Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy trong tình hình mới

.

ĐNO - UBND thành phố vừa có công văn giao các ngành chức năng tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy trong tình hình mới.

Cảnh sát giao thông đường thủy, kiểm tra hoạt động của tàu du lịch. Ảnh: GIA MINH
Cảnh sát giao thông đường thủy, kiểm tra hoạt động của tàu du lịch. Ảnh: GIA MINH

Cụ thể, UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ký cam kết với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy về thực hiện nghiêm pháp luật trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy, công tác phòng cháy - chữa cháy trên phương tiện, văn hóa giao thông đường thủy.

Cảng vụ đường thủy nội địa chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kết hợp với tuyên truyền về TTATGT đường thủy nội địa, tập trung đối tượng là chủ phương tiện thủy, người điều khiển phương tiện thủy, nhân viên phục vụ trên tàu du lịch, tàu du lịch phải được trang bị đủ áo phao cứu sinh, người ngồi trên phương tiện thủy phải mặc áo phao.

Thường xuyên kiểm tra hoạt động của bến tàu du lịch, phương tiện thủy chở khách, người điều khiển phương tiện thủy nội địa trên các tuyên sông, tuyệt đối không để phương tiện thủy không bảo đảm điều kiện hoạt động.

Bên cạnh đó, đề xuất các giải pháp bảo đảm giao thông đường thủy nội địa, lắp đặt đầy đủ hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu về đường thủy;

Kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền chở đúng số người quy định, phải có đăng ký, đăng kiểm theo quy định hiện hành của Nhà nước; chủ động phòng ngừa, xử lý, bảo đảm TTATGT tại các vị trí có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

Phối hợp với UBND quận, huyện về bảo đảm trật tự hành lang an toàn đường thủy nội địa; có biện pháp ngăn ngừa, xử lý nghiêm việc lấn chiếm tuyến luồng đường thủy nội địa gây mất an toàn đường thủy nội địa...

Công an thành phố tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TW ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới trên địa bàn thành phố, trong đó chú ý công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa.

Đồng thời, thực hiện công tác phân tích, dự báo tình hình; bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường thủy nội địa.

Đẩy mạnh việc phát hiện và xử lý vi phạm TTATGT đường thủy nội địa bằng các phương tiện kỹ thuật công nghệ cao, hệ thống camera giám sát từ xa, nhằm kịp thời ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy.

Đặc biệt chú ý kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải, nhất là hoạt động vận tải khách, vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy, chú ý các tuyến từ bờ ra đảo, bán đảo Sơn Trà...; xử lý kiên quyết không để tàu thuyền không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật và điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng phương tiện thủy nội địa đưa ra hoạt động...

Tăng cường các biện pháp kiểm tra, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa trên các tuyến sông.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tiếp tục thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao về công tác bảo đảm TTATGT đường thủy; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường kiểm tra xử lý các trường hợp phát sinh phương tiện thủy hoạt động không phép tại khu vực bán đảo Sơn Trà, trên sông Hàn.

UBND thành phố giao UBND các quận, huyện nâng cao trách nhiệm cá nhân trong công tác thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa; tập trung công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn quản lý.

Tăng cường tuyên truyền an toàn giao thông đường thủy nội địa với nhiều hình thức phong phú và đa dạng đến từng đối tượng, khu vực trên địa bàn quản lý.

Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng tổ chức công tác kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường thủy nội địa trên địa bàn quản lý; nghiêm cấm các loại phương tiện thủy không bảo đảm điều kiện an toàn hoạt động trên sông, ao hồ...

Duy trì công tác tổ chức ra quân lập lại hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. 

Ban An toàn giao thông thành phố có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú, phù hợp với tình hình thực tế, với từng đối tượng...

GIA MINH

;
;
.
.
.
.
.