp độ 3.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn, Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai-Tìm kiếm Cứu nạn và Phòng thủ Dân sự tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nội dung.
Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống người dân
Tiếp tục khắc phục và ứng phó với mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 898/CĐ-TTg ngày 28-9 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Các tỉnh, thành phố huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất ngay sau lũ, sớm ổn định đời sống người dân; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói.
Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, nhất là tại Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh miền núi phía Bắc; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, các địa phương sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra; tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố, Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã thăm hỏi, động viên những gia đình có người thương vong và mất tích, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.
Theo Vietnam+