Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản nhân dân, Ban Chỉ huy Quân sự quận Liên Chiểu không chỉ chủ động triển khai các phương án, củng cố phương tiện, thường xuyên luyện tập mà còn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường bám nắm địa bàn, phối hợp hiệp đồng, sẵn sàng lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân trong vùng mưa lũ.
Lực lượng Ban Chỉ huy Quân sự quận Liên Chiểu hỗ trợ sơ tán nhân dân bị ngập lụt đến nơi an toàn. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Thiếu tá Tôn Long Định, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm Chính trị, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) quận Liên Chiểu cho biết, với đặc thù về địa lý nên quận Liên Chiểu - nơi theo thống kê nhiều năm là địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất của thiên tai, lụt bão so với các vùng khác của thành phố. Do đó, công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) được đơn vị xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên.
Theo Thiếu tá Tôn Long Định, ngay trong kế hoạch hằng năm, Ban CHQS quận xác định khu vực trọng điểm bão gồm 4 phường (Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Khánh Bắc, Hòa Minh). Ban CHQS quận chủ động phối hợp chính quyền các địa phương, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tổ chức hiệp đồng lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động xử lý khi có tình huống xảy ra; đồng thời duy trì nghiêm chế độ trực ban cứu hộ, cứu nạn, nắm chắc tình hình, diễn biến thời tiết trên địa bàn; tổ chức quản lý chặt chẽ vật chất, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên phương tiện phục vụ công tác PCTT-TKCN.
“Trong thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi xác định và vận dụng hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”, huy động tổng lực người, phương tiện, cơ sở vật chất, ứng cứu kịp thời, cứu người trước, cứu tài sản sau. Chính vì vậy mà trong đợt mưa lớn vừa qua, địa bàn Liên Chiểu có nhiều nơi bị ngập nặng song không có thiệt hại về người, tài sản của nhân dân được hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất”, Thiếu tá Tôn Long Định khẳng định.
Theo Ban CHQS quận, mưa lớn trong ngày 13 và 14-10 khiến địa bàn quận ngập cục bộ nhiều tuyến đường như: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tô Hiệu, Mẹ Suốt, Mê Linh và nhiều tuyến đường trong khu công nghiệp Hòa Khánh cùng nhiều khu dân cư trên địa bàn, đặc biệt có những nơi nước ngập 1m. Trong đó, phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc là các địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất. Tuy nhiên, nhờ nắm chắc tình hình, Ban CHQS quận chủ động trong công tác chỉ đạo và phối hợp các đơn vị bộ đội đóng chân trên địa bàn như: Đồn Biên phòng Hải Vân, Tiểu đoàn Đặc công 409... di dời hơn 3.000 hộ dân đến nơi an toàn; bố trí ăn, ở cho hơn 300 hộ dân vào trụ sở UBND và doanh trại quân đội, giúp nhân dân sơ tán hàng trăm tài sản và neo đậu hàng trăm tàu thuyền tại các bến sông bảo đảm an toàn. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn quận Liên Chiểu chưa có thiệt hại về người và tài sản do đợt mưa lớn.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, Trung tá Kiều Duy Tiến, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hải Vân cho biết, ngay khi tiếp nhận chỉ đạo, đơn vị thành lập 3 tổ công tác đặc biệt, trong đó có 2 tổ được triển khai thường trực tại chỗ (phụ trách địa bàn phường Hòa Minh) và 1 tổ trực phụ trách địa bàn phường Hòa Khánh Bắc và Hòa Khánh Nam. Tổ còn lại trực sẵn sàng cơ động khi có yêu cầu.
“Các tổ có nhiệm vụ phối hợp hiệu quả cùng chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đến các khu vực trọng yếu, có nguy cơ ngập sâu như đường Mẹ Suốt, Âu Cơ… để vận động, giúp đỡ nhân dân sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn. Tính đến nay, các lực lượng cơ bản hoàn thành nhiệm vụ di dời dân, đồng thời hỗ trợ trong việc trao nhu yếu phẩm như nước uống, mỳ ăn liền, lương khô… cho người dân. Chúng tôi tham mưu về việc hỗ trợ 2 xuồng phao và các tổ, các lực lượng đang túc trực 24/24 giờ tại các khu vực trọng yếu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp trên”, Trung tá Kiều Duy Tiến thông tin thêm.
Để tiếp tục chủ động ứng phó với mưa lớn và lũ cục bộ, Thiếu tá Tôn Long Định cho biết, Ban CHQS quận chủ động tham mưu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn quận tiếp tục tổ chức tuyên truyền cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang quận tích cực, chủ động phòng, chống phòng thiên tai và cách phòng chống lụt, mưa lớn, sạt lở đất, đá; đề phòng mưa, giông lốc, sét…
“Trong đó tập trung duy trì nghiêm chế độ ứng trực 100%; thường xuyên cập nhật, nắm chắc tình hình khí tượng, thủy văn; kiểm tra, bổ sung, điều chỉnh các phương án, kế hoạch; luôn ở tư thế sẵn sàng về con người, phương tiện, vật chất nhằm chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra”, Thiếu tá Tôn Long Định nhấn mạnh.
ĐẮC MẠNH